Trà Long Tỉnh – đặc sản của Hàng Châu, Trung Quốc

tra long tinh 6

Thành phố Hàng Châu – thủ phủ của tỉnh Chiết Giang từ lâu đã là một trung tâm sản xuất trà ở Trung Quốc – việc trồng cây trà đã thịnh hành trở lại sau hơn 1.000 năm. Sự kết hợp giữa đất màu mỡ, nước tinh khiết cùng với khí hậu dễ chịu đã tạo nên một môi trường tuyệt vời để sản xuất một loại danh trà – trà Long Tỉnh (龙井, lóngjǐng).

Trà Long Tỉnh được trồng ở vùng núi Long Tỉnh có nghĩa là “Giếng Rồng” gần Tây Hồ – nơi thời tiết mát mẻ, sáng sớm thường có sương phủ do hơi nước từ hồ bốc lên. Hương trà Long Tỉnh thơm dịu, trà đắng nhưng dư vị ngọt ngào trong cổ. 

Xa xa thoai thoải những cánh đồng trà màu xanh in dưới nền trời xanh biếc của đất Long Tỉnh – một vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng địa hình đồi núi hùng vĩ; đặc biệt Long Tỉnh lại nằm kề bên Tây Hồ, một trong những hồ nước lớn và đẹp nhất của Trung Quốc. Với địa hình lý tưởng như trên, làng trà Long Tỉnh quanh năm có không khí mát mẻ và trong lành. Mỗi buổi sớm, hơi nước từ Tây Hồ bốc lên mang đến mang sương mù lãng đãng khắp một vùng trời. Hai yếu tố thời tiết vô cùng thuận lợi này đã góp phần tạo nên đặc sản hương trà trứ danh của vùng. Nổi tiếng nhất nơi đây là trà thất của gia tộc họ Mai, nơi được xem là khởi nguồn của tên gọi và danh tiếng cũng như chất lượng của danh trà này.

tra long tinh 5

Trước kia loại trà này chỉ dùng cho các các bậc vua chúa. Danh trà Long Tỉnh với những câu chuyện truyền thuyết, điển tích giúp nâng cao giá trị của loại trà này, trở thành quốc trà của đất nước Trung Hoa, thành món quà quý cho nhiều du khách thập phương có dịp ghé đến. 

Vào thời Mãn Thanh, Trà Long Tỉnh được Càn Long Đế phong là “Hoàng Trà”, là trà biểu trưng cho hoàng đế. Tương truyền rằng, khi vua Càn Long vi hành đi đến đền thờ Hồ Công dưới đỉnh núi Sư Tử (Peak Mountain Lion: Shi Feng Shan) ở thôn Long Tỉnh vào một trong những ngày lễ nổi tiếng, ông đã được uống một tách trà Long Tỉnh. Thoạt đầu khi thử trà, vua Càn Long chưa ấn tượng, nhưng rồi một lúc sau ngài cảm thấy hậu vị thanh ngọt ngấm trong cổ và rất thích. Khi ông nhìn xuống một giếng nước gần đó và thấy bóng của cây trà lung linh dưới nước, giống hình một con rồng đang bay lượn trong giếng, nên Càn Long đặt tên là Long Tỉnh Trà.

Lão hòa thượng ở miếu Hồ Công đưa Hoàng đế Càn Long đi ngắm cảnh và Hoàng đế Càn Long bỗng thấy mấy cô thôn nữ vui cười đang hái búp non của 18 cây trà trước miếu Hồ Công, bất giác trong lòng hưng phấn bước nhanh vào vườn trà bắt chước hái trà. Hái được một lúc bỗng có thái giám đến báo Thái hậu có bệnh, mời Càn Long nhanh chóng hồi kinh. Hoàng đế Càn Long nghe Thái hậu có bệnh trong lòng lo lắng, lập tức đem nắm búp trà trong tay bỏ vào trong túi. Khi Hoàng đế Càn Long trở về bệnh tình Thái Hậu liền thuyên giảm, và Thái Hậu ngửi thấy có một hương thơm bay đến mũi, liền hỏi: “Hoàng nhi từ Hàng Châu về, mang theo thứ gì sao mà thơm thế?”. Quả thực có một mùi thơm từ trong túi hoàng đế Càn Long bay ra. Càn Long lấy tay rờ, hoá ra là một nắm trà trước miếu Hồ Công ở thôn Long Tỉnh tại Hàng Châu. Sau mấy ngày đã khô, nhưng bốc lên một mùi thơm nồng ấm.Thái hậu muốn thưởng thức loại trà này, rồi cung nữ liền đem trà đi pha rồi dâng lên, quả nhiên mùi thơm xộc vào mũi, uống xong có vị ngọt thuần, thần thanh khí sảng. Sau 3 chén, mắt bớt sưng, bao tử cũng dễ chịu. Lúc bấy giờ Thái hậu vui mừng, khen trà Long Tỉnh là linh đan diệu dược. Hoàng đế Càn Long thấy Thái hậu vui mừng như thế, tự mình cũng vui lây liền truyền chỉ ban cho 18 cây trà mà mình đã hái ở trước miếu Hồ Công dưới chân núi Sư Phong, thôn Long Tỉnh Hàng Châu là “ngự trà”, hàng năm hái và chế biến riêng để tiến cống Thái hậu. Từ đó, danh tiếng trà Long Tỉnh ngày càng vang xa. 18 cây ngự trà tuy đã nhiều lần đổi trồng mới, nhưng “ngự trà viên” vẫn còn được bảo lưu đến ngày nay.

