Tần Tuyên Thái hậu khuynh đảo thiên hạ bằng tài lãnh đạo kiệt xuất

tan tuyen thai hau 6

Võ Tắc Thiên được biết đến là Nữ Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Tuy nhiên, từ thời Chiến Quốc, cũng từng có một nữ nhân khuynh đảo thiên hạ bằng tài lãnh đạo kiệt xuất, đó chính là Tuyên Thái hậu.

Tuyên Thái hậu (348 TCN – 265 TCN) là Thái hậu nước Tần thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Bà là phi tần của Tần Huệ Văn Vương Doanh Tứ, và là mẫu thân của Tần Chiêu Tương Vương Doanh Tắc. Bà thọ tới 83 tuổi, nhiếp chính cùng Tần Chiêu Tương Vương 35 năm.

Tiểu sử của bà được ghi lại không nhiều, chỉ biết bà mang họ “Mị” thuộc dòng dõi công thất nước Sở. Bà làm phi tần của Tần Huệ Văn Vương, có hiệu là “Bát Tử”, nên còn được gọi là “Mị Bát Tử”.

Trong lịch sử Trung Quốc, Tuyên Thái hậu là người phụ nữ đầu tiên lấy thân phận mẹ của Vua mà tiến hành nhiếp chính một cách công khai. Tước hiệu “Thái hậu” bắt đầu xuất hiện cũng từ bà, truyền thống Thái hậu chuyên quyền cũng bắt đầu từ thời kỳ bà nắm quyền.

Năm 325 TCN, Mị Bát Tử sinh hạ Công tử Tắc (tức Tần Chiêu Tương Vương sau này). Sau đó, bà tiếp tục sinh hạ thêm cho Tần Huệ Văn Vương 2 Công tử nữa là Công tử Thị và Công tử Khôi. Năm 311 TCN, Tần Huệ Văn Vương qua đời, Công tử Đãng tức Tần Vũ Vương lên kế thừa ngôi vị. Tuy nhiên, Tần Vũ Vương chỉ ở ngôi được 4 năm thì chết vì tai nạn. Tần Vũ Vương không có con trai dẫn đến việc các em trai của Tần Vũ Vương thi nhau tranh đoạt vương vị. Lúc bấy giờ, thực lực mạnh nhất là Công tử Tráng – người con trai lớn nhất còn sống của Huệ Văn Vương.

Thế nhưng, khi Triệu Vũ Linh Vương (vị vua thứ sáu của nước Triệu – chư hầu nhà Chu) can thiệp vào chính trị của nước Tần, ông đã cho quân hộ tống con trai cả của Mị Bát Tử là Công tử Tắc, vốn đang đang làm con tin ở nước Yên, quay về nước Tần.

tan tuyen thai hau 1

Mị Bát Tử dựa vào thế lực của người em cùng cha khác mẹ với mình là Đại phu Ngụy Nhiễm, bấy giờ đang tạm cầm quyền chăm lo triều chính, để đưa Công tử Tắc lên ngôi, lấy danh hiệu là Tần Chiêu Tương Vương. Với thân phận mẫu sinh của Hoàng đế, Mị Bát Tử được tôn làm Tuyên Thái hậu. Lấy cớ Hoàng đế tuổi còn nhỏ chưa thể chấp chính, vì thế Tuyên Thái hậu thay mặt toàn quyền đứng ra xử lý triều chính.

Chuyện ngoại tình hy hữu

Chuyện kể rằng, thời bấy giờ, Nghĩa Cừ Vương, thủ lĩnh nước Hung Nô quy phục triều Tần. Tuy nhiên, sau khi Chiêu Tương Vương lên ngôi, Nghĩa Cừ Vương tỏ ra kiêu ngạo, không coi Tần Chiêu Tương Vương ra gì, có ý đồ phản lại triều Tần. Trong tình huống lúc bấy giờ, bên ngoài là 6 nước luôn dòm ngó chờ đợi nước Tần sơ hở, bên trong triều chính vẫn chưa ổn định, nếu như người Hung Nô nổi dậy chống lại nước Tần thì chắc chắn rằng nước Tần không diệt vong cũng kiệt quệ.

