Càn Lăng – kỳ quan “thi gan cùng tuế nguyệt” ở Trung Quốc

can lang 6

Lịch sử Trung Hoa từng có tới 231 vị Hoàng đế, nhưng lại chỉ ghi nhận một Nữ hoàng duy nhất, đó chính là Võ Tắc Thiên. Không chỉ là mỹ nhân từng làm khuynh đảo Đường triều, Võ Tắc Thiên còn xây dựng cho mình nơi an nghỉ được hậu thế ca tụng là “kỳ quan thứ chín” và cũng là một trong những lăng mộ đế vương nguyên vẹn nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Võ Tắc Thiên (624-705), tên thật Võ Chiếu, là một phi tần ở hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Đường Thái Tông qua đời, bà lại trở thành phi tần của Đường Cao Tông, tức con của Đường Thái Tông. Sủng ái vợ, vị vua này đã đưa bà lên làm Hoàng hậu. Sau khi Đường Cao Tông qua đời vào năm 683, Võ Tắc Thiên (khi đó lấy tôn hiệu Thiên hậu) từng là Hoàng thái hậu và cuối cùng trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu, triều đại mà bà sáng lập tồn tại từ năm 690 đến năm 705.

Võ Tắc Thiên là nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc và trong 15 năm cai trị (từ năm 690 – 705) với tôn hiệu Thánh Thần Hoàng đế, Võ Tắc Thiên đã góp phần mở mang lãnh thổ Trung Quốc, tập trung phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển Phật giáo. Võ Tắc Thiên cùng 2 vị Nữ hoàng không ngai khác là Lã hậu và Từ Hi Thái hậu được coi là 3 người phụ nữ nắm quyền lực tối cao nhất từng xuất hiện trong các triều đình phong kiến Trung Hoa.

Tuy nhiên, việc Võ hậu lên nắm quyền cai trị đất nước bị các nhà sử học Nho giáo chỉ trích mạnh mẽ. Lại thêm tính cách độc ác, hà khắc của bà khiến đông đảo cựu thần nhà Đường không phục.

Đầu năm 705, Tể tướng Trương Giản Chi cùng các đại thần phát động binh biến, ép Võ hậu thoái ngôi và đưa con trai bà là Đường Trung Tông Lý Hiển lên ngôi. Võ Tắc Thiên bị giam lỏng ở Lạc Dương và qua đời vào cuối năm 705, thọ 81 tuổi. Bà là một trong 3 vị Hoàng đế Trung Hoa có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử.

Sau khi Võ Tắc Thiên qua đời, bà và chồng là Đường Cao Tông được chôn cất tại Càn Lăng ở tỉnh Thiểm Tây, phía Tây Bắc Trung Quốc. Tại Càn Lăng, ngoài mộ phần dưới lòng đất của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên, còn có 17 ngôi mộ nhỏ hơn, hay còn gọi là mộ bồi táng chôn cất thành viên hoàng tộc và các vị anh hùng. 

can lang 4

Càn Lăng ở vào vị thế đắc địa trên núi Lương Sơn. Đây vốn là một dãy núi nham thạch đá vôi, có độ cao 1.047m so với mặt nước biển. Dãy núi đặc biệt này có tới 3 đỉnh, bắt đầu nổi lên từ cao nguyên Hoằng Sĩ bằng phẳng. Trong đó, đỉnh phía Bắc là cao nhất, tức là Lăng Càn. Hai đỉnh phía Nam thấp hơn, Đông Tây đối đầu, được ví như cánh cửa thiên nhiên của khu lăng mộ. Nhờ sở hữu địa thế đặc biệt, lại “cõng” trên mình lăng mộ kỳ vĩ, Lương Sơn mang dáng hình giống như một người phụ nữ đang nằm ngủ.

Càn lăng là khu lăng mộ lộ thiên, được khởi công vào năm 638 và xây dựng ròng rã 30 năm mới hoàn thành. Xây dựng vào thời kỳ đỉnh cao thịnh trị, triều đình sở hữu quốc lực dồi dào, nên lăng mộ có quy mô to lớn, kiến trúc hùng vĩ, thường được ví như “lịch đại chư hoàng lăng chi quan” (lăng mộ giữ vị trí “quán quân” trong các lăng của Hoàng đế mọi thời đại).

