Tử Cấm Thành là một cung điện tráng lệ, chứa đựng lịch sử của Trung Quốc qua bao đời nay. Hiện đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn theo thời gian. Nhiều bí mật về nơi này được các chuyên gia hé lộ, trong đó có việc Từ Hi Thái Hậu đã cho người ném nhiều châu báu xuống giếng cổ trước khi tháo chạy khỏi Tử Cấm Thành.
Tử Cấm Thành còn được gọi là Cố Cung nằm ở trung tâm của Bắc Kinh cũng là thủ đô Trung Quốc. Tử Cấm Thành tọa lạc ở khu vực phía Bắc của Quảng trường Thiên An Môn. Tử Cấm Thành được đánh giá một công trình có quy mô hoành tráng của thế giới. Công trình này rộng 720.000m2, diện tích được dựng thành nhà ở là 150.000m2, có 70 khu vực cung điện lớn nhỏ, 9.000 căn phòng.
Tử Cấm Thành được Hoàng thành bao bọc xung quanh. Tử Cấm Thành có hình chữ nhật, chiều Bắc – Nam dài 961m và Đông – Tây dài 753 m. Nó gồm 980 kiến trúc nhà ở với 8.886 phòng, được bao bọc bởi tường cao 7,9m và dày 6m, với hào sâu 52m. Bốn góc là 4 tòa tháp với kiểu mái phức tạp, tượng trưng cho Đằng Vương các và Hoàng Hạc lâu. Mỗi mặt tường có một cổng: Ngọ môn; Thần Vũ môn; Đông Hoa môn và Tây Hoa môn.
Tử Cấm thành được chia làm hai phần: Ngoại đình (còn gọi là Tiền triều) phía Nam dành cho các lễ nghi, và Nội đình (tức Hậu cung) phía Bắc là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất, cũng là nơi Hoàng đế và các quan lại họp bàn việc triều chính hàng ngày.
Tử Cấm Thành được xây dựng dựa trên câu chuyện thần thoại có tên gọi là “Tử vi tiên”. Chuyện kể rằng có một nơi gọi là Tử Vi cung (một cung điện có màu tím) là chỗ ở của Ngọc hoàng cùng các vị thần tiên. Ở nơi này, Hoàng đế được gọi là thiên tử và Tử Vi cung mới đủ uy nghiêm xứng với ông. Vì thế, các hoàng đế Trung Hoa cho rằng Tử Cấm Thành là biểu tượng về quyền lực. Công trình này được xây dựng trong 15 năm (1406 – 1420) với sự góp sức từ 1.000.000 nhân lực. Như vậy, Tử Cấm Thành tính đến nay đã được hơn 600 tuổi.
Trong ngót nghét 6 thế kỷ này, Tử Cấm Thành trải qua hơn 100 trận hỏa hoạn lớn nhưng hầu hết các kiến trúc bên trong công trình này cho đến hiện nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Một phần nguyên nhân là nhờ hệ thống 72 giếng nước được bố trí dọc các cung điện. Theo ghi chép, các giếng nước đóng vai trò lớn việc việc dập tắt một số vụ hỏa hoạn lớn ở Cố Cung. Cùng với đó, những giếng này cũng là nơi chứng kiến những thăng trầm của hai triều đại phong kiến Trung Quốc.
Theo các tài liệu nghiên cứu, vào cuối thời nhà Thanh (tháng 5/1900), khi liên quân 8 nước đánh chiếm Bắc Kinh, Tử Cấm Thành trở nên hỗn loạn, một số cung nữ, phi tần sợ bị làm nhục nên đã nhảy xuống giếng tự vẫn.
Trước khi tháo chạy khỏi Tử Cấm Thành, Từ Hi Thái Hậu đã sai người ném Trân Phi, quý phi được vua Quang Tự yêu quý nhất, xuống giếng. Chiếc giếng nơi Trân Phi bị ném xuống sau này đổi tên thành Giếng Trân Phi. Không những thế, Từ Hi Thái Hậu còn sai người ném nhiều châu báu xuống giếng trước khi tháo chạy khỏi Tử Cấm Thành vì sợ số bảo vật này rơi vào tay kẻ thù.
Năm 1901, sau khi Hiệp ước Tân Sửu được ký kết, Từ Hi Thái Hậu mới từ Tây An trở về kinh thành. Tuy nhiên, bà không ra lệnh vớt số châu báu đã vứt xuống giếng trước đó. Các cung nhân cũng không dám làm vậy vì sợ bị trách phạt nếu bị phát hiện.
Thông tin về các giếng chôn vùi châu báu này phần nào được chứng thực vào năm 1995 khi người ta vô tình trục vớt được một món đồ sứ tinh xảo từ một cái giếng ở phía tây Tử Cấm Thành. Kể cả khi trực vớt thành công, các cổ vật này cũng không còn giữ được hiện trạng ban đầu do nhiều năm bị chôn vùi dưới đáy giếng.
Sau khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, các chuyên gia khảo cổ thống nhất không trục vớt châu báu còn lại trong giếng, bởi miệng giếng rất nhỏ, nếu sử dụng máy móc có nguy cơ phá hủy những di tích hàng trăm năm tuổi. Những giếng cổ này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay, cùng những châu báu bên trong.
Tử Cấm Thành – một bức tranh vẽ nên quá khứ huy hoàng, đồ sộ trong dáng vẻ lộng lấy, nguy nga, cùng với nhiều “bí mật” trở thành một điểm đến đầy thú vị trong hành trình du lịch Trung Quốc! Nếu có dịp đồng hành cùng chúng tôi trong Tour Trung Quốc, du khách đừng bỏ qua địa điểm nổi tiếng này nhé!