Thư pháp – môn nghệ thuật tinh tuý của đất nước Trung Hoa

thu phap trung quoc 8

Trung Quốc có nền văn hóa tồn tại qua hàng ngàn năm, thấm nhuần trong dòng máu của những người dân nơi đây. Một số nét văn hóa đã trở thành truyền thống và thói quen của người Trung Hoa trong đời sống, học tập và làm việc của họ. Một trong số đó là nghệ thuật thư pháp.

Thư pháp, nếu hiểu một cách nôm na theo cách chiết tự thì: “Thư” là viết, ghi chép lại; “Pháp” là hình pháp, mẫu mực, cách thức, phép tắc. Như vậy, “Thư pháp” là mẫu mực của chữ viết, hay hiểu cách khác là nó đã được nâng tầm lên thành một môn nghệ thuật riêng biệt. 

Thư pháp Trung Hoa được hình thành từ rất sớm: vào khoảng thế kỷ thứ II – IV. Từ đó, nó trở thành một môn nghệ thuật tao nhã của các tao nhân và người có học.

thu phap trung quoc 2a

Nghệ thuật thư pháp giúp người ta rèn luyện óc thẩm mỹ cũng như nâng cao tính kiên nhẫn của mỗi người theo học. Đối với người Trung Quốc, thư pháp không phải ai cũng học tập và lĩnh hội được hết cái hay của nó mà phải trải qua khổ luyện, tu tâm dưỡng tính, nuôi dưỡng tình cảm. Người Trung Quốc có câu: “Thư pháp khả dĩ tu tâm dưỡng tính, đào dã tâm tình” (Thư pháp có thể khiến người ta tu tâm dưỡng tính, rèn luyện tình cảm). Người chơi và viết thư pháp cũng lắm công phu: Phải biết cách đặt thân đúng, đặt bút đúng theo các quy tắc riêng, mắt nhìn thẳng, dụng bút phải chuẩn, thời gian luyện tập dài, không được nóng vội.

thu phap trung quoc 1 e1627717133857

Thư pháp gắn với “Văn phòng tứ bảo” gồm có: giấy, mực, nghiên, bút, mỗi thứ phải tuân theo quy cách, phải đúng loại thì chữ mới đẹp được. Giấy phải là loại giấy “xuyến chỉ” đắt tiền, mực thì dùng loại mực thỏi hoặc mực trấp pha theo tỉ lệ và phải điều tiết khi viết, nghiên mực phải có độ nghiêng nhỏ để tránh bị đọng mực. Bút lại càng phức tạp hơn, bút chuyên dụng để viết thư pháp gồm các loại tiểu, trung, đại, phải có mao quản (ngòi bằng lông để có thể thấm mực dễ dàng), phải có đủ các bộ phận: Đào tuyến (sợi dây để treo bút), bút quản (quản bút bằng trúc), bút hào (búp lông giống búp sen), bút căn (phần lông gắn với quản bút). Vậy mới thấy, thú chơi thư pháp công phu và tỉ mỉ như thế nào.

