Nga Mi Sơn mang vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ dung hòa với nét đẹp văn hóa Phật giáo ở Trung Hoa

nui nga mi 12

Một mình hiên ngang đứng sừng sững giữa hai con sông mang tên là Đại Độ và Thanh Y, Nga Mi Sơn là một trong những địa danh có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ dung hòa với nét đẹp văn hóa Phật giáo, khiến nơi đây trở thành một trong “Tứ đại danh sơn” của Trung Quốc.

Nga Mi Sơn hay còn gọi là “Đại Quang Minh Sơn”, nằm gần như hoàn toàn trong thành phố cấp huyện Nga Mi Sơn và một phần nhỏ thuộc Lạc Sơn (Tứ Xuyên). Núi Nga Mi cùng với Lạc Sơn Đại Phật (bức tượng phật cao nhất thế giới) được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1996.

Núi Nga Mi nằm trên khu vực rìa phía Tây của lòng chảo Tứ Xuyên theo hướng cao nguyên Thanh – Tạng, cao 3.099m. Những ngọn núi phía Tây của Nga Mi Sơn được gọi là “Đại Tương Lĩnh”. Đây là vùng núi rộng lớn được hình thành bởi những trận phun trào núi lửa trong kỷ Permi.

nui nga mi 11

Nga Mi Sơn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những dãy núi vô cùng nguy nga, hoành tráng, cùng với hoa cỏ xanh tươi cộng với hương thơm nức mũi được ví là “núi tiên nước Phật”. Nơi đây có sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cảnh tự nhiên tươi đẹp và nội hàm văn hóa lịch sử lâu đời Trung Quốc, một sự kết hợp thật là hài hòa, được coi là “Nga Mi thiên hạ tú” và “Tứ đại Phật giáo danh sơn”.

Theo truyền thuyết cổ, Nga Mi Sơn cũng chính là ngọn núi nơi xuất phát của một môn phái võ đã đi vào lịch sử võ thuật Trung Quốc, đó là phái Nga Mi – môn phái chỉ toàn nữ nhập môn. Đến nay, không ai còn biết chắc Nga Mi võ phái có tồn tại thật không, chỉ biết rằng trong những tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, đây là một trong những môn phái lừng danh giang hồ với nhiều vị nữ trưởng môn tài ba, xinh đẹp.

Chặng đường chinh phục thử thách Nga Mi Sơn bắt buộc du khách phải trải qua tuyến đường lên núi gần vài trăm dặm. Đây thực sự là thử thách to lớn đối với những người leo núi. Nắm bắt được tình hình như vậy, những năm gần đây, kiến tạo đường dây cáp leo núi nên người du lịch nhẹ nhàng hơn, có thể nhìn ngắm vạn dặm biển mây, thưởng thức bốn phong cảnh tuyệt đẹp: “Nhật xuất” (mặt trời mọc), “vân hải” (biển và mây), “Phật quang” (hào quang của Phật) và “Thánh đăng” (đèn Thánh).

nui nga mi 1

Nga Mi Sơn được Đại Hiền Bồ Tát bảo trợ, được chia làm 3 phần: đại nga, nhị nga và tam nga, mỗi nơi có một cảnh đẹp và khí hậu đặc trưng riêng. Đỉnh cao nhất của núi Nga Mi là đỉnh Vạn Phật, nằm trên ngọn núi chính Kim Đỉnh, với độ cao 3.099m. Đỉnh Vạn Phật được đặt tên theo câu nói: “Nơi có Phật Phổ Hiền, vạn Phật ở xung quanh”, cũng là ứng với bên Kim Đỉnh là tượng Phật Phổ Hiền cao 48m, nặng 62 tấn, được xem là bức tượng Phật cao nhất thế giới, được đúc bằng đồng mạ 20kg vàng bên ngoài; còn bên Vạn Phật Đỉnh là có chùa Vạn Phật. Ngôi chùa này cao 21m, với chiếc chuông treo trang trọng trên mái chùa. Thông thường, chiếc chuông sẽ được đánh 108 lần 1 ngày, đại diện cho mong ước hòa bình, thịnh vượng, cũng như xóa bỏ lo âu. Hướng sang Kim Đỉnh cầu nguyện Phật Phổ Hiền, và đánh chuông ở chùa Vạn Niên, sẽ đưa tâm hồn khách du lịch Nga My Sơn đến miền thanh tịnh cực lạc. 

