Trung Quốc là một vùng đất xinh đẹp với những nét văn hóa độc đáo, cuốn hút. Bên cạnh đó nền ẩm thực nơi đây cũng vô cùng đa dạng, phong phú. Đặc biệt, những loại bánh ngọt thanh khiết, nhẹ nhàng sẽ khiến người ta phải thích mê.
Ở Trung Quốc, các loại bánh ngọt truyền thống dùng cho món tráng miệng thường được làm thủ công. Do nguyên liệu từ thiên nhiên dồi dào, lại thêm phong tục vùng miền đa dạng nên bánh ngọt cũng có nhiều phong cách và hương vị khác nhau.
1. Bánh quế hoa
Bánh quế hoa thường xuất hiện trong những buổi tiệc cung đình hay trong bữa ăn của gia đình quý tộc thời xưa của đất nước Trung Hoa.
Món bánh này bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối của triều Minh (1368-1644). Khi đó, một người bán hàng rong có tên Lưu Cát Tường đã ngửi được mùi thơm nồng của hoa quế từ thư phòng một vị trạng nguyên bay đến. Vì thấy mùi thơm khá đặc biệt, người này chợt nghĩ cách nhặt hoa quế ở đây, đem lọc để khử nước đắng rồi mang hoa đi ướp với mật đường. Sau khi đã được ướp, mật hoa này được trộn cùng một số nguyên liệu như bột nếp, bột gạo, dầu cải, đường… rồi mang hấp và để khuôn đem đi bán. Về sau, để phù hợp với khẩu vị nhiều người, món bánh quế hoa có thể được “biến tấu” với nhiều công thức và nguyên liệu khác nhau.
Khi ăn một chiếc bánh quế hoa, người ăn sẽ cảm nhận được rõ nhất là vị thơm nồng của hoa quế, điểm xuyết vào đó là chút ngọt thanh của được phèn, đường mật. Bánh quế hoa truyền thống tuy không quá nổi bật về vẻ bên ngoài thế nhưng lại hấp dẫn nhờ vào hương vị đặc biệt của mình. Bánh xốp nhưng không khô, ngọt thanh chứ không gắt, thế nên dù có ăn nhiều một chút cũng không hề gây ngán cho người thưởng thức.
2. Bánh bột đậu
Đây là loại bánh ăn nhẹ truyền thống của người dân Trung Hoa đã tồn tại xuyên suốt hàng trăm năm lịch sử. Khi làm, nhân phải được cuộn đều, nhiều tầng. Nó có vị ngọt, dính, mùi thơm đậu nành đậm đà đặc trưng.
Bánh bột đậu có nhiều kiểu, nổi danh nhất là bánh đậu xanh kiểu Bắc Kinh – loại bánh không dầu và có vị mềm. Các phong cách khác bao gồm kiểu Tô và kiểu Dương, là loại bánh có dầu với cảm giác mềm mại, tinh tế.
Ở Trung Quốc cổ đại, bánh bột đậu thường được ăn kèm với bánh tống tử, rượu hùng hoàng và trứng vịt muối trong Lễ hội Thuyền Rồng.
3. Bánh đậu đỏ
Bánh đậu đỏ là một loại bánh phổ biến ở phía nam Trung Quốc. Các nguyên liệu làm ra nó bao gồm đậu đỏ, đường và bột gạo. Loại bánh này thích hợp để ăn vào mùa hè và sẽ có vị ngon hơn sau khi được làm lạnh.
4. Bánh Oản đậu hoàng
Oản đậu hoàng là món ăn nhẹ mùa xuân hoặc mùa hè truyền thống tại Bắc Kinh. Theo phong tục Bắc Kinh, mọi người sẽ ăn loại bánh này vào mùng 3 tháng 3 âm lịch. Nó có thể xuất hiện trong các nhà hàng phong cách Bắc Kinh và chợ phiên mùa xuân hàng năm ở Bắc Kinh.
