Gần đây, các bộ phim cổ trang đang rất được chú ý, hầu hết các hãng phim đều đang cố gắng hết sức để lột tả được chân thực nhất đời sống cũng như những phục trang mà người xưa thường sử dụng. Trong đó, triều đại nhà Thanh là thời đại có nhiều quy tắc lễ nghi được đánh giá là phức tạp nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Trong nghi thức về phục trang thời nhà Thanh, với một nữ nhân trong hậu cung, về cơ bản có 3 loại phục trang được mặc, đó là: Triều phục, Cát phục, Thường phục.
Thường phục là loại mặc thường ngày, không có quy định cụ thể. Nhưng với Triều phục và Cát phục thì luôn cần phải chuẩn chỉnh, bởi điều đó thể hiện vinh hiển của Đại Thanh. Và dù là trang phục nào thì cũng là yếu tố thể hiện địa vị, nên sẽ có sự khác biệt nhất định với từng người.
Triều phục là trang phục dành cho các dịp cực kỳ trọng đại, như lễ sắc phong hoặc đại lễ. Quy định bộ triều phục của một hậu phi thời nhà Thanh là tương đối phức tạp, với ít nhất là 10 yếu tố tạo thành, bao gồm: Triều quan (mũ), Kim ước (dây đeo trán để giữ triều quan), Nhị (hoa tai), Lãnh ước (kiềng trên cổ), Triều châu (bộ dây ngọc khoác bên ngoài), Thải thuế (dây rũ bằng vải trước ngực), Triều quái (áo khoác mặc ngoài triều bào), Triều bào (áo chính), Triều váy (Có 2 loại: có áo hoặc không dựa theo hiện vật thật), và Triều ủng (giày).
Để chi tiết hơn thì từ ngoài vào trong sẽ gồm 3 lớp là Triều quái, Triều bào và Triều váy. Trong đó, Triều phục của Hoàng thái hậu và Hoàng hậu là đồng dạng. Các mệnh phụ cấp cao (phu nhân của đại công thần trong triều) thì có Triều phục giống nữ nhân mang tước vị Tần. Và cũng phải từ tước Tần trở lên mới được phép có Triều quái, Triều bào và Triều quan thôi.
Cát phục là thứ phục sức đặc biệt nhất, bởi trong tất cả các triều đại, chỉ có nhà Thanh là hình thành quy định chính thức mà thôi.
Khác với Triều phục chỉ được mặc trong các dịp rất trọng đại, thì vào các dịp lễ ít trang trọng hơn, các hậu phi sẽ mặc Cát phục. Về cơ bản, loại trang phục này cũng giống như Thường phục, nhưng có thêm hoa văn và trang sức mỹ lệ hơn, nên còn được gọi là “Thải phục” hay “Hoa y”.
Một bộ cát phục bao gồm: Long quái và Long bào. Long quái: áo mặc ngoài, có xẻ vạt, thân áo dài, ống tay tương đối dài, đều có màu xanh đen (tức là Thạch Lam sắc). Long quái của Hậu phi chỉ xẻ đằng sau, trong khi của Đế vương là xẻ cả trước sau. Long bào: mặc bên trong, cũng là áo chính của bộ Cát phục. Áo cổ tròn, ống tay áo dạng Mã đề tụ, xẻ vạt trái phải, thân áo dài, viền cổ áo có hoa văn. Có thể chỉ cần mặc Long bào, không cần khoác Long quái.
Có thể thấy, cụm từ “Long bào” cũng được dùng với Cát phục của các nữ nhân chứ không chỉ Hoàng đế. Nhưng tất nhiên, màu sắc phải khác nhau, tùy theo địa vị. Thái hậu, Hoàng hậu và Hoàng Quý phi có Long bào màu Minh hoàng. Kế đến tước Quý phi và Phi dùng màu Kim hoàng, còn Tần thì dùng màu Hương (màu có tone nâu đất, trầm ấm).
