Tây Tạng – một vùng đất thanh bình và người dân ở đây sống rất hài hòa với thiên nhiên. Thêm vào đó đây cũng chính là nơi có nền văn hóa vô cùng độc đáo. Nó là sự kết tinh những gì tuyệt vời nhất của văn hóa Ấn, Hoa,… Trong đó không thể không nhắc tới văn hóa uống trà. Và đó cũng chính là lý do khến Trà Bơ trở nên phổ biến.
Trà Bơ hay còn được biết đến là trà Po Cha. Đây là loại trà được uống nhiều nhất, nói theo cách khác, loại thức uống này là “quốc hồn quốc tuý” của vùng đất Tây Tạng.
Người ta nói rằng người Tây Tạng uống tới 60 tách trà nhỏ mỗi ngày để bổ sung dưỡng chất và nước. Với du khách nước ngoài, ngụm trà bơ đầu tiên có thể không hợp vị lắm, nhưng đó là cửa ngõ đầu tiên giúp du khách chạm tới nền văn hoá đặc trưng riêng biệt của Tây Tạng. Người Tạng thường thưởng trà cùng với “Tsampa” – một thức ăn từ bột mạch nha, hai thức cung cấp đầy đủ chất bổ dưỡng để người Tây Tạng có thể sống quanh năm.
Với người Tây Tạng, trà là người bạn kéo họ ra khỏi những cơn ngái ngủ, là người bạn vực dậy sự tỉnh táo, sự bình yên và là lời chào buổi sớm mỗi khi bình minh thức giấc. Đến Tây Tạng, du khách nhận ra không buổi sáng nào nơi đây trôi đi mà không mang theo chút hương vị thơm nồng của trà ngọt và cũng không bữa ăn đầy đủ nào thiếu trà cả, và thường là Trà Bơ.
Để lý giải tại sao món Trà Bơ lại nổi tiếng và được người dân Tây Tạng yêu thích bởi nhiều lý do. Nhưng lý do quan trọng nhất là họ sinh ra ở vùng đất với điều kiện vô cùng khó khăn và khắc nghiệt. Và nhiệt độ lúc nào cũng thấp hơn nhiều vùng khác. Vì thế, bên cạnh quần áo để có thể giữ ấm thì họ cũng cần chú ý về năng lượng từ thực phẩm. Và họ cần có các thức uống đặc biệt để có thể bổ sung năng lượng. Trà Bơ chính là món có thể bổ sung năng lượng và để ấm người.
Với khách du lịch Tây Tạng đến từ khắp nơi trên thế giới thì loại trà này có hương vị béo béo, thơm thơm mà lại mằn mặn kỳ lạ. Đây là một món quà quý giá mà người Tây Tạng thiết đãi với du khách, thể hiện sự hiếu khách của họ. Bất kể du khách là ai, hay đến từ đâu, chỉ cần ghé thăm một ngôi nhà nào đó trên thảo nguyên cao xanh này, du khách đều nhận được một cốc Trà Bơ ấm nóng từ những người dân thiện khách Tây Tạng. Người dân nơi đây còn thường đun bếp trà ngay trong gian nhà, vừa giữ lửa cho căm nhà ấm áp, vừa giúp hương thơm của trà len lỏi vào không gian.
Là thứ đồ uống cơ bản của người Tây Tạng, Trà Bơ tiêu biểu cho đời sống và văn hoá truyền thống địa phương. Vì thế, ấm và cốc uống trà trở thành những đồ vật không thể thiếu trong cuộc sống ở Tây Tạng. Đồ vật dùng để uống Trà Bơ đủ loại làm bằng mọi chất liệu khác nhau phản ánh mức sống khác nhau của các gia đình. Ấm pha trà làm bằng sứ là một trong những món đồ phổ biến nhất trong các gia đình Tây Tạng, trong khi ấm mạ đồng, đặc biệt là ấm làm bằng đồng, có thể chỉ có trong các gia đình có kinh tế ổn định và địa vị xã hội nhất định. Còn những ấm pha trà bơ huyền thoại làm bằng vàng hoặc bạc này, chúng được coi là những tác phẩm nghệ thuật hơn là những vật dụng đời sống cần thiết, thường được những người quyền quý thời cổ sử dụng.