5. Bánh lương
Đây là loại bánh tráng miệng truyền thống phổ biến ở khu vực Bắc Kinh. Loại bánh này có hương vị tươi ngon, ngọt mềm và thường được ăn vào mùa hè. Đây cũng là món ăn vặt quen thuộc ở thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên. Nhưng khác với Bắc Kinh, nó được làm từ gạo và đường nâu.
6. Bánh gạo nếp đậu đỏ Aiwowo
Aiwowo, một món ăn nhẹ truyền thống ở Bắc Kinh, được bán hàng năm trong quán ăn vặt của Bắc Kinh vào dịp Tết Nguyên đán, và được bán cho đến cuối mùa hè và đầu mùa thu. Bánh được làm từ gạo nếp với nhân đậu đỏ bên ngoài phủ bột đậu nành. Khi cho vào miệng thực khách sẽ cảm nhận được độ mềm, độ dai hoàn hảo và hương vị không quá ngọt. Do đó, Aiwowo cũng là một loại đồ ăn mùa xuân thu, có sẵn quanh năm.
7. Bánh ngàn lớp
Bánh ngàn lớp là một trong những món ăn nhẹ phổ biến ở Bắc Kinh. Món bánh này được làm từ bột mì, bột nở, mỡ lợn, các loại trái cây và rượu gạo. Sở dĩ món bánh này tên là bánh ngàn lớp vì ngoại hình của chiếc bánh là tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau. Khi cắn một miếng ta sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà và độ mềm của từng lớp bánh. Tùy thuộc vào nguyên liệu cũng như các loại trái cây được sử dụng mà bánh sẽ có những màu sắc khác nhau.
8. Bánh bò
Bánh bò có thể được tìm thấy ở nhiều nơi tại miền nam Trung Quốc. Thành phố Trạm Giang và Mậu Danh của tỉnh Quảng Đông, tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh đều là những nơi làm bánh bò có tiếng.
Bánh bò là một loại bánh xốp làm từ: bột gạo, nước, đường và men. Mặt bánh có rất nhiều bong bóng nhỏ do có nhiều lỗ khí trong bánh. Loại bánh bò ở Trung Quốc được gọi là “bái táng gāo” (白糖糕) – nghĩa là “bánh đường trắng”, loại bánh bò này hơi chua và bỏ qua thành phần dừa – một thành phần không thể thiếu trong bánh bò ở Việt Nam. Bánh bò nói chung được ăn như món tráng miệng hoặc ăn với chả,…
9. Bánh quai chèo
Bánh quai chèo là món phổ biến trong danh sách đồ ăn nhẹ Bắc Kinh, còn được gọi là “tai đường”, bởi vì nó có hình dạng giống như tai người. Người ta nhồi vào nhân bánh thập cẩm, thêm hoa quế, gừng ngọt, hạch đào, đậu phộng, vừng, thêm sợi thanh hồng và đường phèn. Bánh tai đường có màu nâu nhạt, trơn bóng, mềm xốp, hương vị ngọt ngào, ngon miệng.
10. Bánh rán vừng
Bánh rán vừng từ lâu đã là một món ăn đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ trong văn hóa ẩm thực của người Trung Quốc. Người ta cho rằng món bánh rán vừng này là tượng trưng cho sự sung túc, phú quý, giàu sang cùng sự may mắn bởi màu vàng ruộm của nó. Nhân bánh thường làm bằng đậu đỏ hoặc đậu đen.
11. Bánh củ mã thầy
Bánh củ mã thầy là một trong những món tráng miệng truyền thống phổ biến ở tỉnh Quảng Đông và thành phố Phúc Châu. Món bánh này được làm với nguyên liệu chính là củ mã thầy (hay còn gọi với tên khác là củ năng) được mài thành bột sau đó được trộn với đường nâu và bột vừng. Sau khi đã sẵn sàng thì bánh được mang đi hấp. Khi bánh chin, bánh mềm, có vị ngọt mát. Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng rất yêu thích món bánh này.
