Tết Đoan ngọ hoặc Tết Đoan Dương, trùng vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm, là một trong những dịp lễ tết lớn nhất ở Trung Quốc. Vào ngày này, người dân có tục lệ ăn Bánh Ú để tưởng nhớ đại thi nhân Khuất Nguyên. Bánh Ú do đó mà trở thành một trong những món ăn truyền thống, được truyền lại qua nhiều thế hệ con cháu Trung Hoa.
Theo chuyện xưa, vào cuối thời Chiến Quốc, nước Sở có một vị đại thần tên là Khuất Nguyên. Ông còn là một nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng ở Trung Quốc. Vào năm 340 trước Công Nguyên, đại thi nhân Khuất Nguyên phải đối mặt với nỗi đau đất nước suy vong, vua làm sai nhưng ông không ngăn được, cộng thêm gian thần hãm hại. Ngày 5/5, ông uất ức tự vẫn tại sông Mịch La.
Để tưởng nhớ một trung thần, hằng năm cứ đến ngày này người dân Trung Quốc thường dùng ống tre đựng gạo, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài rồi ném bánh ra giữa sông để tế cúng Khuất Nguyên. Đây được xem là nguồn gốc của Bánh Ú sớm nhất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại nhiều vùng ở Tô Châu và Gia Hưng, người dân đã ăn Bánh Ú để bày tỏ tiếc thương với tướng quốc nước Ngô Ngũ Tử Tư. Sau khi ông bị giết chết vào cuối thời Xuân Thu, thi thể của ông đã bị ném xuống dòng Tư Giang. Dân gian tương truyền, người dân nước Ngô đã ném Bánh Ú xuống sông để tránh tôm cá ăn tấn công thi thể Ngũ Tư Tư.
Ngày nay, tại Trung Quốc, Bánh Ú có đa dạng về kiểu dáng, cách gói, nhân bánh, rồi khác nhau cả về vị ngọt, mặn. Nhưng tựu chung, đến nay, trong ẩm thực Trung Hoa có 7 loại Bánh Ú đặc trưng nhất, được nhiều người biết đến nhất bởi hương vị thơm ngon của nó.
Bánh Ú Sơn Tây
Bánh Ú Sơn Tây là loại bánh Ú có lịch sử lâu đời nhất Trung Quốc. Bánh Ú Sơn Tây trước đây còn có tên là “Giác Thử”, với từ “Giác” ý chỉ hình dáng góc cạnh của chiếc bánh, còn “Thử” là tên gọi của nguyên liệu làm nên bánh, “Thử” chính là hạt kê. Loại hạt này có đặc tính mềm dẻo giống nếp (nguyên liệu chính để làm Bánh Ú) khi được nấu chín. Nhân Bánh Ú Sơn Tây thường là táo đỏ, bánh thường ăn kèm với đường trắng hoặc mật ong, cho một vị ngọt đậm đà tự nhiên.
Bánh Ú nhân đậu Bắc Kinh
Bánh Ú nhân đậu Bắc Kinh có phần đỉnh bánh thường khá to, chứ không nhỏ và nhọn như những loại Bánh Ú khác ở Trung Quốc. Bánh thường có hình chữ nhật hoặc hình khối tam giác cân, với nhân bánh thường là táo đỏ hoặc đậu đỏ. Một số gia đình ở Bắc Kinh còn dùng các loại mứt hoa quả để làm nhân bánh. Chính vì vậy, đây là loại Bánh Ú có vị ngọt nhất.
Bánh Ú Gia Hưng
Bánh Ú Gia Hưng ở tỉnh Chiết Giang là một trong những loại Bánh Ú có tiếng nhất Trung Quốc xưa nay. Loại bánh này đặc biệt ở chỗ tuy khá dẻo nhưng lại vẫn có độ giòn nhất định, càng thú vị hơn nữa là bánh có rất nhiều dầu mỡ nhưng lại không mang lại cảm giác ngấy cho người ăn, vị của bánh cũng lạ không kém, không quá mặn mà cũng không quá ngọt.
Bánh Ú Gia Hưng thường có nhân thịt, thường được mọi người khen là “vua của làng Bánh Ú” vì quy trình làm bánh hết sức công phu. Phần nếp trước khi được gói làm bánh sẽ được đem đi tẩm ướp gia vị truyền thống của Giang Nam cùng với lòng đỏ trứng gà. Sau cùng là sẽ nấu nếp chung với đùi heo, mỡ trong đùi heo sẽ ngấm dần vào nếp, do đó mà khi ăn sẽ thấy bánh tiết ra rất nhiều dầu mỡ.
