Vương Thừa Ân – vị hoạn quan có tấm lòng trung quân trong thời nhà Minh

hoan quan vuong thua an 8

Trong thời cổ đại ở Trung Hoa, Hoạn quan (hay Thái giám) là người “khuyết thiếu, không hoàn hảo”, họ không thể được chôn cất trong Hoàng lăng nghiêm trang, thần thánh. Vậy mà trong Hoàng lăng nhà Minh lại có một lăng mộ của một vị hoạn quan, tên ông là Vương Thừa Ân.

Vương Thừa Ân (19/3/? – 25/4/1644) là một hoạn quan sống vào cuối triều Minh, là người hầu cận trung thành của Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (Sùng Trinh Hoàng đế). 

Ban đầu, Vương Thừa Ân đi theo thái giám Tào Hóa Thuần, đây cũng coi như thầy giỏi có trò hay. Tào Hóa Thuần là người biết điều và khôn khéo, làm việc hiệu quả chặt chẽ, nên rất được Hoàng đế Sùng Trinh tin tưởng coi trọng, cũng vì vậy nên Tào Hóa Thuần cũng giúp vua Sùng Trinh làm nhiều việc quan trọng. Sau này khi Tào Hóa Thuần vì sức khỏe suy yếu phải từ chức, nhờ có sự tiến cử của ông nên Vương Thừa Ân bắt đầu bước lên con đường của riêng mình. Từ đây, Vương Thừa Ân trở thành thái giám thân tín của Sùng Trinh hoàng đế khi chỉ mới 27 tuổi, và được đề bạt lên vị trí Thái giám ghi chép ở Tư Lễ giám. Trong chế độ quan lại thời nhà Minh, vị trí Thái giám ghi chép ở Tư Lễ giám là vị trí rất được kính trọng, trong tay có quyền phê hồng tấu chương.

hoan quan vuong thua an 4

Mặc dù, Vương Thừa Ân trong tay nắm đại quyền trong triều, có thể hô mưa gọi gió, chỉ cần ông nói mấy câu trước mặt Hoàng đế thì quan đại thần cũng gặp tai họa. Tuy vậy, Vương Thừa Ân vẫn đối xử khiêm tốn lễ độ với người khác, các đại thần trong triều cũng vì vậy mà khen ngợi ông. Quan trọng hơn là, Vương Thừa Ân có tấm lòng trung quân, ông luôn một lòng trung thành tận tâm với Sùng Trinh Đế, cũng chính vì phẩm chất này nên ông được người đời sau tôn trọng.

Vào năm Sùng Trinh thứ 17, Lý Tự Thành xưng đế ở Tây An, sau đó Lý Tự Thành dẫn theo quân Đại Thuận đi theo đường Sơn Tây quét qua nhiều châu phủ, chỉ trong vòng 2 tháng đã đánh tới thành Bắc Kinh. Trước đó, Sùng Trinh Đế đã từng nhận được thư nghị hòa của Lý Tự Thành, ý chính là nếu Sùng Trinh Đế chấp thuận để Lý Tự Thành làm Thiểm Tây Vương, đồng thời chi ra trăm vạn lượng bạc làm quân phí, Lý Tự Thành sẽ chủ động lui quân về Hà Nam, đồng thời giúp triều Minh tiêu diệt quân Thanh. Lá thư nghị hòa này làm dấy lên sự phản đối kịch liệt của quần thần trong triều, sau khi thương thảo với quan viên thì lá thư nghị hòa này đã bị từ chối, Sùng Trinh Đế khi ấy muốn triệu Ngô Tam Quế về kinh thành, nhưng lại bị Thủ phụ Trần Diễn hết sức ngăn cản, sau đó thì thế cục hoàn toàn mất khống chế.

Khi quân đội của Lý Tự Thành bao vây tấn công Bắc Kinh, các vị đại thần trước đó ra sức phản đối phong Lý Tự Thành làm Thiểm Tây Vương nay không dám hé răng nửa lời, quân thủ thành Bắc Kinh mất khả năng chống trả, Sùng Trinh Đế bấy giờ coi như thấy rõ bộ mặt thật của bá quan văn võ trong triều.

hoan quan vuong thua an 2

Trước sự tấn công mạnh mẽ của quân đội Lý Tự Thành, Sùng Trinh Đế đã trao trách nhiệm phòng thủ Bắc Kinh cho Vương Thừa Ân. Không phụ lòng tin tưởng của Sùng Trinh Đế, Vương Thừa Ân tự mình lên tường thành chỉ huy quân đội kháng địch, dũng cảm giết địch, thậm chí còn đích thân khai pháo bắn chết nhiều binh sĩ của quân Đại Thuận. Nhưng con đê dài cũng sập vì tổ kiến, khi ông cố gắng nỗ lực tử thủ bảo vệ thành trì thì những người khác lại lén lút bỏ chạy, chẳng khác gì đem thành trì trao tận tay cho giặc.

