Trong những thành phố lớn có tiềm năng về du lịch của Trung Quốc, không thể không nhắc đến Tây An. Đây là thành phố nằm trong top 10 có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt. Không những thế, đây còn là vùng đất cổ với những di tích lịch sử và văn hóa lâu đời.
Tây An là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây. Nó đóng vai trò là một trong những đô thị cổ xưa nhất ở Trung Quốc. Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 3.100 năm, đây chính là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà, cũng là nơi gắn liền với những nhân vật lịch sử lừng danh như: Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi,…
Nơi đây lúc xưa chính là Trường An – một trong 4 kinh đô lớn của Trung Hoa. 13 vương triều đã từng đóng đô tại đây như: Tây Chu, Tần, Tây Hán, Tùy, Đường, Minh,… nên Tây An có rất nhiều biến động lịch sử lớn lao. Thành phố này từng là kinh đô hoa lệ, sầm uất với những đền đài, lăng tẩm hoành tráng. Bên cạnh đó, Tây An còn là điểm kết thúc con đường tơ lụa ở phía Đông. Danh tiếng của Tây An Trung Quốc có thể so sánh với Cairo ở Ai Cập, Rome của Ý và Athens của Hy Lạp.
Ngày nay, Tây An là một địa danh du lịch hấp dẫn với vẻ đẹp cổ xưa, các di sản kiến trúc cổ như: Minh tường thành, Đại Minh cổ thành, Cung điện Hoa Thanh Trì, Lăng Tần Thủy Hoàng, Càn Lăng, Tường Thành, Tháp Đại Nhạn, Tháp Chuông, Tháp Trống,… Ngoài ra, Tây An còn có những điểm tham quan thiên nhiên xung quanh.
Hoa Sơn
Hoa Sơn là một ngọn núi thuộc đoạn Đông dãy Tần Lĩnh ở phía Nam tỉnh Thiểm Tây, cách trung tâm Tây An khoảng 100km về phía Đông. Hoa Sơn với địa hình hiểm trở, khung cảnh hùng vĩ, đường đi có độ dốc lớn, phong cảnh tuyệt đẹp cũng là một trong năm ngọn núi linh thiêng bậc nhất xứng danh “Ngũ Nhạc Danh Sơn” (Ngũ Nhạc Danh Sơn, gồm: Hoa Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn, Tung Sơn), được gọi là “Ngọn núi số một dưới trời” nổi tiếng ở Trung Quốc.
Ngọn Hoa Sơn được bao bọc bởi toàn đá hoa cương, từ xa vọng về, hình núi dựng đứng như một bông hoa và vì vậy mà có tên là “Hoa Sơn”.
Hoa Sơn có 5 đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất Nam Phong (ở phía Nam) có tên “Lạc Nhạn” cao 2.154,9m. Theo Đạo giáo, đỉnh núi này gắn liền với truyền thuyết về Lão Tử và được xem là chứa đựng nhiều bí ẩn về thuật giả kim cùng bể bát quái. Ở đây còn có một ngôi đền vàng còn được gọi là đền Baidi, thờ thần Hoa Sơn và được xây dựng từ thời Minh. Đỉnh phía Nam cũng là nơi có con đường mòn đi bộ nguy hiểm nhất thế giới. Nhưng bù lại phong cảnh nơi này lại tuyệt đẹp và vô cùng ngoạn mục.
Minh tường thành
Minh tường thành được xem là một trong những hệ thống phòng thủ quân sự cổ đại lâu đời nhất trên thế giới. Hệ thống tường thành mà du khách nhìn thấy ngày nay là bắt đầu xây từ thời nhà Minh và bao quanh diện tích 14 km² thành phố. Có tất cả 18 cổng thành mở cửa để du khách lên tham quan. Đi dạo trên Minh tường thành và quan sát toàn cảnh sinh hoạt của người dân địa phương sẽ là trải nghiệm khá thú vị trong chuyến du lịch Trung Quốc mà du khách nên thử.
