Nằm ở thành phố Thập Yển thuộc tỉnh Hồ Bắc, núi Võ Đang là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Từ lâu nơi đây đã được biết đến là một ngọn núi linh thiêng đối với người dân Trung Quốc. Không những vậy, núi Võ Đang còn chính là cái nôi võ thuật của Đạo giáo, Thái Cực quyển và Bát Quái chưởng.
Dãy núi Võ Đang bao gồm 72 đỉnh núi dốc nằm liền kề nhau chạy hướng Đông Tây dọc theo rìa phía Nam của sông Hán Thủy. Đỉnh cao nhất là Hải Bạt (Thiên Trụ) với độ cao 1.612 m.
Núi Võ Đang được xem là vùng đất thánh của Đạo giáo – đạo thờ Lão Tử Thái thượng lão quân. Truyền thuyết cho rằng Đạo giáo ở núi Võ Đang được bắt đầu từ thời Chu, do Doãn Hy về ở ẩn dưới chân vách đá Tam Thiên Môn.
Từ thời nhà Hán, có Mã Minh Sinh, Âm Trường Sinh – hai thầy trò cùng đến tu đạo ở núi Võ Đang, từ đó trở đi hàng ngàn giáo sĩ của Đạo giáo đã đến đây học tập và tu luyện. Võ Đang được coi là một trong những cái nôi võ thuật của Đạo giáo với Thái Cực quyền và Bát Quái chưởng. Tương truyền, Trương Tam Phong từng tu luyện trên núi Võ Đang, từ đó khai sáng Võ Đang quyền pháp, trở thành một trong những môn phái võ thuật danh tiếng nhất Trung Hoa. Vì thế mà dân gian có câu: “Bắc tôn Thiếu Lâm, Nam sùng Võ Đang”.
Đạo giáo ở núi Võ Đang thịnh vượng nhất vào thời Minh. Việc này có quan hệ trực tiếp đến việc Yên vương Chu Đệ – người sau này trở thành Hoàng đế thứ ba của nhà Minh – đã có sự hỗ trợ tinh thần từ các đạo sư nơi đây. Sau khi giành ngôi, vào năm 1412, Minh Thành Tổ Chu Đệ lệnh cho xây dựng một hệ thống cung quán lớn ở núi Võ Đang, dùng đến rất nhiều lương tiền trong kho nhà nước, trưng dụng quân dân hơn 30 vạn người kéo dài 11 năm. Sang đến đời Thanh, đạo Giáo vẫn được coi trọng, và các công trình trên núi Võ Đang tiếp tục được củng cố và mở rộng.
Ngày nay, quần thể công trình cổ của núi Võ Đang vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Đoạn đường dài 70km từ chân núi đến đỉnh núi có đến 32 đền thờ Đạo Giáo chủ yếu được xây dựng theo lối kiến trúc thời nhà Nguyên, Minh, Thanh. Mỗi đền thờ được tạo dựng từ các hang động nằm bên sườn núi hiểm trở, tạo nên sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.
Nằm gần đỉnh núi là Thái Hòa Điện – một khu đền thờ khổng lồ với mái ngói xanh liền kề nhau. Hoàng đế Vĩnh lạc đã xây dựng công trình này, mô phỏng theo kiến trúc cố cung ở Bắc Kinh.
Trên đỉnh cao nhất của núi Võ Đang là Trúc Kim Điện, được xây dựng vào năm 1416. Toàn bộ Kim Điện được làm bằng đồng mạ vàng nặng đến 405 tấn. Đây chính là biểu tượng của núi Võ Đang. Trải qua các triều đại, ngôi đền vẫn toát lên vẻ cổ kính, trầm mặc và lộng lẫy.
Trên núi Võ Đang còn có Tử Tiêu Cung – quần thể cung điện rộng lớn được xây dựng dưới thời nhà Minh, là trung tâm của Đạo giáo tại đây. Cung điện có 182 căn phòng lớn nhỏ được xây dựng dọc theo sườn núi, tạo nên cảnh quan rất đẹp đẽ.
Nhìn từ phía trên cao, các công trình của Tử Tiêu Cung nằm đối xứng dọc theo chiều của ngọn núi trông thật lộng lẫy, nguy nga. Trên trục là Cung điện Rồng Xanh và Bạch Hổ, Cung điện Hoàng gia và Đại sảnh của Tử Tiêu Cung. Từ ngoài bước vào, cung điện toát lên không khí của các nghi thức thờ cúng hoàng gia. Đến với Tử Tiêu Cung, khách du lịch sẽ không khỏi thích thú khi còn được tận mắt chứng kiến những di vật, vật phẩm được để lại từ thời Trung Quốc cổ xưa. Ở đây, không chỉ có vô số các tác phẩm điêu khắc về phượng – rồng, đất – trời, chim thú, muôn hoa, mà còn có những bức tượng về những người bất tử Đạo giáo, đầy sắc màu và sinh động như thật.
