Người Dao là một trong những nhóm dân tộc thiểu số ở Trung Quốc. Họ có nhiều nhánh dân tộc khác nhau, sống chủ yếu ở khu vực miền núi, nơi có thiên nhiên hùng vĩ, nguồn tài nguyên dồi dào. Chính điều kiện tự nhiên nơi cư trú đã góp phần làm cho văn hóa của người Dao thêm phong phú và đặc sắc.
Người Dao (ngoài ra còn có các tên gọi khác: Dìu Miền, Miền, các phân hệ như: Lù Gang, Làn Tẻn, Đại Bản, Tiểu Bản, Cốc Ngáng, Cốc Mùn, Sơn Đầu,…) là một dân tộc có địa bàn cư trú truyền thống là phía nam Trung Quốc và lân cận ở bắc phần tiểu vùng Đông Nam Á.
Tại Trung Quốc, người Dao (tiếng Hán: 瑶族, Pinyin: Yáo zú, nghĩa là Dao tộc) là một trong số 56 dân tộc thiểu số ở được công nhận, với dân số là 2.637.000 người.
“Ngôi làng có nhiều người tóc dài nhất thế giới”
Tọa lạc ở khu vực Longji, thuộc tỉnh Quế Lâm, ngôi làng Huangluo có khoảng 82 hộ gia đình, tất cả đều là người dân tộc Dao đỏ (tên được đặt theo những bộ áo quần truyền thống màu đỏ). Trên thực tế, ngôi làng Huangluo đã từng được Kỷ lục Guiness trao tặng danh hiệu “Ngôi làng có nhiều người tóc dài nhất thế giới” và cũng được biết đến với cái tên “Làng tóc dài” trên khắp đất nước Trung Quốc. Những người phụ nữ Dao ở nơi đây đều sở hữu mái tóc dài, đen và mượt, với chiều dài đo được từ 1,7m đến 2,1m.
Phụ nữ Dao ở Trung Quốc quan niệm, mái tóc dài thể hiện sự trường tồn, thịnh vượng, phát đạt, tượng trưng cho sinh mệnh dài lâu và cuộc sống giàu sang phú quý. Vì vậy, họ vô cùng trân trọng mái tóc dài và nổi tiếng với tập tục nuôi tóc, tạo kiểu cùng bí quyết dưỡng tóc. Những ai từng để tóc dài sẽ biết được việc chăm sóc vô cùng khó khăn, thế nhưng những người phụ nữ này đã chăm sóc mái tóc của mình một cách hoàn hảo. Lý do tại sao phụ nữ Dao Đỏ có mái tóc đẹp và thơm như thế, nó có liên quan đến loại dầu gội mà họ sử dụng. Đó là gội đầu bằng vỏ bưởi, bã chè và thảo dược thay vì dầu gội. Mỗi khi gội, họ ngâm tóc trong nước gạo để hấp thu hết dưỡng chất rồi dùng nước suối xả sạch và để khô tự nhiên. Cũng bởi vậy, phụ nữ lớn tuổi ở làng Huangluo rất hiếm khi có tóc bạc.
Từ khi 12, 13 tuổi, các bé gái đã bắt đầu nuôi tóc. Khi mái tóc dài tới độ nhất định, họ cắt và cất giữ như bảo vật. Họ chỉ có thể cắt tóc duy nhất 1 lần trong đời, khi họ bước qua tuổi 16, cũng từ đây mọi cô gái đều có quyền tìm kiếm cho mình một vị hôn phu. Khi cắt tóc, mái tóc đó không đơn giản chỉ vứt bỏ là xong, nó được đưa cho bà ngoại để làm thành những vật trang trí trên đầu. Khi kết hôn, tóc được giao lại cho chú rể và sau đó chúng trở thành vật trang trí hàng ngày của cô dâu.
Cách vấn tóc cũng nói lên nhiều điều. Mái tóc được chia thành 3 búi. Búi thứ nhất là tóc bình thường, búi thứ 2 là sau khi bị cắt, còn búi thứ 3 là những sợi tóc bị rụng, được thu lượm lại sau mỗi lần chải. Tất cả các búi tóc này được kết hợp lại với nhau tạo thành những kiểu tóc phức tạp, thông qua đó thể hiện được địa vị trong xã hội của mỗi người. Tất cả những người phụ nữ trong ngôi làng Huangluo thường búi tóc giống như một cái mâm, tuy nhiên cũng có nhiều nét khác biệt cho phép người khác biết được thân thế của họ. Nếu mái tóc được quấn một cách đơn giản quanh đầu chứng tỏ người này đã có chồng nhưng chưa có con. Những ai có một búi nhỏ phía trước thì cho thấy người đó đã có chồng và có con. Nếu cô gái nào còn vấn một chiếc khăn xanh qua đầu chứng tỏ cô gái này đang tìm kiếm hôn phu.
Những bộ trang phục tinh xảo
Những bộ trang phục đầy màu sắc, đẹp mắt cho thấy kĩ năng tuyệt vời của người Dao. Tùy theo từng nhánh khác nhau, bộ trang phục có sự khác biệt. Người ta thống kê có hơn 100 kiểu trang phục khác nhau nhưng có nét chung đều được thêu với 5 màu cơ bản gồm: đỏ, xanh, trắng, vàng, đen.
Mũ, khăn đội đầu của phụ nữ Dao đặc trưng bởi thiết kế tinh xảo và các hoa văn đa dạng. Chiếc khăn đội đầu cũng cho biết liệu người phụ nữ đeo nó là già, trẻ, đã lập gia đình, hay chưa lập gia đình.
