Kế hậu Ô Lạp Na Lạp thị chết trong ghẻ lạnh vì một lần tự cắt tóc mình

ke hoang hau 6

Trong rất nhiều bộ phim cổ trang của Trung Hoa, phân cảnh Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị tự tay cắt đi mái tóc của mình trước mặt Hoàng đế Càn Long trong sự tuyệt vọng tột cùng đã đẩy khán giả đến tận cùng của nỗi đau. Việc này đã khiến cho Kế Hoàng hậu sinh thời được vua hết mực sủng ái, vậy mà đã buông tay trần thế trong sự tịch mịch và cô độc khi mới 49 tuổi.

Trên danh nghĩa “chính thất” của Càn Long Đế, Kế Hoàng hậu đã trải qua đủ dư vị thăng trầm của cuộc sống chốn thâm cung, vinh hoa có, tủi nhục cũng chẳng kém phần. Đường đường là bậc mẫu nghi thiên hạ, sinh thời được vua hết mực sủng ái, vậy mà đến khi qua đời, tang lễ của Kế Hoàng hậu lại sơ sài chẳng khác gì bậc nô tì thấp kém. Sự thật của sự keo kiệt đến khó tin của vị Hoàng đế nổi danh xa xỉ, hào phóng nhất Thanh triều là thế nào; uẩn khúc ẩn chứa phía sau cuộc chuyển đổi tình thế chóng mặt từ đắc sủng đến thất sủng của Kế Hoàng hậu rốt cuộc ra sao, cho đến giờ vẫn là những thắc mắc lớn chưa thể lý giải.

ke hoang hau 2

Kế Hoàng hậu (11/3/1718 – 19/8/1766) là Hoàng hậu thứ hai của Thanh Cao Tông Càn Long Đế. Bà là Hoàng hậu duy nhất của nhà Thanh không có thụy hiệu. Trong Thanh sử cảo, bà chỉ được ghi là Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị, sử thần Triều Tiên gọi Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu, hay Na Lạp Hoàng hậu.

Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị sinh ra trong một gia tộc vô cùng danh giá, hiển hách. Bà được chỉ hôn làm trắc phúc tấn cho Bảo Thân Vương Hoằng Lịch. Khi Hoằng Lịch đăng cơ, lấy niên hiệu là Càn Long, bà được sắc phong thành Nhàn phi rồi tiếp tục thăng vị lên Nhàn Quý phi, Hoàng quý phi. Sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, bà trở thành Kế Hoàng hậu của vua Càn Long.

Bà đăng cơ hoàng hậu khi chưa sinh được hoàng tử nào, thậm chí bà còn được Thái hậu rất yêu quý. Khi Càn Long đã nguôi ngoai được với sự ra đi của người vợ Phú Sát thị thì ông đã vô cùng yêu thương sủng ái Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị, có thể nói vinh sủng không hề ít.

ke hoang hau 3 e1627127106910

Vậy mà, Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị đã bị thất sủng chỉ sau một đêm trong một chuyến tuần du. Tháng Giêng năm Càn Long thứ 30 (1765), Hoàng đế tiến hành tuần du phía Nam lần thứ 4. Kế Hoàng hậu cũng có tên trong danh sách những phi tần đi cùng. Khi chuyến tuần du mới bắt đầu, mọi việc diễn ra hết sức thuận lợi. Càn Long còn ưu ái tổ chức sinh nhật lần thứ 48 vào ngày 10/2 cho Hoàng hậu rất mực linh đình. 

Tuy nhiên, sau chuyến đi này, hoàng hậu bỗng chốc bị thất sủng. Sau khi trở về Tử Cấm Thành, bà bị biệt giam trong cung cấm, cắt giảm cung nữ hầu hạ. Tuy không bị phế ngôi vị hoàng hậu nhưng vua Càn Long đã thu hết những đặc ân mà bà được ban trong những nghi lễ sách phong năm xưa.

Một năm sau khi bị Hoàng đế ghẻ lạnh, Ô Lạt Na Lạp thị buông tay trần thế trong sự tịch mịch và cô độc khi mới 49 tuổi. Khi qua đời, bên cạnh bà không có ai thân thích, chỉ có 2 cung nữ hầu cận.

ke hoang hau 5

Lúc Càn Long biết tin Na Lạp Hoàng hậu tạ thế, thì ông đang đi săn ở Mộc Lang Vi Trường. Ông không hề sửng sốt cũng như dừng cuộc đi săn lại, mà chỉ để con trai Hoàng hậu là Hoàng thập nhị tử Vĩnh Cơ trở về Bắc Kinh chịu tang, rồi tiếp tục đi săn thú.

Khi ấy, Càn Long chỉ đưa ra một đạo thánh chỉ, viết rằng: “Lễ nghi không tiện làm lớn như tang lễ của Hiếu Hiền Hoàng hậu. Tất cả mọi nghi thức cứ chiếu theo lễ tang cho Hoàng Quý phi mà làm”. Theo đó, tang lễ của Ô Lạt Na Lạp thị không được tổ chức theo nghi lễ cho Hoàng hậu mà bị giáng xuống một bậc. 

