Lễ hội thuyền rồng sôi động và đầy màu sắc văn hoá truyền thống Trung Hoa

le hoi thuyen rong 7

Trung Quốc được biết đến là một trong những đất nước có nền văn hóa lịch sử lâu đời và có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Không chỉ vậy đất nước này còn có những lễ hội truyền thống rất đặc sắc mà du khách có thể tìm hiểu trong chuyến du lịch của mình. Trong những lễ hội đó không thể không nhắc đến Lễ hội thuyền rồng được diễn ra vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ.

Lễ hội thuyền rồng là nét văn hoá đặc sắc, có ý nghĩa và truyền thống lâu đời đối với người dân Trung Quốc. Theo tài liệu ghi chép, lễ hội thuyền rồng được tổ chức lần đầu tiên ở Phiên Ngu (nước Sở xưa – nay là tỉnh Quảng Châu), đây chính là nơi đã sản sinh ra một nền văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của người dân Trung Quốc. 

le hoi thuyen rong 4

Lễ hội thuyền rồng được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm, diễn ra trên khắp các con sông của đất nước Trung Hoa. Cứ vào dịp này là trên các con lại xuất hiện hàng dài những chiếc thuyền đầy màu sắc. Người dân ngồi trên thuyền mặc những bộ trang phục truyền thống và ném bánh đậu nếp xuống sông.

Có rất nhiều giải thích cho nghi thức đặc biệt này, nhưng theo sử sách Trung Quốc thì lễ hội thuyền rồng được tổ chức nhằm mục đích để tưởng nhớ một vị quan văn thanh liêm của nước Sở vào thế kỷ thứ 4 TCN, đó là Khuất Nguyên.

Khuất Nguyên chủ trương khôi phục quan hệ giữa nước Sở và nước Tề láng giềng. Thời kỳ này được biết đến trong lịch sử Trung Quốc là Thời Chiến Quốc, lý do là 7 nước, hay 7 vương quốc xâu xé lẫn nhau trong suốt 200 năm, cho đến khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa. Lúc bấy giờ, Vua nước Sở đã phá hỏng mối bang giao với nước láng giềng, nhưng Khuất Nguyên đã tự nỗ lực khôi phục sự hoà hảo với nước Tề và mang lại hoà bình tạm thời cho đất nước của ông. Tuy nhiên, triều đình nước Sở khi đó đầy rẫy tham nhũng, nhiều viên tham quan bị kẻ thù mua chuộc. Khuất Nguyên bị những viên tham quan gièm pha hãm hại, khiến vua Sở nổi giận không tin dùng Khuất Nguyên nữa.

le hoi thuyen rong 6 e1627984554509

“Chúng chen chúc trên đường vụ lợi,
Tấm lòng tham, tham mãi tham hoài!
Đem dạ mình đọ bụng người,
Sinh lòng ghen ghét, đặt lời gièm pha.”

Những dòng thơ trên đây nằm trong bài “Ly tao” của Khuất Nguyên, trong đó ông đã giãi bày câu chuyện bị đày ải của mình. Ông viết:

“Lòng chính trực bị xéo giày,
Tai nghe xiểm nịnh, lòng đầy lửa sân.”

Vua Sở đã đày Khuất Nguyên đến vùng quê Giang Nam, nơi đó ông dành nhiều tháng ngày để sáng tác thơ và suy
ngẫm trong cay đắng. Thơ của ông phản ánh tấm lòng trung thành với nhà vua, mặc dù bị hắt hủi.

“Chín lần trời hãy chứng minh,
Chỉ vì ta quá trung thành đấy thôi.”

Khi không còn những trung thần và nhân tài xung quanh nhà vua nữa, nước Sở nhanh chóng bị Tần đánh bại. Sau khi hay tin, Khuất Nguyên vô cùng đau xót:

“Biệt ly ta chẳng quản nài;
Xót mình lòng dạ đổi dời bao phen.”

le hoi thuyen rong 3 e1627982988565

Trong tuyệt vọng, Khuất Nguyên gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Khi người dân địa phương biết tin ông tự vẫn, họ vội lao ra sông trên những con thuyền gỗ, đánh trống và dùng mái chèo đập mạnh vào mặt nước để xua đuổi tà ma và cá, nhằm tìm kiếm và cứu ông trong tuyệt vọng. Khi không thể tìm thấy vị cố quan, họ đã ném cơm nắm xuống dòng sông. Một trong những lý do là để cúng cơm cho cô hồn của Khuất Nguyên. Theo tục lệ ở Trung Quốc, người chết vì tự vẫn sẽ trở thành cô hồn đói khát, phải đợi cho đến khi tiến trình sinh mệnh đặc định nơi dương gian kết thúc. Một lý do khác của việc rắc cơm xuống sông là để cho cá ăn mà không rỉa thi thể của Khuất Nguyên nữa.