thu phap trung quoc 3

Chữ viết thể hiện trong thư pháp thường là chữ Hán hoặc chữ Nôm theo các phong cách khác nhau. Mỗi phong cách lại có những đặc trưng riêng về cách thể hiện. Ngày nay trên Thế giới có 5 phong cách viết thư pháp là Khải, Triện, Lệ, Hành và Thảo. Khải thư là kiểu chữ được sử dụng phổ biến và thông dụng nhất ngày nay. Nó được dùng trong lĩnh vực quảng cáo, in ấn. Đặc biệt là loại chữ dành cho những người mới bắt đầu học chữ Hán. Khải thư có bố cục ngay ngắn theo dạng hình vuông, được viết chậm rãi và cẩn thận. Khác với các loại chữ khác, khi viết thì ngòi bút được nhấc lên khỏi mặt giấy. Triện Thư là loại chữ thư pháp có lịch sử lâu đời và được lưu hành rộng rãi. Triện thư gồm 2 kiểu chữ là Đại Triện và Tiểu Triện. Đây là loại chữ thư pháp kiểu cổ, các nét thanh, bố cục đơn giản. Lệ thư là bước phát triển cao hơn của Triện thư. Hầu hết nét bút của Lệ thư là những nét vuông thể hiện sự mạnh mẽ, đơn giản về đường nét. Hành thư là loại chữ thư pháp gần giống với chữ viết tay thông thường. Khác với các kiểu chữ khác, chữ Hành thư khi viết thì ngòi bút ít nhấc lên khỏi mặt giấy. Chính vì thế các nét chữ trong cùng một chữ được viết nối liên tục nhau. Hành thư có đường nét phóng khoáng, dễ đọc, bố cục chữ tròn trịa, ít góc cạnh. Thảo thư là kiểu chữ mang tính nghệ thuật cao, thiên về cảm hứng của người viết. Các nét chữ được biến tấu đầy thi vị, thanh thoát, tốc độ viết nhanh chóng. Các nét chữ thể hiện sự liên kết, uyển chuyển tạo nên sự liên hoàn cho các bộ chữ. Khi viết, ngòi bút được hạn chế nhấc lên khỏi mặt giấy. Thảo thư được viết để thể hiện đại ý của văn tự, chính vì thế mà không phải ai cũng có thể thưởng thức được loại thư pháp này.

Một tác phẩm thư pháp là thể hiện giữa thư thể và thư gia. Nội dung và hình thức của thư pháp phải hòa hợp để xác định bố cục và thư thể trong tác phẩm. Người viết thư pháp phải trải qua thời gian tìm hiểu và khổ luyện lâu dài mới có thể vẽ nên những nét tựa “rồng bay phượng múa”. 

thu phap trung quoc 7 e1627718252819

Khi thưởng thức một tác phẩm thư pháp, người ta thường đánh giá nó qua bút pháp và sự sáng tạo của tác giả, thể hiện qua từng nét bút nhanh – chậm, độ đậm – nhạt của mực hay sự tương phản giữa giấy và mực.

Thư pháp của người Trung Hoa được xem như một loại hình nghệ thuật, thậm chí là một môn học với đầy đủ cơ sở lý luận mà người ta gọi là “Thư học”. Thư pháp đòi hỏi có sự khổ luyện cao, người viết nếu thiếu kiên nhẫn sẽ khó học thành, như câu nói: “Học thư vô nhật bất lâm trì” (Học thư pháp không có ngày nào mà không vào ao). Thuật ngữ “lâm trì” chỉ sự khổ luyện thư pháp xuất phát từ giai thoại của thư pháp gia Trương Chi mỗi ngày luyện tập viết chữ xong lại rửa bút ở ao khiến nước đen như mực (Lâm trì học thư, trì thủy tận mặc). Về sau này, “lâm trì” được dùng để chỉ sự luyện tập thư pháp. Ngược dòng lịch sử Trung Hoa, thời đại nào cũng có những nhà thư pháp lẫy lừng với phong cách rất riêng. Thời Hán với Trương Chi say mê thư pháp, không có giấy phải viết lên vải lụa cho đến khi không còn chỗ viết thì đem nhuộm để cắt may thành quần áo mặc. Sau này, thư pháp gia nổi tiếng Vương Hi Chi (nhà Tấn) noi gương Trương Chi mà bỏ đến 15 năm rèn luyện chữ nghĩa để trở thành “Thư thánh” (một trong Thập Thánh được dân gian Trung Quốc ca ngợi và truyền tụng). Thế mới thấy, nghệ thuật con chữ có sức hút thật mãnh liệt với người đời xưa.

