Lễ Vu Lan – nét văn hoá đặc sắc của Trung Hoa

le vu lan 7

Cứ đến ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân ở Trung Quốc lại đón Lễ Vu Lan với các tục lệ khác nhau nhằm bày tỏ sự tôn kính với người đã mất. Lễ Vu Lan được gọi là “Lễ ma quỷ”, dân gian tương truyền rằng ngày này là ngày quỷ môn quan mở cửa. Theo Đạo giáo, đây là ngày “Lễ Trung Nguyên”, là ngày địa quan xá tội. 

Lễ hội Vu Lan được dựa trên một câu chuyện kinh điển của Phật giáo. Ngày lễ này xuất phát từ sự tích về Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

le vu lan 1

Theo Kinh Vu Lan, ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên, do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Đau đơn vô cùng khi thấy mẹ như vậy, Ngài liền về bạch Thế Tôn, Đức Phật nói với Ngài rằng: “Dù có Thần Thông Quảng Đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ của ông đâu. Điều duy nhất lúc này là dùng thần lực của chúng Tăng khắp mười phương tinh tấn tu hành thanh tịnh tập trung cầu nguyện, may ra mới thoát kiếp khổ cực của mẹ ngươi được”.

le vu lan 6

Nghe vậy, Tôn Giả Mục Kiền Liên nghĩ hy vọng đã mở ra liền khẩn cầu với Thế Tôn: “Vậy làm sao con có thể mời được chư Tăng mười phương cúng dường một lúc được?”. Đức Phật dạy: “Ngày Tự tứ của chư Tăng, ngươi nên sắm các thứ cúng dường, ngày đó dù các vị ở trong thiền định, hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cũng tập trung lại để Tự tứ và cầu nguyện cho mẹ ngươi, thì mẹ ngươi sẽ thoát được cảnh khổ”.

Tôn Giả Mục Kiền Liên đã thực hành theo lời dạy của Thế Tôn và chính trong ngày lễ Vu Lan năm đó, mẹ của Ngài đã thoát được cảnh ngạ quỷ. Niềm vui không thể kể siết và Tôn Giả thỉnh cầu: “Nếu sau này chúng sanh nào muốn phát tâm hiếu để cầu nguyện cho cha mẹ thoát cảnh khổ thì làm như con có được không?”.  Thế Tôn nói rằng: “Đương nhiên là được, cứ làm như người vào ngày Tự tứ không chỉ giúp cha mẹ đời này và nhiều nhiều đời được siêu độ giải thoát”. Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo của Trung Quốc.

le vu lan 2

Vào ngày này, người dân Trung Quốc thường sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn để dâng lên tổ tiên, 3 lần mỗi ngày, buổi lễ chính vào lúc hoàng hôn. Họ tới những ngôi chùa lớn và phát gạo cho người nghèo. Cùng với đó là các nghi lễ cúng tế diễn ra ngay trên đường, bao gồm đốt nến, nhang, vàng mã cho những linh hồn lang bạt. Các ngôi nhà, khu dân cư, văn phòng đều treo đèn lồng đỏ có viết tên người đã khuất.

le vu lan 5

Bên cạnh đó, đến mùa Vu Lan, người ta đi thăm viếng phần mộ của người thân đã quá cố và sửa sang, quét dọn lăng mộ. Họ cúng thực phẩm và giấy tiền, vàng mã cho những người đã khuất. Việc làm này được xuất phát bởi niềm tin, khi đốt những đồ hàng mã ấy thì linh hồn người mất sẽ nhận được, nhờ vậy mà các vong linh ấy đỡ khổ, đỡ vất vả, đồng thời không quấy rầy đến các công việc làm ăn, sinh sống của người còn sống, ngược lại còn phù hộ cho người sống được ăn nên làm ra, gặp nhiều điều may mắn hơn.

Trong bữa cơm ngày rằm ở Trung Quốc sẽ có thịt gà luộc và lợn quay. Họ luôn để một chiếc ghế trống cạnh bàn ăn và có niềm tin mãnh liệt rằng linh hồn người đã khuất sẽ ngồi đó.

le vu lan 4

Tùy từng địa phương mà Lễ Vu Lan cũng diễn ra với những điểm khác biệt. Có nhiều nơi, đến tháng 7 mưa ngâu lất phất, sẽ tổ chức “lễ hội thả hoa đăng” cầu chúc cho ba mẹ một cuộc sống an bình ấm to khỏe mạnh để sống đời với các con. Tại Giang Tô, người ta thả 4 chiếc thuyền trên sông, chở theo Kinh Phật, những đồng tiền làm bằng giấy thiếc, đèn lồng và đồ ăn cúng lễ cho cô hồn. Ở Phúc Kiến, tất cả những phụ nữ đã lấy chồng dù ở nơi nào cũng phải về tặng quà cho cha mẹ, món quà đó được đặt trong chiếc hòm hoặc rương, gồm quần áo mũ mão. Ở Hồng Kông, trong suốt tháng 7 âm lịch, người ta sử dụng mọi không gian công cộng để cúng tổ tiên cũng như những linh hồn lang thang, thắp hương, vàng mã, phát gạo miễn phí. Nhiều nơi dựng những đài tế tạm thời và sẽ hạ xuống khi kết thúc mùa Vu Lan. Ở Quảng Tây, người dân thường giết vịt để cúng bái vì cho rằng các linh hồn thường đứng trên mình vịt, nhờ vịt cõng mà có thể tự do đi lại giữa âm thế và dương gian. 

le vu lan 3

Trong ngày lễ Vu lan, các vị chư Tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người đã quá cố. Những khóa lễ đặc biệt được tổ chức ở các chùa suốt cả ngày lẫn đêm trong mùa Vu Lan để cầu nguyện cho các vong linh đã khuất, cho những vong hồn đang bị đói khát dày vò nơi cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ được ấm no, an lành.

Thường thì người Phật tử ở Trung Hoa tổ chức Lễ Vu Lan từ ngày 15/7 cho đến ngày 30/7 âm lịch. Và người ta còn quan niệm rằng, trong những ngày ấy, cửa địa ngục sẽ mở ra cho các vong linh hồn về thăm người thân của họ, cho đến ngày 30/7 thì cửa ngục đóng lại. Đồng thời cũng trong dịp này, tín đồ Phật tử ở Trung Hoa còn làm các việc phước thiện như: Bố thí, phóng sinh,… để hồi hướng công đức cho cha mẹ và người thân của mình.

Lễ Vu Lan được người dân Trung Hoa xem rất quan trọng trong các ngày lễ của năm. Du lịch Trung Quốc vào dịp Lễ Vu Lan, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng, trải nghiệm và tận hưởng những điều khác biệt tạo nên nét văn hóa đặc trưng cho miền đất này.