Mấy giờ sau, buổi chầu cuối cùng của nhà Minh diễn ra, khi Sùng Trinh Đế lòng đầy lo lắng bước vào điện lại phát hiện trên điện trống không, bá quan văn võ không một ai đến chầu, Sùng Trinh Đế đáy lòng nặng trĩu, ông biết vương triều nhà Minh đã tận.

Sùng Trinh Đế biết kiếp nạn này khó thoát, vì để bảo vệ thể diện Hoàng gia, ông đã đưa ra một quyết định tàn nhẫn, đó là ban chết cho Chu Hoàng hậu và phi tần, tự mình giết Công chúa Chiêu Nhân, lệnh cho người cải trang cho ba vị Hoàng tử rồi đưa chạy trốn khỏi Hoàng cung, giúp Hoàng thất nhà Minh lưu lại hương hỏa và hy vọng.

Một Sùng Trinh Đế đã gần như điên dại, thất tha thất thểu đi về hướng Môi Sơn sau Tử Cấm Thành, bên cạnh chỉ có Vương Thừa Ân theo cùng. Ông tìm một cành cây cong, đứng dưới cây bi thảm than rằng: “Thần tử hại ta!”. Câu nói này quả thực đã phản ánh lại tâm trạng của Sùng Trinh Đế lúc bấy giờ, khi ông hoàn toàn thất vọng với tất cả bá quan văn võ trong triều.

hoan quan vuong thua an 3

Sùng Trinh Đế để trần chân trái, tự vẫn mà chết, khi ông tuẫn thân vong quốc mới chỉ 33 tuổi. Vương Thừa Ân sau khi tiễn đưa Sùng Trinh Đế đoạn đường cuối cùng lại không chọn cách chạy trốn, mà phẫn uất tự vẫn theo Sùng Trinh Đế dưới cây.

Sau khi Lý Tự Thành tấn công vào Tử Cấm Thành, việc đầu tiên ông ta làm là tìm kiếm Sùng Trinh Đế, xác định xem Sùng Trinh Đế đã chết hay chưa, nhưng Lý Tự Thành lật tung cả thành mà vẫn không thấy tung tích Sùng Trinh Đế. Đến ngày thứ ba tìm kiếm thì nhận được tin phát hiện thi thể của Sùng Trinh Đế trong núi Cảnh Sơn (tên gọi ngày nay của núi Môi Sơn). Sau đó, Lý Tự Thành mang thi thể của Sùng Trinh Đế về an táng cạnh phần mộ của phi tần của ông, đổi tên thành Tư Lăng. Không chỉ vậy, Lý Tự Thành còn mang thi thể của Vương Thừa Ân an táng tại lối vào lăng mộ của vua Sùng Trinh để ông có thể tiếp tục bảo vệ chủ của mình như trước đây.

hoan quan vuong thua an 5

Mộ phần của Vương Thừa Ân được xây dựng khang trang, mộ phần có ba phiến bia đá, tấm phía Đông khắc: “Vương Thừa Ân chi mộ”. Điều khiến người ta kinh ngạc là phần chân đế của phiến bia đá này, bên trên được khắc một bức phù điêu sống động như thật, đề tài trên bức phù điêu là “Long mã phụ thư” và “Tê ngưu vọng nguyệt” được lựa chọn kỹ lưỡng. Phiến bia đá thứ hai có khắc bia văn hơn 800 chữ, nội dung được đích thân vua Thuận Trị đề bút. Phiến bia đá thứ 3 cũng là tấm đặt gần phần mộ nhất được khắc bia văn 240 chữ, nội dung do Khang Hi Đế đích thân soạn thảo, mục đích nhằm để ca ngợi Vương Thừa Ân “trung tâm với chủ, hi sinh quên mình”, đồng thời bên trên có khắc bốn chữ “ngự chế tinh trung”. Ngày nay, Khu mộ Vương Thừa Ân đến nay vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Vương Thừa Ân tuy chỉ là một thái giám, nhưng trong ông toát ra phẩm chất trung thành, không sợ kẻ thù khiến người khác khâm phục, bất cứ một triều đại hay quốc gia nào cũng đều cần những người trung thành như vậy.

Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một đất nước đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy book Tour Trung Quốc của chúng tôi nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!