Tại Trung Quốc, Phượng Hoàng cổ trấn là một thị trấn cổ xinh đẹp thuộc tỉnh Hồ Nam, nơi được lựa chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng. Với khung cảnh lãng mạn, thơ mộng bên dòng sông Đà, bên cạnh đó là những cây cầu với những thiết kế độc đáo, ẩn chứa những ý nghĩa rất đặc biệt mà khiến bất kỳ ai đến đây cũng phải thốt lên hai từ “hoàn hảo”.
Soi bóng xuống dòng Đà Giang thơ mộng, Phượng Hoàng cổ trấn tựa như một nàng thơ dịu dàng, e lệ. Cuộc sống của người dân nơi đây đều gắn liền với con sông này. Để thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày và đi lại, họ đã xây dựng những cây cầu nhỏ để nối liền hai bờ sông. Những cây cầu được thiết kế với lối kiến trúc độc đáo vô cùng ấn tượng từ một phượng tiện phục vụ cho việc đi lại giờ đây những cây cầu đã trở thành linh hồn của thị trấn cổ kính này, những nhịp cầu đá, những cây cầu gỗ cổ kính,.. tất cả đã góp phần làm nên nét đẹp hoài cổ và trầm mặc của Phượng Hoàng cổ trấn.
Cầu Đá
Cầu Đá có lẽ là cây cầu độc đáo và nổi tiếng nhất ở Phượng Hoàng cổ trấn. Với thiết kế đặc biệt chỉ vừa đủ cho một người đi qua, cầu cũng được thiết kế đặc biệt: thay vì xây cầu cong cong uốn lượn thành hình bán nguyệt, thì cây cầu này được thiết kế thành các cột đá cách nhau đúng 1 bước chân – tạo cảm giác hệt như du khách đang bước vào một bộ phim cổ trang hành động. Nơi mà các cao thủ võ lâm sẽ đứng ở mỗi bên cầu, tranh nhau bước qua cầu và cuối cùng là giao tranh.
Được xây dựng vào năm 1704 dưới thời vua Khang Hy, trải qua những thăng trầm của thời gian, từng bị nước lũ cuốn trôi, bị phá hủy bởi các cuộc chiến tranh nhưng cây cầu đã được khôi phục nguyên vẹn và được người dân bảo tồn như một báu vật vô giá. Cây cầu đá trở thành một phần không thể thiếu trong bức họa lịch sử cổ trấn soi bóng Đà Giang.
Bên cạnh đó cây cầu còn là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Tương truyền, ngày xưa khi đi các chàng trai đi ăn hỏi, phải tự mình gánh sính lễ đi qua cây cầu này để thể hiện thành ý của mình.
Bước chân trên những trụ đá, băng qua dòng Đà Giang, hít thở không khí trầm mặc cổ trang, cảm nhận dòng nước chảy qua dưới chân mình, ngẩng đầu lên thấy lớp lớp mái rêu phong cổ kính. Cứ ngỡ như cây cầu đưa ta đi vào một bộ phim cổ trang nào đó. Đây có thể nói là, điểm check-in độc nhất tại Phượng Hoàng cổ trấn.
Cầu Gỗ
Nếu Cầu Đá mang nét kiến trúc độc đáo, thì Cầu Gỗ lại khoác trên mình sự giản dị và mộc mạc nhưng không kém phần nên thơ. Đi dọc theo dòng Đà Giang, du khách sẽ bắt gặp vài cây cầu gỗ, có cái uốn lượn, có cái xếp thẳng nhưng đều chỉ được ghép từ tấm gỗ giản dị, đơn sơ, đặt trên các bệ đá. Hình ảnh những cây cầu gỗ đơn sơ bắc qua dòng nước hiền hòa, vững chãi qua bao mùa nắng mưa cũng đủ cho du khách mê đắm.
Nếu đến đây vào mùa thu, đứng từ trên cây cầu gỗ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh sắc thơ mộng và lãng mạn của trấn Phượng Hoàng khi vào thu. Nước Đà Giang chuyển sang màu xanh ngọc bích, phía xa xa là bóng dáng mờ ảo của những ngọn núi, những nhành cây đang chuyển dần sang màu đỏ vàng, tất cả đã hòa quyện với nhau vẽ nên một bức tranh non nước hữu tình tuyệt đẹp.
Hồng Kiều
Cùng với những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Phượng Hoàng cổ trấn như: Bắc Môn cổ thành hay Tháp Vạn Danh, Cầu Hồng Kiều (hay: cầu Cầu Vồng) là một trong những địa điểm du lịch “hút hồn” du khách.
