11 Nhạc cụ cổ truyền Trung Quốc

11 nhac cu truyen thong 12

Trung Quốc có nền văn hóa đa dạng và lâu đời. Do đó, từ xa xưa nhạc cụ của Trung Quốc đã rất đa dạng và gắn liền với cuộc sống của con người.

Những nhạc cụ cổ truyền Trung Quốc bao gồm rất nhiều loại khác nhau, từ nhạc cụ dây, hơi hay gõ. Chúng được chia làm 8 loại nhạc cụ dựa trên chất liệu, tạo nên 8 loại âm sắc cho dàn nhạc, được gọi là “bát âm” (八音). 8 loại này bao gồm: kim (nhạc cụ bằng kim loại), thạch (bằng đá), thổ (bằng đất nung), ti (Nghĩa là nhạc cụ có dây; trước đây làm bằng tơ, sau đó dùng dây bằng thép), trúc (bằng tre, trúc), bào (bầu), cách (da), và mộc (gỗ). Dù vậy, vẫn có những nhạc cụ khác không được xếp vào các loại trên.

1. Đàn Tỳ Bà

Vào thời nổi tiếng tột đỉnh khoảng 1.300 năm về trước, Đàn Tỳ Bà là một nhạc cụ không thể thiếu trong cung điện triều đại nhà Đường. Thật vậy, qua hàng ngàn năm nay, Đàn Tỳ Bà ngự trị như “vua” của nhạc cụ Trung Hoa. 

Bức tranh tường cổ xưa trong các hang động Đôn Hoàng dọc theo Con Đường Tơ Lụa mô tả nhạc cụ này trong tay của các tiên nữ. Âm nhạc tuyệt trần được khảy từ những ngón tay thanh tao của họ trôi dạt xuống trần gian như hoa vẫy cánh.

11 nhac cu truyen thong 1

Hình dạng của Đàn Tỳ Bà đối ứng với tam tài (Thiên, Địa, Nhân), ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) và tứ quý (bốn mùa). Chiều dài của nó là 3 thước 5 tấc (khoảng trên dưới 1m), 3 thước tượng trưng cho tam tài, 5 tấc thể hiện ngũ hành, 4 sợi dây đàn lại thể hiện cho tứ quý. 

Đàn Tỳ Bà được chế tác bằng gỗ cây ngô đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Âm thanh của đàn Tỳ Bà trong sáng, vui tươi, thể hiện tính chất tươi sáng và trữ tình.

Kỹ thuật gảy Đàn Tỳ Bà có độ khó khá cao với hai kỹ thuật cơ bản nhất: “Tỳ” (búng ra ngoài) và “bà” (khảy vào trong). Trên thực tế, dù vậy, hàng chục kỹ thuật (lướt – glissando), rung – vibrato), khảy – pizzicato, và luyến ngắt – portamento) được sử dụng thường xuyên, tạo cho nó trở thành một trong những nhạc cụ cổ đại khó nhất. Thân bằng gỗ của Đàn Tỳ Bà cũng có thể được gõ vào, và dây của nó được xoắn lại để tạo ra âm thanh như tiếng cymbal. 

2. Cổ Cầm

Cổ Cầm còn được gọi là dao cầm, ngọc cầm, tơ đồng hoặc thất huyền cầm, là một nhạc cụ truyền thống của tộc người Hán, đã có lịch sử hơn 3.000 năm.

11 nhac cu truyen thong 2

Loại nhạc cụ này thuộc bộ dây dạng gảy gồm có 7 dây đàn. Cổ cầm có âm vực rộng, âm sắc sâu lắng và tiếng vọng ngân dài. Cổ cầm không chỉ đơn giản là một loại nhạc cụ dùng để biểu diễn những khúc nhạc đi vào lòng người mà âm nhạc của cổ cầm tạo một sự yên tĩnh cao thâm, diễn tấu thanh tâm, có thể thông thấu đến trời đất.

3. Đàn Cổ Tranh

Đàn Cổ Tranh còn có tên là Đàn Thập Lục, đây là một nhạc cụ dân tộc cổ đại được sinh ra và lớn lên gắn liền với nền văn hóa lâu đời Trung Hoa, có lịch sử hơn 2.500 năm. Đàn truyền thống có 16 dây nên nó có tên gọi là Thập Lục.

