Tục bó chân – nét truyền thống của phụ nữ Trung Hoa xưa

tuc le bo chan 5

Từng là biểu tượng của sắc đẹp và sự quyền quý, những bàn chân nhỏ xíu do bị bó chặt của phụ nữ Trung Quốc xưa được gọi bằng những cái tên mỹ miều như “gót hoa” hay “gót huệ”. Họ quan niệm rằng, việc bị bó chân sẽ khiến họ đi không vững vàng, giống như những cành sen đong đưa trong gió.

Tục bó chân xuất hiện vào thời nhà Tống do nền Nho giáo Trung Quốc bị nghiêm khắc và khô khan hóa nhưng phổ biến nhất vào thời nhà Thanh. Có nhiều giả thuyết về xuất xứ của tục bó chân. Một trong những giả thuyết được nhắc đến nhiều là câu chuyện về một cung phi của Hán Thành Đế tên là Triệu Phi Yến. Nàng đã quấn những dải lụa quanh bàn chân và nhảy múa. Hán Thành Đế vì rất ấn tượng với dáng điệu của Triệu Phi Yến khi nhảy múa trên đôi chân bó gọn nên gọi nó là “Kim Liên Tam Thốn” (Gót Sen Ba Tấc) và ra lệnh cho những cung phi khác cũng bắt chước theo. Một câu chuyện tương tự cũng được nhắc đến trong các tài liệu không chính thức, nhân vật chính lại là nàng Giáng Phi sống ở thời Nam Bắc Triều. Tuy rất khác nhau về tên nhân vật nhưng các câu chuyện trên cho thấy một điểm chung, tục bó chân bắt nguồn trong giới thượng lưu. Việc bó chân sau đó đã trở nên thịnh hành trong giới nữ thuộc mọi tầng lớp của xã hội Trung Quốc và dần trở thành một tập tục.

tuc le bo chan 1

Tục bó chân vẫn tồn tại ở Trung Quốc cho đến tận thế kỷ 20. Những người cai trị thuộc tộc Mãn châu triều đại nhà Thanh (1644-1912) không chấp nhận tập tục này vì nó quá hủ tục lạc hậu nhưng mà không mấy thành công trong việc ngăn chặn nó. Trong những năm cuối của thế kỷ 19, những học giả cải cách và các nhà truyền giáo Tây phương bắt đầu lên tiếng phản đối tập tục gây đau đớn thể xác này, tuy nhiên phải đợi đến những năm 1920 thì mới bắt đầu có sự thay đổi về phía nhận thức của dân chúng khi một số trí thức tân tiến tách tục này ra khỏi giá trị thẩm mỹ và đạo đức. Năm 1928, Quốc dân đảng người Hán tuyên bố kế hoạch xóa bỏ tập tục bó chân, yêu cầu tất cả thiếu nữ dưới 15 tuổi phải để bàn chân phát triển tự nhiên, song cũng không thu được hiệu quả đáng kể.

Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, tục bó chân bị nghiêm cấm, và đến cuối thập niên 1960 thì tục này về cơ bản đã chấm dứt. Ngày nay, người ta chỉ còn thấy những chứng tích ít ỏi của tập tục này trên bàn chân của một số bà cụ già.

tuc le bo chan 2

Để có được đôi “gót sen” hoàn hảo, người mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân con gái, cháu gái họ khi đứa trẻ 2-5 tuổi – khoảng thời gian xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện. Đầu tiên, chân của các bé gái được ngâm trong nước ấm pha thảo dược và máu động vật ấm. Nó có tác dụng nhằm ngăn ngừa sự hoại tử. Sau đó tất cả móng chân sẽ bị cắt càng sâu càng tốt để ngăn chặn sự phát triển của chân và sự nhiễm trùng sau đó. Để chuẩn bị tinh thần cho cô gái những gì sẽ xảy đến tiếp theo, bàn chân sẽ được xoa bóp nhẹ nhàng. Những dải băng bằng lụa hoặc cotton dài khoảng 3m và rộng 5cm đã được chuẩn bị sẵn và cũng được ngâm vào hỗn hợp dược thảo và máu động vật tương tự. Từng ngón chân sau đó sẽ bị bẻ quặp, ép vào lòng bàn chân và cuốn gọn vào trong những dải băng ướt này, nén thật chặt đến kiệt nước, kéo giật mạnh về phía gót chân. Đôi khi người ta còn tạo ra những vết cắt sâu ở lòng bàn chân để công việc này được dễ dàng.