nui nga mi 9

Là một trong “Tứ đại Phật giáo danh sơn”, tại Nga Mi Sơn có tới 26 ngôi chùa, miếu đón khách tham quan; trong đó có 8 ngôi chùa, miếu tiêu biểu: Chùa Báo Quốc, Chùa Phục Hổ, Chùa Tiên Phong, Chùa Vạn Niên, Kim Đỉnh Hoa Tạng, Thanh Âm Các, Hồng Xuân Bình và Tẩy Tượng Trì. Mỗi ngôi chùa lại có vẻ uy nghi, thư thái và là nơi sở hữu những kiệt tác nghệ thuật nhà Phật như tranh, phù điêu, tượng Phật,…

nui nga mi 3a

Chùa Báo Quốc nằm ở chân núi Nga Mi, là cửa ngõ vào bên trong núi và cũng là trung tâm của các hoạt động Phật giáo ở núi Nga Mi. Chùa được xây dựng trong thời Vạn Lịch đế của triều Minh. Tấm biển tên “Bảo Quốc Tự” là bút tích của Hoàng đế Khang Hy thời nhà Thanh. Ban đầu, chùa có tên gọi là “Huy Tông” và được xây bên cạnh chùa Hổ Phục vào thời nhà Minh với mục đích làm một nơi thờ cả Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Trong thời kỳ đầu Thanh triều, Chùa Huy Tông đã được dời đi nơi khác và ngôi chùa ở núi Nga Mi được đổi tên thành Báo Quốc vào năm 1703. Ngôi chùa ngày nay lưu giữ nhiều di tích tôn giáo quan trọng, trong đó nổi bật nhất phải kể đến bức tượng Đức Phật bằng sứ đặt trong chính điện, một tòa táp 14 tầng dựng từ đồng đỏ và một chiếc chuông đồng cao 3m, nặng 25 tấn.

Chùa Báo Quốc tọa trên diện tích đất rộng 40.000m2, có 4 điện chính là điện Maitreya, điện Sakyamuni, điện Thất Phật Nguyên Thủy và điện Samantabhadra. Trong điện Maitreya là bức tượng Phật Di Lặc (Maitreya) bằng gốm màu. Điện Sakyamuni cũng là chính điện của chùa và được trưng bày với nhiều hiện vật tôn giáo quý báu. Trong đó có bức tượng vàng của Phật Thích Ca (Sakyamuni) tọa trên đài sen với tượng 18 đệ tử của ngài ở các phòng hai bên trái, phải. Điện thứ ba là điện Thất Phật với các bức vẽ của 4 trong 7 vị Phật nguyên thủy của Hoàng Đình Kiên trên tường. Điện Samantabhadra là nơi lưu trữ kinh Phật cũng như các tranh vẽ quý giá của các danh họa như Trịnh Bản Kiều, Khang Hữu Vi, Trương Đại Thiên và Từ Bi Hồng. Ngoài ra, từ một vài năm gần đây, điện Samantabhadra cũng là nơi lưu giữ một bức tượng Phật Samantabhadra cưỡi trên con voi trắng trên đài sen.

nui nga mi 2

Thanh Âm Các hay còn gọi là chùa Ngọa Vân nằm tại Ngưu Tâm Lĩnh của Nga Mi Sơn. Phong cảnh xung quanh chùa rất yên bình với hai suối Hắc, Bạch nằm phía dưới, với độ cao 710m. Nổi bật ngay từ phía dưới con suối là những tảng đá lớn có hình dáng như tim một con trâu lớn gọi là “Ngưu Tâm Thạch”. Phía dưới của Thanh Âm Các là hai Phi đình, hai bên có cầu, gọi là song Phi Kiều. Nổi tiếng và ấn tượng đối với du khách khi đến thăm Thanh Âm Các là tượng Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền được thờ ở bên trong chùa.

nui nga mi 4

Chùa Vạn Niên nằm bên dưới Sư Tử Lĩnh, cao 1.020m so với mực nước biển, được xây dựng vào thời Đông Tấn (317-420), lấy tên là Chùa Phổ Hiền. Dân gian kể rằng núi Nga Mi mang hệ Hỏa trong Ngũ Hành, nên chùa cứ xây xong là lại bị hư hỏng nên sau đổi tên thành Chùa Bạch Thủy. Đến năm 1601, Thần Tông Hoàng đế chúc thọ lần thứ 70 cho Thái hậu nên đổi tên thành Chùa Vạn Niên. Phong cảnh nơi đây quanh năm đều tươi xanh. Nhất là vào mùa thu, khi chân núi Nga Mi vẫn còn nóng, các đỉnh núi thì bắt đầu có tuyết rơi thì nơi đây lại là mùa đẹp nhất với lá phong chuyển sang màu đỏ, nguyệt quế nở thơm ngát, mặt hồ Bạch Thủy gợn sóng lăn tăn, khiến khách tham quan đều hân hoan, sảng khoái.

nui nga mi 6

Đến với Nga Mi Sơn, du khách cũng đừng bỏ qua hai địa điểm ấn tượng khác đó là Bạch Vân giáp và Cửu Lão động. Bạch Vân giáp, hay gọi khác là “Nhất Tuyến Thiên”, là một vách núi hẹp, có chiều dài khoảng 130m, chiều rộng tầm 6m, có cầu treo qua vách hẹp, nhưng mỗi lần chỉ đủ cho 2 người qua được.

