Tần Thủy Hoàng là một nhân vật sáng lập thời đại mang đầy màu sắc truyền kỳ trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Ông nổi tiếng với độ tàn bạo và có cách cai trị đất nước có một không hai. Ông cũng đã để lại nhiều công trình kỳ vĩ. Nổi tiếng là thế nhưng xung quanh cuộc đời của Tần Thủy Hoàng vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn khiến khiến hậu thế “vò đầu bứt tai”.
Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN), tên thật là Doanh Chính, còn có tên khác là Triệu Chính là vua của nước Tần ở Trung Quốc từ năm 246 – 221 TCN trong thời kỳ Chiến Quốc và kế vị năm 13 tuổi, năm 39 tuổi thống nhất 6 nước kiến lập nên triều Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất vào năm 221 trước Công nguyên sau khi tiêu diệt các nước chư hầu khác. Ông cai trị cho đến khi qua đời vào năm 210 trước Công nguyên ở tuổi 49.
1 – Giả thuyết mối quan hệ giữa Lã Bất Vi và Tần Thuỷ Hoàng
Mẹ của Tần Thuỷ Hoàng là Triệu Cơ, theo truyền thuyết từng là ái cơ của Lã Bất Vi, sau dâng lên cho Tử Sở, được phong là Vương hậu. Thế thì, Tần Thuỷ Hoàng rốt cuộc là con của Tử Sở hay là con của Lã Bất Vi, vấn đề này người đời sau tranh luận không thôi.
Cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên chép, Lã Bất Vi vốn là cự phú ở Bộc Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Ông là một thương nhân giàu có và nổi tiếng. Nắm trong tay tiền bạc nhiều không đếm xuể nhưng Lã Bất Vi luôn thèm muốn quyền lực, địa vị. Vì thế, Lã Bất Vi đã sắp xếp hành trang đến kinh đô Hàm Đan của nước Sở, chuyên tâm tính toán một âm mưu, tìm cách đem người cháu của Tần vương là Dị Nhân hiện làm con tin ở nước Triệu đưa về cho Hoa Dương phu nhân đang được Tần vương sủng ái để làm con thừa tự. Trong một khoảng thời gian ngắn, Dị Nhân được lập làm người kế ngôi (Thái tử), đổi tên là Tử Sở.
Chẳng bao lâu trong nước sinh biến, Tần Chiêu Vương, Hiếu Văn Vương nối nhau qua đời, Tử Sở đường hoàng bước lên Vương vị, Lã Bất Vi được phong làm Thừa tướng. Sau đó Lã Bất Vi đem ái cơ của mình là Triệu Cơ dâng lên cho Tử Sở. Triệu Cơ sinh Doanh Chính, được phong làm Hoàng hậu. Không ngờ Tử Sở tại vị chỉ được 3 năm rồi qua đời, vì thế con của ông ta là Doanh Chính đương nhiên kế thừa vương vị, đó chính là Tần Thuỷ Hoàng sau này.
Theo sử sách chép lại, Lã Bất Vi coi Doanh Chính là con mình, bảo Doanh Chính gọi mình là “Trọng phụ”. Nhờ đó, Lã Bất Vi tự mình nắm giữ chính sự cả nước, trở thành nhân vật “dưới một người, trên vạn người”, một tay che lấp mặt trời, quyền hành khuynh loát cả trong triều ngoài nội.
Liên quan đến bí ẩn thân thế Tần Thủy Hoàng, cuốn sử ký có chép: “Tần Vương Chính là do Tần Trang Tương Vương Tử Sở và Triệu Cơ sinh ra. Nhưng lúc Lã Bất Vi mang Triệu Cơ hiến tặng cho Tử Sở, thì đã biết được bà có mang, cũng có nghĩa là rất có khả năng Doanh Chính là đứa con riêng của Lã Bất Vi”.
Trong cuốn Hán thư nổi tiếng, sử gia thời Đông Hán Ban Cố đã gọi Doanh Chính là con riêng của Lã Bất Vi. Câu chuyện này lưu truyền qua dân gian và được biết đến sâu rộng cho tới ngày nay.
