Xưng vị của các Hoàng đế Trung Hoa thời cổ đại là rất nhiều, ví như Hoàng đế tự xưng mình là “Trẫm”; các phi tần, đại thần thì xưng Hoàng đế là “Bệ hạ”,… Từ ý nghĩa bề mặt của chữ có thể thấy, những xưng vị này đều có hàm nghĩa thể hiện sự tôn sùng kính sợ, cầu phúc chúc tụng.
Những ai đam mê xem phim truyện cổ trang Trung Quốc hẳn sẽ rất quen thuộc với từ xưng hô “Trẫm” của các vị Hoàng đế. Đây là cách xưng hô chuyện biệt được lưu truyền từ thời Tần Thủy Hoàng, một trong những Thiên cổ nhất đế của Trung Hoa.
Vào năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước chư hầu và thành lập triều đại thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc – nhà Tần.
Ông lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi và trở thành Hoàng đế năm 38 tuổi. Thay vì tiếp tục xưng vương như các vị vua thời nhà Thương và nhà Chu, để đánh dấu mốc cho việc thống nhất Trung Hoa và chứng tỏ nhà Tần còn vĩ đại hơn các triều đại trước, ông tự tạo ra một danh hiệu mới là “Hoàng đế” và tự gọi mình là “Thủy Hoàng đế”.
Trong thời kỳ như một khởi đầu mới của nền văn minh Trung Hoa này, Tần Thủy Hoàng quyết định thực hiện cuộc cải cách lớn và thi hành chế độ thống trị mới, bao gồm thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định thay vì phân chia ban tước cho các quý tộc như trước kia, cho phép nông dân sở hữu đất. Nhân dân phải học cùng một loại chữ viết, sử dụng phương pháp đo lường thống nhất và tuân thủ hệ thống luật pháp chặt chẽ.
Tần Thủy Hoàng, người tự cho rằng bản thân đã thành công vượt qua “Tam hoàng Ngũ đế” (những nhân vật cai trị cổ xưa được cho là đã khai sinh ra nền văn minh Hoa Hạ), cũng chọn cho mình một cách tự xưng đặc biệt là “Trẫm”.
“Trẫm” (朕) xuất hiện sớm nhất vào thời kỳ người Trung Quốc xưa sử dụng Giáp cốt văn (văn tự, chữ viết khắc trên xương cốt động vật). Tuy nhiên, ở giai đoạn này, “Trẫm” là cách gọi tự xưng phổ biến mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng. Tuy nhiên, so với các cách gọi khác, “Trẫm” thường được nhóm người có quyền lực và địa vị yêu thích hơn. Cuối thời kỳ Chiến Quốc, “Trẫm” dần không được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, thay vào đó là “Ngã” và “Ngộ” (đều mang ý nghĩa: tôi, bản thân). Vì vậy, Tần Thủy Hoàng đã chọn “Trẫm” – từ đã không còn phổ biến đối với người bình thường, vừa thể hiện sự đặc biệt của bản thân, vừa có thể khiến dân thường thích ứng nhanh hơn và tránh né cách tự xưng độc tôn của Hoàng đế.
Ngoài ra, việc Tần Thủy Hoàng sử dụng “Trẫm” để tự xưng còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Căn cứ theo chữ tượng hình (một trong 6 cách sáng tạo chữ Hán của Trung Quốc, bao gồm Tượng Hình, Chỉ sự, Hình thanh, Hội ý, Giả tá, Chuyển chú), hình thái ban đầu của chữ “Trẫm” trông giống một hình vẽ bao gồm chữ 舟 (“Chu”, có nghĩa “thuyền”) bên trái và bộ chữ 灷 bên phải, ghép lại tạo nên ý nghĩa là “ngòi lửa trong thuyền”.
Ở thời cổ đại, năng suất lao động của xã hội loài người còn thấp và đa phần phụ thuộc vào môi trường tự nhiên. Vào thời đó, con người thường tập trung sống dọc theo hai bên bờ sông, nước sông có thể dùng để uống và giặt giũ, cá dưới sông cũng là một trong những nguồn thức ăn chủ yếu. Trong hoàn cảnh như vậy, thuyền đã trở thành một công cụ quan trọng để mưu sinh và đánh bắt.
Lửa cũng chiếm một vị trí quan trọng trong các nền văn minh cổ đại, con người dùng lửa để nấu thức ăn và xua tan bóng tối. Dã thú có bản tính sợ lửa, nhờ đó con người tránh được trường hợp bị thú dữ làm hại. Hơn nữa, có lửa, con người mới có thể sáng tạo ra nhiều thứ mới.