Trình tự này sẽ được lặp lại 2 ngày một lần, với một lần bó chân mới. Mỗi lần bó lại, dải băng lại được thắt chặt hơn nữa làm cho quá trình bó chân càng ngày càng đau đớn. Không những thế, người xưa còn đánh thật mạnh vào lòng bàn chân của các bé gái, làm vỡ nát các xương. Khi vải được quấn lại, cô gái còn bị buộc phải đi lại trên nền nhà để bàn chân biến dạng hơn nữa.

tuc le bo chan 3

Quá trình bó chân thường kéo dài trong 2 năm và nó đau đớn đến mức có người đã nói rằng: “Người con gái bó chân phải khóc hàng xô nước mắt”. Sau 2 năm, bàn chân sẽ giữ nguyên hình dạng trong suốt cuộc đời sau đó. Những biến chứng thường gặp là bàn chân bị sưng, chảy mủ và thậm chí còn bị hoại tử do nhiễm trùng. Móng chân sẽ mọc dài ra, đâm vào thịt làm rữa thịt, đôi khi làm rụng cả ngón chân. Và đôi khi xương bàn chân mọc theo hướng đâm thẳng về phía gót chân. Khi trưởng thành, người bó chân có thể gặp nguy hiểm với những vấn đề về sức khỏe. Những phụ nữ lớn tuổi thì có nguy cơ cao bị gãy xương chậu và các xương khác khi ngã, họ cũng khó mà đứng dậy được khi đang ngồi.

Như đã nói, bó chân là một quá trình đau đớn tột cùng lẫn thể chất và tinh thần, thế nhưng nó như một nghĩa vụ mà xã hội phong kiến quy định đối với người phụ nữ để trở thành mẹ cũng như tiếp tục duy trì nòi giống. Hủ tục này cũng nhằm ràng buộc phụ nữ trở nên lệ thuộc vào người đàn ông. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng có một sự thật khoa học ẩn sau đó không phải ai cũng biết. Với bàn chân bị bó chặt, khi bước đi người phụ nữ phải nhón từng bước rất nhỏ, dịch chuyển phần lớn lực bước chân lên những bó cơ ở đùi để tránh bị ngã. Hậu quả là các cơ đùi và cơ ở vùng hông sẽ trở nên co chặt một cách khác thường. Cứ như thế, theo thời gian, các cơ xung quanh cơ quan sinh dục nữ cũng ngày càng trở nên săn chắc. Điều này mang đến nhiều khoái cảm hơn cho người chồng trong sinh hoạt vợ chồng. Ngoài ra, việc dồn lực vào bắp đùi và vùng hông còn tạo cho người phụ nữ vóc dáng hấp dẫn hơn nhiều trong mắt người chồng.

tuc le bo chan 4 e1628408978485

Bên cạnh đó, người xưa tin bó chân còn là phương pháp để gắn kết phụ nữ với gia đình. Lý do là bởi với bàn chân bó chặt đau đớn, phụ nữ sẽ ít đi lại hơn, từ đó sẽ ở nhà chăm sóc chồng con một cách chu toàn.

Những bàn chân nhỏ xíu khi trải qua quá trình bó chân còn là một tiêu chuẩn về cái đẹp để kiếm được tấm chồng. Trong xã hội phong kiến Trung Hoa, những cô gái trẻ thường được nói rằng họ sẽ không tìm được chồng trừ khi chân phải được bó, vì không ai muốn một cô dâu với đôi bàn chân to và thô kệch. Những phụ nữ có bàn chân tự nhiên thường bị chế giễu trong các câu hát dân gian.

Cho đến ngày nay, có rất nhiều người đã tranh cãi về tập tục bó chân của người phụ nữ Trung Hoa xưa. Nhưng dù thế nào đi nữa, xét về phương diện xã hội học, tục lệ này cũng phản ánh rõ rệt quyền lực của người đàn ông trong xã hội phong kiến cùng với tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề của Trung Quốc thời xưa, nó kéo dài cả hàng thế kỉ và thậm chí còn có ảnh hưởng rất lớn đến tận ngày nay.

Ngoài tục lệ bó chân, Trung Quốc thời xa xưa có khá nhiều hủ tục đáng sợ khiến nhiều người tò mò như tục lệ một vợ nhiều chồng, minh hôn… Thực hiện chuyến du lịch Trung Quốc, du khách sẽ có cơ hội khám phá về những phong tục kỳ lạ này.