Theo trang mạng Qulishi, nhận định về giả thuyết ngàn năm này, các học giả Trung Quốc hiện đại tổng kết thành 4 quan điểm chính:
Thứ nhất, đây có thể là quan niệm do những người trung thành với triều đình 6 nước bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt dựng nên. Họ căm hờn vì bị mất nước, lại phát hiện mẹ vua Tần từng là thiếp của Lã Bất Vi, nên bịa ra chuyện này nhằm hạ thấp thanh danh của vị Hoàng đế đầu tiên. Từ đó, những người này có cớ để tập trung lực lượng, tìm cách tạo phản.
Thứ hai, đây là chiến lược mà Lã Bất Vi đã vạch ra ngay từ đầu, mưu tính dùng tình cảm cha con để có được sự ủng hộ của Tần Thuỷ Hoàng, thâu tóm quyền lực về tay mình. Đó cũng là điều mà Lã Bất Vi mong muốn nhất khi đã trở thành thương nhân giàu có.
Thứ ba, trở thành Hoàng đế đầu tiên Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đứng trước sự phản kháng cũng như áp lực rất lớn, đặc biệt là tại lãnh thổ 6 nước trước đây. Vì vậy, Lã Bất Vi lan truyền mình là cha của Tần Thủy Hoàng, để Doanh Chính đường đường chính chính đoạt lấy giang sơn, không mang danh nhà Tần thống nhất thiên hạ. Cái hận mất nước của các sĩ phu 6 nước bị tiêu diệt cũng vì vậy mà tự mất đi.
Cuối cùng, đa số các tư liệu lưu trong sử sách nói Tần Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi đều xuất hiện từ đời nhà Hán trở đi. Nhà Hán chính là triều đại thay thế nhà Tần, vì vậy, các sử gia nhà Hán có nhiệm vụ phải phác họa hình ảnh nhà Tần một cách tiêu cực nhất có thể.
Người đời sau cũng có người cho rằng các thuyết nêu trên hoàn toàn không có khả năng thành lập, bởi:
Thứ nhất, nhìn từ phương diện Tử Sở, cho dù có âm mưu của Lã Bất Vi, nhưng tính khả năng thực hiện rất xa vời, bởi khi Tần Chiêu Vương tại vị, chưa chắc đã truyền vương vị cho Tử Sở, càng không thể nghĩ đến việc truyền cho đứa con tương lai của Tử Sở.
Thứ hai, từ ngày tháng ra đời của Tần Thuỷ Hoàng mà suy nghĩ, nếu Triệu Cơ trước khi tiến cung đã có thai, Tần Thuỷ Hoàng nhất định sẽ sinh không đúng kỳ tính từ lúc vào cung, đối với việc này Tử Sở không thể không biết. Có thể thấy, cha đẻ của Tần Thuỷ Hoàng phải là Tử Sở chứ không phải Lã Bất Vi.
Thứ ba, nhìn từ xuất thân của Triệu Cơ, cũng có điều để nói. Trong Sử ký – Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ có chép, sau khi Tần diệt Triệu, Tần vương đích thân đến Hàm Đan, cho giết hết những người có thù oán với mẹ của Tần vương. Triệu Cơ xuất thân hào phú, làm sao có thể trước làm ái cơ của Lã Bất Vi, sau lại được dâng cho Dị Nhân làm thiếp? Như vậy, sẽ không tồn tại việc Triệu Cơ mang thai với Lã Bất Vi lại được gã cho Dị Nhân.
Bí ẩn thân thế Tần Thuỷ Hoàng chỉ lưu lại những suy đoán cho người đời sau, nhưng thành ngữ “kì hoá khả cư” lại từ đó mà lưu truyền hậu thế.
2 – Diện mạo của Tần Thủy Hoàng
Dung nhan của vị hoàng đế nổi tiếng thời Tần vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu với 2 luồng ý kiến trái chiều nhau:
Một phía cho rằng Tần Thủy Hoàng là một người điển trai, phong độ với đôi mắt to, mũi cao, giọng nói to, rõ ràng, tinh thần quyết đoán, dáng đi thẳng và đầy tự tin.