Để chế biến Trà Bơ, người Tây Tạng sẽ đun trà đen Pu-erh (loại trà được chế biến từ lá các cây trà lâu năm, hoang dại hay từ các dãy núi) với nước sôi trong thời gian khá lâu so với những loại trà thông thường khác. Sau khoảng một tiếng đun trà, họ cho bơ bò, sữa bò và chút muối hồng Himalaya vào, rồi dùng bình trà Chandong để hòa tan trà, sữa cùng với bơ. Loại bơ để dùng với trà, được người dân bọc vải hoặc dùng dạ dày bò Yak để bảo quản chuẩn vị đúng hương.
Thử một lần nhấm nháp Trà Bơ, du khách sẽ cảm nhận được nhiều tầng hương vị đặc biệt của nó. Những ngụm trà bơ đầu tiên dễ khiến cho người chưa quen cảm thấy khó chịu, bởi hương vị kết hợp giữa 3 loại trà, bơ, muối này không hợp với nhiều người. Tuy nhiên sau ngụm thứ 2, thứ 3 sự khó chịu này sẽ giảm dần, đến ngụm thứ 5, thứ 6 thì đã có nhiều người bị món trà này chinh phục. Thậm chí nhiều du khách thập phương sau khi trở về vẫn còn nhớ mãi về món trà gây nghiện này, bởi trong không gian giá rét dường như không có thứ gì nhâm nhi phù hợp hơn Trà Bơ cả.
Để phân tích cụ thể thì Trà Bơ có nhiều tầng hương, vị đan xen khá lạ lùng trong sự hài hòa cần thiết, đủ để chinh phục những người thưởng trà khó tính nhất. Chẳng hạn như ban đầu vị mặn của muối, đậm đà béo ngậy của bơ sẽ lấn át trong ngụm trà đầu tiên, hương vị của trà lúc này chưa được bộc lộ rõ. Nhưng sau đó, hương vị của trà đen mới bắt đầu tấn công vào vị giác, đầu lưỡi chúng ta cảm nhận được chút chát chát, thanh thanh. Cuối cùng khi ngụm trà qua đi thì sẽ lưu lại chút ấm áp, ngòn ngọt nơi gốc lưỡi người uống – mùi vị của loại sữa bò được vắt từ sáng sớm tinh mơ trên cao nguyên Tây Tạng.
Đến với Tây Tạng, du khách sẽ không phải lo lắng về việc tìm một quán nhỏ để ghé vào dừng chân. Tại Lhasa, những quán trà nhỏ lớn có ở từng ngõ ngách, và họ thường bán cả Trà Bơ và trà ngọt. Chỉ 1 USD thôi, du khách sẽ có một chai trà ngọt và có thể dùng được cho cả buổi chiều.
Phố Barkhor, một địa điểm có nhiều quán trà ngọt nhất, cho du khách cái nhìn toàn cảnh về văn hoá trà ngọt. Các quán trà ngọt ở phố Barkhor thường dành cho người Tây Tạng và du khách sẽ rất khó bắt gặp người Hán nào gần đây. Cầm những tràng Hạt cầu Phật trên tay, người dân ở đây lưu lại trong quán trà rất lâu, miệng lẩm nhẩm đọc những câu chú ngữ cầu Phật.
Khách du lịch có thể chia sẻ buổi sum họp vui vẻ của các gia đình Tây Tạng. Các thành viên cả già lẫn trẻ trong gia đình pha trò, thỉnh thoảng lại nhấp một ngụm trà ngọt trong suốt buổi chiều. Vài cư sĩ phật giáo Tây Tạng có lẽ sẽ làm tăng sự mê hoặc tín ngưỡng trong câu chuyện thần bí của họ. Dường như thời gian trôi qua quá nhanh trước khi du khách kịp nhận ra.
Ghé thăm vùng đất Tây Tạng trong hành trình du lịch Trung Quốc sẽ là cơ hội để du khách nhấm nháp hương vị đặc biệt của món Trà Bơ. Hít hà hương thơm đậm vị ngầy ngầy, trầm ngâm thưởng vị giữa không gian yên bình của đất trời Tây Tạng lạnh giá, thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời không thể nào quên!