Phụ nữ Dao mặc quần hoa hoặc váy xếp li được trang trí. Các bộ trang phục của người Dao thường được làm bằng vải màu đen, rải rác với đồ trang trí màu đỏ, vàng, xanh lá cây, trắng hoặc tím. Trên vải thường được thêu các hoa văn độc đáo, không theo mẫu mà theo trí tưởng tượng của người làm ra nó. Sau tuổi 60, phụ nữ Dao thường không được mặc màu sắc rực rỡ, do đó họ chuyển những chiếc áo đỏ và hồng sang quần áo màu đen.
Trang phục dân tộc Dao trở nên lộng lẫy, độc đáo hơn bởi có sự điểm tô của trang sức như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, khuyên tai, nhẫn, xà tích… được làm từ nguyên liệu bạc, trảm khảm rất cầu kỳ, góp phần tạo nên vẻ đẹp duyên dáng và sức hấp dẫn của phụ nữ.
Để hoàn thành một bộ trang phục dân tộc Dao mặc hằng ngày thường mất khoảng 3 tháng nếu làm nhanh, người làm chậm phải mất cả năm mới may xong bộ quần áo.
Với những nét đặc trưng, trang phục của dân tộc Dao đã được Chính phủ Trung Quốc công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” vào năm 2006.
Dân tộc thích ca hát
Ở Trung Quốc, người Dao có một hệ thống văn hóa, lịch sử, văn học, âm nhạc tráng lệ. Ca hát là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Người Dao thích hát. Ca hát được tổ chức tại các lễ hội và sự kiện như đám cưới. Có những bài hát cụ thể cho từng dịp cụ thể như tiệc tùng, giao duyên, làm việc và thư giãn cho khác. Khi trong làng có công có việc, một hai người được chọn đứng sang một bên để đánh trống và hát, phục vụ những người đang làm việc. Nam nữ thường hát đối đáp suốt đêm để chọn ý trung nhân.
Các bài hát dân ca vô cùng phong phú về nội dung. Có thể là những bản tình ca, những bài hát kể về lịch sử của người Dao, về truyền thuyết tạo trời và đất, hoặc kể những câu chuyện hài hước. Các bài hát cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền lại lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thờ cúng
Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Ðạo giáo. Bàn vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Theo truyền thống tất cả đàn ông đã đến tuổi trưởng thành đều phải qua lễ cấp sắc. một nghi lễ vừa mang tính chất của Ðạo giáo, vừa mang những vết của lễ thành đinh xa xưa.
Lễ hội Bàn Vương của người Dao ở Trung Quốc
Lễ hội Bàn Vương (còn được gọi là “Ngày của bà”, “Lễ hội hai mươi chín” và “Năm Dao”), là một ngày lễ gắn liền với phong tục tập quán, tín ngưỡng và hoạt động lao động sản xuất của người Dao ở Trung Quốc.
Lễ hội này diễn ra ở một số huyện có đông dân tộc Dao và dân tộc Tráng ở Trung Quốc. Đây là một lễ hội truyền thống để cầu bình an của người dân tộc Dao tại quốc gia này.
Đối với người Dao, ngày 29 tháng 5 âm lịch là một dịp đặc biệt, ngày này hằng năm người dân sẽ tổ chức “lễ hội cầu phúc” truyền thống của dân tộc, kỷ niệm ngày sinh của Mật Lạc Đà. Theo quan niệm của người dân, đây là người đàn bà sáng tạo ra thế giới. Ngày tổ chức lễ hội cầu nguyện, người Dao ở địa phương sẽ mặc trang phục dân tộc, ca hát và nhảy múa chào mừng lễ hội truyền thống.
Các gia đình sẽ mổ lợn, cừu để đón tiếp khách tới thăm nhà. Người Dao rất nồng hậu và mến khách, vào ngày hội, đàn ông, đàn bà, trẻ con trong làng tụ tập hai bên lối vào làng, mang theo rượu tự nấu, hát những làn điệu truyền thống, chào đón khách và bạn bè từ khắp nơi trên thế giới.
Có rất nhiều truyền thuyết dân gian về nguồn gốc của lễ hội “Ngày của bà”. Ngoài truyền thuyết về kỷ niệm ngày sinh của bà Mật Lạc Đà, lễ hội còn được cho là dịp ca ngợi công đức của Dao Vương Lam Lục bắn hạ mặt trời và giải cứu dân tộc Dao; tưởng nhớ ngày mất của anh hùng Tạp Hanh, người đã mang lại hạt thóc giống cho dân tộc.
Hoạt động chủ đạo của lễ hội là đánh trống đồng, hát bội. Bên cạnh đó còn có một số hoạt động thể thao, giải trí dân gian truyền thống như hát đối đáp, bắn pháo hoa, chơi quay, chọi gà, đua ngựa, bắn cung…
Cùng với những biến động của lịch sử, lễ hội Bàn Vương đã dần thay đổi từ một lễ hội tôn giáo dân gian thành một lễ hội thu hoạch và cầu bình an. Ngày nay, lễ hội Bàn Vương của người Dao đã được Trung Quốc đưa vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Còn rất nhiều điều thú vị về văn hóa của người Dao ở Trung Quốc mà với giới hạn ở bài viết này không thể trình bày hết được. Du khách hãy đặt cho mình một Tour Trung Quốc để tự mình khám phá nhiều hơn nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi với nhiều trải nghiệm thú vị!