Trong khi đó, phía đối diện lại cho rằng Tần Thủy Hoàng có chiều cao khiêm tốn và có cơ thể bị biến dạng, trở nên xấu xí với chiếc mũi gãy, nhãn cầu lồi và giọng nói khó nghe, ngực nhô ra, thậm chí còn bị viêm khí quản và bị còi xương.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu không đồng tình với luận điểm Tần Thủy Hoàng có dung mạo xấu xí bởi lẽ cha mẹ ông là Trang Tương Vương nước Tần và Triệu Cơ đều thuộc hàng “trai tài gái sắc” nên không có lý do gì mà con sinh ra lại xấu xí được. Ngoài ra, gần như không có vị quân vương nào với dung mạo khó coi mà được quần thần phục tùng và phò tá, tận trung đến như vậy.
3 – Không lập Hoàng hậu suốt 37 năm trị vì
Tần Thủy Hoàng có hàng ngàn giai nhân hầu hạ, chăm lo chuyện “chăn gối”. Thế nhưng, kể từ khi lên ngôi cho đến khi băng hà, Tần Thủy Hoàng không lập hậu. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử các triều vua Trung Hoa. Cho đến nay, sự việc này vẫn là bí ẩn lớn chưa có lời giải.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia đã đưa ra một số lý do có thể giải thích cho hành động không lập hậu của Tần Thủy Hoàng.
Ý kiến đầu tiên cho rằng ông muốn tập trung vào việc chính sự và không muốn bị phiền toái nên không lập ngôi vị Hoàng hậu nhằm tránh đam mê tửu sắc của bản thân mình. Giả thuyết khác lại cho rằng do mải mê chìm đắm trong việc tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử nên Tần Thủy Hoàng không còn tâm trí nghĩ đến chuyện lập hoàng hậu. Cũng có ý kiến cho rằng do Tần Thủy Hoàng có yêu cầu quá cao về ngôi vị Hoàng hậu nên chẳng thể tìm được người thích hợp.
Trong số này, nổi bật là quan điểm cho rằng lý do khiến Tần Thủy Hoàng cả đời không lập Hoàng hậu là vì không có được mối tình chân thành, khắc cốt ghi tâm nào. Dù có nhiều mỹ nhân vây quanh hầu hạ nhưng Tần Thủy Hoàng nhận thấy không có người phụ nữ nào yêu ông chân thành. Chính vì vậy, Tần Thủy Hoàng quyết định không lập hậu.
Một quan điểm khác cho rằng sở dĩ Tần Thủy Hoàng không lập hậu cho đến khi chết là vì ông hoàng nổi tiếng lịch sử này mất niềm tin vào phụ nữ. Nguyên do là vì Tần Thủy Hoàng đã chứng kiến những hành động lăng loàn, đáng xấu hổ của mẹ – Triệu Cơ. Sinh thời, Triệu Cơ được cho là có quan hệ bất chính với Lã Bất Vi, Lao Ái. Thậm chí, Triệu Cơ còn bị nghi ngờ là có con riêng với nhân tình khiến Tần Thủy Hoàng vô cùng tức giận và giết những người em cùng mẹ khác cha. Chính những hành động này của mẹ đã khiến Tần Thủy Hoàng chán ghét, thậm chí căm hận phụ nữ cho rằng họ đều là những người sa đọa, không chung thủy. Theo đó, những mỹ nhân vây quanh Tần Thủy Hoàng chỉ giúp ông giải quyết nhu cầu sinh lý chứ không đủ phẩm chất để làm hoàng hậu sánh bước bên ông cùng trị vì đất nước.
Tất cả những lý do này đều là chỉ là suy đoán của giới chuyên gia. Cho đến nay, không ai có thể giải thích chính xác lý do cả đời Tần Thủy Hoàng không lập hậu.