Đại Minh Cổ thành
Đại Minh Cổ thành hay còn gọi là Đại Minh Cung là một trong những công trình cố cung cổ đại có từ thời Đường. Đây là nơi ở của Hoàng gia nhà Đường trong suốt hơn 220 năm. Ngày nay, khu vực này là một khu di tích quốc gia của Trung Quốc.
Cung điện này có 9 cổng với 2 khu: Thiên Điện – nơi Hoàng đế thiết triều và Hậu Cung – nơi ở của Hoàng tộc. Thiên Điện gồm có 3 cung điện chính là cung Hàm Nguyên để tổ chức các lễ nghi, Tuyên Chính nơi Hoàng đế xử lý chính sự và Tử Thìn điện nơi quan lại được yết kiến Hoàng đế. Cùng với Huyền Võ Môn, ba cung điện này tạo thành một đường trục chính với hơn một trăm cung, đình đài và thủy tạ lớn nhỏ khác nhau vây quanh. Tuy vậy, tới năm Càn Ninh thứ 3, tức năm 896 Công nguyên, Đại Minh Cung đã bị hủy hoại vì chiến loạn, kết thúc 200 năm huy hoàng rực rỡ của mình. Ngày nay chính phủ Trung Quốc đang tiến hành dự án khôi phục lại Đại Minh Cung qua việc xây dựng Công viên Di tích Quốc gia Đại Minh Cung tại đó nhằm tái hiện lại hình ảnh và di tích cung đình thời thịnh Đường cho nhân dân và du khách cả nước tới tham quan.
Cung điện Hoa Thanh Trì
Tọa lạc ở chân núi phía Bắc của ngọn Ly Sơn, Hoa Thanh Trì là một quần thể cung điện được xây từ thời Đường Minh Hoàng. Đây là nơi nghỉ mát của Dương Quý Phi – một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc được Đường Minh Hoàng rất sủng ái.
Qua khỏi cổng tam quan, du khách sẽ bắt gặp một bức tranh khổng lồ điêu khắc trên đá bạch ngọc diễn tả lại cảnh vua Đường Minh Hoàng đang tiếp kiến Dương Quý Phi trong buổi yến tiệc với những cung tần mỹ nữ đang quây quần đàn hát ca múa vui chơi. Đi qua vài ngôi điện, du khách sẽ đến một sân rộng nhìn ra toàn cảnh một hồ nước và bên kia hồ là cung điện tường tím mái vàng, xa xa là ngọn Ly Sơn thẳng đứng. Đây là hồ nước nhân tạo có tên là Cửu Long, rộng 5.300m² là điểm hấp dẫn nhất của Hoa Thanh Trì. Bên kia hồ là điện Hoa Thanh Cung chìm trong cỏ cây, hoa lá, tạo nên khung cảnh hữu tình tuyệt đẹp cho quần thể Hoa Thanh Trì. Đây chính là nơi nghỉ ngơi và vui chơi của cặp nhân tình vương giả thuở nào.
Kề bên Hoa Thanh Cung, giữa những hàng liễu rủ và hoa cúc vàng, là tượng bằng bạch ngọc của Dương Ngọc Hoàn, tư thế quyến rũ và mềm mại, e ấp như của nữ thần Vệ Nữ. Không xa bức tượng là những bể tắm hoàng gia thuở xưa, trong đó được chú ý nhất vẫn là hai bể được truyền là của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Hai bể này hiện nay không còn nước nhưng nước suối nóng từ lòng đất vẫn được dẫn lên vài bể nhỏ bên cạnh để khách rửa tay, rửa mặt.
Lăng Tần Thủy Hoàng
Lăng Tần Thủy Hoàng nằm cách trung tâm Tây An khoảng 15km. Khu lăng mộ này được Tần Thủy Hoàng cho xây dựng khi bắt đầu lên ngôi vào năm 13 tuổi. Lăng Tần Thủy Hoàng có núi Linh Sơn và sông Vỹ bao quanh. Vị trí lăng được xem là chính giữa của mắt rồng nên rất linh thiêng.
