Giang Tô không chỉ là một nơi có phong cảnh hữu tình vào bậc nhất Trung Quốc mà nơi đây còn có nền ẩm thực đặc sắc. Ẩm thực Giang Tô từ lâu đã được mệnh danh là một trong tám trường phái ẩm thực lớn nhất Trung Hoa. Ẩm thực của vùng đất sơn thuỷ hữu tình này được ví như một bức tranh đầy màu sắc.
Tỉnh Giang Tô (Jiangsu), tên gọi tắt là Tô, nằm ở vùng đồng bằng Hoa Đông, phía hạ lưu sông Trường Giang, bên bờ biển Hoàng Hải, có mạng lưới đường thủy dày đặc, ao hồ nhiều, dân cư đông đúc. Phía Bắc Giang Tô giáp tỉnh Sơn Đông; phía Tây giáp tỉnh An Huy; phía Nam giáp tỉnh Triết Giang và thành phố Thượng Hải. Lịch sử của Giang Tô bắt đầu từ thời thượng cổ. Trước kia, Giang Tô nằm cách xa trung tâm của nền văn minh Hoa Hạ cổ. Đến hiện tại, Giang Tô là một điểm nóng về phát triển kinh tế. Với bề dày lịch sử mấy nghìn năm, nơi đây hình thành và phát triển văn hóa ẩm thực Giang Tô đặc sắc.
Phía Nam và phía Bắc của Giang Tô có sông Trường Giang và Hoài Hà chảy qua. Giang Tô nằm ở vùng chuyển giao giữa miền Bắc và miền Nam Trung Quốc. Chính bởi nét đặc biệt này, ẩm thực nơi đây có sự giao thoa mạnh mẽ và tinh tế giữa ẩm thực hai miền Bắc Nam. Giang Tô chủ yếu là đồng bằng phù sa hạ du Trường Giang, Hoài Hà. Đất đai nơi đây phì nhiêu. Chính vì vậy, sản vật đa dạng và phong phú.
Trung Quốc có câu: “Nhất phương thuỷ thổ dưỡng nhất phương nhân”, tức là người sinh ra và lớn lên tại một nơi thì sẽ được cái nôi ẩm thực, văn hoá của nơi đó nuôi dưỡng. Tương tự, món ăn của địa phương nào thì sẽ mang đặc điểm của địa phương ấy. Người Hoa thường khái quát hương vị của 4 miền bằng câu: “Đông chua, Tây cay, Nam ngọt, Bắc mặn”. Ẩm thực Giang Tô thuộc nhóm “Nam ngọt”.
Các món ăn Giang Tô chủ yếu thường có vị ngọt và thanh dịu. Đặc biệt, người Giang Tô rất chú trọng màu sắc, cách thức trình bày món ăn, cũng chính vì vậy mà các món ăn ấy không chỉ ngon miệng mà còn như một tác phẩm nghệ thuật cầu kì, công phu.
Ẩm thực Giang Tô chủ yếu gồm các món ăn đến từ ba vùng: Dương Châu, Nam Kinh và Tô Châu. Phương thức chế biến đặc trưng ở vùng này là hầm, ninh, tần. Nhờ nghệ thuật nấu nướng độc đáo, mà các món ăn của Giang Tô luôn đảm bảo nguyên chất, nguyên vị. Hương vị đặc trưng luôn chiếm trọn tình cảm của thực khách.
Người Giang Tô “chú trọng kỹ thuật dùng dao, món ăn tinh tế, khẩu vị thanh đạm”. Nguyên liệu nấu ăn nơi đây thường là rau củ quả tươi, không thêm xì dầu khi chế biến mà chỉ nêm đường và giấm, cốt sao giữ được màu sắc nguyên bản, tự nhiên, để vị chua ngọt ngấm đều vào từng nguyên liệu.
