Cái chết “lãng xẹt” của 8 ông Vua trong lịch sử Trung Hoa cổ đại

cai chet lang xet cua 8 ong vua 9

Trong danh sách các Hoàng đế  Trung Hoa có rất nhiều nhân vật nổi danh. Người thì có chiến công lừng lẫy, người là hôn quân vạn người căm ghét, người là bù nhìn bất tài khiến cả triều đại sụp đổ,… Tuy nhiên, cũng có những Hoàng đế lại ghi dấu ấn trong lịch sử theo một cách rất riêng khi có cái chết chẳng giống ai.

Lịch sử Trung Hoa cổ đại từng ghi nhận những trường hợp Hoàng đế có cái chết “lãng xẹt” với những lý do không ai ngờ tới: chết uất vì vợ gian dâm, chết ngạt vì bị phi tần lấy gối đè, chết vì ngã xuống hố phân, chết đói chết khát, hay chết vì bị con trai xẻo mũi,…

1. Hiếu Văn Đế chết uất vì vợ gian dâm

Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành (467-499) nổi tiếng là nhà cải cách, bậc “minh quân”, được ca ngợi, đưa cả vào sách giáo khoa trung học với đánh giá là một nhà cải cách thành công hiếm có thời cổ đại. Thế nhưng, vị Hoàng đế anh minh người dân tộc thiểu số đó lại đột ngột qua đời ở tuổi 32 khi sự nghiệp đang chói sáng khiến người đời thương tiếc. Trong chính sử chỉ chép đơn giản là ông chết vì bệnh mà không nói rõ đó là bệnh gì, nhưng nguyên nhân sâu xa là chết uất vì vợ của mình (Phùng Hoàng hậu) gian dâm với thái giám.

cai chet lang xet cua 8 ong vua 1

Vào mùa thu năm 497, Thác Bạt Hoành đã mở một cuộc tấn công lớn vào Nam Tề đang nổi lên cát cứ. Tuy nhiên, trong khi Hoàng đế vắng mặt, Phùng Hoàng hậu đã bí mật rồi ngang nhiên dan díu với một tên thái giám giả là Cao Bồ Tát và buộc em gái ông là Bành Thành Công chúa kết hôn với em trai bà ta là Bắc Bình công Phùng Túc.

Bành Thành Công chúa trốn khỏi Lạc Dương chạy đi tìm Thác Bạt Hoành tố cáo tội thông gian của Phùng Hoàng hậu. Thác Bạt Hoành quay về Lạc Dương bắt Cao Bồ Tát, Phùng Hoàng hậu và phụ tá của bà là Song Mông thẩm vấn. Phùng Hoàng hậu vừa nhìn thấy chồng đã ra sức khóc lóc kêu oan, Thác Bạt Hoành bịt tai lại không nghe và kết luận rằng Hoàng hậu đã thực sự phạm tội thông dâm. Tuy nhiên, do không muốn gia tộc họ Phùng phải hổ thẹn, ông đã không phế truất bà ngay mà ra lệnh tống giam. Nhưng việc hoàng hậu ngoại tình với hoạn quan đã giáng đòn chí tử vào Thác Bạt Hoành, quá uất ức vì bị phản bội, ông suy sụp không gượng lại nổi rồi qua đời ở tuổi 32.

2. Tấn Cảnh Công Cơ Cứ chết vì rơi xuống hố phân

Tấn Cảnh Công (cai trị: 599 TCN – 581 TCN), tên thật là Cơ Cứ, con trai của Tấn Thành Công, là vị vua thứ 27 của nước Tấn. Ở ngôi được 19 năm, Tấn Cảnh Công qua đời đột ngột vì bạo bệnh. Về cái chết của vị Hoàng đế này, hậu thế thường lưu truyền giai thoại Cảnh Công băng hà vì đột tử trong nhà vệ sinh!

Theo “Đông Chu liệt quốc chí”, vào năm 581 TCN, Tấn Cảnh Công lâm bệnh nặng. Bấy giờ, triều đình có tìm đến người thầy bói nổi danh đất Tang Môn để tiên đoán vận mệnh cho chúa công. Khi ấy, người thầy bói này có phán: “Chúa công sẽ không kịp ăn lúa mạch mới năm nay”, ý nói Tấn Cảnh Công chắc chắn sẽ đoản mệnh qua đời ngay trong năm.

cai chet lang xet cua 8 ong vua 2

Bản thân Tần Cảnh Công và bá quan văn võ trong triều đều không tin. Bởi lẽ chúa công tuy lâm bệnh, nhưng thân thể tráng kiện, vốn không dễ “đoản mệnh. Hơn nữa, bấy giờ trên lãnh thổ nước Tấn, nhiều vùng đã có lúa mạch chín.