Theo các tài liệu khảo cứu, Càn Lăng được phát triển và hoàn thiện theo phong cách xây dựng của Chiêu Lăng – nơi an tán Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Sử sách chép rõ, lăng mộ được xây dựng bởi 2,3 triệu mét khối đất đá. Kết cấu của Càn Lăng mô phỏng theo thành Tràng An (kinh đô nhà Đường), bao gồm: hoàng thành, cung thành và ngoại quách.

Đường trục chính Nam – Bắc của lăng mộ này dài tới 4,9km. Nội thành chiếm 240m2. Nó được 2 vòng thành bao bọc. Vòng thành ngoài dài tới 80km. Vòng thành trong dài 5km. 

Lăng mộ có tới 387 phòng lộng lẫy, gồm: Hiến điện, Khuyết lâu, Vương tân điện, từ đường của 61 công thần, hạ cung. Xét về mức độ vĩ đại, những kim tự tháp ở Ai Cập có lẽ cũng khó có thể so sánh với Càn Lăng.

can lang 3

Lăng chính có 4 cổng. Mỗi cổng lăng đều có đặt một đôi sư tử đá. Bên ngoài cổng Bắc có 3 đôi ngựa đá. Các tác phẩm điêu khắc trên đá tinh tế và trang nhã rải rác khắp nơi trong các khu lăng mộ và vẫn nguyên vẹn sau hơn 1.300 năm.

Dọc theo con đường được gọi là trục Thần đạo, du khách sẽ tìm thấy những tượng ngựa có cánh, sư tử, chim đà điểu. Những vị Hoàng đế của Trung Quốc cổ đại muốn cuộc sống dưới lòng đất của họ sẽ thịnh vượng nên họ thường đặt những sinh vật như chim muông, thú dữ trước lăng mộ của họ để canh gác.

Những con ngựa có đôi cánh được trang trí bằng những đường nét mảnh mai, tinh tế, đang phi nước đại. Đôi chim đà điểu được bố trí dọc theo trục Thần đạo là những cống vật dành cho triều đình nhà Đường từ các nước Trung Á. Các bức phù điêu chạm khắc hình chim đà điểu có niên đại từ năm 683. Ngoài ra còn có hình phượng hoàng truyền thống của Trung Quốc được mô phỏng trên cơ thể của những con đà điểu.

can lang 2

Sâu bên trong lăng mộ có tấm “Vô tự bia” (bia không chữ) khổng lồ với chiều dài lên tới 7,5m, nặng hơn 100 tấn, được chạm khắc 8 đầu rồng quấn vào nhau. Hai bên thân bia khắc hai con đường. Trên con đường khắc một con tuấn mã và một con sư tử. Lý giải về tấm bia không chữ này, một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng công đức của Võ Tắc Thiên quá lớn, không một tấm bia hay văn tự nào có thể diễn tả hết. Lại có người cho rằng, Võ Tắc Thiên lật đổ chế độ nam quyền truyền thống Trung Quốc, biết mình tội ác to lớn, xấu hồ viết tự truyền,… Nhưng nhiều người cho rằng, Võ Tắc Thiên đặt Bia vô tự là thông minh, bà biết người ta sau này sẽ bình luận đa dạng, văn bia không thể khái quát cuộc đời của mình, cho nên đặt Bia vô tự, công lao hay sai trái để lại cho người đời sau bình luận. Cũng có những suy đoán cho rằng Võ Tắc Thiên tin vào Phật giáo và hiểu rằng sống, chết là chuyện nhỏ, không có đúng hay sai trong cuộc sống của mỗi người. Do đó bà đã để lại tấm bia trống.

can lang 1

Tại Càn Lăng còn có 61 bức tượng đá có kích thước tương đương người thật. 32 bức tượng ở phía Tây và 29 bức ở phía Đông. Các bức tượng đứng cạnh nhau, chắp tay trước ngực ngay ngắn và thành kính. Các bức tượng xếp hàng trước lăng và phần lớn đầu của các bức tượng đã biến mất.

Các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng những tượng đá này có trang phục và ngoại hình rất giống với của người Đông Thổ, vì vậy những tượng đá này có thể là tượng của tù trưởng các dân tộc thiểu số Trung Quốc cổ đại và tượng các sứ thần từ các nước chư hầu.