12. Bánh củ mài
Bánh củ mài là loại bánh có vị ngọt làm từ củ mài (Chinese Yam). Đó là một loại thực phẩm thuốc có tác dụng tăng cường sức khỏe lá lách và thận.
13. Bánh Fagao
“Fagao” có tên tiếng Trung phát âm gần với từ “lớn nhanh hơn”, “cao hơn”, nên thường được dùng làm quà tặng thay cho những lời chúc tốt đẹp, hàm ý chúc sự thành công và phát đạt.
Bánh Fagao được làm từ 2 nguyên liệu chính là gạo nếp và đường nâu. Khi du khách đưa nó vào miệng để thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được vị thơm ngon đặc trưng của bánh đầu tiên và sau đó mới đến là cảm nhận được sự mềm xốp của bánh.
14. Bánh Trung thu
Bánh trung thu là món ăn được yêu thích vào ngày rằm tháng 8 âm lịch của người Trung Hoa. Bánh thường có hình tròn, tượng trưng cho ngày đoàn viên vào dịp Trung thu. Những vị bánh được yêu thích gồm ngũ cốc, đậu đỏ, sen trắng, trứng muối và một số loại trái cây.
15. Bánh Niangao
Từ thời xa xưa, Niangao (hay còn gọi là Bánh Tổ) là một món quà đặc sản dân dã và trở thành một món đặc sản rất phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là trong dịp Tết.
Tên bánh “Niangao” ngụ ý chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng sẽ luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững.
Niaogao được làm từ gạo nếp loại tốt để đảm bảo độ dẻo thơm cho bột bánh, đường nếp được thắng kỹ để loại bỏ tạp chất, và cuối cùng là một chút gừng tươi, phần nguyên liệu quan trọng này giúp mang lại hương vị đặc trưng cho chiếc bánh.
16. Bánh chiên Nhĩ Đóa Nhãn
Là một trong “Thiên Tân Tam Tuyệt”, đặc sản Thiên Tân này vô cùng thơm ngon với gạo nếp làm thành mặt bánh, đậu đỏ, đường trắng xào với nhau thành nhân bánh, cuối cùng dùng dầu thơm chiên lên. Một thành phẩm hình cầu, màu vàng nhạt với nhân đậu đỏ bên trong cực tinh tế.
Nguồn gốc của Bánh chiên Nhĩ Đóa Nhãn có lịch sử hơn 100 năm, vào thời vua Quang Tự triều Thanh. Người tạo ra loại bánh này chính là Lưu Vạn Xuân nằm ở lối ra của ngõ Nhĩ Đóa Nhãn nhỏ hẹp, nên thực khách gọi là “bánh chiên Nhĩ Đóa Nhãn”.
17. Bánh khô Chi Lan Trai
Bánh Chi Lan Trai là một món bánh truyền thống nổi tiếng của dân tộc Hán ở vùng Thiên Tân, là sản phẩm của tiệm cổ có tuổi đời hơn 60 năm. Bánh Chi Lan Trai được chế biến từ gạo nếp, gạo nếp xay ra rồi thêm các loại nguyên liệu làm nhân và chưng lên. Bánh này do cửa tiệm Chi Lan Trai sáng tạo ra, nên gọi là bánh Chi Lan Trai. Bánh có màu trắng tinh khiết, ăn không dính răng, bột không rơi vãi, vị mềm, có nét độc đáo riêng.
Bánh khô Chi Lan Trai bắt nguồn từ năm 1928, người làm ra món bánh này – Phí Hiệu Tăng đã đem bán trong tiệm ăn cổ Chi Lan Trai trên đường Thẩm Trang Tử. Giá thành của bánh Chi Lan Trai rất rẻ, người ăn kiêng trong tháng giêng âm lịch thường chọn món ăn này. Bánh Chi Lan Trai có sự khác biệt so với loại bánh khô ở thôn Dương – Thiên Tân, vì người đời sau không cho thêm nguyên liệu vào nhân, giữ nguyên sắc nguyên vị, còn người đời trước trong quá trình chế biến đã cho thêm bánh đậu, đường trắng, quả táo gai,… vào nhân bánh. Ngoài ra, còn rắc thêm hạt tùng, hạt dưa, hạt óc chó, sợi thanh hồng và một số nguyên liệu khác.
