Mức thu nhập của các thái giám Trung Hoa xưa

muc thu nhap cua thai giam 4

Thái giám là một nhóm người tương đối đặc biệt nhưng cũng là một bộ phận vô cùng quan trọng trong hoàng cung. Thái giám phải hầu hạ tất cả các thành viên hoàng tộc mỗi ngày. Vậy thì họ sẽ có mức thu nhập như thế nào? Mời du khách cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Trong lịch sử Trung Quốc, thái giám đã có từ thời Tây Chu, đường thời gọi là “tử nhân” hoặc “hạng nhân”, “yêm doãn”, “nội tiểu thần”. Họ được tuyển vào cung để làm một số công việc như: truyền lệnh của nhà vua đến các quan, canh gác hậu cung, quét dọn phòng ốc, liên lạc giữa các vua và phi tần…

Đến thời nhà Tùy, nhà Đường, nhà Tống đặt ra cơ cấu Nội thị tỉnh do hoạn quan đảm nhiệm, trông coi các việc nội bộ ở trong cung đình. Hoạn quan ở hai triều Đường, Tống có người trực tiếp thống lĩnh quân đội. Vào thời nhà Minh, đặt ra Thập nhị giám, Tứ ty, Bát cục gọi là Nhị thập tứ nha môn, trông coi về việc phục dịch trong cung đình, mỗi cơ cấu có thái giám trông coi. Đến đời nhà Thanh có Tổng quản thái giám, người đứng đầu thái giám, trực thuộc Nội vụ phủ.

muc thu nhap cua thai giam 1

Để bước chân vào “nghề” thái giám, những người đàn ông đều phải trải qua quá trình tịnh thân (thiến) đầy đau đớn và nguy hiểm. Cũng bởi vậy mà con đường của các hoạn quan, thái giám tại Trung Hoa xưa không phải là lối đi mà nhiều người sẽ lựa chọn nếu như không bị đẩy vào tình cảnh khốn cùng.

Thế nhưng, trái ngược lại với suy nghĩ cho rằng đây là một nghề nghiệp thấp kém, trên thực tế, các thái giám thời xưa lại sở hữu tiền đồ được cho là rộng mở với mức lương bổng và những nguồn thu ngoài luồng khác mà ít ai có thể tưởng tượng tới.

Về thu nhập của tầng lớp thái giám bình thường, ta có thể lấy quy định của Thanh triều nói riêng để làm ví dụ. Bấy giờ, các thái giám trong hoàng cung nhà Thanh được chia làm 20 cấp bậc. Dù có lên được phẩm cấp cao nhất thì quyền lợi của họ cũng chỉ tương đương với chức quan tứ phẩm thời ấy.

muc thu nhap cua thai giam 3

Phạm vi công việc của thái giám rất rộng nhưng có thể tạm chia thành 2 nhóm. Một nhóm là thái giám hầu hạ bên cạnh Thái hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu và các phi tần. Nhóm còn lại sẽ đảm nhận các công việc nặng nhọc hơn trong hoàng cung. Tuy nhiên, dù thuộc nhóm nào thì thái giám cũng đều có phân bậc rõ ràng, tạm chia thành 3 loại: Tổng quản, Thủ lĩnh, thái giám thông thường. Nhóm thái giám bên cạnh Thái hậu, Hoàng đế và Hoàng hậu đều là Tổng quản thái giám và Thủ lĩnh thái giám.

Thái giám với cấp bậc càng cao thì thu nhập càng nhiều. Thái giám tổng quản lương tháng là 8 lượng bạc, 8 đấu gạo, 1 quan 300 văn tiền (Văn tiền: Trên đồng tiền có văn tự nên gọi là “Văn”). Còn đối với thái giám thông thường thì con số này ở mức 2 lượng bạc, 2 đấu gạo và 600 văn tiền.

Vào thời nhà Thanh, 1 lượng bạc tương đương khoảng 500 NDT ngày nay, mỗi đấu gạo xấp xỉ 15 tệ. Nếu quy đổi dựa trên con số này, thì thu nhập của thái giám tổng quản Thanh triều sẽ là 4.000 NDT (xấp xỉ khoảng 13.600.000 VNĐ) cho mỗi tháng. Tương tự như vậy, thu nhập của thái giám bình thường sẽ vào khoảng hơn 1.000 NDT/tháng, tức là xấp xỉ khoảng hơn 3.400.000 VNĐ.

muc thu nhap cua thai giam 2

Thế nhưng, nguồn thu của các thái giám không chỉ dừng lại ở lương bổng chính thức, mà họ còn nhận được nhiều khoản khác như thưởng Tết, thưởng sinh nhật,… Đặc biệt nhất là đến lúc đại hôn của Hoàng đế hoặc Hoàng tử, ban thưởng sẽ càng nhiều hơn. Ngoài tiền và bạc, thái giám còn có thể nhận được tơ lụa, lông thú, châu báu, ngọc bích và nhiều bức tranh thư pháp có giá trị.

Trên thực tế, thái giám còn được xem là cầu nối giữa các nhân vật trong bộ máy thống trị. Do đó, cơ hội để có các khoản thu ngoài luồng cũng là không hề ít.

Nếu có thể hoàn thành nhiệm vụ mà chủ tử giao cho, những thái giám này sẽ còn có cơ hội được thưởng tiền hoặc tài vật.

3 vat bat ly htan cua thai giam 2 e1627989480353

Đặc biệt, thái giám còn được biết tới là người truyền tin của hoàng đế đến với các đại thần. Vì vậy mỗi lần đi truyền thánh chỉ, tầng lớp này cũng sẽ có nguồn thu nhập không công khai nhưng vô cùng hậu hĩnh. Ví dụ như ở thời nhà Thanh, khi các quan đại thần phạm sai lầm, nhà vua sẽ phái thái giám tới phủ đệ của họ để tuyên đọc thánh chỉ trách phạt. Mỗi lần như vậy, các quan viên này đều sẽ biếu thái giám tiền trà nước để duy trì mối quan hệ, dò hỏi thông tin hoặc nhờ họ nói đỡ dăm ba câu với nhà vua. Số tiền trà nước này có khi lên tới 400-500 lượng bạc, hoặc ít thì cũng khoảng 40-50 lượng. Từ đó không khó để nhận thấy, chỉ nhờ vào tuyên đọc một đạo thánh chỉ, các hoạn quan thời xưa đã có thể thu về tới 20 vạn NDT, bằng với mức thu nhập cả năm của một trí thức bình thường tại Trung Quốc ngày nay.

Có lẽ đúng như câu nói bỏ ra càng nhiều thì thu về càng lớn, các hoạn quan, thái giám thời xưa tuy phải trải qua tịnh thân mới có thể bước đi trên con đường này, thế nhưng nếu khôn khéo thì họ có thể kiếm được khối gia tài mà thường dân bách tính thời ấy cả đời cũng không dám mơ tới.

Vậy là qua bài viết này, du khách đã hiểu thêm được phần nào về cuộc sống sinh hoạt của tầng lớp thái giám trong lịch sử Trung Hoa. Nếu du khách là người có niềm đam mê với văn hóa, lịch sử của đất nước này thì hãy thực hiện một chuyến du lịch Trung Quốc nhé! Chắc chắn du khách sẽ có được nhiều khám phá và trải nghiệm thú vị khi đặt chân đến vùng đất rộng lớn này!