9 món chè bổ dưỡng nên thử trong chuyến du lịch Trung Quốc

9 mon che 10

Khi nhắc tới các món chè Trung Hoa, chúng ta sẽ thấy rằng bất kỳ một món nào cũng đều mang đậm sự khác biệt so với chè Việt Nam. Chúng không chỉ đặc trưng từ mùi vị, chế độ dinh dưỡng mà đến cái tên cũng độc đáo. Đồng thời họ chú trọng vào chè với sự hấp dẫn và thanh mát cho cơ thể hơn là vị ngọt.

Chè mè đen

Đứng đầu trong danh sách các món chè được yêu thích nhất ở Trung Hoa, đó là chè mè đen, với vẻ ngoài giản dị đặc quánh một màu đen thẫm, vẫn luôn đủ sức hấp dẫn đối với mọi thực khách. 

9 mon che 1

Nguyên liệu nấu món chè này không hề phức tạp với hạt vừng đen nấu cùng bột gạo cho dẻo, vị ngon đến từ chính cái bùi bùi rất nhẹ của hạt vừng chất lượng, còn tươi, không chút ẩm mốc nào.

Chè mè đen đúng chuẩn không quá ngọt, chỉ cần một thoáng đường nhẹ để giữ nguyên hương vị tươi mới của vừng. Chính vì đặc trưng thơm béo mà vẫn thanh tao mà món này phù hợp với khẩu vị của nhiều người, một bát chè nhỏ xíu chẳng có nhiều màu sắc hấp dẫn, nhưng chính cái dáng vẻ dẻo mịn nóng hổi kia đã đủ sức lôi kéo bao nhiêu con người hảo ngọt.

Chè trứng hồng trà

Đây là công thức chè khá lạ lẫm với phong cách truyền thống của ẩm thực Việt, khi dùng nguyên liệu trứng gà, là nguyên liệu vốn chỉ nấu món mặn hay làm bánh, để đưa vào chè. Tuy nhiên, với ẩm thực Trung Hoa thì đó là điều quen thuộc, chẳng hạn như với món chè trứng hồng trà độc đáo này.

Theo quan niệm của người Trung Hoa, món chè này có tác dụng bổ phổi, an thần, giúp thần sắc tươi tắn, thư thái. Như vậy, nó vừa tốt cho sức khỏe, vừa lợi cho sắc đẹp. Tuy nhiên, để có món chè ngon, bạn phải chịu khó bỏ nhiều thời gian và công sức. Trước tiên là công đoạn nấu trà cho ra hết nước cốt bằng cách túm trà vào túi vải, đun riu riu trong nồi nước. Trứng gà luộc, dùng muỗng đập nhè nhẹ bên ngoài cho vỏ trứng nứt ra rồi đem luộc trong nước trà và đường liên tục 2 giờ không mở nắp. Cuối cùng, bóc hết phần vỏ trứng ra, bóc hết phần vỏ bên ngoài rồi lại thả vào nồi.

9 mon che 2

Món chè khi nấu xong sẽ có màu nâu đen đỏ trông rất bắt mắt, trà và đường thấm sâu vào trứng nên mất hết mùi tanh. Vị béo bùi của trứng hòa quyện với “nước trà” màu đen óng ánh, để lại cảm giác khó quên và lạ lẫm.

Món chè này có thể ăn nóng hoặc lạnh đều ngon và thường có mặt trong nhiều nhà hàng, các bữa tiệc của người Trung Hoa.

Chè hột gà bột năng

Lại có thêm một món chè được chế biến từ trứng gà – Chè hột gà bột năng. Tuy nhiên, chè hột gà củ năng chỉ cốt lấy cho thật khéo phần lòng đỏ tươi béo ngậy, còn phần lòng trắng nấu chín đã được quyện cùng vị ngọt của củ năng, với cái thơm của lá dứa làm át hẳn mùi tanh. Công thức này có thể thay trứng gà bằng trứng cút, chú trọng lòng đỏ là phần giàu dinh dưỡng và không dính chút vị tanh nào. 

9 mon che 3

Món chè này có hai cách nấu. Cách thứ nhất là đun sôi nước, đường, một ít bột năng để tạo độ sánh, sau đó cho hột gà đánh tan vào để tạo những sợi “vân mây”. Cách nấu này gần giống như kiểu cho hột gà vào súp cua mà chúng ta vẫn thường làm. Có thể du khách nghĩ hột gà nấu kiểu này sẽ không dễ ăn chút nào nhưng thực tế, món chè vẫn rất ngon, đặc biệt thích hợp để ăn nóng. Hơn nữa, nấu món này lại rất nhanh gọn, không tốn nhiều thời gian.

Cách nấu thứ hai có phần kỳ công hơn khi đảm bảo lòng đỏ trứng gà còn vẹn nguyên trong bát chè năng sánh đặc, trông giống như một mặt trời bé con. Lòng trắng thì đã được nấu cùng bột củ năng sánh dẻo. Lúc này, lòng đỏ được cho vào bát rồi mới múc chè đổ vào. Khi ăn, thực khách cứ thế mà khuấy rồi thưởng thức dần, lòng đỏ còn tái thơm béo ngậy.

Chè đu đủ tiềm

Món chè đặc sản này cũng được liệt vào hàng mát, bổ của ẩm thực Trung Hoa truyền thống. Món chè ngọt thanh rất mát, giải độc, nhuận trường và tốt cho da này được nhiều phụ nữ rất thích.