Với Long quái, tùy vào địa vị mà hoa văn sẽ có khác biệt. Long quái có thêu rồng vàng 5 móng (Ngũ trảo kim long) được dành cho Hoàng hậu, Hoàng Quý phi, Quý phi và Phi. Riêng tước Tần, phần vạt áo phải theo Quỳ ong – hình rồng lượn trong một hình tròn nhưng không quay chính diện).
Không chỉ quần áo trang phục, mà các phụ kiện cũng là yếu tố thể hiện địa vị của người đeo một cách rõ ràng. Hơn nữa, một số phụ kiện được yêu cầu có mặt trên Triều phục, nên hiển nhiên phải thực hiện theo quy định. Có thể kể đến:
Lưu tô
“Lưu tô” là tên gọi của những loại trang sức dạng móc treo dài, có thể dùng để gắn lên búi tóc của các phi tần. Trong phim Hoàn Châu Cách Cách, nó là một đoạn dây tua rua màu đỏ, được gắn trên chiếc mũ lớn đội đầu của các phụ nữ trong hậu cung. Còn trong Chân Hoàn Truyện, nó lại được làm bằng các chuỗi ngọc trai kết lại với nhau.
Món trang sức này được tạo ra với mục đích khi người phụ nữ bước đi, sợi dây cũng nhẹ nhàng đung đưa theo. Nó mang lại cảm giác “yểu điệu thục nữ” – một hình tượng mà các nữ nhân trong xã hội cổ đại đều hướng đến.
Trâm cài tóc
Đối với những người ở thời cổ đại, việc cài trâm mang ý nghĩa một cô gái đã chính thức trở thành một người phụ nữ (sau khi kết hôn). Đến thời nhà Thanh, trâm cài tóc đã có nhiều hình thức và kiểu dáng hơn, bao gồm cả mặt thẩm mỹ và tính thực dụng.
Nó được làm bằng các chất liệu chủ yếu như: ngọc, phỉ thúy, mã não, vàng, bạc… Những loại chất liệu làm trâm này cũng phụ thuộc vào thân phận và cấp bậc trong xã hội hay trong gia đình, cung cấm của người phụ nữ. Đồng thời, những chất liệu này cũng có sự liên quan đến yếu tố thời tiết. Ví dụ như: đông xuân thì cài trâm vàng, đến lập hạ sẽ đổi sang trâm ngọc.
Áp khâm
Món đồ hay được các phi tần đeo trước ngực có tên gọi là Áp khâm – một loại trang sức lưu hành dưới thời Minh – Thanh, làm từ những chất liệu đá quý như hạt châu, ngọc hoặc tơ tằm, kim loại tùy vào địa vị, thân phận của chủ nhân. Áp khâm được đeo trên chiếc nút cài thứ hai tính từ cổ xuống của vạt áo bên phải. Những mỹ nhân trong Diên Hi công lược cũng đeo áp khâm khi diện Kỳ bào. Món phụ kiện này được kết từ nhiều hạt tròn, có thể dùng làm một loại vòng tay, tùy mục đích sử dụng.
Ban đầu, Áp khâm được làm hoàn toàn từ kim loại, thường là bạc, dài 28cm, nặng 40g. Phần trên khép kín gọi là hoa lam, bên trong hoa lam có khi được đặt thêm hương liệu như trầm hương, đàn hương, long não,… Phần đuôi kiểu sợi chuỗi buông tỏa gọi là ngân liên. Về sau dần dần xuất hiện kiểu áp khâm chuỗi hạt và có phần đuôi làm từ tơ. Bên cạnh việc làm đồ trang sức, Áp khâm còn có một công dụng để giữ cố định cho vạt áo không bị xộc xệch khi di chuyển, giữ sự kín đáo tinh tế cho người dùng (Áp là giữ, đè chặt, Khâm là vạt áo).