Giang Tô có rất nhiều món ăn ngon đã chinh phục được những vị thực khách cho dù là khó tính nhất. Cái tên đầu tiên phải kể đến là “Đậu phụ Bình Kiều” rất nổi tiếng, từng là món yêu thích của cả cố Thủ tướng Chu Ân Lai và vua Càn Long thời nhà Thanh. Truyện kể rằng vua Càn Long vi hành Giang Nam, khi thuyền rồng của vua đi qua Bình Kiều, một thị trấn cổ thuộc Hoài An lúc bấy giờ, vua đã được thưởng thức món “Đậu phụ Bình Kiều” và khen tấm tắc. Từ đó món “Đậu phụ Bình Kiều” đã lừng danh Giang Tô và Hoài An, trở thành món ăn truyền thống nổi tiếng trong trường phái ẩm thực Giang Tô. Ngày nay, món Đậu phụ Bình Kiều không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn là một món ăn lừng danh khắp nơi trên thế giới, được trải qua sự chế biến của những nhà đầu bếp khác nhau nhưng nếu muốn thưởng thức đúng vị bản chất của nó thì chỉ khi tìm đến Giang Tô ta mới có khoái cảm ăn món ăn này.
Đậu phụ Bình Kiều được chế biến vô cùng công phu. Nguyên liệu chính là đậu phụ, trứng và thịt gà. Ngoài ra còn có măng, nấm cùng các loại gia vị khác. Sau khi chế biến, những miếng đậu phụ nhỏ, trắng nõn, mềm mại sẽ được cắt thành hình kim cương đầy nghệ thuật. Khi đưa miếng đậu vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị thanh mát, nhẹ nhàng. Miếng đậu phụ dường như tan ngay trên đầu lưỡi, để lại hương vị hoà quyện giữa trứng, gà, nấm và gia vị, khiến thực khách không khỏi say đắm, xiêu lòng.
Ẩm thực Giang Tô cũng chinh phục thực khách gần xa bằng món Vịt muối Nam Kinh trứ danh – một đặc sản của vùng Nam Kinh (thủ phủ của tỉnh Giang Tô). Lớp thịt vịt mang màu trắng ngà, rất mềm, có vị ngọt nhẹ, mỡ mà không ngấy. Món ăn nổi tiếng này có hương vị thơm ngon, đậm đà, có thể chính phục bất cứ ai, kể cả những thực khách khó tính nhất. Hàng năm, cứ vào khoảng giữa thu, khi hoa quế đang mùa nở rộ, người ta lại háo hức muốn được nếm thử món ăn “tuyệt hảo” này, vì đây chính là thời điểm lý tưởng nhất để chế biến vịt muối. Cũng vì lý do đó mà vịt muối Nam Kinh còn được gọi bằng cái tên mỹ miều là “vịt quế hoa”.
Cơm chiên Dương Châu cũng nổi tiếng không kém bởi là món ăn có sự cân bằng dinh dưỡng nhất của Giang Tô. Cơm chiên Dương Châu, nghe thì đơn giản, mộc mạc, nhưng thực chất món này bao gồm các nguyên liệu rất đa dạng: trứng, giăm bông, sò điệp, cà rốt, đậu xanh và nhiều loại thịt, rau củ khác. Đây không phải các nguyên liệu cố định mà người đầu bếp có thể biến tấu linh hoạt sao cho phù hợp với khẩu vị của thực khách và từng mùa trong năm. Chính sự kết hợp phong phú đó đã làm món ăn này có màu sắc bắt mắt, kích thích vị giác thực khách mãnh liệt, nhưng đồng thời vẫn vô cùng bổ dưỡng.