Để chứng minh lời tiên đoán kia là vô căn cứ, Tấn Cảnh Công đã hạ lệnh cho những địa phương có lúa chín lập tức thu hoạch để dâng lên nhà vua. Khi lúa mạch dâng tới nơi, bá quan có hỏi thầy bói đất Tang Môn: “Lúa mạch mới đã để ở đây rồi, nhà ngươi còn dám bảo chúa công không kịp nếm nữa hay không?”. Vị thầy bói ấy vẫn một mực tin vào điều mình tiên đoán, lập tức bị quan quân lôi ra ngoài chém đầu.

Bá quan sau đó liền sai người dùng lúa mạch này nấu cháo để dâng lên nhà vua. Kỳ lạ thay, cháo vừa đến tay, Tấn Cảnh Công chưa kịp nếm thì đã cảm thấy bụng chướng, bao tử đau dữ dội, vội gọi người cõng tới nhà vệ sinh. Người hầu vừa cõng tới nơi, Tấn Cảnh Công vì quá đau đớn, chân đứng không vững, ngã xuống hố phân. Thấy chúa công long thể bất thường, người hầu vội ẵm lên, nhưng vừa chạm vào đã nhận ra Tấn Cảnh Công tắt thở từ bao giờ.

Cho tới ngày nay, ít ai để tâm Tấn Cảnh Công qua đời vì bệnh gì, nhưng giai thoại về việc ông vua chết vì rơi xuống hố phân cứ mãi lưu truyền về sau.

3. Chu Tuyên Đế Vũ Văn Uân chết yểu vì “mây mưa” quá độ

Chu Tuyên Đế Vũ Văn Uân (559-580) là một Hoàng đế của triều đại Bắc Chu trong lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, chính vì thói ham mê xác thịt quá độ mà ông vua này không sống lâu để hưởng phú quý. Dâm loạn 2 năm đã chết yểu. Ngay từ khi mới lớn lên Vũ Văn Uân đã thèm khát đàn bà, dâm loạn không sao tả xiết, vị Hoàng tử này được sử sách ghi lại nổi bật lên là thói hoang dâm.

Vũ Văn Vân đam mê chuyện xác thịt đến nỗi từ khi còn là Hoàng tử đã mong mỏi ngày đêm được kế vị ngai vàng để thả sức hưởng mọi lạc thú. Vì thế, khi vua cha qua đời, ông ta chẳng những không buồn mà còn than rằng phụ hoàng chết quá muộn. Mồ cha chưa ấm, vị vua trẻ 19 tuổi đã thông dâm với các phi tần, cung nữ của cha. Rồi ông ra hạ chỉ tuyển chọn gái đẹp khắp mọi miền để hưởng lạc.

cai chet lang xet cua 8 ong vua 5

Theo tục lê, khi vua trước chết đi vua này lên thay trị vì thì toàn thể phi tần đều bị cho vào lãnh cung nhưng Chu Tuyên đế đã không bỏ sót một ai, giữ lại tất cả, ngày đêm hoang dâm vô độ. Tất cả những người đàn bà có nhan sắc lọt vào mắt Chu Tuyên đế đều không thể thoát, cho dù đó là vợ của các đại thần. Chu Tuyên đế thèm khát ăn chơi, hưởng lạc, dâm loạn đến nỗi chỉ một năm sau ngày bước lên ngai vàng, ông ta đã nhường phắt ngôi báu cho đứa con trai 7 tuổi để dành toàn bộ thời gian cho việc hưởng thụ sắc dục.

Tham vọng trở thành Hoàng đế của Vũ Văn Uân cũng chỉ gói gọn trong vấn đề xác thịt, để hưởng lạc thú một cách thoải mái nhất. Cũng vì mây mưa quá độ, dùng thuốc kích thích vô tội vạ mà vị thái thượng hoàng trẻ tuổi này mắc bệnh nặng, qua đời chỉ một năm sau đó, khi mới 21 tuổi. Tính hoang dâm của Chu Tuyên đế không chỉ làm hại tính mạng ông ta, mà còn làm sụp đổ cả triều Bắc Chu, vốn đã được người cha tài năng của ông ta làm cho hùng mạnh. Một thời gian sau khi Tuyên đế chết, bố vợ ông ta là Dương Kiên đã cướp ngôi của cháu ngoại (con trai Tuyên Đế) để lập ra nhà Tùy.