nui nga mi 5

Cửu Lão động là động lớn nhất ở núi Nga Mi, với chiều dài khoảng 1.500m, chia làm 3 đoạn khá là ấn tương. Tại đây, tương truyền về truyền thuyết có 9 ông già tu tiên là: Thiên Anh, Thiên Trụ, Thiên Nhật, Thiên Cầm Thiên Tâm, Thiên Xung, Thiên Phụ, Thiên Bồng, Thiên Nhuế.

nui nga mi 7

Ngoài ra, khi đến thăm Nga Mi Sơn, du khách có thể đến chiêm bái Bức tượng Đại Phật Lạc Sơn được tạc trên vách núi lớn nhất thế giới, nằm ở ngọn Thê Loan, đối mặt với Nga Mi Sơn. Xưa gọi là “Đại tượng Mi Lạc”, “Đại Phật Gia Định”, bức tượng bắt đầu được tạc vào đầu năm Khai nguyên thời nhà Đường (618-907). Pho tượng Phật ngồi Mi lạc, tọa đông hướng tây, nét mặt đoan trang, tổng chiều cao 71m đã được thực hiện trong suốt 90 năm mới hoàn thành. Tượng Phật được tạc dựa vào vách núi và hướng ra sông Lâm Giang, là pho tượng Phật tạc trên vách đá lớn nhất trên thế giới, được ví “núi là một pho tượng, Phật là một ngọn núi”. Thân tượng Phật cao 59,98m, đầu cao 14,6m. Đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và độc đáo nhất là phần móng tay của bức tượng, dù là bộ phận nhỏ nhất cũng đủ cho một người ngồi. Tượng Phật được khắc trạm tinh sảo, đường nét lưu loát, tỷ lệ thân Phật cân đối, khí thế hùng vĩ, thể hiện nền văn hóa quảng đại của thời nhà Đường. Hai bên vách núi của tọa Phật, con có hơn 20 khám tượng Phật đá của thời nhà Đường, trong đó có nhiều pho tượng rất công phu đẹp mắt.

nui nga mi 10a

Núi Nga Mi là nơi tập trung nhiều loại yếu tố tự nhiên, tại đây các thành phần trong hệ thống của khu vực được kết hợp với nhau. Hệ thống thảm thực vật Á nhiệt đới được bảo tồn hoàn chỉnh, sinh vật phong phú, tỷ lệ thảm rừng lên tới 87%. Núi Nga Mi có 242 giống thực vật cấp cao, 3.200 giống cây, chiếm một phần mười tổng số loài thực vật Trung Quốc, trong đó có hơn 100 giống thực vật là đặc sản được phát hiện trên núi Nga Mi, một số trong đó được đặt tên theo hai chữ Nga Mi và trở thành đặc sản nổi tiếng đến nay. Ngoài ra, núi Nga Mi còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm, có hơn 2.300 loài động vật đã được biết đến. Núi Nga Mi là nơi quan trọng có ý nghĩa đặc biệt trong việc nghiên cứu hệ thống sinh vật của thế giới. Vào mùa đông nơi đây phủ trắng tuyết.

nui nga mi 8

Nơi đây còn có một hiện tượng được người dân gọi là “Phật Quang”. Ở Kim Đỉnh thỉnh thoảng có những luồng ánh sáng hình tròn 7 màu xuất hiện được xem như là hào quang của Phật. Đó là một khoảnh khắc, đứng trên đài cao nghìn dặm, du khách chợt thấy một cầu vồng hình tròn 7 sắc rực rỡ hiện lên trên không trung giữa mây ngàn, như hào quang của Bồ Tát hiển linh hiện hình trong niềm tin vào cõi vĩnh hằng. Dĩ nhiên không phải ai đến đây cũng có cơ duyên được chiêm ngưỡng Phật Quang, vì một năm chỉ có khoảng 70 ngày có thể xuất hiện hiện tượng ánh sáng đặc biệt này trong những khoảnh khắc hết sức bất ngờ dưới ánh mặt trời trên núi cao. Chính sự linh thiêng này mà người Trung Quốc chỉ mong một lần trong đời lên đỉnh Nga Mi để bái đức Phổ Hiền Bồ Tát. Đó cũng là mong ước của người dân vùng Tứ Xuyên quanh năm mây mù, lên Kim Đỉnh để được ngắm trời xanh.

Gần 2.000 năm qua, Nga Mi Sơn là nơi sáng tạo và tích lũy di sản văn hóa phong phú, mang đặc trưng chủ yếu của Phật giáo. Di sản thiên nhiên và văn hóa của núi Nga Mi có giá trị rất cao về lịch sử, mỹ học, nghiên cứu khoa học, phổ biến khoa học. Cũng bởi vì thế mà Nga Mi Sơn luôn là một địa điểm mà nhiều khách du lịch nước ngoài khi du lịch Trung Quốc đều muốn một lần ghé thăm.