Trong tình thế đó, Tuyên Thái Hậu đã có một quyết định: Tư thông với Nghĩa Cừ Vương. Sau những cuộc dan díu ấy, Tuyên Thái hậu đã có với Nghĩa Cừ Vương tới 2 người con. 

tan tuyen thai hau 3

Mối quan hệ giữa Tuyên Thái Hậu và Nghĩa Cừ Vương kéo dài trong thời gian rất lâu. Cho tới khi triều đình nước Tần bắt đầu ổn định và vững mạnh trở lại, Tuyên Thái hậu bắt đầu tìm cách lật mặt với người tình của mình.

Đầu tiên, Tuyên Thái hậu lừa Nghĩa Cừ Vương tới cung Cam Tuyền. Nghĩa Cừ Vương và Tuyên Thái hậu là tình nhân trong suốt nhiều chục năm, vì vậy, Nghĩa Cừ Vương hoàn toàn không có chút nghi ngờ nào về tình cảm và Tuyên Thái hậu dành cho mình. Đợi chờ Nghĩa Cừ Vương ở cung Cam Tuyền không phải là cuộc hoan lạc như những lần gặp trước mà ngược lại là cái chết đau đớn. Tuyên Thái hậu ra lệnh cho binh sĩ phục sẵn bên ngoài, đợi khi Nghĩa Cừ Vương vừa tới là xông ra giết ngay. Nhân đó, Tần Chiêu Tương Vương lấy đất Nghĩa Cừ lập ra ba quận Lũng Tây, Bắc Địa, Thượng quận. 

Về 2 người con mà Tuyên Thái hậu sinh cho Nghĩa Cừ Vương, sử sách cũng không hề ghi chép lại, không biết số phận ra sao. Nhiều người nói rằng, 2 người con đó đều bị Tuyên Thái hậu giết chết cùng với Nghĩa Cừ Vương. Thời bấy giờ, nước Tần nổi tiếng là “đất nước lang sói”, người nước Tần nổi tiếng là những kẻ nghiêm khắc và tàn nhẫn. Việc Tuyên Thái Hậu giết 2 người con của Nghĩa Cừ Vương do mình sinh ra cũng không phải là không có khả năng.

Đánh giá về chuyện ngoại tình này, các sử gia hiện đại cho rằng Mị Bát Tử đã hi sinh bản thân, dùng kế mỹ nhân quyến rũ Nghĩa Cừ Vương, cùng ông ta sinh hạ hai con chỉ vì muốn tiêu diệt thế lực của nước Nghĩa Cừ, giành được đất đai. Thực tế, thế lực của Nghĩa Cừ giống Hung Nô đối với nhà Hán về sau, luôn ở thế giằng co, Mị Bát Tử dùng chuyện tình cảm có thể dẹp bỏ chướng ngại mà cả Huệ Văn Vương cũng không làm được, dĩ nhiên được đánh giá cao.

Nhãn quan kiệt xuất của Tuyên Thái Hậu

Nghĩa Cừ Vương chết, mối lo bị tấn công từ sau lưng của nước Tần được loại bỏ. Nước Tần nhanh chóng quay trở lại với mục tiêu lớn hơn: Thống nhất Trung Hoa.

tan tuyen thai hau 4

Lúc bấy giờ, đại cục nước Tần về cơ bản đã ổn định, nhưng trên thực tế thì nước Tần vẫn chưa thoát khỏi tình thế nguy hiểm. Bởi lẽ, các nước chư hầu đều chăm chú theo dõi mọi động thái của nước Tần và nước Tần có nguy cơ phải đối mặt với sự hợp tác của các nước chư hầu còn lại nhằm chống lại mình. Để tránh được nguy cơ này, Tuyên Thái Hậu đã thực hiện kế hoạch dùng hôn nhân để tạo liên minh rất táo bạo. Tuyên Thái hậu lệnh cho Chiêu Tương Vương lấy công chúa nước Sở làm Vương hậu, đồng thời gả một công chúa nước Tần cho nước Sở. Tiếp đó, Tuyên Thái hậu tìm mọi cách để giữ mối quan hệ với hai nước Triệu và Yên. Nhờ vậy, tình thế nước Tần dần dần ổn định trở lại, thoát khỏi cơn nguy hiểm.