4. Đông Tấn Hiếu Vũ Đế chết ngạt vì bị phi tần lấy gối đè

cai chet lang xet cua 8 ong vua 3

Đông Tấn Hiếu Vũ Đế Mã Tư Diệu (361-396) là Hoàng đế thứ 9 của triều Đông Tấn. Giống như những Hoàng đế khác, Mã Tư Diệu rất thích uống rượu. Vào một ngày năm 396, Mã Tư Diệu cùng Trương Quý Nhân cùng nhau uống rượu ở cung điện mùa hè. Vì uống say nên hai người cãi nhau, do cãi không lại được với Trương Quý nhân, Hiếu Vũ Đế liền nói: “Nàng đừng tưởng ta sủng ái nàng mà coi thường ta, hậu cung của ta có rất nhiều phụ nữ, một ngày nào đó ta sẽ phế nàng tìm một người trẻ đẹp hơn!”, rồi sau đó lên giường đi ngủ. Có câu: “Người nói vô tâm, người nghe có ý”, Trương Quý nhân vô cùng tức giận, liền tìm vài cung nữ lấy gối úp lên mặt Mã Tư Diệu khiến ông ta chết ngạt.

5. Bắc Tề Văn Tuyên Đế chết đói chết khát vì nghiện rượu

Bắc Tề Văn Tuyên Đế Cao Dương (526-559) là hoàng đế khai quốc của triều đại Bắc Tề trong lịch sử Trung Quốc. Ban đầu khi lên ngôi, ông được rất nhiều người tin tưởng bởi bản lĩnh chính trị và sự sáng suốt của mình. Tuy nhiên, sự hưng thịnh của triều đại ông cai trị chẳng kéo dài được bao lâu khi Cao Dương bắt đầu giở thói nghiện rượu.

Văn Tuyên Đế dần trở thành đối tượng bị dân lành căm ghét vì chính sách cai trị tàn bạo, thường xuyên lên cơn điên loạn. Trong “Tư trị thông giám” có viết, sau khi say rượu Văn Tuyên đế thường có những hành vi bất thường, ví như ca hát nhảy múa cả ngày, mặc trang phục dân tộc đi loanh quanh. Có hôm ông bôi cả phấn son lên mặt mình, khoe khoang cơ thể khắp nơi. Chưa dừng lại ở đó, Cao Dương còn thường xuyên lê la ngoài đường phố, thậm chí nằm ngủ ở đó như một tên vô gia cư. Các đại thần và thuộc hạ thường xuyên nhắc nhớ Cao Dương nên chú ý hành vi của mình, nhưng càng ngày ông càng trở nên điên loạn.

cai chet lang xet cua 8 ong vua 6

Đỉnh điểm là trong một lần ra phố, ông kéo một người đàn bà lại hỏi: “Thiên tử của nước ta trông như thế nào?”. Bà này lập tức đáp, “Lão ta suốt ngày điên điên khùng khùng, cư xử như đồ ngốc. Có thiên tử nào như thế chứ”. Nghe thế, Cao Dương bèn sai người chặt đầu người phụ nữ ấy. Rượu chè khiến Cao Dương mất lí trí đến mức ông còn từng có ý định nhảy vào đám lửa tự sát.

Đến năm 559, sau 9 năm tại vị, Cao Dương qua đời. Đáng nói, ông không phải chết vì uống rượu quá độ mà bởi mắc chứng kén ăn nặng do uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài. Cuối đời Cao Dương không ăn được cũng chẳng uống nước bình thường được, kết quả dẫn đến việc tự làm mình chết đói chết khát. Có thể nói, đây là cái chết kì lạ bậc nhất của trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