11 nhac cu truyen thong 3

Đàn Cổ Tranh thường được làm bằng gỗ cây phượng. Cấu tạo của đàn gồm một hộp âm thanh hình chữ nhật và một bề mặt trong một đường cong với chuỗi chặt chẽ, đó là một bộ có 13 dây trong triều đại nhà Đường và sau đó tăng lên 16. Ngày nay, có một số loại Đàn Cổ Tranh hiện đại có đến 21 dây. Âm sắc đàn cổ tranh trong trẻo, sáng sủa thể hiện tốt các điệu nhạc vui tươi.

4. Đàn Nhị Hồ

Đàn Nhị Hồ là một trong những loại nhạc cụ thuộc bộ dây (nhạc cụ gảy) chủ yếu của Trung Hoa, đã có lịch sử hơn 4.000 năm.

11 nhac cu truyen thong 4

Âm sắc thuộc loại âm vực trung cao, tiếng đàn êm ái du dương, cảm xúc mãnh liệt bi tráng, là một loại nhạc cụ có thể đại biểu cho lịch sử đầy biến động và tình cảm tinh tế nồng nàn của dân tộc Trung Hoa. Âm chất thường mang cảm xúc trầm lắng và bi thương.

Đàn Nhị Hồ chỉ có hai sợi dây, một sợi là sợi ngoài, một sợi là sợi trong. Sự cọ sát giữa hai sợi dây đàn có độ dày khác nhau được buộc vào trục đàn tạo nên độ rung và phát ra âm thanh. Đối với những người mới học Đàn Nhị Hồ thì hai vấn đề hóc búa là nắm vững âm chuẩn và kỹ thuật nhấn dây đàn, đặc biệt là khi chuyển từ vị trí âm vực thấp thành vị trí âm vực cao lại càng khó khống chế hơn.

5. Nguyệt Cầm

Nguyệt Cầm (Đàn Nguyệt) cũng là loại nhạc cụ thuộc bộ dây (nhạc cụ gảy). Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là “Đàn Nguyệt”. Theo sách xưa, đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Nó là một nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc Kinh Kịch Bắc Kinh, thường đảm nhận vai trò là nhạc cụ giai điệu chính thay cho phần dây cung.

11 nhac cu truyen thong 5

Loại đàn này rất phổ biến dùng để độc tấu, hòa tấu với nhiều kỹ thuật chơi độc đáo như luân chỉ (vê), đàn khiêu (gảy),… Âm sắc Đàn Nguyệt tươi sáng, rộn ràng, tình cảm, đa dạng trong diễn tả các trạng thái cảm xúc âm nhạc.

6. Tần cầm

Tần Cầm là nhạc khí dây gảy, có tên gọi khác là Đàn Hoa Mai. Đàn xuất phát từ thời nhà Tần nên đàn mới có tên gọi là “Tần Cầm”. Đàn ra đời vào năm 223 TCN và chưa biết ai chế tác ra nó. Tần Cầm thường diễn tấu theo hình thức độc tấu hay hoà tấu trong các buổi lễ lớn của cung đình Trung Hoa. Nó cũng là nhạc cụ đệm hát trong Kinh Kịch hay các bài dân ca Trung Quốc. 

11 nhac cu truyen thong 6

Tần Cầm với hộp đàn hình hoa mai sáu cánh hoặc hình lục giác, đường kính 28cm. Mặt đàn và đáy đàn làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Thành đàn dày 6cm, làm bằng gỗ cứng. Cần đàn dài 70cm, trên mặt đàn có 17 phím bấm. Phím đàn được gắn dựa theo thang âm 7 cung chia đều. Tần Cầm có 3 hoặc 4 trục gỗ và số dây cũng tương ứng. Dây đàn là nilon bọc thép, nó được lên cách nhau một quãng 4 hoặc quãng 5: Do – Fa – Do1 hoặc Do – Sol – Do1. 

Khi diễn tấu, nhạc công sẽ gảy Tần Cầm bằng tay không, ít khi chơi đàn với móng gảy làm từ nhựa tạo ra âm sắc trong trẻo, tươi sáng.

Các kỹ thuật chơi Tần Cầm gồm luân chỉ (vê ngón), luân chỉ hòa khiêu (gảy và vê ngón), “tỳ”, đẩy những ngón tay của bàn tay phải từ phải sang trái và có thể sử dụng một hoặc vài ngón tay theo cách đó để đánh cùng lúc nhằm cho việc tạo đa âm (ngón bật), đánh chập nhanh bằng bốn ngón tay gọi là “tảo”. Kết hợp giữa vê và đánh chập gọi là “tảo luân”.