9 mon che 4 e1634122678590

Nguyên liệu chỉ gồm đu đủ chín (vừa chín tới), đường phèn, táo tàu, nấm tuyết nhưng không nấu mà đem hấp cách thủy. Món này trời lạnh thì có thể ăn nóng mà trời nóng thì có thể ăn lạnh, kiểu gì cũng ngon, bổ, hấp dẫn vô cùng.

Chè ỷ

9 mon che 5

Chè ỷ hay còn gọi là chè Tiều, là một phiên bản của chè trôi nước. Thường thì những viên chè ỷ sẽ bé hơn, bên trong là đủ loại nhân, có cả đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ nghiền, đậu phộng. Chè cũng được nấu trong nước đường có gừng thơm ấm, được rắc mè rang vàng thơm khi ăn. Trong ngày cưới, người Hoa cũng nấu món chè này cho cô dâu và chú rể ăn như một lời chúc hạnh phúc vẹn tròn. 

Chè đậu đỏ hạt sen

Đây là món chè được người dân bản xứ gọi là chè may mắn và được dùng nhiều trong ngày cưới. Ý nghĩa của chè đậu đỏ hạt sen như một lời chúc viên mãn đến cuộc sống bình dị đời thường. Hơn nữa, món chè này còn là món ăn làm ấm lòng người nhanh nhất vào thời tiết se lạnh cuối năm.

9 mon che 6

Để nấu được chè đậu đỏ hạt sen, người ta cần các nguyên liệu gồm: đậu đỏ, hạt sen tươi (đã bỏ tim) và đường phèn. Sau đó, đem đậu đỏ rửa sạch với nước rồi ngâm trong một khoảng thời gian. Khi đã sơ chế xong, họ cho hạt sen và đậu đỏ vào nấu cùng nước. Khi thấy các nguyên liệu trong nồi bắt đầu chín thì thêm đường vào và đánh đều tay để đường nhanh tan, không bị vón cục. Cuối cùng tắt bếp và múc chè đậu đỏ hạt sen ra bát là có thể thưởng thức được rồi.

Chè Sâm bổ lượng

Sâm bổ lượng hay còn gọi là chè sâm bổ lượng, là một món chè ngọt có nguồn gốc Quảng Đông và cũng phổ biến tại Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cao, và Hải Nam. Mặc dù công thức có thể khác nhau, sâm bổ lượng thường có nhãn nhục (cơm trái long nhãn phơi khô), hạt bo bo, hạt sen, phổ tai (một loại rong biển), táo tàu đỏ, hoài sơn (khoai mài) cùng nước, đường phèn và đá bào. 

9 mon che 7

Công dụng chính của chè sâm bổ lượng chính là thanh nhiệt, an thần, bồi dưỡng cơ thể. Nó cũng là vị thuốc chữa rất nhiều bệnh vì các thành phần trong sâm bổ lượng đều là thuốc quý như nhãn nhục, đại táo, hạt sen, bo bo, tuyết nhĩ, phổ tai, bạch quả.

Đậu hũ hạnh nhân

Chè Trung Quốc thường ăn nóng, nhưng không phải vì thế mà không có những công thức chè lạnh mát lòng mát dạ, hạ nhiệt ngày hè. Thoạt nhìn gần giống như món chè khúc bạch, nhưng đậu hũ hạnh nhân có nguyên liệu đơn giản và bổ dưỡng hơn rất nhiều.

9 mon che 8

Nếu như viên “đậu hũ” trong khúc bạch có cái ngầy ngậy của kem đánh thì đậu hũ hạnh nhân truyền thống chỉ là thạch nấu sữa cùng chiết xuất hạnh nhân đậm đặc, trên mặt rắc thêm vài lát hạnh nhân tươi giòn giòn.

Món thạch chè này ăn rất mát, mùi hương nồng nàn không “dễ chơi” nhưng quen rồi sẽ nghiện. Người ta tạo ra rất nhiều biến thể cho đậu hũ hạnh nhân, vừa là để thêm màu sắc bắt mắt vừa tăng độ dinh dưỡng, thường thấy nhất là đậu hũ hạnh nhân nấu đu đủ, lê, bạch quả,…

Quy linh cao

Cũng là một loại thạch, Quy linh cao làm người ta liên tưởng tới sương sa sương sáo truyền thống của Việt Nam. Thế nhưng, nguyên liệu chính của Quy linh cao không phải lá, dù cũng có chút bột rau câu để tạo độ đông. Đặc trưng của món này nằm ở hai thành phần chính là thổ phục linh cùng bột mai rùa hộp ba vạch, bên cạnh đó còn có cam thảo cùng nhiều thành phần phức tạp khác không kém gì một công thức thuốc Bắc.

9 mon che 9

Ngày nay, cao quy linh thường không có bột mai rùa hộp ba vạch do loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng món thạch chè không vì thế mà mất đi lượng dinh dưỡng dồi dào. Quy linh cao đắng, khó ăn, thường được người lớn tuổi ưa thích hơn. Ngày nay, người ta thường ăn món thạch này với sữa hoặc mật ong để giảm độ đắng. Dù “đỏng đảnh” như vậy nhưng quy linh cao vẫn rất được người Trung Hoa ưa chuộng nhờ công dụng bồi bổ tim gan, thanh nhiệt giải độc cùng hương vị là lạ khó quên.

Nếu đã quen với chè đậu, chè nếp nấu theo kiểu Việt thì hẳn du khách sẽ thấy lạ lẫm và không kém phần thích thú với vài món chè theo phong cách Trung Hoa kể trên. Vậy nên, nếu có dịp du lịch Trung Quốc, du khách hãy nên thử để có những trải nghiệm ẩm thực thú vị nhé!