Về quy mô, khu lăng mộ này còn lớn hơn Kim tự tháp Ai Cập, ban đầu nó có chiều cao 100m, dài 515m và rộng là 485m, người ta tưởng tượng nó như là một cung điện với nhiều khu vực được trang trí rất lộng lẫy. Ngày nay chiều cao chỉ còn 47m, nhưng nó vẫn là một công trình rất hoành tráng.
Đặc biệt, bên trong lăng Hoàng đế Tần Thủy Hoàng là một đội quân đất nung lừng danh và nhiều tác phẩm bằng đất nung được nặn vô cùng chân thực như ngựa, vũ khí, binh lính,… với quy mô cực kỳ hoành tráng.
Vào năm 1987, toàn bộ khu lăng mộ đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Vì vậy mà hiện tại có rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến để khám phá và chiêm ngưỡng di tích này.
Càn Lăng
Lịch sử Trung Hoa từng có tới 231 vị Hoàng đế, nhưng lại chỉ ghi nhận một Nữ hoàng duy nhất. Đó chính là Võ Tắc Thiên. Không chỉ là mỹ nhân từng làm khuynh đảo Đường triều, Võ Tắc Thiên còn xây dựng cho mình nơi an nghỉ được hậu thế ca tụng là “kỳ quan thứ chín” và cũng là một trong những lăng mộ đế vương nguyên vẹn nhất cho đến thời điểm hiện tại. Bà và Hoàng đế Đường Cao Tông cùng được song táng trong Càn Lăng, thuộc địa phận thành phố Tây An.
Càn Lăng ở vào vị thế đắc địa trên núi Lương Sơn. Đây vốn là một dãy núi nham thạch đá vôi, có độ cao 1.047m so với mặt nước biển. Dãy núi đặc biệt này có tới ba đỉnh, bắt đầu nổi lên từ cao nguyên Hoằng Sĩ bằng phẳng. Trong đó, đỉnh phía Bắc là cao nhất, tức là Lăng Càn. Hai đỉnh phía Nam thấp hơn, Đông Tây đối đầu, được ví như cánh cửa thiên nhiên của khu lăng mộ. Nhờ sở hữu địa thế đặc biệt, lại “cõng” trên mình lăng mộ kỳ vĩ, Lương Sơn mang dáng hình giống như một người phụ nữ đang nằm ngủ.
Càn lăng là khu lăng mộ lộ thiên, được khởi công vào năm 638 và xây dựng ròng rã 30 năm mới hoàn thành. Xây dựng vào thời kỳ đỉnh cao thịnh trị, triều đình sở hữu quốc lực dồi dào, nên lăng mộ có quy mô to lớn, kiến trúc hùng vĩ, thường được ví như “lịch đại chư hoàng lăng chi quan” (lăng mộ giữ vị trí “quán quân” trong các lăng của Hoàng đế mọi thời đại).
Càn Lăng nổi tiếng với “Vô Tự bia” (bia không chữ) khổng lồ với chiều dài lên tới 7,5m, nặng hơn 100 tấn, được chạm khắc 8 đầu rồng quấn vào nhau. Hai bên thân bia khắc hai con đường. Trên con đường khắc một con tuấn mã và một con sư tử.
Vì Càn Lăng chưa được khai quật, nên có vô số đồn đoán về nó. Theo ước tính của giới nghiên cứu, với quy mô và tầm vóc của Càn Lăng, rất có thể số châu báu trong mộ sẽ lên tới con số 500 tấn. Thậm chí, nhiều khả năng tập Lan Đình Tự nổi tiếng của “thánh thủ” Vương Hy Chi cũng được cất giấu bên trong lăng mộ này.
Hán Dương Lăng
Hán Dương Lăng là lăng mộ của Hán Cảnh Đế thời Tây Hán (188-141 TCN). Được xây dựng năm 126 TCN, Hán Dương Lăng có hơn 80 hầm mộ nhỏ. Tuy về quy mô và số lượng tượng đất nung không bằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng, nhưng các tượng ở Hán Dương Lăng tỉ mỉ và sắc sảo hơn: có quân lính cầm vũ khí, phụ nữ dệt vải, và gia súc như chó, ngựa, lợn, cừu.