6. Hạ Cảnh Tông chết vì bị con trai xẻo mũi

Hạ Cảnh Tông Lý Nguyên Hạo (1003-1048) là Hoàng đế khai quốc của nhà Tây Hạ. Giống như những vị quân vương trong lịch sử, Lý Nguyên Hạo đắm chìm trong men say của những chiến công mà bỏ rơi việc triều chính, trở nên tàn nhẫn và vô cùng háo sắc. Ông ta nhìn thấy vợ của con trai mình (Thái tử Ninh Lệnh Cách) xinh đẹp, liền chiếm đoạt và lập thành “hoàng hậu mới”. Rồi lại mượn cớ giết chết công thần Dã Lợi Ngộ, để thông dâm với thê thiếp của vị công thần này.

cai chet lang xet cua 8 ong vua 4

Thái tử Ninh Lệnh Cách vì bị cha cướp mất vợ trong lòng nảy sinh hận thù đã âm mưu ám sát cha mình. Vào đêm nguyên tiêu năm 1048, Ninh Lệnh Cách vào cung ám sát Lý Nguyên Hạo. Lý Nguyên Hạo bị con trai xẻo mũi vì kinh sợ mà qua đời.

7. Tần Vũ Công Doanh Đảng chết vì đỉnh đồng rơi vào người

cai chet lang xet cua 8 ong vua 8

Tần Vũ Công Doanh Đảng (chưa rõ năm sinh – mất vào năm 688 TCN) là Hoàng đế của nước Tần thời xuân Thu. Ông là người khỏe mạnh, cường tráng, thích làm những việc khác người, hơn nữa lại sống vào thời kỳ nhà Tần rất hưng thịnh nên có thể nói tiền đồ của ông còn tiến xa. Nhưng một lần khi đi đến Lạc Dương, thấy một chiếc đỉnh đồng to, lại nghe nói có dũng sỹ họ Mạnh đã từng nâng được chiếc đỉnh đồng lên, Tần Vũ Công nhất mực đòi tự nâng chiếc đỉnh đồng đó, vừa mới nhấc lên vì run tay chiếc đỉnh đồng nặng hơn trăm cân rơi xuống, đè nát chân của Tần Vũ Công. Dù được thuộc hạ tích cực cứu chữa nhưng do vạc đồng nguyên khối quá nặng làm vết thương của ông trở nên nghiêm trọng, cuối cùng Doanh Đãng qua đời khi chỉ mới 23 tuổi.

8. Minh Hy Tông chết vì sợ hãi quá độ

Trong danh sách các vị vua chết một cách chẳng giống ai dĩ nhiên không thể thiếu Minh Hy Tông Chu Do Hiệu (1605-1672). Chu Do Hiệu là con trai trưởng của Minh Quang Tông Chu Thường Lạc.

cai chet lang xet cua 8 ong vua 7

Cha ông vất vả leo từ vị trí Thái tử lên đến ngôi vua chưa đầy một tháng thì qua đời, được mệnh danh là Hoàng đế xui xẻo nhất nhà Minh và đồng thời có cái chết cũng bí ẩn bậc nhất trong lịch sử. Có thể du khách chưa biết, sự kiện Chu Thường Lạc qua đời khi đang tuổi tráng niên là một trong tứ đại kỳ án của nhà Minh.

Nối gót số phận hẩm hiu của cha, Chu Do Hiệu cũng khiến hậu thế phải bật thốt lên vì cái chết hoang đường của mình. Năm 1627, Minh Hy Tông ngự giá xem phu đào hồ cùng các cận thần. Khi đến vùng nước sâu, gió bất ngờ to lên khiến thuyền bị lật úp, Minh Hy Tông không may bị ngã xuống nước. Dù đã được cứu sống nhưng ông luôn mang tâm lý sợ hãi quá độ, cộng thêm thể chất vốn đã không tốt nên sau đó đã lâm trọng bệnh. Khoảng 1 tháng sau, Minh Hy Tông qua đời khi chỉ vừa 21 tuổi, trị vì Đại Minh được 7 năm.

Trên đây là 8 cái chết kỳ lạ và không “đỡ” được của các Hoàng đế Trung Hoa xưa. Vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật hiển nhiên, nhưng những cái chết “hỡi ơi” thế này cũng thật khiến hậu thế phải dở khóc dở cười.

Nếu du khách là người có niềm đam mê với văn hóa, lịch sử của đất nước Trung Hoa thì hãy Book Tour Trung Quốc của chúng tôi nhé! Chắc chắn du khách sẽ có được những sự hiểu biết thú vị khi đặt chân đến vùng đất rộng lớn này.