Tháp Đại Nhạn – kiệt tác vĩ đại bậc nhất của kiến trúc cổ Trung Hoa

thap dai nhan 7

Tháp Đại Nhạn là một trong những điểm du lịch văn hóa nổi tiếng ở Trung Quốc. Không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật, tòa tháp này còn đóng vai trò quan trọng đối với tôn giáo và văn hóa của Trung Quốc. Nó còn được ví von như một trong những cái nôi Phật giáo ở Trung Hoa.

Tọa lạc bên trong khuôn viên chùa Đại Từ Ân, thuộc ngoại thành thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Tháp Đại Nhạn là một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất Trung Hoa. Tháp Đại Nhạn mang trong mình một ý nghĩa to lớn trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, một điểm son trong quá trình kinh Phật phương Đông đến với Trung Quốc.

thap dai nhan 3 e1667722242648

Tòa tháp này được gọi là “Đại Nhạn” bởi xuất phát từ giai thoại như sau: Vào một ngày nọ, chư Tăng trong một ngôi chùa vốn không có truyền thống ăn chay, đã không mua được thịt cho bữa ăn ngày hôm đó. Khi nhìn thấy một đàn nhạn bay trên trời, một vị Tăng tự nhủ: “Hôm nay chúng ta không có thịt. Tôi mong Bồ-tát từ bi sẽ ban cho chúng ta một ít”. Ngay lúc ấy, con nhạn đầu đàn bị gãy cánh và rơi xuống đất. Các sư tăng vô cùng hoảng sợ và nghĩ rằng Bồ-tát thể hiện lòng mong muốn của ngài là họ cần phải từ bi hơn đối với chúng sanh. Do đó, họ xây dựng một ngôi tháp ở nơi con nhạn rơi xuống và chấm dứt việc ăn thịt. Và theo đó ngôi tháp này được đặt tên là tháp Nhạn. Tuy nhiên, sự thực ngôi tháp này được đặt tên như vậy bởi vì kiến trúc của nó được mô phỏng từ một ngôi tháp có cùng tên ở Ấn Độ. Để phân biệt với ngôi tháp nhỏ hơn có cùng kiến trúc được xây dựng về sau tại Chùa Tiến Phúc ở Trường An, người ta gọi nó là Tháp Đại Nhạn.

Tháp Đại Nhạn còn được biết đến với tên gọi khác là “Đại Yến”, cái tên này được ví như cuộc đời của Nhà sư Huyền Trang – Đường Tam Tạng, giống như con chim nhạn lớn bay đi thật xa, rồi lại quay về. 

thap dai nhan 4

Về sự ra đời của Tháp Đại Nhạn, chúng ta cần ngược dòng lịch sử trở lại thời nhà Đường. Tòa tháp được xây dựng dưới thời kỳ vua Đường Thái Tông. Năm 629, nhà sư Đường Huyền Trang lên đường sang Tây Thiên (Ấn Độ) thỉnh kinh. Năm 645, Đường Huyền Trang quay trở về Trung Quốc. Tháp Đại Nhạn được xây vào năm 652 với mục đích chứa bản dịch Kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán của Đường Tam Tạng.

Ban đầu, Tháp Đại Nhạn có 5 tầng, cao 64m được xây dựng chủ yếu bằng đất nhồi với toàn bộ bề mặt đều bằng đá. Sau 5 thập kỷ, công trình này đã bị sập. Đến thời Võ Tắc Thiên, bà đã cho xây lại và thêm 5 tầng mới vào năm 704. Nhưng trong trận động đất Thiểm Tây năm 1556 thì tháp bị hư hại nặng nề và bị giảm đi 3 tầng và có chiều cao như ngày nay với 7 tầng. Đến thời nhà Minh, tòa tháp được đại trùng tu và được phục chế vào năm 1964. Đến nay, Tháp Đại Nhạn đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.

Tháp Đại Nhạn bao gồm 3 phần: Phần nền, phần thân và hình chạm đầu mái. Chiều cao của tháp hiện nay là khoảng 65m. Trong đó, phần nền cao 4,2m và hình chạm đầu mái cao 4,87m. Nhìn một cách tổng quan, tháp sở hữu kiến trúc gỗ hình vuông kiểu gác mái.

Tháp được trang trí khá đơn giản, tầng dưới cùng được xây dựng chắc chắn với những gờ đưa ra rộng, 6 tầng trên có cửa sổ cuốn xoay ra 4 hướng của mặt tháp. Trên mặt tháp có nẩy các trụ tạo nên những ô hình chữ nhật theo đúng số lẻ, dưới cùng có 9 ô, lên trên 7 và 5 ô.

thap dai nhan 1

Đặc biệt ngay phía trước Tháp là tượng Đại Đường Tam Tạng (Huyền Trang) trông rất sống động. Ngài đứng đó, thân khoác áo cà sa, mắt hướng nhìn về Tây Trúc uy nghi, gương mặt tự tại, tay cầm thiền trượng, đỉnh gậy có hình hoa sen trượng trưng cho sự giác ngộ cũng như giáo lý nhà Phật, bước chân Tam Tạng sải dài, tạo nhịp cuốn bay tà áo cà sa. Phải chăng con đường giác ngộ của Đường Tăng vẫn còn thênh thang phía trước và vẫn chưa dừng bước tại đây?