Bánh Ú thịt quay Phúc Kiến
Nếu như ở miền Bắc Trung Quốc có sự đại diện của Bánh Ú nhân đậu Bắc Kinh thì Bánh Ú thịt quay Phúc Kiến lại là đại diện cho làng Bánh Ú miền Nam Trung Quốc. Bánh nổi tiếng với nhân thịt quay Tuyền Châu nhưng vẫn giữ nguyên hương vị bánh đậm đà của vùng Mân Nam (phía nam tỉnh Phúc Kiến).
So với những loại Bánh Ú hết sức dân dã của miền Bắc Trung Quốc, Bánh Ú thịt quay Phúc Kiến thường được xem là loại Bánh Ú thượng hạng. Bánh ngoài nguyên liệu chính là nếp ra thì còn có thịt ba rọi đã được tẩm ướp gia vị, nấm hương, hến khô, tôm khô.
Trong quá trình chế biến, phần nếp sau khi ngâm nước sẽ được để cho ráo, kế tiếp sẽ được trộn đều với nước xốt, dầu hành, công đoạn tiếp theo là rang nếp sao cho vừa khô tới, tiếp tục ngâm nếp với thịt kho, rồi dùng lá trúc gói bánh. Sau cùng là luộc bánh.
Đúng là bánh thượng hạng có khác, công đoạn chế biến đã phức tạp, mà cách thưởng thức cũng cầu kì không kém. Bánh Ú sau khi luộc chín là phải phết ngay một lớp tương đậu, tương ớt rồi tỏi hấp nữa. Đầy đủ hương và vị hấp dẫn để du khách trải nghiệm đấy!
Bánh Ú Quảng Đông
Bánh Ú Quảng Đông hay còn gọi là Bánh Bá Trạng, là loại bánh theo cách gói truyền thống của người Quảng Đông. Hình dáng của Bánh Ú Quảng Đông như một khối kim tự tháp.
Ngoài những nguyên liệu thường gặp như nếp, đậu xanh và thịt, Bánh Ú Quảng Đông còn được thêm vào tôm khô, hạt dẻ hay đậu phộng, nấm đông cô, lòng đỏ trứng muối. Bánh thường được gói bằng lá tre và được cột bằng một loại cỏ nước, giúp cho bánh khi nấu lên có mùi thơm đặc trưng. Sự kết hợp của các loại nguyên liệu này làm nên chiếc Bánh Ú mang đậm bản sắc ẩm thực của người Hoa. Và, một khi du khách đã thưởng thức chiếc bánh này, hương vị của nó sẽ để lại dấu ấn khó phai trong tâm trí của du khách.
Bánh Ú cay Tứ Xuyên
Ẩm thực Tứ Xuyên vốn nổi tiếng với các món ăn cay và Bánh Ú cũng không ngoại lệ. Loại Bánh Ú này thường sẽ nấu cùng tiêu bột, đặc sản muối Tứ Xuyên, mì chính (bột ngọt) và thịt heo phơi khô. Bánh sau khi luộc chín sẽ đem đi nướng thêm lần nữa với than củi. Do trải qua quá trình nướng mà Bánh Ú cay Tứ Xuyên thường xốp giòn, nhân khá mềm, vị cay xé lưỡi. Đây hẳn là món dành cho tín đồ thích ăn cay đấy!
Bánh Ú Quảng Tây
Bánh Ú Quảng Tây có hình dạng khác hẳn với 6 loại Bánh Ú kể trên, trông giống như là một chiếc gối nằm kê đầu vậy. Đặc biệt, mỗi chiếc Bánh Ú Quảng Tây có thể nặng gần 1,5kg. Phải dùng tới tận 10 lá dong mới gói đủ một chiếc Bánh Ú Quảng Tây, ăn bao no!
Phần nhân bánh Ú Quảng Tây cũng khá phong phú, thường thì sẽ có miếng thịt heo to, nửa nạc nửa mỡ, đi kèm với hạt dẻ, đậu đỏ, đậu xanh. Hình dáng và hương vị của loại Bánh Ú độc đáo này sẽ khiến du khách thích thú và phát “ghiền” khi thưởng thức!
Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu với du khách 7 loại Bánh Ú ngon nức tiếng của ẩm thực Trung Hoa. Nếu có dịp du lịch Trung Quốc, du khách hãy thử qua chúng để có sự cảm nhận hương vị riêng của từng loại nhé! Chúc du khách có một hành trình khám phá ẩm thực Trung Hoa đầy thú vị!