Trong danh sách những món ăn nức tiếng của ẩm thực Giang Tô mà bỏ qua cái tên “Bánh bột chiên trứng” thì đó là một điều thiết sót. Bánh bột chiến trứng, nghe tên thì tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là một món ăn sáng hấp dẫn rất được ưa chuộng tại Giang Tô. Món ăn này có cách làm gần giống bánh cuốn trứng nhưng được nướng thay vì chiên giòn. Người ta sẽ tráng một lớp bột mỏng trên chiếc chảo dẹt, đợi đến lúc bột vừa khô thì đập vào một quả trứng, rắc thêm chút gia vị và thật nhiều hành lá rồi cuộn lại. Chiếc bánh bột chiên trứng mới ra lò nóng hôi hổi, cắn vào vừa cảm nhận được chút giòn tan của lớp vỏ, vừa thấy được hương thơm và vị béo mềm của trứng chín tới, đủ sức khiến những du khách yêu thích ẩm thực phải bỏng lưỡi vì nóng mà vẫn không thể ngừng.
Ngoài ra, còn các món ăn nhẹ của Giang Tô đã nổi tiếng khắp nơi như đậu hũ khô, hạt dưa hoa hồng, kẹo hạt tùng, bánh mặn mỡ heo – những món ăn từng một thời gợi một không khí ẩm thực đặc sắc trong truyện Kim Dung. Món nào cũng chứa đựng tất cả sự tươi mát của nguyên liệu, sử dụng cái ngọt của đường phèn để tạo nên sự thanh mát tột cùng cho người thưởng thức.
Chưa hết, ẩm thực Giang Tô còn mang đến cho du khách thập phương với nhiều điều thú vị hơn thế nữa. Còn gì thú vị hơn khi bắt đầu một ngày mới với việc thưởng thức bữa sáng mang đậm chất truyền thống Trung Hoa bằng món dầu chá quẩy dân dã hiện diện ở mọi ngõ đường. Quẩy nóng giòn ăn kèm với tô cháo trắng hay ly sữa đậu nành, đạm bạc mà dễ ăn. Kế đến là các món bánh hấp từ bột gạo, đủ hình dạng, đủ loại nhân, được hấp trong xửng bốc khói nghi ngút, tỏa hương thơm lựng, đủ sức quyến rũ bất kỳ vị khách nào vô tình đi ngang.
Đến với vùng đất Giang Tô xinh đẹp, riêng những ai thích ẩm thực theo phong cách cung đình và sang trọng thì phải tìm đến 2 nhà hàng ẩm thực nổi tiếng là Đắc Nguyệt Lâu và Tùng Hạc Lâu. Nếu như Đắc Nguyệt Lâu cuốn hút thực khách bằng cách thay đổi món ăn đặc trưng theo từng mùa thì Tùng Hạc Lâu lại có một lịch sử hơn 200 năm từ đời vua Càn Long. Các phố ẩm thực Thập Toàn, Phượng Hoàng, đường Can Tương cũng ngày đêm nhộn nhịp du khách thưởng thức các món trứ danh thuộc trường phái hấp, ninh, tần, như: tùng thử quế ngư, canh suông vi cá, gà nấu dưa hấu, canh rau nhút Tây Hồ,…
Ẩm thực Giang Tô nổi tiếng với rất nhiều món ăn truyền thống thơm ngon dễ ăn, thì cũng không thiếu những món ăn “kinh dị” khiến cho khách du lịch nước ngoài phải sợ hãi. Liệu du khách có dám thử qua các món siêu kinh dị như: sâu nấu đủ kiểu (sâu xào trứng, sâu rán giòn, sâu nấu canh cải thảo…); mắt cừu (mắt cừu nướng, mắt cừu luộc, mắt cừu hầm canh…); Tảo địa bì có hương vị như mùi phân thoang thoảng; bong bong cá với mùi tanh và khó ăn?
Đúng là không lời nào có thể diễn tả hết những hương vị và nét quyến rũ của các món ăn Giang Tô. Để cảm nhận trọn vẹn nền ẩm thực nơi đây, đừng chỉ nhìn ngắm các món ngon qua màn hình điện thoại mà hãy xách balo lên, thực hiện một chuyến du lịch Trung Quốc và thẳng tiến Giang Tô nhé! Dạo một vòng với ẩm thực Giang Tô, thấy bụng đầy mà lòng thanh. Có lẽ, điều đó tạo nên một sức cuốn hút kỳ diệu của một vùng đất dành cho du khách…