Nói là cấp Hoàng quý phi, thực ra còn kém hơn, không chỉ không được hưởng nghi lễ của Hoàng quý phi, mà ngay cả một quan chức cấp thấp cũng không bằng. Toàn bộ tang sự chỉ dùng bạc 207 hai 9 phân 4 li, còn không bằng một quan viên cấp thấp trong triều đình.

ke hoang hau 4

Cũng theo lệ thường, Hoàng hậu phải được an táng chung với Hoàng đế. Mộ phần của bà không được đưa vào địa cung Dụ Lăng của Càn Long (nơi này từng chôn cất 2 vị Hoàng hậu và 3 Hoàng Quý phi). Bà chỉ được táng tại Phi Viên tẩm – nơi an nghỉ của các phi tần bình thường. Trên mộ Ô Lạt Na Lạp thị không có bài vị, không được cúng tế, không có cả thụy hiệu, chỉ được an táng như một cung nữ kế bên mộ của Thuần Huệ Hoàng quý phi. Thông thường quan tài của hoàng hậu đều phải dùng gỗ miền nam màu vàng cao cấp để làm, nhưng quan tài của bà lại làm bằng gỗ sam chất lượng kém. 

Khoảng 12 năm sau, năm Càn Long thứ 43 (1778), lại có người dâng thư thỉnh Hoàng đế cử hành hậu sự cho Na Lạp Hoàng hậu, việc này khiến Càn Long Đế bắt buộc phải ra chiếu dụ giải thích:

“Từ khi Hiếu Hiền hoàng hậu qua đời đến nay, nhân Na Lạp thị là từ khi Trẫm ở Thanh Cung được Hoàng khảo ban làm Trắc phúc tấn, vị thứ đương cao, bèn tấu lên Thánh mẫu Hoàng thái hậu, sách lập làm Hoàng quý phi nhiếp lục cung sự. Sau 3 năm sách lập làm Hoàng hậu.

Về sau tự mắc lỗi lầm, trẫm vẫn rộng rãi như cũ. Nhưng rồi tự đoạn cắt tóc, tức trái quốc tục cấm kị nhất, mà tự thế ngang nhiên không màng đến. Trẫm chỉ răn dạy, vì còn nghĩ ơn xưa, không thể phế truất. Sau Hậu bạo băng, trẫm chỉ giảm nghi văn an táng, vẫn chưa lột bỏ danh hào. Huống hồ về sau không lập Hoàng hậu, xử lý việc này trẫm thật là đã tận tình tận nghĩa”.

ke hoang hau 1

Thời kỳ đầu, người Mãn có tục tuẫn táng (chôn theo người chết), nhưng thời Khang Hi đã bỏ đi tục này. Vì vậy, đã phát triển ra một loại văn hóa tuẫn táng thay thế khác: khi chồng, Hoàng đế, Thái hậu qua đời, phụ nữ dân tộc Mãn phải cắt đi một sợi tóc ở bên tai. Hành động tự tiện cắt tóc của Ô Lạt Na Lạp thị thực sự đã nguyền rủa Hoàng đế và Thái hậu. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, Hoàng hậu Na Lạp là người Mãn, không thể không biết tính nghiêm trọng của việc cắt tóc, tại sao bà lại làm như vậy? Rốt cuộc đã xảy ra việc gì? Vua Càn Long giữ kín không nói đến. Có hai nguyên nhân lớn: Một là, vua Càn Long mê sắc, Hoàng hậu khuyên can không được, đã cắt tóc để phản đối. Hoàng đế Càn Long là ông vua phong lưu nổi tiếng, tục truyền mục đích tuần tra phương Nam của ông chính là để săn tìm người đẹp, không chỉ trên đường đổi sang thường phục để đi chơi, mà còn muốn dẫn theo mỹ nữ Giang Nam về cung. Hoàng hậu Na Lạp khuyên can không có hiệu quả, đành phải dùng chiêu cắt tóc, muốn qua đó để thức tỉnh Hoàng đế, không ngờ đã chọc giận Càn Long. Hai là, Càn Long muốn đưa Lệnh quý phi lên làm Hoàng quý phi. Mặc dù Lệnh phi có xuất thân thấp hèn, nhưng phần lớn các nhà sử học cho rằng bà có nhiều cơ mưu, vua Càn Long và Thái hậu đều đã bị bà thu phục. Cho nên, trong quá trình tuần tra phương Nam, hai mẹ con đã bàn bạc muốn đưa Lệnh quý phi lên làm Hoàng quý phi, nhưng sự việc này đã gây tức giận lớn cho Hoàng hậu Na Lạp. Bởi vì khi Lệnh quý phi trở thành Hoàng quý phi thì con của Lệnh phi cũng rất có khả năng được lập làm Thái tử.

Kế Hoàng hậu đường đường từ bậc mẫu nghi thiên hạ, đứng đầu chốn hậu cung ba nghìn giai lệ, để rồi phải lặng lẽ ra đi bằng một đám tang vô danh thấp kém. Nhưng nếu nghĩ kĩ hơn, phải chăng sự quay lưng đầy ghẻ lạnh của vị Hoàng đế từng yêu chiều mình hết mực và những năm tháng cuối đời cô đơn gặm nhấm nỗi ấm ức, buồn tủi mới là điều khiến người ta xót xa hơn cả cho vị Hoàng hậu đáng thương nhất lịch sử Thanh triều.

Hậu cung Trung Hoa xưa luôn có những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện ấy lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về vùng đất “đặc biệt” này. Hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc để tự mình khám phá được nhiều điều thú vị hơn nhé!