Ngắm nhìn từ xa, cây cầu tựa như một điểm nhấn sống động giữa lòng trấn cổ êm đềm, lặng lẽ. Cây cầu tựa như một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây với hơn 300 năm tuổi trải qua những thăng trầm cây cầu vẫn là khung cảnh thân thuộc đối với mỗi con người được sinh ra ở nơi đây, nó tựa như một điểm dựa tinh thần vững chắc cho con người ta, mỗi khi mệt mỏi dạo bước trên cây cầu chiêm ngưỡng cảnh sắc bình yên và thanh bình sẽ giúp du khách quên đi hết mọi âu lo muộn phiền,…
Hồng Kiều bắc qua con sông Đà thơ mộng, không chỉ nối liền giao thông 2 bờ cây cầu còn là nhân chứng lịch sử, chứng kiến những đổi thay của trấn Phượng Hoàng cổ kính. Sở dĩ cây cầu có tuổi thọ và trường tồn với thời gian như vậy, bởi nó được xây dựng từ nguyên liệu chủ yếu đó là gỗ và đá rất chắc chắn.
Cây cầu tựa như một căn nhà lầu dài với kiến trúc 2 tầng có mái che với những bức phù điêu được chạm khắc tinh xảo 2 bên thành cầu, mái che được tạo nên từ những mái ngói âm dương nối liền nhau tạo nên một nét đẹp vô cùng quyến rũ và thơ mộng trong mắt du khách.
Hồng Kiều xây dựng theo lối kiến trúc phượng hoàng đặc trưng trong phong cách kiến trúc Trung Hoa, phô bày nét đặc sắc và rực rỡ đặc trưng nhất của văn hóa Á Đông, văn minh Trung Hoa nó đem lại ý nghĩa của sự phồn vinh, hạnh phúc.
Một trong những nét độc đáo của cây cầu đó là lối kiến trúc mang tính nghệ thuật. Chiêm ngưỡng kiến trúc cây cầu, du khách sẽ hiểu thêm về nét kiến trúc độc đáo này và được nghe kể về những câu chuyện xoay quanh nó. Kết cấu cầu Hồng Kiều gồm 2 tầng, tầng 1 là lối đi lại giữa 2 bên bờ, có những sạp hàng nhỏ buôn bán bên trong; tầng 2 là khu văn hóa, trưng bày những bức tranh, thư pháp về trấn Phượng Hoàng và là nơi để ngắm cảnh. Đứng từ trên tầng 2, du khách sẽ ngắm nhìn trọn vẹn cảnh sắc thơ mộng của trấn cổ này.
Ngồi trên thuyền, xuôi theo dòng nước Đà Giang, du khách có thể nhìn ngắm cây cầu từ bên dưới để thấy được sự to lớn và vững chãi của nó. Buổi tối là thời điểm tuyệt vời để thưởng ngoạn cảnh sắc trên lầu. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những ngọn đèn lồng thắp lên thứ ánh sáng mơ mộng và huyền ảo, khiến cho du khách có cảm giác lạc vào bối cảnh của những bộ phim Trung Quốc thời cổ đại cách đây hàng trăm năm.
Vân Kiều
Vân Kiều được xây dựng với kiểu kiến trúc gần giống như Hồng Kiều, có 2 tầng nhưng có đến 3 lớp mái ngói. Cây cầu này là ranh giới phân chia cổ trấn thành 2 bên, một bên là không gian cổ kính với những ngôi nhà cổ hàng ngàn tuổi phía bên kia là không gian hiện đại, sự hiện đại và cổ kính luôn tồn tại song song ở cổ trấn thơ mộng này. Nếu phía bên này cầy là những ngôi nhà cổ được xây bằng gỗ nằm ven sông thì đối lập với nó ở bên kia trấn là những ngôi biệt thự liền kề, hiện đại và sang trọng. Ngắm nhìn nét đẹp cổ kính đan xen với nhịp sống hiện đại sẽ đem đến cho du khách những ấn tượng khó phai khi ghé thăm Vân Kiều.
Cầu Vô Danh (Cầu Trăng)
Những cây cầu ở Phượng Hoàng cổ trấn không phải tất cả đều có tên, có những cây cầu vô danh nhưng không vì vậy mà trở nên mờ nhạt. Cây cầu vô danh này nằm ngay gần Vân Kiều với hình dáng một nửa cong như vầng trăng non, soi bóng xuống dòng sông, một nửa lại là những bậc đá như cây Cầu Đá nhưng có phần dài hơn nên nhiều khách đến đây còn đặt tên là “Cầu Trăng”. Đứng ở cầu vô danh thì dường như góc nào lên cũng đẹp lung linh để du khách thỏa thích check-in.
Tuyết Kiều – Vũ Kiều – Vụ Kiều – Phong Kiều
Tuyết Kiều – Vũ Kiều – Vụ Kiều – Phong kiều, tương ứng với 4 nguyên tố của thiên nhiên: tuyết – mưa – sương – gió. 4 cây cầu này được thiết kế bởi họa sĩ đương đại nổi tiếng Hoàng Vĩnh Ngọc. Với ông, Phượng Hoàng cổ trấn là nơi lưu giữ những kí ức tuổi thơ và là niềm cảm hứng bất tận trên con đường nghệ thuật của mình.