Trong các vấn đề nội bộ, Tuyên Thái hậu sẵn sàng sử dụng những thế lực ngoại thích, những người thân cận với mình về mặt huyết thống, bất chấp mọi lời ra tiếng vào.

tan tuyen thai hau 5

Do Sở Hoài Vương tiến cử, Tuyên Thái Hậu đã để một người cùng họ với mình tên là Thọ đảm nhiệm chức Tể tướng triều Tần. Ngụy Nhiễm tiếp tục được thăng quan, nắm giữ toàn bộ lực lượng quân đội, tước phong Nhương Hầu (nay là huyện Trịnh, Hà Nam), sau đó lại phong thêm cả Đào Ấp (nay là Định Đào, tỉnh Sơn Đông). Ngoài ra, một người em cùng cha khác của Tuyên Thái hậu là Mễ Nhung cũng được phong Hoa Dương Quận, đất phong ban đầu là Cao Lăng, tỉnh Thiểm Tây, sau đổi phong làm Tân Thành Quân, đất phong ở huyện Mật, tỉnh Hà Nam. Công tử Thị thì được phong làm Kinh Dương Quân, đất phong ở Kinh Dương, tỉnh Thiểm Tây, sau đó đổi đất phong về Nam Dương, Hà Nam. Công tử Khôi được phong làm Cao Lăng Quân, đất phong ở Cao Lăng, Thiêm Tây, sau đó lại đổi đất phong về Yển Thành, Hà Nam.

Nhiều người cho rằng, Tuyên Thái hậu dùng người chỉ dựa vào thân thích, mục đích là nhằm củng cố và mở rộng thế lực của mình trong triều đình. Thực tế không hẳn như vậy.

Xem những nơi đất phong cho con cháu, anh em của Tuyên Thái hậu có thể thấy, những vùng đất đó không phải là vùng đất thuộc lãnh thổ nước Tần mà là những vùng đất đánh chiếm được. Những huyện Trịnh, Nam Dương, Yển Thành đều là những vùng đất nước Tần cướp được của nước Hàn từ năm 310 tới năm 291 trước Công nguyên. Còn huyện Mật là vùng đất triều Tần cướp được của nước Sở vào năm 300 TCN. Đất Định Đào của Sơn Đông thì vốn là đất của nước Tề.

Cướp đoạt đất đai thực tế chỉ là bề mặt. Sự lợi hại của Tuyên Thái hậu chính là việc bà ta rất coi trọng nhân tài. Chẳng hạn như Vũ An Hầu Bạch Khởi chính là nhân tài do Ngụy Nhiễm đề bạt. Kỳ thực, lúc bấy giờ nếu như không có được Tuyên Thái hậu coi trọng và cất nhắc thì có lẽ Bạch Khởi mãi mãi chỉ là một anh lính quèn dưới trướng của Ngụy Nhiễm mà thôi.

Tuyên Thái hậu sau đó cũng tiếp thu truyền thống sử dụng các nhân sĩ trí thức nước ngoài của các bậc tiền bối nước Tần, rất muốn thu hút càng đông nhân tài nước ngoài tới Tần. Người đầu tiên Tuyên Thái hậu nhắm tới chính là con trai thứ của Tề Tuyên Vương – Mạnh Thường Quân.

tan tuyen thai hau 8

Muốn mời được một người như Mạnh Thường Quân tới nước Tần làm Tướng quốc, đương nhiên nước Tần phải bỏ ra một số vốn không hề nhỏ. Đầu tiên, Tuyên Thái Hậu ra lệnh cho con trai mình là Kinh Dương Quân tới nước Tề làm con tin để đổi Mạnh Thường Quân tới Tần. Kinh Dương Quân không chút suy tư lên đường vì nghĩ rằng, mình có mẹ và một nước Tần mạnh mẽ ở sau lưng, đến một nước nhỏ như nước Tề thì chẳng có gì phải e sợ, chỉ giống như đi du lịch vậy thôi. Tuy nhiên, khi tới nước Tề Kinh Dương Quân mới biết rằng người nước Tề vốn không dám giữ Kinh Dương Quân ở lại làm con tin. Sau khi ăn uống tiệc tùng, du ngoạn khắp nơi ở nước Tề, Tề Vương đã để cho Mạnh Thường Quân và Kinh Dương Quân cùng nhau trở về nước Tần.

Tuy nhiên, những môn khách của Mạnh Thường Quân thì khuyên ông ta không nên tới nước Tần, cho rằng chuyến đi này lành ít dữ nhiều. Mạnh Thường Quân nghe theo lời kiến nghị của họ. Vì vậy, lần đầu tiên đi nước Tần của Mạnh Thường Quân không thành.