Bên trong ngôi tháp, những bậc thang theo hình xoắn ốc dẫn lên những tầng trên, và ở đó du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Tây An từ những cửa sổ ở 4 mặt tháp. Trên các bức tường được khắc chạm những bức tượng Phật mà được cho là do họa sĩ nổi tiếng đời Đường là Diêm Lập Bổn (600-673) thực hiện. Những bức tượng đá thể hiện sự thiện xảo trong điêu khắc, và hiện được xem là những nguồn tham khảo quan trọng cho việc nghiên cứu về hội họa và điêu khắc đời Đường. Vào đời nhà Đường, mọi thí sinh trúng tuyển – những người đỗ những kỳ thì do triều đình tổ chức, phải trèo lên tháp Đại Nhạn viết một bài thơ và chữ viết lên đó. Nghi thức này tượng trưng cho việc thăng tiến sự nghiệp trong tương lai. Hình thức viết thơ và đề chữ của những thí sinh trúng tuyển của các kỳ thi triều đình tiếp tục cho đến triều Minh. Những bài thơ và các bản chữ viết này tồn tại cho đến ngày nay.

thap dai nhan 2

Toàn bộ lịch sử, những câu chuyện về nhà Đường và tóm tắt cuộc đời Đường Tam Tạng cũng đều được khắc họa rõ nét qua những bức phù điêu bên trong tháp. Leo lên cao hơn của Tháp Đại Nhạn, du khách sẽ thấy rất nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo khác nữa. Đó chính là một loạt các bức tượng Phật giáo, những bức tranh, những bài thơ nổi tiếng trong 1.000 năm trở lại ở Trung Quốc và những bài thơ hiếm hoi quý giá của Đường Huyền Trang. Một trong những bảo vật của Tháp phải kể đến bức tượng đồng mạ vàng của Thích Ca Mâu Ni. Ngài chính là người đá sáng lập Phật Giáo. Bức tượng nằm ở tầng 2 của tháp.

Và đặc biệt hơn nữa, một trong những bảo vật trân quý của tháp phải kể đến đó là “xá lị”. Xá lị là những hạt nhỏ có dạng viên tròn, hình thành sau khi hỏa táng thi thể của các vị cao tăng Phật giáo. Trong tháp có rất nhiều xá lị quý giá được bảo tồn. Nhiều người tin rằng, những xá lị này được bảo tồn trong cung điện ngầm của tháp. Cung điện ngầm nằm dưới chân tháp. Nơi đây chứa rất nhiều di tích quý giá như: xá lị, kinh Phật viết trên lá Pattra, tượng Đường Huyền Trang,…

Trên tầng 6 của tháp là tranh minh họa những nhà thơ nổi tiếng như Đỗ Phủ, Sầm Than, Cao Thích,… Bên cạnh đó còn có bản khắc những tác phẩm nổi tiếng của họ. Lên đến tầng 7, tại đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Tây An. Tầng 7 là tầng trên cùng của tháp. Du khách sẽ có cảm giác như mình đã xuyên không về nhà Đường cổ đại với tiếng chuông thanh thúy, mùi hương thơm dịu và không khí Phật giáo bao quanh.

thap dai nhan 6

Tại 2 mặt cửa Nam của tháp, ở đó dựng hai tấm bia do nhà thư pháp nổi tiếng đời Đường là Trữ Toại Lương viết, nhưng nội dung của bia do hai Hoàng đế Đường Thái Tông và Đường Cao Tông soạn, để tán thán những kỳ tích mà ngài Huyền Trang đã thực hiện.

Quần thể ngôi chùa mà ở đó Tháp Đại Nhạn tọa lạc là một khu vườn tuyệt đẹp với những kiến trúc ấn tượng. Mặc dù bị hủy hoại và trùng tu nhiều lần, và hầu hết những khu nhà trong quần thể Chùa Đại Từ Ân được xây vào thời Thanh, nhưng những công trình này đều mang kiến trúc đời Đường – thời kỳ ngôi chùa được thành lập. Quần thể ngôi chùa được xây dựng dọc theo một trục chính, với những công trình đối xứng hai bên. Bên trong ngôi chính điện thờ 3 tôn tượng Phật, tượng trưng cho 3 hóa thân của Đức Phật. Bức tượng ở giữa là Pháp thân, bức phía Tây là Báo thân và bức phía Đông là Ứng thân. Ngoài ra trong quần thể ngôi chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật xưa.

thap dai nhan 5

Phía Bắc của Tháp Đại Nhạn có một đài nhạc nước rất lớn. Cấu trúc của đài nhạc nước này kết hợp giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại. Viếng thăm nơi này cần đến vào buổi tối, khi toàn thể khu vực này được thắp đèn. Phía Nam của Tháp Đại Nhạn là Quảng trường Huyền Trang, nhân vật gắn liền với ngôi chùa này. Gần Quảng trường Huyền Trang là Đại Đường bất dạ thành – một khu tổ hợp với nhiều chức năng khác nhau.

Tháp Đại Nhạn là danh lam nổi tiếng nhất của thành phố Tây An, và là một điểm đến không nên bỏ qua khi du khách có dịp đến tham quan thành phố này trong chuyến du lịch Trung Quốc. Viếng thăm nơi này, ngoài việc thưởng lãm một ngôi chùa cổ có kiến trúc và cảnh quan đẹp, đây cũng là dịp cho du khách tìm hiểu và ôn lại hành trạng của một nhân vật nổi tiếng của Phật giáo, đó là ngài Đường Huyền Trang.