Một giả thuyết cho rằng đầu của những bức tượng đá này đã bị chặt bởi người của nhà Minh. Chuyện kể rằng, vào thời nhà Minh, một sứ thần nước ngoài đã đến thăm viếng Càn Lăng và phát hiện ra rằng tổ tiên của ông đã đứng ở đây để canh gác các lăng mộ của Hoàng đế nhà Đường. Người này cảm thấy điều đó vừa bất lợi, vừa làm suy giảm tinh thần của đất nước đồng thời khiến lòng tự trọng của ông bị tổn hại nên ông đã chặt đầu các bức tượng cho hả giận. Bên cạnh đó, một số học giả suy luận rằng đầu của các bức tượng đã bị rơi trong một trận động đất mạnh được ghi lại trong lịch sử vào năm 1556. Trận động đất này là một trong những nguyên nhân chính khiến 61 tượng đá này bị gãy đầu và ngoài các tượng người bằng đá, nhiều tượng ngựa bằng đá ở đây cũng bị hư hỏng phần đầu. Do điều kiện lúc bấy giờ, hầu hết các tượng đá này đều được lấy từ đá tự nhiên nên chất liệu không được chắc chắn.

can lang 5

Vì Càn Lăng chưa được khai quật, nên có vô số đồn đoán về nó. Theo ước tính của giới nghiên cứu, với quy mô và tầm vóc của Càn Lăng, rất có thể số châu báu trong mộ sẽ lên tới con số 500 tấn. Thậm chí, nhiều khả năng tập Lan Đình Tự nổi tiếng của “thánh thủ” Vương Hy Chi cũng được cất giấu bên trong lăng mộ này. Nhà văn hóa Quách Mạt Nhược tin rằng, chắc chắn trong lăng mộ sẽ có hàng vạn thư tịch, danh họa. Theo ông, không chừng sẽ tìm được 100 quyển Thùy Củng Tập và 10 cuốn Kim Luân Tập đã thất lạc của Võ Tắc Thiên, chỉ nghe tên, chưa ai được thấy. Và cũng Theo sử sách, Đường Cao Tông là người rất yêu thích hội họa. Trước khi chết, ông yêu cầu đưa tất cả những bức họa ông thích vào Càn Lăng. Như vậy, có thể có một kho hội họa khổng lồ trong lăng mộ này.

Xuất phát từ những giai thoại về kho báu khổng lồ bên trong Càn Lăng, nên lăng mộ này đã từng bị mộ tặc ghé thăm tới 17 lần. Cuối thời nhà Đường, Hoàng Sào – lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa nông dân – đã huy động tới 40 vạn dân binh đào bới liên tục tại Càn Lăng với hy vọng lấy được của cải, nhưng ngay cả khi đã đào tới hố sâu 40m vào lòng núi, nhóm người này vẫn phải tay trắng ra về.

Tương truyền rằng, ngôi mộ của Võ Tắc Thiên hợp táng cùng Cao Tông Lý Trị còn sở hữu lời nguyền chết chóc cho kẻ nào tới phá đám giấc ngủ ngàn thu của hai vị Hoàng đế. Theo đó, vào thời Ngũ Đại, thứ sử Diệu Châu là Ôn Đạo là một mộ tặc khét tiếng. Họ Ôn này từng có “thành tích” đào xới hơn 10 lăng mộ Đường triều, thu về cả kho tài châu báu. Ôn Đạo từng huy động tới 2 vạn người để khai quật Càn Lăng. Nhưng trong quá trình đào bới, thời tiết thường xuyên xảy ra mưa bão, sấm sét dữ dội. Đội nhân công cũng liên tục có người chết vì tai nạn, bệnh tật. Quá sợ hãi trước những điềm báo này, Ôn Đạo đã phải dừng ngay hành động xâm phạm khu lăng mộ của Nữ hoàng họ Võ.

Dưới thời Quốc Dân Đảng, tướng Tôn Liên Trọng cũng từng huy động một binh đoàn với một lượng lớn thuốc nổ để phá 3 tầng nham thạch vào trong núi. Nhưng những vũ khí tân tiến, hiện đại vẫn không giúp những kẻ hậu thế chạm tới Càn Lăng.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, Càn Lăng vẫn sừng sững tọa lạc trên đỉnh Lương Sơn. Cho đến ngày nay, kỳ quan “thi gan cùng tuế nguyệt” tới cả ngàn năm ấy vẫn là một trong những lăng mộ bí ẩn nhất trong lịch sử Trung Quốc. 

Nếu có dịp du lịch Trung Quốc, du khách đừng quên dành thời gian đến thăm viếng địa điểm nổi tiếng này nhé! Chúc du khách có một chuyến đi với nhiều điều thú vị!