Ngày nay, Long Tỉnh trà vẫn được coi là một trong những loại trà nổi tiếng đắt đỏ của Trung Quốc. Vào thu hoạch đầu tiên trong năm vào tháng 3 và tháng 4, giá bán mỗi kg trà Long Tỉnh có thể lên tới khoảng 875 USD.

tra long tinh 4

Mùa thu hoạch thường kéo dài từ cuối tháng 3 cho đến hết mùa hè, trong thời gian đó, du khách sẽ thấy những công nhân mặc áo rơm nhặt lá bằng tay và những giỏ lá tươi để khô dưới nắng. Sau đó lá trà sẽ được hấp hoặc cho vào chảo sắt rang nóng với nhiệt độ đến nỗi đáy nồi có ám một lớp màu đỏ khoảng gần 200 độ C và đảo thật nhanh tay và sao lên để làm bay hơi nước trong lá trà trước khi chúng hoàn toàn khô để ngăn chặn quá trình oxi hóa tự nhiên, là quá trình do các hành động của các enzyme tự nhiên hiện diện trong mô của lá trà. Lá trà Long Tỉnh không qua quá trình lên men như trà đen hay trà Oolong nên lá trà Long Tỉnh khi ngâm vào nước sinh ra màu vàng xanh lá cây, mùi thơm dịu, vị đậm, có chứa Vitamin C và Axít amin. Quá trình oxi hóa (lên men) là quá trình làm những lá trà tươi sau khi hái dần mất đi mùi vị và chất diệp lục của lá trà bị phá huỷ nên màu xanh của lá trà bị mất đi do sự oxi hóa enzyme của chất axít butyríc lá trà chuyển sang màu đỏ.

tra long tinh 1

Trà Long Tỉnh có thể pha 5 lần mà vẫn còn hương vị, sắc trà có màu vàng tươi, hương trà thanh thoát, vị trà dịu ngọt có thể làm thứ nước giải khác bổ dưỡng, ngừa và chữa một số chứng bệnh. Ngoài ra, xác trà khô chưa pha rất dễ ăn, có vị thơm ngọt và giòn tan, nuốt vào rồi mà hương vị còn đọng ở cổ họng rất lâu. Trà Long Tĩnh được đóng hộp sang trọng, rất đắt tiền, riêng trà ở thôn Mai gia còn được xuất khẩu tại chỗ, trở thành món quà quý cho người thân, lãnh đạo… với hàm ý một món quà tốt cho sức khỏe và rất tịnh tâm.

Việc chế biến đã cầu kỳ, khâu pha trà Long Tỉnh còn là một nghệ thuật. Nghệ thuật dùng trà Long Tĩnh được thực hiện theo từng bước một. Trà được cho vào từng cốc, lần đầu chỉ rót một ít nước (chỉ nóng 80 độ C), sau đó mới rót đầy cốc. Cách rót cũng đặc biệt: người rót trà cầm chiếc ấm nước rót vào cốc, nhưng khi rót nhún lên nhún xuống đến ba lần, mục đích là để đảo trà cho đều, nếu không khéo tay thì nước nóng có thể văng tung toé trên bàn. 2 phút sau là có thể dùng trà được. Và để cảm ơn người rót trà, trước khi uống, người dùng thực hiện thao tác giống như khi xưa đoàn tì tùng đã cảm tạ vua Càn Long ban trà, lấy hai ngón tay trỏ và giữa gõ lên cốc ba lần.