Từ thời cổ đại, con người đã vô cùng tôn thờ ngọn lửa, từ đó sản sinh ra những đấng tối cao như “Thần lửa”. Cùng với đó, lửa được coi là biểu tượng của địa vị.
Có thể nói, thuyền và lửa, một cái là nguồn gốc của tài sản và sự giàu có, cái còn lại là đại diện cho quyền lực, sự kết hợp của cả hai tượng trưng cho quyền lực tối thượng nhất theo quan niệm khi xưa.
Từ quan điểm này, từ “Trẫm”, mang theo ý nghĩa thuyền và lửa, thực sự là lựa chọn tốt nhất cho sự tồn tại độc nhất của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Kể từ đó, những Hoàng đế ở các triều đại tiếp theo của Trung Quốc cũng dùng từ này đã tự xưng, trở thành cách xưng hô quen thuộc như chúng ta đã biết trong phim cổ trang.
Còn về chữ “Bệ hạ”, trong “Thuyết văn giải tự”, Hứa Thận có nói: “Bệ, thăng cao giai dã. Tùng phụ, bỉ thanh”, ý nói, “Bệ” là bậc cấp đi lên cao. Trong từ điển Hán ngữ hiện đại giải thích về chữ “Bệ” đơn giản là bậc thềm, bậc thang trong cung điện. “Bệ hạ” là phía dưới của bậc thềm.
Thời cổ đại, chữ “Bệ” ra đời sớm nhất quả thật là để chỉ bậc thang từ phía bên dưới đi lên đỉnh đài. “Bệ” có thể được làm bằng đất, có khi bằng gỗ với rất nhiều kiểu dáng từ đơn giản đến uốn lượn cầu kỳ. Vào thời cổ đại cũng chỉ có Vua hoặc Chư hầu mới có tư cách xây dựng đài làm nơi ở của mình. Dần dần, “Bệ” trở thành bậc thềm trong cung điện của quân chủ.
Theo sử liệu ghi chép, Hoàng cung thời cổ được thiết kế tương đối kỹ lưỡng. Bảo toạ của Hoàng đế được đặt ở trên cao, từ dưới nhìn lên bảo tọa có một hệ thống bậc thềm. Những bậc thềm này được gọi là “Bệ”. Để bảo vệ sự an toàn của Hoàng đế, các thị vệ được chia ra đứng ở hai bên bậc thềm. Lúc thiết triều, các đại thần đứng ở phía dưới. Khi các đại thần muốn dâng lời bẩm báo điều gì, không dám gọi trực tiếp thiên tử, cho nên gọi “Bệ hạ”, ý tứ là bản thân muốn nói với Hoàng thượng, nhờ thị vệ dưới bậc thềm chuyển lời. Qua đó cũng để biểu thị người có địa vị thấp hướng đến người có địa vị tôn quý (Hoàng thượng) để góp ý.
Điều này có thể tìm thấy trong các tư liệu lịch sử. Danh sĩ Thái Ung triều Đông Hán viết: “Gọi là bệ hạ, tức quần thần khi nói với thiên tử, không dám chỉ trích thiên tử, cho nên nói với người dưới bệ để chuyển lời, ý là người có địa vị thấp hướng đến người có địa vị tôn quý”. Vì thế, “Bệ hạ” trở thành danh từ chỉ Hoàng đế, chỉ việc đại thần đợi ý chỉ dưới bệ, Hoàng đế ngồi ở trên bệ cao chờ người chuyển lời lên.
Có tư liệu lịch sử chỉ ra rằng “Bệ hạ” còn có ý nghĩa là tôn xưng của người hành xử hoàng quyền. Theo ghi chép trong Hán thư, triều Hán đời Nguyên Đế, Hoàng hậu Vương Chính Quân từng được quyền thần nhà Hán – Vương Mãng tôn xưng là “Bệ hạ”.
Ngoài từ “Bệ hạ” thì các từ như “Các hạ”, “Điện hạ”, “Tại hạ”, “Tất hạ”,… cũng là có hàm ý chỉ sự tôn kính của người bề dưới đối với người bề trên như vậy.
Từ sau triều đại nhà Tần, từ “Bệ hạ” chuyên dùng để chỉ Hoàng đế đã được sử dụng một cách phổ biến. Như trong “Sử ký. Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, Tư Mã Thiên viết: “Từ thời thượng cổ không có ai uy đức bằng Bệ hạ”. Từ “Bệ hạ” ở đây là chỉ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng chúng tôi nhé!