thu phap trung quoc 4

Nghệ thuật viết chữ đẹp của người phương Bắc phải kể đến Vương Hi Chi và dòng dõi nhà ông. Vương Hi Chi ngày trước bắt đầu luyện chữ thư pháp bằng cách viết chữ “Vĩnh” (chữ hội tụ đầy đủ tám nét cơ bản trong cách viết chữ Hán), tạo nên “Vĩnh tự bát pháp” – bài học cơ bản cho người tập viết thư pháp. Không chỉ có Vương Hi Chi mà con cháu ông cũng say mê nghiên cứu thư pháp. Con trai ông Vương Hiến Chi cũng yêu thích viết chữ không kém gì cha nên ngay từ thuở nhỏ đã gánh nước đổ đầy 18 chum nước để mài mực. Hai cha con Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi nổi tiếng với lối viết chữ Thảo, được người đời xưng tụng là “Thảo Thánh Nhị Vương” (Hai vị vua của lối viết chữ thảo), chữ thảo của hai ông mềm mại, uyển chuyển, trở thành khuôn mẫu của cách viết chữ thảo cho hậu thế luyện theo. Dòng dõi nhà Vương Hi Chi còn phải kể đến nhà sư Thích Trí Vĩnh (Vĩnh Thiền Sư), tương truyền là cháu bảy đời của Vương Hi Chi, sống đời nhà Tấn, là người khổ luyện thư pháp nhiều đến nỗi thoái bút (bút bị cùn do viết chữ) chất cao thành gò. Vĩnh Thiền Sư tu luyện ở chùa Vĩnh Hân, yêu thích thư pháp đến nỗi 40 năm luyện chữ trên lầu chùa mà không xuống đất (Đăng lâu bất hạ tứ thập niên, Thiền Sư cũng là người kế tục và nghiên cứu, phát triển “Vĩnh tự bát pháp” (Tám nét tạo thành chữ “Vĩnh”) đã được khởi xướng từ thời ông tổ bảy đời Vương Hi Chi. Giai thoại về Vĩnh Thiền Sư kể lại rằng: Khi nhà sư đã luyện chữ đạt đến mức độ điêu luyện, người người biết đến ông, ham thích và mong muốn sở hữu chữ ông đã chen lấn nhau xin chữ dẫm nát ngạch cửa đến nỗi phải lấy sắt bao lại, gọi là “Thiết môn hạn”. Nhà Đường có nhà sư Hoài Tố nhà nghèo không có tiền mua giấy, phải tập viết trên lá chuối mà được xưng tụng là “Thảo thánh”. Dần dần, người yêu thích thư pháp không chỉ là bậc vua chúa, kẻ sĩ mà còn có cả thứ dân cũng rất thích mà ngày nay còn lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị: Đường Thái Tông rảnh rỗi lại luyện “Trừu không luyện tự” (lấy ngón tay mà viết chữ vào không khí), nửa đêm đốt đuốc luyện Lan Đình tự (chữ của Vương Hi Chi trong “Lan Đình tập tự”) thật đáng khâm phục. Lương Vũ Đế vì quá ham thích nét chữ Thư Thánh đã truyền lệnh thu thập bút tích và ra lệnh trong cung phải lấy chữ viết của Vương Hi Chi làm chuẩn, nhà vua còn sai Chu Hưng Tự soạn “Thiên tự văn” bằng bốn cách viết thư pháp của Vương Hi Chi, dùng nó làm phương tiện dạy chữ Hán và viết thư pháp trong cung còn lưu truyền tới ngày nay.