Cung Thiên Ất Chân Khánh được cho là nơi Huyền Thiên Thượng Đế tu luyện thành công và thăng thiên. Bên ngoài cung có Lư hương đặt trên mỏm đá khắc hình đầu rồng – “Long đầu hương“, cách vách núi 2,9m, bên dưới là vách núi sâu hun hút. Long đầu hương từng là nơi được dùng để thắp hương của các tín đồ và Đạo gia khi tới đây ghé thăm. Nhiều người cho rằng, ai thắp hương thành công thì đó là người có lòng thành, mọi điều cầu xin sẽ được toại nguyện. Chính vì lời truyền tụng đó, đã có không ít người bất chấp tính mạng, quyết tâm dâng nén nhang để chứng tỏ thành tâm. Nhưng bởi vì vị trí này thật sự quá nguy hiểm, nên về cơ bản không có ai thực hiện được. Thông thường, người lựa chọn dâng hương tại đây đều sẽ quỳ từ trên người rồng quỳ đến trước mặt lư hương, sau khi dâng hương, tiếp tục dùng tư thế quỳ đứng lui về. Tuy nhiên, đến thời vua Khang Hy (1654 – 1722) nhà Thanh, đã ra lệnh cấm không được dâng hương tại đây nữa. Hiện nay, vị trí đặt lư hương đã được rào chắn, khách tham quan muốn chiêm ngưỡng chỉ có thể đứng bên trong hàng rào, ngắm nhìn ra bên ngoài.
Đền nổi tiếng nhất và cũng là lớn nhất trên núi Võ Đang là Zixiao Palace, được xây dựng vào năm 1413. Quần thể kiến trúc này hiện có 29 tòa nhà được bố trí trên một sân thượng tầng 5 rộng 6.854m2.
Nằm ở một trong những khu vực đẹp nhất trên dãy núi Võ Đang là Đền Nanyan, được xây dựng lần đầu tiên ở thời nhà Nguyên và sau đó được trùng tu, sửa chữa lại vào năm 1413. Toàn bộ công trình của Đền với diện tích khoảng 61.187m2 là các tòa nhà gỗ bám vào sườn núi. Có thể gọi Nanyam là ngôi đền đẹp nhất trong 36 đền thờ ở núi Võ Đang. Đi bộ trong khuôn viên của Đền Nanyan, du khách sẽ được nhìn thấy những dòng chữ tượng hình của người Trung Hoa xưa được tô trên những phiến đá to với ý nghĩa cầu mong tuổi thọ, may mắn, bình an và sức khỏe. Những dòng chữ thể hiện mong muốn sự cầu phúc an lành cho đất nước và cho con người.
Trong hành trình khám phá núi Võ Đang, du khách cũng đừng quên dành thời gian viếng Lang Mai Tiên Từ – nơi thờ Trương Tam Phong, người sáng tạo ra võ Thái Cực Quyền; thăm Đền Wulong Gong – nơi thờ vị võ sư sáng tạo nên môn võ Thiếu Lâm; chinh phục ngọn Thiên Trụ – ngọn núi cao nhất, đẹp và hùng vỹ nhất trên dãy Võ Đang; Đền Yuanhe, Cung điện Yuxu, Cung điện Taihe,… với kiểu kiến trúc cổ điển độc đáo, mang đậm nét văn hóa Trung Hoa. Đừng bỏ qua trải nghiệm ngồi cáp treo lên Kim Đỉnh, đó là không gian hoàn hảo để ngắm toàn cảnh núi non Võ Đang trong truyền thuyết!
Ngoài các tòa nhà cổ xưa, núi Võ Đang còn lưu giữa hơn 7.400 di tích văn hóa quý giá. Đặc biệt là các di sản văn vật Đạo giáo nổi tiếng mang ý nghĩa văn hóa sâu xa.
Núi Võ đang mang ý nghĩa văn hóa Trung Hoa, nơi chốn bồng lai tiên cảnh, hình ảnh sương mờ quấn quanh ngọn núi. Khung cảnh nên thơ, gần gũi với thiên nhiên, và nét hoang sơ. những gì còn lại nay gắn chặt vào mặt đá rất hấp dẫn du khách tham quan. Với những nét đẹp kiến trúc cũng như sự hòa hợp với thiên nhiên, những khi mặt trời lên hay xuống vào các mùa trong năm, núi Võ Đang vẫn thích hợp cho tu luyện và sống ẩn dật. Ngoài ra, triển lãm võ thuật hay được tổ chức tại đây.
Núi Võ Đang với cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh trong cả 4 mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông đang chờ đón du khách đến khám phá. Chắc chắn đây sẽ là một hành trình trải nghiệm vô cùng thú vị dành cho du khách trong chuyến du lịch Trung Quốc.