Kiềng đeo cổ (Lãnh ước)
Kiềng đeo trên cổ Triều phục là một điểm để phân giai cấp trong Hậu cung, giữa những cấp bậc khác nhau. Hoàng hậu có 11 Đông châu, ở giữa lấy San hô, dây rũ ở 2 đầu dùng màu Minh hoàng, ở giữa các dây sức San hô, ở đuôi các dây sức đá Ngọc lam. Hoàng quý phi có 7 Đông châu, ở giữa lấy San hô, dây rũ ở 2 đầu dùng màu Minh hoàng, ở giữa các dây sức San hô, ở đuôi các dây cũng sức San hô. Các quý phi sẽ diện màu dây là Kim hoàng, còn lại như Hoàng quý phi.
Nhẫn móng tay (hộ giáp)
Nhẫn móng tay còn được gọi là “móng tay giả” hay “hộ giáp”. Nó đã xuất hiện rất lâu, từ tận thời Chiến quốc. Người Trung Quốc xưa quan niệm rằng tóc, móng tay là của cha mẹ sinh ra, vì vậy tránh cắt đi mà cứ để chúng mọc dài tự nhiên.
Tóc thì không sao, nhưng móng tay mọc dài rất vướng víu, dễ gãy. Vì vậy, người ta bắt đầu chế ra “hộ giáp” với mục đích đơn thuần ban đầu là bảo vệ phần móng tay dài. Và chỉ có người xuất thân cao quý, thuộc tầng lớp trung lưu trở lên mới “nuôi” móng tay dài và dùng hộ giáp. Không chỉ phụ nữ thôi đâu mà cả nam nhân cũng có thể dùng phục sức này.
Lâu dần thành thói quen, hộ giáp đã trở thành thứ phụ kiện biểu trưng cho vẻ đẹp và quyền lực của các bậc cao cao tại thượng, là phục sức không thể thiếu của phái nữ (vì họ ở khuê phòng, ít ra ngoài nên dễ “nuôi” móng tay hơn).
Đến thời nhà Thanh, hộ giáp lại được nâng tầm và gắn liền với phi tần mỹ nữ chốn cung đình. Nó không còn món đồ bảo vệ móng đơn thuần mà là dấu hiệu phân cấp địa vị, quyền lực. Hoàng hậu, quý phi dùng hộ giáp bằng vàng, bạc, ngọc trai, mai rùa,… Các phi tần thứ bậc thấp thì dùng hộ giáp bằng đồng, ngà, men sứ… Họa tiết chạm khắc trên hộ giáp cũng vô cùng tinh xảo, hoàng hậu chạm khắc hình phượng hoàng. Hộ giáp của Thái hậu lại khắc hình chữ “vạn”, chữ “thọ”. Một số hộ giáp còn có thể uốn cong theo khớp ngón tay.
Đặc biệt, Từ Hy Thái hậu từ người bảo dương hộ giáp của mình kĩ càng nhất. Theo tự truyện của một cung nữ từng theo hầu hạ bà tiết lộ, Từ Hy ngày đeo hộ giáp vàng ở bàn tay phải, hộ giáp ngọc trai ở tay trái. Đêm ngủ thay bằng loại hộ giáp “ít lấp lánh” hơn. Bà đều đeo chúng ở ngón út và ngón áp út, mỗi cái dài từ 5 – 7cm. Từ Hy bảo vệ móng tay lẫn hộ giáp vô cùng cẩn thận. Mỗi ngày đều sai cung nữ rửa bằng nước nóng, sau đó dùng nước bóng từ Pháp đánh lên. Dù vậy, khi về già, móng tay dĩ nhiên “héo úa”, xỉn màu. Ban đầu Từ Hy trách tội hạ nhân đã lơ là trách nhiệm. Nhưng cuối cùng bà nhận ra không thể chống lại quy luật tất yếu của thời gian. Lúc này Từ Hy Thái hậu mới chịu cắt móng tay thường xuyên.