Tháp Đại Nhạn
Tọa lạc bên trong khuôn viên chùa Đại Từ Ân, thuộc ngoại thành thành phố Tây An, Tháp Đại Nhạn là một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc và được xem là một biểu tượng của Tây An. Tháp Đại Nhạn mang trong mình một ý nghĩa to lớn trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, một điểm son trong quá trình kinh Phật phương Đông đến với Trung Quốc.
Tháp Đại Nhạn được xây dựng thời vua Đường Thái Tông năm 652, là nơi để Đường Tăng Huyền Trang đi thỉnh kinh từ Ấn Độ về và dùng tháp này làm nơi dịch trọn bộ kinh Phật trong bộ sách nổi tiếng Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Ngày nay, tháp còn lưu giữ nhiều áng kinh Phật cổ có giá trị.
Tháp được xây dựng chủ yếu bằng gạch, đá, đất nung, tháp có 7 tầng, cao 64m. Hiện tại, tháp cao 64m tính từ đỉnh và từ đỉnh có thể nhìn bao quát thành phố Tây An. Tháp được trang trí khá đơn giản, tầng dưới cùng được xây dựng chắc chắn với những gờ đưa ra rộng, 6 tầng trên có cửa sổ cuốn xoay ra bốn hướng của mặt tháp. Trên mặt tháp có nẩy các trụ tạo nên những ô hình chữ nhật theo đúng số lẻ, dưới cùng có 9 ô, lên trên 7 và 5 ô.
Bên trong ngôi tháp, những bậc thang theo hình xoắn ốc dẫn lên những tầng trên, và ở đó du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Tây An từ những cửa sổ ở bốn mặt tháp. Trên các bức tường được khắc chạm những bực tượng Phật mà được cho là do họa sĩ nổi tiếng đời Đường là Diêm Lập Bổn (600-673) thực hiện.
Tại hai mặt cửa Nam của tháp, ở đó dựng hai tấm bia do nhà thư pháp nổi tiếng đời Đường là Trữ Toại Lương viết, nhưng nội dung của bia do hai hoàng đế Đường Thái Tông và Đường Cao Tông soạn, để tán thán những kỳ tích mà ngài Huyền Trang đã thực hiện.
Tháp Trống và Tháp Chuông
Tháp Trống và Tháp Chuông nằm ở trung tâm thành phố Tây An, còn được gọi là “tòa nhà chị em”. Tháp Trống cung cấp một cái nhìn hùng vĩ của Tây An. Tháp được xây dựng năm 1380, tiếng trống được dùng để báo hiệu thời gian các hoạt động và báo động trong các tình huống khẩn cấp. Đến tháp, du khách còn có cơ hội nhìn ngắm chiếc trống lớn nhất ở Trung Quốc, tham quan bảo tàng và thưởng thức các buổi biểu diễn âm nhạc thường xuyên.
Tháp Chuông được xây dựng vào năm 1384, đánh dấu trung tâm địa lý của cố đô Tây Ab. Năm 1582, tòa tháp này được xây bằng gạch và gỗ, cao gần 40m. Trong suốt triều đại nhà Minh, Tây An là một thị trấn quân sự quan trọng ở Tây Bắc Trung Quốc, trên thực tế điều này được phản ánh bởi kích thước và ý nghĩa lịch sử của Tháp Chuông.
Bảo tàng Bi Lâm
Bi Lâm còn được gọi là “rừng bia”, là bảo tàng bia cổ lớn nhất Trung Quốc, là một thư viện khổng lồ và vô tận về kinh Phật, lịch sử và nghệ thuật thư pháp được điêu khắc và lưu truyền theo một cách vô cùng độc đáo. Ở đất nước này có tứ đại bi lâm, tức 4 rừng bia lớn, đó là: Ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây; Khổng Miếu – Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông; Địa Chấn – Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên; Nam Môn – Cao Hùng, Đài Loan.