thu phap trung quoc 6

Thư pháp đồng hành với sự phát triển và ổn định của chữ Hán, có lịch sử trải dài và thời đại nào cũng có những thư gia tiêu biểu với dấu ấn cá nhân không pha trộn. Đời nhà Tần không thể không kể đến “đệ nhất thư pháp gia” – Tể tướng Lý Tư, Triệu Cao hay Mẫu Kính. Nhà Hán cũng góp mặt những thư gia như Sử Du, Trương Chi, Tào Hỷ, Sái Ung, Lương Hộc, Lưu Đức Thăng… Đời Tam Quốc và Tây Tấn có Hàm Đan Thuần, Vỹ Đản, cha con Vệ Ký – Vệ Cẩn, Lục Cơ… Đời Đông Tấn có gia đình Vương Hi Chi – Vương Hiến Chi – Vương Tuần – Vương Dân. Thư pháp đời Nam Bắc triều có Bạc Thiệu Chi, Vương Tăng Kiều, Đào Hoằng Cảnh, Vương Bao… Xuôi đến thời thịnh vượng nhất của thư pháp chữ Hán là đời Tùy – Đường cũng sản sinh nhiều cái tên như: Trí Vĩnh, Đinh Đạo Hộ, Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam, Lục Giản Chi, Vũ Tắc Thiên, Lý Ung, Trương Húc, Hàn Trạch Mộc, Hạ Tri Chương, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền, Đỗ Mục, Cao Nhàn… Đời Ngũ Đại với Dương Ngưng Thúc, Từ Huyễn… Đời Tống có Lý Kiến Trung, Vương An Thạch, Tô-Hoàng-Mễ-Sái (Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phế, Sái Tương), Nhạc Phi, Lục Du, Vương Đình Quân… Đời nhà Nguyên có Triệu Mạnh Phủ, Tiêu Vu Khu, Nghê Tán,… Đời Minh – Thanh với những cái tên tiêu biểu như: Cha con Tống Liêm – Tống Thoại, Trần Hiến Chương, Thẩm Chu, Hình Đồng, Trương Thụy Đồ, Phó Sơn, Vương Đạc, Kim Nông, Bao Thế Thần, Hà Thiệu Cơ, Trần Diệc Hi, Tề Bạch Thạch, Trịnh Bản Kiều… Ngay cả đến thời hiện đại, số lượng thư gia cũng hết sức nhiều, có thể kể đến vài cái tên như: Trịnh Văn Trác, Tăng Hi, Hoàng Tân Hồng, Hồ Tiểu Thạch, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Vu Hữu Nhiệm, Mã Nhất Phù,…

thu phap trung quoc 5 e1627717949872

Trên đây chỉ là vài cái tên tiêu biểu nhất của nghệ thuật thư pháp chữ Hán qua các triều đại. Kỳ thực, số lượng các nhà thư pháp Trung Hoa còn rất nhiều và ngày càng có nhiều người tiếp nối bộ môn nghệ thuật này. Điểm qua một số cái tên như vậy cũng đủ để thấy sức hấp dẫn lòng ham thích nghiên cứu, luyện tập của người Trung Quốc lớn thế nào. Thư pháp tinh tế không chỉ ở chỗ phải trải qua khổ luyện mới có nét chữ đẹp, có hồn, mà nghệ thuật “cho chữ” cũng là một nét văn hóa. Chữ được viết ra là kết tinh của những năm tháng khổ luyện không ngừng của người viết, nó còn thể hiện cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ của người tạo chữ. Chính vì thế, việc cho chữ cho ai cũng là điều mà các thư gia hết sức coi trọng, không phải ai cũng được tặng chữ. Văn hóa Trung Quốc nặng lễ nghĩa, coi trọng sách vở, chữ nghĩa, người có học luôn được trọng vọng, làm quan cũng lấy chữ nghĩa làm đầu, lời nói của người nhiều chữ rất có trọng lượng… tâm lý ấy không chỉ tồn tại trong xã hội mà ngay trong cả phạm vi gia đình truyền thống người Hoa, kẻ thất học không bao giờ được xem trọng, khó có thể thay đổi địa vị của mình. Mặt khác, viết thư pháp lại được xem là nghệ thuật của chữ nghĩa, do đó người viết cũng không thể tặng chữ mình cho đối tượng mình không xem trọng. Rất khó để có thể ép một thư gia viết chữ khi tâm họ không mong muốn, vì khi đó nét chữ sẽ không đẹp vì tấm lòng không thỏa mãn. Truyền thống từ ngày xưa để lại, các nhà thư pháp chỉ tặng chữ chứ không đem ra bán như bây giờ, họ cũng chỉ tặng anh em, bạn bè thân hữu mà họ quý mến, tuyệt đối không cho chữ tùy tiện. Người được tặng chữ phải là người có học, biết quý trọng và nâng niu chữ mình được tặng. Người Trung Quốc thường treo chữ thư pháp ở giữa gian phòng khách, hay bên cột nhà chính, hay trước cửa, cổng nhà, đình, thể hiện sự trang trọng, đề cao chữ được tặng, xem chữ là một vật quý giá trong nhà, ở những vị trí đặc biệt quan trọng trong không gian sống.

Trên đây là một vài nét về nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa. Nếu du khách là người yêu thích môn nghệ thuật  tinh túy này thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc để có cơ hội khám phá nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!