Mặc dù là Thái hoàng Thái hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, Bạc Cơ lại hầu như bị xem nhẹ cả đời, cho dù được tiên đoán là có thể sinh Thiên tử thì cũng không được người khác để tâm. Ngay cả khi đã trở thành thiếp của Hoàng đế, bà vẫn gần như bị bỏ quên.
Bạc Cơ (? – 155 TCN), còn được gọi là Bạc phu nhân, là một phi tần của Hán Cao Tổ Lưu Bang, Hoàng đế sáng lập ra nhà Hán. Trước khi trở thành tần phi của Lưu Bang, bà là một thiếp thất của Ngụy Vương Báo. Sau khi con trai Hán Văn Đế lên ngôi, bà trở thành Hoàng Thái hậu. Sau khi cháu nội Hán Cảnh Đế lên ngôi, bà trở thành Thái hoàng Thái hậu, là Thái hoàng Thái hậu đầu tiên của nhà Hán và trong lịch sử Trung Quốc.
Theo sử sách ghi lại, cha của Bạc Cơ là người đất Ngô huyện, quận Cối Kê, mẹ là Ngụy Ổn, họ hàng tông thất Ngụy vương. Cha bà Bạc Công mất sớm, mai táng ở Sơn Âm.
Khi Trần Thắng khởi nghĩa chống nhà Tần, các chư hầu tự lập để hưởng ứng, trong đó có nước Ngụy. Bạc Cơ được mẹ đưa vào cung hầu hạ Ngụy Vương Báo. Trong số thê thiếp của Ngụy Vương Báo, Bạc Cơ xinh đẹp nhất nên nhanh chóng trở thành ái thiếp của ông. Sau, Ngụy Vương Báo chết, bà được Hán vương Lưu Bang đưa về hậu cung.
Về sau khi Hán vương xưng Hoàng đế, tức Hán Cao Tổ, bà ở lại Trường An cùng Hán Cao Tổ. Tuy có nhan sắc nhưng suốt một năm trời, Bạc Cơ không hề được sủng hạnh. Cùng nhập cung với bà có Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi, từng ước hẹn ai có sủng hạnh thì sẽ không quên những người còn lại. Thế nhưng, cả Quản thị và Triệu thị đều được sủng hạnh trước, bỏ mặc Bạc Cơ.
Hán Cao Tổ năm thứ 4 (203 TCN), Hán Cao Tổ ngồi ở Cao Linh đài tại Hà Nam thành cung, có Quản phu nhân cùng Triệu thị bầu bạn. Đương khi đó cả hai đang gièm giễu việc ước hẹn với Bạc Cơ năm xưa, Hán Cao Tổ nghe thế bèn hỏi, cảm thấy thương xót Bạc Cơ nên tối đó cho triệu hạnh bà. Đêm đó, Bạc Cơ nhỏ to với Hán Cao Tổ rằng: “Đêm trước, thiếp thân mơ thấy có một con thương long (苍龙; rồng xanh) ở trên bụng”. Hán Cao Tổ cao hứng nói: “Đây là điềm lành!”. Đêm đó sau khi lâm hạnh, Bạc Cơ mang thai và sinh ra Lưu Hằng, hoàng tử thứ 4 trong số các hoàng tử của Hán Cao Tổ. Năm Hán Cao Tổ thứ 11 (196 TCN), khi Lưu Hằng được 8 tuổi, Hán Cao Tổ phong làm Đại vương. Nhưng cũng từ đó trở đi, Lưu Bang lại lạnh nhạt với bà, hai người rất ít có dịp gặp mặt nhau.
Tuy rằng sinh hạ được Hoàng tử, nhưng Bạc Cơ không vì thế mà đòi hỏi Hoàng đế sủng hạnh, hết thảy đều để thuận theo tự nhiên. Bà lặng lẽ nuôi dưỡng con trai, đối xử lương thiện với mọi người. Cho dù là với những người có địa vị thấp nhất trong cung, bà cũng vô cùng lễ nhượng.
