Việc Hoàng đế nạp Phi tần hơn tuổi có lẽ không phải là trường hợp hiếm gặp trong lịch sử Trung Hoa, thế nhưng thông dâm với nhũ mẫu của chính mình thì có lẽ chỉ có trường hợp của Minh Hy Tông.
Minh Hy Tông (23/12/1605 – 30/9/1627), tên thật là Chu Do Hiệu, là vị Hoàng đế thứ 16 của nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa, trị vì từ năm 1620 đến năm 1627. Trong thời gian tại vị, ông chỉ dùng một niên hiệu là Thiên Khải, nên còn được gọi là Thiên Khải Đế.
Ông là con trai trưởng của Minh Quang Tông – vị Hoàng đế tại vị ngắn nhất trong lịch sử nhà Minh, do ông băng hà chỉ sau 29 ngày tại vị. Còn mẹ của Minh Hy Tông là Hiếu Hòa Hoàng hậu Vương thị. Không may là vị Hoàng hậu này mất sớm, nên từ nhỏ, Chu Do Hiệu đã thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Vua cha đã phải tuyển lựa nhũ mẫu vào cung để chăm sóc Hoàng tử. Theo sử sách, Chu Do Hiệu có tật rất “kén” vú nuôi. Có đến hàng trăm vú nuôi được đưa vào cung nhưng đều không thể cho Hoàng tử bú được. Chỉ đến khi Khách Thị được đưa vào thì Chu Do Hiệu mới tỏ ra ngoan ngoãn nghe lời. Chỉ đến khi Khách thị (tên thật là Khách Ấn Nguyệt) được đưa vào cung, thì lúc đó Chu Do Hiệu mới chịu ngoan ngoãn nghe lời. Thời điểm đó, Khách thị khoảng 18 tuổi, đã có chồng là một nông dân ở Bảo Định, Hà Bắc và có một đứa con gái. Tuy nhiên, đứa con gái của bà không may qua đời chỉ sau khi sinh khoảng 1 tháng.
Chu Du Hiệu cứ thế lớn lên trong sự chăm sóc của Khách thị. Theo quy định, các nhũ mẫu sẽ phải rời khỏi cung điện trước khi Hoàng tử lên 7 tuổi nhưng điều này không được áp dụng với Khách thị. Càng trưởng thành, Chu Do Hiệu càng quấn quýt hơn với người nhũ mẫu này. Thậm chí, nếu không gặp nhũ mẫu ít nhất một lần một ngày, Chu Do Hiệu sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu trong người, thành ra dễ cáu giận với nhiều người.
Vào năm 1620, Minh Quang Tông băng hà, Chu Do Hiệu lên ngôi Hoàng đế khi mới 15 tuổi. Dù đã là vua một nước, nhưng Minh Hy Tông vẫn luôn quấn quýt bên Khách thị như hình với bóng.
Nói Minh Hy Tông có tình cảm với nhũ mẫu Khách thị cũng chẳng có gì sai, khi ông là do một tay người phụ nữ này nuôi lớn. Tuy nhiên, tình cảm đấy không đơn thuần là tình thương như con dành cho mẹ mà là của những cặp tình nhân đối đãi với nhau. Thậm chí, các nhà sử gia còn khẳng định rằng chắc chắn giữa Minh Hy Tông và Khách thị có chuyện ân ái chăn gối. Bởi lẽ, khi Minh Hy Tông lên ngôi vua, Khách thị đã trên dưới 40 tuổi nhưng bà vẫn đẹp tựa mỹ nhân 28 tuổi, khiến Hy Tông đang độ tuổi xuân thì mê mẩn. Hơn nữa, dù là gái góa chồng nhưng vốn xinh đẹp lẳng lơ nên chưa bao giờ Khách thị tự coi mình là nhũ mẫu của Hy Tông. Theo sử liệu ghi chép, mỗi sáng sớm, Khách thị đều tới tẩm cung của Hy Tông để hầu hạ vua cho tới nửa đêm mới về.
Chính vì có tình ý với nhũ mẫu nên khi Minh Hy Tông lên ngôi Hoàng đế chưa được bao lâu, ông đã phong cho Khách thị làm Phụng Thánh phu nhân, lại ấm phong cho con trai của họ Khách là Hầu Hưng Quốc chức Cẩm Y Vệ chỉ huy sứ, sai bộ Hộ chọn 20 mẫu đất tốt ban cho họ Khách làm ruộng hương hỏa. Việc gia phong quá hậu hĩnh cho một người vú nuôi như vậy đương nhiên gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các đại thần. Để dẹp yên dư luận, Minh Hy Tông ra một chỉ dụ nói rất rõ công đức không ai có thể sánh bằng của Khách thị.
Với chỉ dụ này, Khách thị từ một người dân thường đã trở thành một phu nhân cao quý, có thể hưởng hết những vinh hoa phú quý của thế gian. Tuy nhiên, việc phong tước vị cho Khách thị không phải là ân sủng cuối cùng của Minh Hy Tông dành cho người vú nuôi của mình. Càng về sau, Minh Hy Tông càng sủng ái Khách thị hơn, thậm chí tới mức nhiều sử gia hiện nay cũng cảm thấy không thể lý giải nổi.