Ban đầu, nước Tần mời Mạnh Thường Quân tới chắc chắn là có thành ý mời ông ta tới làm Tướng quốc. Vì vậy, khi nước Tần lần thứ hai mời Mạnh Thường Quân, ông ta đã đồng ý. Tuy nhiên, có lẽ lần thứ hai này Tuyên Thái hậu đã qua đời, cho nên sau khi Mạnh Thường Quân tới nước Tần lần thứ hai thì mới xảy ra nhiều biến cố.

Đầu tiên là cuộc tranh cãi trong nội bộ nước Tần. Có người nói với Chiêu Tương Vương rằng: Mạnh Thường Quân là người hiền nhưng lại mang họ Tề, nay làm tướng quốc nước Tần, tất sẽ đặt nước Tề lên trước rồi mới tính cho nước Tần, như vậy thì nước Tần chẳng nguy lắm hay sao?

Chiêu Tương Vương nghe xong, nghĩ rằng kiến nghị này có lý, nên khi gặp Mạnh Thường Quân không những không nhắc tới chuyện cất nhắc làm tướng quốc mà còn tìm cách giam lỏng Mạnh Thường Quân, thậm chí còn muốn giết ông ta.

Mạnh Thường Quân và Kinh Dương Quân quan hệ với nhau rất tốt. Khi Kinh Dương Quân biết được ý đồ của Chiêu Tương Vương đã đem mọi chuyện nói lại với Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân nghe xong hồn siêu phách lạc, vốn nghĩ rằng mình tới nước Tần để làm quan to, nay lại bị người khác tìm cách giết, chỉ hận không nghe theo lời khuyên can của các môn khách của mình.

Kinh Dương Quân bày cho Mạnh Thường Quân một kế là tới tìm Yên Cơ, một sủng thiếp của Chiêu Tương Vương để nhờ giúp. Mạnh Thường Quân nhờ người giúp đỡ, cuối cùng cũng đã gặp được Yên Cơ. Yên Cơ là một người thiếp yêu của Chiêu Tương Vương, được ông vua này rất sủng ái, do vậy, nếu thuyết phục được Yên Cơ thì Mạnh Thường Quân vẫn còn cơ hội.

Rất may cho Mạnh Thường Quân là sau đó, Yên Cơ cũng chấp nhận thỉnh cầu của ông ta. Tuy nhiên, Yên Cơ biết rằng, khi Mạnh Thường Quân tới Tần đã tặng cho Chiêu Tương Vương một chiếc áo lông cáo trắng ngàn năm tuổi vì thế, Yên Cơ nói rằng mình sẽ giúp Mạnh Thường Quân với điều kiện cũng phải tặng cho mình một chiếc áo như vậy.

Mạnh Thường Quân lúc này bị đẩy vào thế khó. Chiếc áo lông cáo trắng ngàn năm trên đời này chỉ có một, lại đã tặng cho Chiêu Tương Vương rồi thì bây giờ lấy đâu ra tặng cho Yên Cơ?

Đúng lúc chưa biết giải quyết thế nào thì một môn khách của Mạnh Thường Quân đã vào kho của hoàng cung nước Tần, đánh cắp chiếc áo mà Mạnh Thường Quân đã tặng cho Chiêu Tương Vương đưa cho Mạnh Thường Quân.

Người phụ nữ thường khiến cho trí óc đàn ông giảm sút, đặc biệt là đối với những người đàn ông yêu họ. Yên Cơ nhanh chóng thuyết phục được Chiêu Tương Vương để Mạnh Thường Quân về nước Tề.

Sau khi Mạnh Thường Quân ra khỏi kinh thành nước Tần, mang theo các môn khách của mình chạy về phía Hàm Cốc Quan. Lúc bấy giờ đầu óc của Chiêu Tương Vương đột nhiên hồi phục lại trạng thái bình thường.

Làm sao có thể thả cho Mạnh Thường Quân về nước dễ dàng như vậy được? Những môn khách của Mạnh Thường Quân đều là những dị nhân, sẽ có hại đối với nước Tần sau này. Nghĩ thế, Chiêu Tương Vương hạ lệnh đuổi theo bắt Mạnh Thường Quân lại.

tan tuyen thai hau 7

Mạnh Thường Quân chạy tới Hàm Cốc Quan thì trời đã tối. Theo quy định lúc bấy giờ chỉ khi nào trời có tiếng gà gáy sớm thì cửa thành mới mở, người dân mới được ra khỏi cổng thành. Đúng lúc tình thế nguy nan, phía trước là cổng thành khép kín, phía sau là quân đội Tần đang đuổi sát gót thì xuất hiện một người có biệt tài làm giả tiếng gà gáy. Những người gác cổng thành chẳng phân biệt trời sáng hay tối, theo thói quen, cứ có tiếng gà là dậy mở cổng thành. Mạnh Thường Quân và đoàn môn khách của mình vui mừng rời khỏi nước Tần.