Lúc ấy, người được sủng ái nhất trong cung là Thích phu nhân, một người giỏi về múa. Người này nhận được nhiều ân sủng nhất nên ỷ sủng sinh kiêu, những người thị thiếp khác cũng a dua hùa theo phe bà, khiến Lữ hoàng hậu gai mắt. Sau khi Hán Cao Tổ băng hà, Thái tử Lưu Doanh con trai của Lữ hậu lên ngôi, hiệu là Hán Huệ đế.
Lữ thị trở thành Hoàng Thái hậu bắt đầu chèn ép những phi tần từng được tiên đế sủng ái, cấm họ ra ngoài cung cũng như cấm họ về đất phong của con trai họ, đặc biệt là Thích phu nhân người mà Lữ Thái hậu ghét nhất. Năm 194 TCN, Thích phu nhân bị Lữ Thái hậu ra lệnh giết rất tàn bạo: bị chặt tứ chi, bị khoét hai mắt, bị cắt mũi và tai, bị cạo hết tóc, bị chuốc thuốc câm khiến bà không nói được, bị chết trong đau đớn. Sau đó Lữ Thái hậu còn bức hại nhiều Hoàng tử con của Cao Tổ như Lưu Như Ý, Lưu Hiển, Lưu Khôi.
Còn Bạc Cơ vốn không được sủng, địa vị không cao. Thậm chí cho đến tận lúc Lưu Bang mất, Bạc Cơ cũng không được phong làm Phu nhân, chỉ làm thiếp. Hơn nữa, Bạc Cơ cũng không có tâm tranh đấu giành giật, không uy hiếp bất kỳ ai cho nên không bị Lữ Thái Hậu ganh ghét, đố kỵ. Bạc Cơ vì muốn né tránh mọi mâu thuẫn nên đã cầu xin được ra khỏi cung và về đất phong của con trai Lưu Hằng, được Thái hậu chấp thuận cho xuất cung, nhờ thế mà bình an yên ổn. Ở đất phong của con trai, tức Đại quốc, Bạc Cơ trở thành Đại Vương Thái hậu, sống hưởng phước con cháu đầy đàn.
Sau khi Hán Huệ đế và Lữ Thái hậu lần lượt qua đời, các quan trong triều lật đổ sự thống trị của gia tộc họ Lữ, bàn bạc xem nên đưa người con trai nào của Hán Cao Tổ lên ngôi, và cân nhắc đến cả vấn đề mẫu tộc của Tân đế không nên quá quyền lực để tránh tình trạng ngoại thích tiếm quyền tiếp tục tái diễn như thời Lữ Thái hậu, suy xét một hồi thì họ thấy Đại vương Lưu Hằng, con trai của Bạc Cơ là người phù hợp nhất.
Lưu Hằng lên ngôi, lấy hiệu Hán Văn đế, tôn phong mẫu thân làm Hoàng Thái hậu. Bạc Thái hậu chọn một đứa cháu trong gia tộc gả làm chính thất cho đứa cháu nội của bà, tức Thái tử Lưu Khải. Hán Văn đế băng hà, Thái tử Lưu Khải lên ngôi, lấy hiệu Hán Cảnh đế, tôn phong tổ mẫu làm Thái Hoàng Thái hậu. Bạc Cơ là người đầu tiên được phong làm Thái Hoàng Thái hậu trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 155 TCN, Bạc Cơ qua đời. Thời nhà Hán chỉ có chính thất Hoàng hậu mới được phép hợp táng cùng Hoàng đế, còn phi tần thì không được và dù vị phi tần đó có là sinh mẫu của Hoàng đế thì sau khi qua đời cũng không được truy phong làm Hoàng hậu. Thế nên Bạc Cơ chỉ được gọi là Bạc Thái hậu hoặc Văn đế Thái hậu, được an táng ở Bạc lăng, thuộc Bá lăng – nơi chôn cất của người con trai bà là Hán Văn đế. Đến thời Hán Quang Vũ đế Lưu Tú, Bạc Cơ được truy tôn làm Cao Hoàng hậu, được hợp táng cùng Hán Cao Tổ trong Trường lăng, còn mộ của Lữ Thái hậu bị dời khỏi Trường lăng.
Hậu cung Trung Hoa xưa luôn có những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện ấy lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về vùng đất “đặc biệt” này. Hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc để tự mình khám phá được nhiều điều thú vị hơn nhé!