4 – Uẩn khúc về cái chết
Tần Thủy Hoàng qua đời khi mới 49 tuổi và cho đến nay, cái chết của đại nhân vật lịch sử này vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Có hai luồng quan điểm xung quanh cái chết của Tần Thủy Hoàng. Theo đó, một quan điểm cho rằng ông chết vì mắc bệnh tại Hành cung Sa Khâu (nay thuộc tỉnh Hà Bắc) khi đang trên đường tuần du lần thứ năm nhằm tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử. Đây chính là thông tin được ghi chép lại trong “Sử ký” – tài liệu lịch sử quan trọng của người Trung Quốc nhằm giải thích cho cái chết của ông vua sáng lập ra nhà Tần. Tuy nhiên, một quan điểm khác suy đoán cái chết của Tần Thủy Hoàng có liên quan đến hoạn quan Triệu Cao. Quan điểm này cũng được các nhà sử học Trung Quốc đưa ra sau khi phân tích cặn kẽ các tài liệu và bối cảnh lịch sử.
Năm Thủy Hoàng thứ 37 (năm 210 TCN), Tần Thủy Hoàng ngã bệnh và qua đời khi đang đi tuần du. Do Tần Thủy Hoàng mất ở xa, lo lắng cái chết của ông có thể kích hoạt một cuộc nổi dậy lớn trong toàn đế chế nên Thừa tướng Lý Tư đã ra lệnh không phát tang, chở quan tài trọng một cỗ xe mát, cho một hoạn quan được vua yêu ngồi trong xe, đến đâu thì dâng thức ăn, trăm quan vẫn tâu việc như thường.
Từ nơi Tần Thủy Hoàng qua đời về đến kinh thành mất tới 2 tháng đi đường bộ, có những lúc trời nắng nóng, chiếc xe mát phát ra mùi thối, đoàn tùy tùng phải sai các quan đi theo chở trên xe một thạch cá muối để đánh lẫn mùi thối.
Sau khi ngã bệnh, Tần Thủy Hoàng biết mình không thể qua khỏi nên đã viết một thánh chỉ, lệnh cho hoạn quan thân cận là Triệu Cao nhanh chóng gửi cho người con trưởng đang ở biên cương là Phù Tô trở về Hàm Dương chủ trì tang sự, tức là chuẩn bị kế vị ngôi báu. Tuy nhiên, do Triệu Cao có âm mưu phản nghịch từ sớm nên khi đưa thi thể của Tần Thủy Hoàng về tới kinh thành, Triệu Cao đã bắt tay với Thừa tướng Lý Tư đưa Hồ Hợi (năm đó 21 tuổi), người con thứ 18 trong số khoảng hơn 20 người con trai của Tần Thủy Hoàng, lên ngôi vua.
Sau khi Hồ Hợi đăng cơ, con trai trưởng của Tần Thủy Hoàng là Phù Tô đã tự sát. Tất cả con cái của Tần Thủy Hoàng, bao gồm cả trai lẫn gái, đều bị Hồ Hợi giết sạch. Bên cạnh đó, Hồ Hợi bị Triệu Cao thao túng, thực hiện nhiều chính sách hà khắc khiến dân chúng phẫn nộ, mở ra nhiều cuộc khởi nghĩa. Năm 207 TCN (sau 3 năm đăng ngôi hoàng đế), Triệu Cao bức tử Hồ Hợi và nhà Tần chỉ tồn tại thêm 46 ngày nữa.
Câu chuyện về cuộc đời của Tần Thủy Hoàng sẽ mãi là một dấu hỏi lớn thách thức các nhà khoa học hiện đại, bởi vì không còn bằng chứng hay vật chứng nào để đối chiếu về cuộc đời của ông. Dù sao đi nữa thì vị vua này đã để lại cho nhân loại nhiều di tích đáng vĩ đại, trường tồn với thời gian và một trong số đó phải kể đến Vạn Lý Trường Thành và khu lăng mộ mà ai ai cũng biết đến.
Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và có cảm hứng muốn tìm hiểu nhiều hơn về Tần Thủy Hoàng thì hãy tham gia tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Tourism nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!