Tuyết Kiều nổi bật với màu trắng, có một tòa tháp 2 tầng ở giữa và cầu thang 2 bên đi lên trên tháp cũng có màu trắng. Nếu tinh tế để ý cả cây cầu cùng với bóng của nó ở dưới nước, du khách sẽ thấy Tuyết Kiều có hình dáng là một hình oval dài, với các tay vịn cầu thang được thiết kế có các cột tròn để trang trí, nhưng khi nhìn tổng thể cầu và bóng nước, các cột tay vịn này lại giống các cạnh của hoa tuyết. Tuyết Kiều chính là một bông hoa tuyết trắng trang nhã nằm điểm xuyết bên dòng Đà Giang cổ kính như vậy. Được khởi công vào tháng 4/2011 và hoàn thành và tháng 11/2012, cây cầu với kiến trúc cổ xưa này đã góp phần tạo nên không gian hoài cổ cho thị trấn nhỏ.
Vũ Kiều là cây cầu hiếm hoi không có thiết kế “sương gió mưa” giống những người “anh em” của mình. Vũ Kiều được thiết kế giống như một tòa lầu gác để du khách có thể vừa trú mưa trên cầu, vừa ngắm cảnh toàn Phượng Hoàng cổ trấn chìm trong màn mưa trắng xóa. Có lẽ đây mới chính là mục đích của Hoàng Vĩnh Ngọc khi làm ra Vũ Kiều: có thể bắc giá vẽ ngay trên cầu, vừa ngắm mưa vừa có thể vẽ lại tuyệt cảnh. Đáng tiếc là cây cầu này đã bị một trận lũ nhiều năm về trước quét đi mất, khiến bao khách du lịch tiếc nuối khôn nguôi và hy vọng một ngày nào đó nó sẽ được khôi phục lại.
Vụ Kiều có nghĩa là “cầu sương mù”. Đúng như tên gọi, khi trời có sương mù che lối, cây cầu với mái ngói âm dương sẽ thoắt ẩn thoắt hiện hệt như tòa lâu đài trong những bộ phim thần tiên. Khi ghé thăm cây cầu này vào những ngày sương mù du khách sẽ được lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với màn sương mù mờ ảo ẩn hiện, thấp thoáng phía xa xa là bóng dáng của những con thuyền trôi nhè nhẹ trên mặt sông tựa như đang đạp mây cưới gió, dẫn lối du khách vào chốn bồng lai. Nếu đến thăm cây cầu vào những ngày nắng, hiện ra trước mắt du khách là cảnh sắc thanh bình với những dãy núi hùng vĩ trên nền trời xanh ngắt, một không gian bình yên sẽ giúp du khách quên đi những mệt mỏi của cuộc sống hiện đại ngoài kia.
Phong Kiều có thiết kế gần giống như Vụ Kiều, nếu không nhìn kỹ rất dễ nhầm lẫn giữa hai cây cầu này. Khác với Vụ Kiều, phần mái ngói của Phong Kiều có dáng hình tam giác chứ không phải hình thang. Điểm nhấn của Phong Kiều là khu nhà mái ngói ở trung tâm cây cầu là nơi che mát cho du khách đứng thưởng ngoạn vẻ đẹp của quang cảnh xung quanh. Từ trên bờ Đà Giang nhìn về hướng Phong Kiều, chắc hẳn ai cũng sẽ ấn tượng với khung cảnh hết sức hài hòa màu sắc. Phản chiếu trên mặt nước xanh biếc là nền đá trắng của cây cầu cổ đan xen với những mái ngói nâu đỏ rêu phong, tạo nên một nét trầm mặc, hoài cổ.
Nam Hoa Đại Kiều
Cây cầu lớn từ cổng Nam Hoa (Nam Hoa Môn) nhìn ra được coi là cây cầu lớn nhất và cao nhất ở Phượng Hoàng cổ trấn. Từ đây, du khách có thể chụp toàn cảnh trấn cổ cùng những cây cầu khác. Cây cầu lớn này không chỉ phục vụ cho du khách ngắm nhìn toàn cảnh trấn từ trên cao mà còn là cây cầu giao thông huyết mạch, nối đôi bờ Đà Giang, đủ lớn và vững chãi để ô tô, xe máy đi qua.
Những cây cầu cổ kính ở Phượng Hoàng cổ trấn không chỉ phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của người dân thuận tiện hơn mà còn góp phần điểm tô cho nơi đây trở nên quyến rũ và nên thơ hơn trong mắt du khách.
Nếu du khách đi du lịch cùng “người thương”, hãy cùng họ nắm tay nhau, dạo bước qua những cây cầu này, những bậc đá lát cầu nghìn năm tuổi, cầu mong chuyện tình của bạn sẽ mãi bền lâu theo năm tháng nơi đây. Nếu du khách chưa có người đồng hành của cuộc đời, cũng hãy chọn một Tour Trung Quốc thử đến đây xem, biết đâu vào ngày trời mưa du khách sẽ gặp được tri kỷ của mình thì sao?