Rừng bia nằm ở phía Tây Nam của một khu rừng rộng lớn thuộc thành Tây An với 2.300 tấm bia đá các loại, được phân bổ trong 6 nhà bia, 6 hành lang và 1 “bi đình”. Rừng bia khởi nguyên là miếu Khổng Tử của Quốc Tử Giám Kinh thành Trường An đời Đường. Đến thời Nguyên Hựu thứ 5 (1090), vì thấy đây là nơi lưu giữ bộ Khai thành thạch kinh và một số bia đá đời Đường, nên người ta có ý định đưa bia đá từ các nước khác về tập trung tại đây. Kể từ đó, các triều đại Nguyên, Minh, Thanh đưa thêm nhiều bia đá về đây làm nên một rừng bia đồ sộ về số lượng và loại bia. Đến nay nó đã trở thành là Viện bảo tàng nghệ thuật khắc đá cổ lớn nhất Trung Quốc.
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thiểm Tây
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thiểm Tây là nơi lý tưởng để du khách tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là triều đại nhà Đường. Bảo tàng này trưng bày khoảng 370.000 di tích khảo cổ được phát hiện từ thời kỳ đồ đá đến năm 1840 như tranh tường, tranh vẽ, gốm sứ, tiền xu, đồ đồng, đồ bạc… Hầu hết các cổ vật đều có mô tả bằng tiếng Anh nên du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin.
Khu phố Hồi giáo
Các nhà sử học Trung Quốc cho rằng Tây An là điểm khởi đầu của Con đường tơ lụa, tuyến thương mại cổ đại nối Trung Quốc với Trung Đông và Châu Âu. Từ ẩm thực đến trang phục, Tây An chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hồi giáo. Di sản Hồi giáo của Tây An nằm ở khu phố Hồi, trung tâm phố cổ Tây An. Khu vực này có 10 nhà thờ Hồi giáo và hơn 20.000 cư dân Hồi.
Khu phố Hồi giáo quả là một nơi tuyệt vời để lang thang trên khắp các cửa hàng, nhà hàng và thưởng thức ẩm thực đường phố. Các quầy hàng nằm dọc các con hẻm hẹp là nơi bán hầu hết mọi thứ đến nỗi bạn khó có thể tưởng tượng. Thậm chí có một số quầy hàng ở đây còn bán cả các bộ phận của máy bay. Đi dọc khu phố, bạn dễ dàng bắt gặp những quầy hàng bán đồ ăn nhẹ đặc trưng của người Hồi giáo và các món ăn địa phương. Các món ăn đường phố ở đây khá ngon và rất rẻ, bao gồm thịt bò nướng, cá nướng, xiên cừu, bánh kếp,… Chính vì thế, nơi đây cũng được mệnh danh là “một đường phố cho người sành ăn”.
Ngoài 12 địa điểm nổi tiếng trên, cố đô Tây An còn có nhiều điểm đến hấp dẫn không kém thu hút khách du lịch như: Mậu Lăng (Lăng mộ Hán Vũ Đế, vua thứ 5 nhà Hán, có nhiều tượn chạm khắc rất đẹp); Bát Chân Tự (Đằng sau Cổ lầu, kết hợp hoàn hảo kiến trúc đạo Hồi và Trung Hoa. Hồi Dân Nhai bao quanh là khu ở của người đạo Hồi); Bát Tiên Cung (Ngôi đền đạo Lão xây dựng thờ Bát Tiên, có Bát Tiên Kiều, cầu Bát Tiên); Công viên Quốc gia Thái Bình nằm cách trung tâm Tây An 4km ở phía Bắc sườn núi Qingling;…
Có thể nói rằng ai đi du lịch Trung Quốc cũng khó lòng mà bỏ qua các điểm đến hấp dẫn ở Tây An vì nơi nào cũng mang vẻ đẹp cổ xưa xứng danh là các di sản kiến trúc cổ. Khi tới thăm cố đô Tây An, du khách nhất định phải ghé thăm những địa điểm mà chúng tôi vừa giới thiệu trên đây để cảm nhận được trọn vẹn sự hấp dẫn của thành phố này nhé!