Ngày nay, nghệ thuật uống trà Long Tỉnh được thể theo phong cách của thánh trà Lục Vũ. Ông được xem là người đã khai sinh ra văn hóa dùng trà của cả Trung Hoa. Du khách có thể nhìn thấy bức tượng đồng của ông sừng sững giữa sân khuôn viên trà thất tại Mai gia.

tra long tinh 2

Đến Hàng Châu, du khách sẽ được phục vụ trà Long Tỉnh theo hai cách. Cách phổ biến nhất và ít trang trọng hơn là trong các quán trà và cửa hàng với lá trà được pha chế trong một cốc thủy tinh lớn hoặc cốc với nước nóng đổ trực tiếp vào. Mọi người khi uống từ ly trà đó sẽ liên tục đổ nước vừa mới đun sôi lên lá trà. Người ta nghĩ rằng việc sử dụng đồ thủy tinh để phục vụ trà Long Tỉnh đã xuất hiện khoảng một thế kỷ trước, khi thủy tinh là một vật liệu đắt tiền và sử dụng nó nhằm thể hiện sự sang trọng và quý tộc cho người sử dụng và truyền thống đó đã được lưu giữ đến ngày hôm nay. Cách uống trà này ban đầu sẽ tạo ra một hương vị đậm, đắng, vì vậy nên hãy để sẵn một cốc nước lọc sát bên để làm dịu bớt hương vị cùa trà. Phương pháp này cần mất một khoảng thời gian, vì du khách cần đợi cho đến khi lá lắng xuống và nước nguội hoàn toàn, trước khi du khách có thể uống đúng cách – mặc dù, vô tình ăn một ít lá trà cũng không gây ảnh hưởng gì cả. 

Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức trà một cách tinh tế hơn trong các buổi trà đạo truyền thống tại một trong các chi nhánh của Bảo tàng Trà Quốc gia Trung Quốc hoặc tại một trong nhiều quán trà cao cấp trong khu vực, chẳng hạn như phòng trà Ming Jia Ju. Những nơi này thường có sự hướng dẫn của những bậc thầy về trà, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật pha một tách trà hoàn hảo. Buổi lễ là một quá trình rất trang trọng và phức tạp từ khâu chuẩn bị lá trà cho đến cách làm ấm ấm trà, rửa và ngâm lá, cùng với các bước phức tạp khác nhau ở giữa. Đến khi du khách đươc nếm hương vị của những tách trà này du khách sẽ cảm thấy không hề phí công chờ đợi chút nào vì đây là cách “chuẩn” nhất để đánh giá cao hương vị độc đáo của trà Long Tỉnh.

tra long tinh 3

Còn đối với những ai muốn thưởng thức trà một mình thì hãy đến Đền Lingyin, tại đây du khách có thể tìm hiểu về văn hóa trà “Zen”. Trà Zen là loại trà thường do các nhà sư trồng, chế biến và tiêu thụ. Quá trình của việc hái, chuẩn bị và chế biến trà là quá trình giúp các nhà sư giác ngộ Phật học. Hàng năm, vào đầu mùa thu hoạch, ngôi đền này thường tổ chức Buổi biểu diễn trà Zen trên rừng để thúc đẩy khía cạnh độc đáo này của đời sống tu sĩ.

Tuy nhiên, trà Long Tỉnh không chỉ là một loại thức uống được pha một cách cầu kì cùng cách thưởng thức đòi hỏi sự từ tốn mà nhiều món ăn địa phương của Hàng Châu cũng sử dụng lá trà để làm tăng hương vị cho các món ăn. Nổi tiếng nhất trong số này là tôm Long Tỉnh, món ăn kết hợp tôm sông ngon ngọt với độ giòn của lá trà Long Tỉnh tươi. Du khách có thể thử món này và các món ăn cổ điển khác của Hàng Châu cùng nhâm nhi một ly trà thơm ngon tại nhà hàng Maocao Wu, nằm ngay bên rìa của các đồn điền sản xuất trà.

Trà Long Tỉnh còn được biết như một bài thuốc hay, có công dụng điều trị nhiều chứng bệnh như mất ngủ, nóng trong người… Trà Long Tỉnh chính hiệu được bày bán ngay tại các đại lý của thành phố Hàng Châu. Các cửa hàng này luôn tấp nập khách du lịch nước ngoài đến đây để chọn lựa, mua sắm và thưởng trà. 

Nếu có dịp du lịch Trung Quốc và ghé thăm thành phố Hàng Châu, du khách hãy dành thời gian ghé thăm làng trà Long Tỉnh, cũng như ghé qua các cửa hiệu chuyên bán các sản phẩm trà đặc sản nhé! Đây là dịp để du khách có thể tự mình thưởng thức một loại trà trứ danh thế giới, cũng như mua một ít để về làm món quà ý nghĩa cho chuyến đi của mình.