Thực tế, việc Mạnh Thường Quân tới nước Tần là kiến nghị của Tuyên Thái hậu, cũng thể hiện tầm nhìn xa của bà, giúp nước Tần có thêm một hiền tài khó kiếm. Tuy nhiên, do Tuyên Thái hậu đã chết trước khi Mạnh Thường Quân đặt chân đến Tần khiến Chiêu Tương Vương đã phá hỏng cơ hội hiếm có này. Đây là một điều đáng tiếc đối với nước Tần. Bởi lẽ nếu như nước Tần có được Mạnh Thường Quân thì cái họ có được không chỉ là một đầu óc trí tuệ mà là cả một đội ngũ hoàn hảo. Nếu như có được đội ngũ này, thì việc thống nhất Trung Hoa của nước Tần có lẽ sẽ tiến nhanh hơn nhiều.

Đáng tiếc là Chiêu Tương Vương lại không có được nhãn quan của mẹ mình. Cũng đáng tiếc là đội ngũ hoàn hảo của Mạnh Thường Quân sau khi rời khỏi nước Tần cũng không phát huy được bao nhiêu tác dụng ở nước Tề.

Bị “tước” quyền lực 

Năm 271 TCN, một người nước Ngụy có tên là Phạm Thư đã đến nước Tần, và được Tần Chiêu Tương Vương Doanh Tắc đem lòng trọng dụng. Phạm Thư tâu với Tần Chiêu Tương Vương rằng: “Người bên ngoài chỉ nghe nước Tần có Thái hậu, Nhương hầu, Hoa Dương, Cao Lăng và Kinh Dương, chẳng bao giờ nghe đến Tần vương”. Tần Chiêu Tương Vương nghe mà bực mình, phế quyền lực của Tuyên Thái hậu, bắt lui về cung riêng; sau đó ép buộc Ngụy Nhiễm về phong ấp, đuổi Hoa Dương quân, Cao Lăng quân và Kính Dương quân ra biên cương.

tan tuyen thai hau 2

Năm thứ 42 (265 TCN), Tuyên Thái hậu ngày càng già, lâm bệnh nặng. Sau khi bị giam, Thái hậu có tình nhân trẻ là Ngụy Sửu Phu. Khi Thái hậu hấp hối, liền muốn cho Sửu Phu tuẫn táng theo mình. Nghe ý của Thái hậu mà Sửu Phu sợ hãi, nhờ Dung Nhuế đến thuyết phục bà bãi lệnh tuẫn táng. Tháng 7 năm đó, bà qua đời. Thi hài của bà được chôn cất ở Dương Ly Sơn (nay thuộc khu vực Lâm Đồng, Tây An của tỉnh Thiểm Tây).

Tên tuổi mãi lưu danh trong sử sách

Khi Tuyên Thái hậu bị “tước quyền”, tính ra bà cũng đã nhiếp chính được hơn 40 năm. Suốt quãng thời gian ấy, Tần Chiêu Tương Vương chỉ sống ở Lục Anh cung và Li cung, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ông ở đó trên danh nghĩa chữa bệnh, chẳng một lần được nhúng tay vào triều chính. Nước Tần khi ấy hưng thịnh và trở thành tiền đề vững chắc cho sự xưng bá “Thất hùng” sau này thực chất đều do một tay Tuyên Thái hậu gây dựng mà ra.

Có thể thấy, tuy Tuyên Thái hậu chỉ buông rèm nhiếp chính chứ không tự mình xưng đế như Võ Tắc Thiên, nhưng nếu so với quãng thời gian cai trị thiên hạ 15 năm của Võ Tắc Thiên thì 40 năm của Tuyên Thái hậu lại dài hơn rất nhiều. Không những thế, trong những năm tháng trị vì ấy, Tuyên Thái hậu còn là người có công nhiều lần dẹp yên nội loạn, đuổi tan giặc ngoài, bình ổn đất nước và mở mang bờ cõi. Chỉ với điều đó, bà đủ để xứng danh là Nữ Hoàng Đế đầu tiên của Trung Hoa.

Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất kỳ khách du lịch nước ngoài nào. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc nhé!