18. Bánh quy hạnh nhân
Được ví như là vua của các loại bánh, bánh quy hạnh nhân xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 và trở thành một trong những loại bánh quy cổ điển tại Macau – Trung Quốc. Món bánh này có mùi thơm lan tỏa trong không khí đến vài trăm mét. Khi cắn một miếng, du khách sẽ cảm nhận được bánh rất giòn nhưng sau đó sẽ tan ngay trong miệng.
19. Bánh Tart trứng
Bánh Tart trứng nổi tiếng Macau mang đặc trưng hương vị ẩm thực phương Đông, là sự kết hợp hoàn hảo giữa vỏ bánh giòn rụm và lớp nhân sữa trứng thơm mềm, béo ngậy. Vỏ bánh làm bằng bột mì được nhồi khéo léo tạo thành nhiều lớp vừa mỏng vừa giòn. Nhân bánh là hỗn hợp làm từ kem tươi, sữa, trứng gà được đổ gọn trong lòng khuôn bánh, rồi phủ lên trên cùng là một lớp caramen màu cánh gián đặc trưng.
Xuất phát là món bánh thường dùng trong những bữa tiệc trà hoặc tráng miệng sau bữa ăn chính của người Bồ Đào Nha, bánh Tart trứng có hình dáng nhỏ xinh, giống như những chiếc chén nhỏ vừa tay cầm. Chiếc bánh vừa đảm bảo ngon miệng, ngon mắt, lại phù hợp làm món ăn nhẹ.
20. Bánh Boh Loh Baau
Boh Loh Baau là loại bánh ngọt nổi tiếng ở Hồng Kông, Trung Quốc. Boh Loh Baau hay còn được gọi với cái tên thân thương là “bánh dứa” do hình dạng của chiếc bánh có những đường khứa trông giống vỏ trái dứa. Theo truyền thống thì người dân Hồng Kông hay dùng bánh này khi còn ấm, ăn kèm với lát bơ mỏng kẹp ở giữa là ngon nhất, bánh có thể vào bữa sáng hay bữa trà chiều. Bánh dứa mới ra lò nóng hổi, bốc khói thơm phức, người ta dùng dao rạch ngang bánh rồi kẹp vào đó một miếng bơ vàng tươi trông rất hấp dẫn, ăn có vị béo ngậy hòa cùng vị ngòn ngọt của bánh thật tuyệt vời.
21. Bánh Tangyuan
Tangyuan có hình tròn, vỏ ngoài của bánh được làm bằng bột nếp, bên trong là các loại nhân ngọt làm từ vừng, bột đậu, trái cây khô trộn với đường… Bánh có thể được luộc, hấp hoặc chiên lên đều được. Mỗi loại nhân bánh sẽ tạo ra một hương vị riêng, nhờ vậy khi ăn Tangyuan, người ta sẽ thấy nó có vị ngọt, thơm, mềm mại và không bị ngán.
Tangyuan thường được người dâ Trung Hoa ăn trong Lễ hội đèn lồng – ngày cuối cùng của lễ kỷ niệm năm mới âm lịch để biểu thị cho sự đoàn tụ, hài hòa và vui vẻ trong gia đình.
Trên đây là danh sách 15 món bánh ngọt nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc mà chúng tôi muốn giới thiệu cho du khách. Nếu có cơ hội du lịch Trung Quốc, du khách hãy nếm thử hương vị của những món bánh này… chắc chắn sẽ làm cho hành trình của du khách trở nên đáng nhớ và thú vị hơn rất nhiều.