Theo truyền thuyết, một đêm, Khuất Nguyên báo mộng cho một ngư ông rằng ông không thể ăn được cơm mà họ rắc xuống vì có một con rồng đã ăn hết. Vị quan nói với ngư ông hãy gói cơm trong lá cây ngải cứu thành hình kim tự tháp, bên ngoài buộc bằng chỉ ngũ sắc. Chỉ như vậy mới có thể xua đuổi con rồng và ông mới có thể ăn được cơm. Đây là câu chuyện đằng sau cuộc đua thuyền và những chiếc bánh làm từ gạo nếp mà người dân thường ăn trong dịp lễ hội thuyền rồng.

Với người dân Trung Quốc, lễ hội thuyền rồng không chỉ là dịp để tưởng nhớ vị anh hùng yêu nước Khuất Nguyên, mà đó cũng là ngày để xua đuổi tà ma, bệnh tật và cầu bình an trong cuộc sống. Bởi vậy mà người dân cũng thực hiện rất nhiều phong tục độc đáo: dọn dẹp nhà cửa và tắm nước thảo mộc giúp ngăn ngừa các bệnh ngoài da; treo cây ngải cứu và lá ngải cứu lên khung cửa nhà để xua đuổi sâu bọ và các động vật có độc; mang theo túi đựng nước hoa để khỏi bị côn trùng cắn và các vấn đề về da khác; chuẩn bị trước đầy đủ nước và tránh lấy nước từ giếng (vì theo mê tín dị đoan, nước trong giếng vào ngày đó rất độc); Dán chân dung các vị thần có hình dáng xấu xí, hung dữ lên cửa hoặc treo trong phòng để xua đuổi tà ma, bảo vệ ngôi nhà của mình; đeo vòng tay chuỗi ngũ sắc cho trẻ em với hi vọng may mắn và sức khỏe…

le hoi thuyen rong 5

Lễ hội thuyền rồng gồm có 2 phần chính: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ những ngư dân tại đây sẽ dâng hương cúng nhằm thể hiện sự kính trọng của họ đến tổ tiên, cùng với các vị thần linh của sông nước. Nó được xem là phần quan trọng, tất yếu không thể thiếu trong lễ hội. Tiếp theo đó sẽ diễn ra phần hội, đó chính các cuộc thi đua thuyền được diễn ra rất gay gắt, và thu hút được rất nhiều sự chú ý của người dân. Các nhóm sẽ cùng cạnh tranh quyết liệt cùng tiếng trống vang dội khắp dòng sông.

Không chỉ có thi đua thuyền, trong lễ hội còn có rất nhiều hoạt động vui nhộn và hấp dẫn khác như: thi uống rượu, thi nấu cơm trên thuyền, thi điêu khắc đầu rồng,…

le hoi thuyen rong 1 1 e1627982702103

Tham gia lễ hội thuyền rồng ngoài việc được hoà mình không khí, sôi động náo nức của lễ hội. Bên cạnh đó, trong lễ hỗi còn có sự xuất hiện của nhiều món ăn mang đậm màu sắc ẩm thực của truyền thống Trung Quốc. Trong đó không thể thiếu món bánh Zongzi (Bánh đậu nếp). Những chiếc bánh nếp hình tam giác xinh xinh với nhân đậu đỏ thơm ngon đã chứa đựng trong mình một truyền thống đề cao tiết tháo, cũng như góp phần tô điểm cho lễ hội thuyền rồng thêm phần rực rỡ, phong phú. Ở mỗi địa phương khác nhau lại có phiên bản Zongzi khác nhau. Nhưng về cơ bản, Zongzi là bánh nếp hấp lá tre có nhân đậu. Để tạo hình tam giác thật đúng chuẩn cho bánh, người ta thường cuốn lá tren vào một vật hình phễu, đổ nhân vào rồi mới gói lại. Bánh có lớp vỏ bằng nếp dẻo bùi, thơm mùi lá non, cùng lớp nhân đậu beo béo sần sật, tuy cách làm đơn giản nhưng hương vị thơm ngon khó quên.

le hoi thuyen rong 2 e1627982808334

Theo phong tục của người Trung Quốc, ngoài ăn bánh Zongzi, người ta còn ăn Jiandui (Bánh rán mè). Cũng như Zongzi, nhân chính của Jiandui là đậu, và loại đậu được ưa thích nhất là đậu đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho sự thịnh vượng, dồi dào và may mắn rất được người Trung Hoa ưa dùng vào những dịp lễ lạc, đặc biệt là trong lễ hội thuyền rồng náo nhiệt với hàng trăm con thuyền khoe sắc.

Ngoài ra, các món ăn từ lươn, món trứng hấp trà, và bánh Dagao (làm bằng cách đập gạo nếp luộc thành bột nhão) cũng là những món ăn “có mặt” trong mỗi dịp lễ hội thuyền rồng.

Nếu du khách là một người yêu thích văn hoá Trung Quốc thì vào 5/5 âm lịch hãy đến và hoà mình vào lễ hội thuyền rồng sôi động này nhé!