Ấm lòng vào những ngày đông giá lạnh ở Trung Quốc với món Sủi dìn (Bánh trôi tàu)

sui din 5

Đến Trung Quốc vào những ngày đông giá rét, còn gì tuyệt vời hơn khi du khách được thưởng thức món Sủi dìn (Bánh trôi tàu). Trong cái lạnh se sắt, cầm trên tay bát bánh trôi tàu khói bốc nghi ngút, thưởng thức hương vị ngọt ấm bùi bùi quả thật là một trải nghiệm đáng nhớ dành cho du khách.

Cảm giác ngồi cảm nhận gió lạnh lùa vào người mà tay cầm một bát Sủi dìn (hay còn gọi là Chè thang viên, Bánh trôi tàu) đang bốc khói nghi ngút với hương vị ngọt bùi thực sự là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách trong hành trình du lịch Trung Quốc. Sủi dìn có vỏ bánh mềm, thơm mùi gừng, mùi đường, dừa. Nước đường đậm đà mà không ngọt sắc. Rất ấm lòng vào những ngày đông giá lạnh.

sui din 1

Món ăn này được chế biến từ những nguyên liệu dễ tìm như: bột gạo nếp, vừng đen, đậu xanh, dừa nạo, gừng tươi, đường và hương liệu đặc trưng. Có thể thay các nhân đậu xanh, vừng đen bằng các nhân khác như đậu đỏ, khoai lang, hạt dẻ thơm, khoai môn, hạt sen, sô cô la, táo tàu khô,… hoặc thậm chí là trứng muối, trứng chảy (gọi là bánh trôi kim sa). Ngoài ra, viên Sủi dìn cũng được nhuộm màu tự nhiên từ dành dành, hoa đậu biếc, lá dứa, nước ép từ trái cây như dâu tây, việt quất,…

sui din 4a

Nhìn qua, Sủi dìn gần giống bánh chay truyền thống của Việt Nam, bởi cách làm và một số nguyên liệu giống nhau, nhưng món này có những nét riêng của người Trung Hoa. Sủi dìn làm từ bột nếp, nhưng nhân bằng vừng đen rang chín cho dậy mùi thơm, sau đó giã nhuyễn cùng dừa nạo sao cho vừa thơm, vừa béo ngậy và khi nặn cùng với vỏ bột nếp có độ giòn và không dễ bị nát. Nước làm Sủi dìn có vị đặc trưng riêng, bởi dậy mùi cay nồng của gừng tươi giã nhỏ nấu với nước đường mía tạo ra màu vàng cánh gián.

sui din 2

Sủi dìn dễ làm. Tuy nhiên, khâu chuẩn bị nguyên liệu khá kỳ công bởi bột nếp phải xay nước mới mềm, dẻo. Khi làm cần khéo léo để nhân không bị bật ra ngoài vỏ, khi luộc chú ý để đủ độ chín là vớt ra bát, nếu để chín quá dễ bị vỡ nhân. Bột nếp được nặn từng viên to hơn một chút, đường kính khoảng 3 đến 3,5cm; đậu xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, hấp hoặc đồ chín, xúc ra đem giã nhuyễn, chừa lại một ít chưa giã để trang trí. Xào phần đậu xanh đã khuấy với đường, vê tròn lại. Khuấy bột sắn dây hoặc bột đao với nước pha đường, kèm một chút nước gừng, đun nhỏ lửa, đảo đều tay cho bột hơi sánh lại và khi Nặn bị cháy khét ở đáy nồi. Nặn bột mỏng đều ra rồi cho nhân vào giữa, vê tròn lại cho kín nhân rồi ấn bánh hơi dẹt một chút (có một số địa phương không ấn dẹt bánh ra từ trước, mà đợi khi bánh chín vớt ra sẽ cho vào từng bát, dùng thìa ấn hơi dẹt bánh). Luộc bánh trong nước sôi già, khi bánh nổi lên là đã chín. Cho bánh ra bát, múc nước đường đổ ngập bánh, rắc vừng (rang vàng, xát bỏ vỏ) hoặc rắc chút đậu xanh hấp chín lên trên, có thể thêm một ít sợi dừa nạo và nước hoa bưởi cho thơm. Cũng có nơi người ta sử dụng các nhân khác nhau như hạt sen, xoài, mứt dâu tây,…

sui din 3

Một bát Sủi dìn được bán ở Trung Quốc bao giờ cũng có hai viên bánh cỡ lớn tầm một quả trứng gà, một viên có nhân đậu xanh xay nhuyễn cùng đường cát, viên kia lại là nhân vừng đen xay. Hai viên Sủi dìn như tượng trưng cho sáng và tối được dầm trong thứ nước đường màu vàng sóng sánh như hổ phách, thơm phức mùi gừng. Sủi dìn với vị quá sắc, không ngọt quá, không nồng quá, tất cả chỉ dừng ở mức thơm, lịm vừa phải khiến món ăn này trở nên vừa miệng, dễ ăn vô cùng.

Trong cái lạnh se sắt của trời đông, sưởi ấm đôi tay cùng bát Sủi dìn còn nóng rẫy, hít hà hương gừng, hương dừa, hương vừng tươi, thưởng thức vị ngọt lịm mê hồn của nước mật cùng những viên Sủi dìn béo ngậy sẽ khiến du khách phải “ngất ngây”. Nếu có dịp du lịch Trung Quốc, du khách đừng bỏ qua món ăn đặc sắc này nhé!