Nắm được vai trò của hộ giáp từ thực tế, các nhà làm phim đã khéo léo đưa chúng lên màn ảnh nhỏ. Mục đích vừa thể hiện hình ảnh đặc trưng của triều nhà Thanh, lại vừa tăng độ ấn tượng nơi bàn tay của các vị nương nương. Ví dụ như trong Diên Hi Công Lược, những lần hành lễ “đỏng đảnh” của Cao Quý phi, cái nhịp tay tính toán mưa kế của Nhàn Phi… đều là những chi tiết nhỏ nhưng phô bày độ sắc sảo của phục sức, giúp khắc họa tính cách nhân vật.
Bộ ba cặp hoa tai (Nhị)
Đây cũng được coi là một trong những trang sức đặc trưng thời nhà Thanh. Theo truyền thống người Mãn, Hậu phi đều xỏ 3 lỗ ở tai và đeo 3 viên trang sức hoa tai vào khi mặc Triều phục. Theo quy chế, hình hoa tai của tần phi đều có hình rồng làm bằng vàng, ngoài ra còn sức trân châu mỗi bông 2 viên, tuy nhiên chất lượng trân châu tùy cấp bậc mà khác biệt như Hoàng hậu sẽ đeo hoa tai dùng nhất đẳng Trân châu, Hoàng quý phi và Quý phi dùng nhị đẳng Trân châu, các nàng Phi dùng tam đẳng Trân châu, còn Tần thì dùng tứ đẳng Trân châu.
Khăn Long Hoa
Bên cạnh những phụ kiện tinh xảo như: trâm cài tóc, móng tay giả,… các phi tần, cách cách luôn đeo trên cổ một chiếc khăn trắng với tên gọi là “Long Hoa Lĩnh Cân” hay gọi tắt là “khăn Long Hoa”. Đây chính là phục sức riêng biệt, thể hiện sự cao quý của bản thân và cũng khiến mình trở nên nổi bật hơn trong chốn hậu cung ba nghìn giai lệ.
Khăn Long Hoa được hệt từ tơ lụa hảo hạng. Trên mỗi chiếc khăn thường được thêu thùa tỉ mẩn những hoa văn, hình vẽ đặc thù, tượng trưng cho địa vị của người mặc.
Những mỹ nhân mới nhập cung, chưa có danh phận, nên trên khăn Long Hoa sẽ không xuất hiện bất kỳ họa tiết nào. Còn Hoàng Hậu và Thái Hậu thì thường đeo khăn Long Hoa với họa tiết được trang trí cầu kỳ và tỉ mẩn nhất. Không chỉ vậy, kích thước khăn của 2 vị chủ tử này cũng lớn hơn các phi tần khác, bởi họ là người đứng đầu tam cung lục viện. Với các phi tần khác, khăn Long Hoa sẽ được trang trí với những họa tiết đơn giản như hình hoa lá nhằm tránh bất kính với bề trên, đảo lộn tôn ti trật tự, thứ bậc trong cung. Ngoài ra, khăn Long Hoa còn giúp trang phục, vẻ về ngoài của các phi tần trở nên trang nhã và lịch thiệp hơn.
Quạt lụa – 1cm giá 3 chỉ vàng
Quạt cũng là loại phục sức được đưa vào quy định trong hậu cung nhà Thanh, là một phụ kiện không thể thiếu với những phi tần, phu nhân có địa vị cao. Và bởi nó là yếu tố thể hiện địa vị, nên làm ra nó cũng không hề đơn giản.
Những chiếc quạt thời nhà Thanh được dệt theo một kỹ thuật đặc biệt được gọi là “Kesi” – hay dệt lụa hoa – hiểu nôm na “những sợi chỉ đan kết vào nhau”. Về cơ bản, đó là một phương pháp dệt hết sức tinh tế, hoa văn cực kỳ tinh xảo và hoàn toàn được làm thủ công. Có khi một ngày chỉ dệt được 2cm, thế nên mới nói 1cm lụa Kesi ngày xưa có giá 3 chỉ vàng là vì vậy.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một đất nước đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc nhé!