Ẩm thực Trung Hoa đa dạng, phong phú như một quyển tiểu thuyết dài tập, không bao giờ kể hết được. Những món ăn ở đây đều có ý nghĩa của nó. Mì trường thọ là một trong những món như vậy.
Tương truyền rằng cách đây từ 300 năm trước, trong triều đại nhà Đường, tại làng Nam Sơn thuộc tỉnh Chiết Giang, sau nhiều biến loạn thì thực phẩm trở nên rất khan hiếm. Lúc này vợ của Hoàng đế Đường Minh Hoàng phải dùng một chiếc khăn tay thêu của mình để đổi lấy một bát mì để tặng cho chồng vào đúng ngày sinh nhật. Từ đó về sau, món ăn thấm đượm tình nghĩa phu thê đó được gọi là “mì trường thọ”.
Mì trường thọ được xem là biểu tượng cho sự mạnh khoẻ, tuổi thọ cao. Thế nên vào mỗi dịp mừng tuổi mới một ai đó, người ta thường nấu món mì trường thọ để ăn thay vì bánh sinh nhật. Người Trung Quốc quan niệm rằng khi ăn một bát mì trường thọ thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn, luôn khỏe mạnh và sẽ sống lâu trăm tuổi. Ngoài ra, không chỉ mang ý nghĩa về tuổi tác, mì trường thọ còn được cho là đem lại may mắn và thịnh vượng, thế nên nó còn xuất hiện trong những dịp đầu năm mới nữa.
Chính bởi ý nghĩa đặc biệt này, người chế biến không được cắt sợi mì, vì làm vậy đồng nghĩa với việc tuổi thọ bị rút ngắn, mang theo xui rủi cho người ăn. Khi ăn mì trường thọ, phải ăn một hơi hết cả sợi mì và trước khi đưa mì vào miệng, không được cắn đứt sợi mì. Nét độc đáo trong văn hoá này ngày nay vẫn được người Trung Hoa duy trì và mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của họ.
Trước đây, những sợi mì dai và dài được người dân nơi đây chế biến với quy trình thận trọng, tỉ mỉ. Chúng được làm bằng một loại bột đặc biệt, sau khi cán mỏng sẽ được cắt thành từng sợi nhỏ, đan chéo và phơi dưới nắng vài giờ đồng hồ. Ngày nay, bất cứ loại mì nào cũng có thể được sử dụng làm nên món ăn thơm ngon này, nhưng phổ biến nhất có thể kể đến là mì Yi Mein (một loại mì trứng Quảng Đông có màu vàng hấp dẫn và vị dai, xốp đặc trưng nhờ dùng nước soda trong quá trình chế biến). Để làm loại mì đặc biệt này, đầu bếp cần có kỹ thuật cao. Khâu nhồi bột cũng được chú trọng kỹ lưỡng để đảm bảo đủ độ dai, khiến sợi mì có thể kéo dài. Sợi mì trường thọ sẽ có độ dài khoảng 3m chứ không ngắn như mì bình thường. Từ xưa cho đến nay, người dân nước này đã có quan niệm sợi mì kéo càng dài được xem là biểu tượng cho sự mạnh khoẻ, tuổi thọ ngày càng cao.
Sợi mì thường được xào với các loại rau củ, hải sản, hoặc nấu trong nước dùng được hầm từ gà. Nếu xào, các nguyên liệu phụ cần được để ráo nước và xào riêng, cho thêm dầu ăn để sợi mì không dính vào nhau. Một số nguyên liệu có thể ăn kèm cùng món này là thịt vịt quay, thịt xá xíu hoặc tôm sú, hoặc cũng có thể ăn riêng một mình. Khi ăn, người Trung Quốc cũng thường thêm một quả trứng gà vào vì trứng gà có hình tròn, là biểu tượng của sự viên mãn, đồng thời cũng tượng trưng cho sinh mạng.
Mì trường thọ có thời gian hình thành và tồn tại lâu dài, lại được giữ nguyên công thức chế biến đặc biệt, được lưu truyền từ đời này sang đời khác nên là món ăn có vị trí, vai trò quan trọng trong nền ẩm thực Trung Hoa. Nếu có dịp du lịch đất nước này, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức một tô mì trường thọ thơm ngon, bổ dưỡng nhé!