Mùa đông năm 1620, Khách thị chuyển vào sống ở phía tây của cung Càn Thanh, Hoàng đế Hy Tông tới nơi chúc mừng. Hoàng đế thưởng yến, Tư Chung Cổ dẫn đầu các thái giám đứng ra diễn trò, Hoàng đế rất lấy làm vui nên cho phép Khách thị từ nay có thể ra vào cung bằng kiệu nhỏ, tự mình lựa chọn thái giám trong cung làm người khiêng kiệu, mọi lễ nghi đều không khác gì Phi tần.
Năm Thiên Khải thứ 2, Khách thị phụng chỉ chuyển tới cung Hàm An, thế lực càng lớn hơn. Minh Hy Tông ban Khách thị các thái giám Thôi Lộc, Hứa Quốc Ninh… hơn 10 người, cộng thêm những kẻ khác tự nguyện tới phục vụ chăm sóc cho có tới cả trăm. Mỗi lần tới sinh nhật của Khách thị, Hoàng đế đều tự tới nơi để chúc mừng, ban thưởng vô số.
Tiền lương bổng dùng ở chỗ Khách thị có khi còn được hối thúc gấp hơn cả ở chỗ của Hoàng đế. Mặc dù đã là Phụng Thánh phu nhân, ăn bổng lộc của Hoàng đế, tuy nhiên, cơm nước của Hy Tông vẫn do Khách thị đứng ra lo liệu. Mỗi ngày ba bữa, Hoàng đế ăn không hết ngự yến đều ban xuống cho Khách thị. Một ngày ba bữa nội thị mang đồ ăn trong cung phải đi lại không ngớt giữa hai nơi.
Dựa vào tình cảm của Minh Hy Tông, Khách thị lấy đó để gây sóng gió trong hậu cung và đã có những cơn ghen vô cớ đối với các Phi tần được Minh Hy Tông sủng ái. Nhiều Phi tần đã bị Khách Thị đánh ghen, thê thảm nhất chính là Trương Dục Phi. Ngày đó, Trương thị nhập cung làm cung nữ lúc mới 6 tuổi, tới khi 17 thì lọt vào mắt xanh của Hoàng đế, được nạp làm phi tần và may mắn mang thai rồi thăng cấp làm Dục Phi.
Khách thị thấy thế thì ghen ghét điên cuồng, bà bày kế hãm hại Dụ Phi tội khi quân rồi đày vào lãnh cung, không được tiếp thức ăn, nước uống. Cuối cùng, Trương Dục Phi tội nghiệp dù mang long thai vẫn chết thảm khi mới 18 tuổi. Không những thế, Dục Phi còn bị táng dưới phận cung nữ, tận đến đời sau mới được khôi phục danh dự.
Không chỉ Trương Dục Phi, Khách thị còn ngấm ngầm ra tay sát hại nhiều Hoàng tử, Công chúa khác, thậm chí tới cả Hiếu Ai Triết Hoàng hậu Trương thị cũng bị nằm trong số đó. Vào năm 1623, Hoàng hậu có thai nhưng do luôn đối đầu với Khách thị và đại hoạn quan Ngụy Trung Hiền – kẻ “ngồi cùng thuyền” làm khuynh đảo triều Minh với Khách thị – nên Hoàng hậu bị hai kẻ này hãm hại. Đứa trẻ chết trong bụng mẹ và sau được truy phong làm Hoài Xung thái tử Chu Từ Nhiên.
Tuy nhiên, dù được Minh Hy Tông sủng ái đến đâu thì rốt cuộc, Khách Thị tới cuối đời vẫn chỉ mang phận vú nuôi hèn kém và chưa một lần được xướng vào hàng Quý phi danh giá cao sang, thậm chí đã bị xử tử.
Ngày 30/9/1627, Minh Hy Tông qua đời khi chỉ vừa 21 tuổi. Em út của ông lên nối ngôi, đó là Hoàng đế Minh Tư Tông. Lúc này, Minh Tư Tông ra lệnh đày Ngụy Trung Hiền đến Phụng Dương. Đi được nửa đường, Hoàng đế Minh Tư Tông lại ra lệnh bắt lại Ngụy Trung Hiền với cáo buộc mưu phản. Ngụy Trung Hiền khi đó biết mình cùng đường, quyết định tự sát (thắt cổ) thay vì đối mặt với phiên tòa xét xử và bản án tử hình. Dù vậy, nhưng Ngụy Trung Hiền sau đó bị phanh thây và đem bêu xác trước làng quê của ông ta để thị chúng, kết thúc tham vọng vương quyền đáng sợ của hoạn quan họ Ngụy khiến nhiều người vô tội phải chết oan uổng.
Sau khi Ngụy Trung Hiền chết, Minh Tư Tông tiếp tục công cuộc thảo phạt bè đảng hoạn quan trong triều đình, bắt đầu một cuộc thanh toán trên quy mô lớn đối với những viên thái giám có manh nha chống đối triều đình. Cùng với đó là Khách thị, gia quyến họ Ngụy và họ Khách, những người cùng cánh với Ngụy, Khách lần lượt bị hạ lệnh bắt và xử tử.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một đất nước đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn, hãy book Tour Trung Quốc của chúng tôi nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!