7. Đàn Không Hầu

Đàn Không Hầu hay Đàn Không là loại đàn gảy cổ xưa của Trung Quốc đã có lịch sử hơn 2.000 năm. Ngoài sử dụng trong giàn nhạc cung đình ra, đàn Không Hầu còn lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Thế nhưng, cây đàn cổ xưa này từ sau thế kỷ 14 đã không còn lưu hành nữa, và dần dần không còn tồn tại nữa, mọi người chỉ có thể xem hình dáng một số đàn Không hầu từ trên bích họa và chạm nổi.

11 nhac cu truyen thong 7

Đàn Không Hầu lưu hành vào thời cổ Trung Quốc chủ yếu là đàn nằm và đàn đứng. Đàn Không Hầu có hai hàng dây, mỗi hàng 36 dây, mỗi dây đều do trụ hình chữ nhân đỡ trên hộp đàn. Do hai hàng dây đàn đồng âm với nhau, khi gảy bản nhạc có giai điệu nhanh và âm rộng, rất tiện lợi, nó có thể gảy cùng lúc bằng hai tay, lại có thể dạo và đệm nhạc trong tầm âm vừa, là điều mà các lọai nhạc cụ khác khó mà so sánh được.

8. Huyên (Sáo huân)

Huyên là một trong những loại nhạc cụ từ thời cổ xưa, đã tồn tại khoảng 7.000 năm về trước. Tương truyền, cội nguồn của Huyên là công cụ của người đi săn có tên là “Đá Sao sa”. Ngày xưa, người ta thường thường buộc hòn đá hoặc hòn đất lên một sợi dây rồi ném chim ném thú, có hòn đá bên trong rỗng, khi ném gió lùa vào có thể phát ra âm thanh. Mọi người cảm thấy thú vị liềm đem thổi chơi. Sau này, mọi người thấy thú vị, bèn lấy quả bóng đó thổi chơi, sau đó dần dần nó trở thành một nhạc cụ.

11 nhac cu truyen thong 8

Khoảng 4.000 đến 5.000 năm trước, Huyên đã phát triển từ có 1 lỗ âm thành có 2 lỗ âm, có thể thổi ra 3 âm điệu. Đến thời Xuân Thu, Huyên đã có 6 lỗ âm, có thể thổi ra 7 âm điệu hoàn chỉnh. Âm thanh của nó rất đơn giản mà độc đáo. Lúc đầu, Huyên phần lớn được làm từ đá và xương, sau đó dần dần phát triển thành làm bằng gốm. Huyên đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nghệ thuật nguyên thủy trên thế giới.

9. Địch Tử (Sáo trúc)

11 nhac cu truyen thong 10

Địch Tử được sử dụng trong âm nhạc dân gian, opera, dàn nhạc quốc gia, dàn nhạc giao hưởng và âm nhạc hiện đại. Nó thường được chia thành khúc địch phía nam và bang địch phía bắc, ngày xưa chữ “Địch” trong tiếng Hán cổ có nghĩa là “Rửa sạch sẽ”, vì tiếng sáo rất trong rất thanh. Sáo chủ yếu được làm bằng trúc, cũng có sáo làm bằng gỗ, ngọc bích hoặc các vật liệu khác.

10. Tiêu

Tiêu là một nhạc cụ thổi rất xa xưa của Trung Hoa cổ đại và xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học kinh điển. Trong đó Kim Dung có nhắc đến tiêu qua 2 câu thơ của “Đông Tà” Hoàng Dược Sư:

“Đào hoa ảnh lạc phi thần kiếm

Bích hải triều sinh án ngọc tiêu”.

11 nhac cu truyen thong 9

Tiêu thường có dạng ống trụ tròn như sáo trúc, nhưng khi sử dụng lại để theo phương dọc và thổi dọc theo thân ống. Nó có âm sắc trang nhã, mộc mạc, phù hợp để diễn tả những giai điệu trữ tình, những tình cảm sâu sắc. Hai loại tiêu phổ biến nhất là C và D (tức tiêu đô và tiêu rê), các loại tiêu trầm hơn thường không phổ biến bằng vì khó sử dụng hơn: lỗ bấm cách nhau xa hơn, thổi tốn nhiều hơi…

11. Biên chuông (chuông nhạc)

11 nhac cu truyen thong 11

Biên chuông là nhạc cụ gõ có quy mô lớn của người Hán cổ đại Trung Hoa bao gồm một bộ chuông chùm bằng đồng. Biên chuông còn là một nhạc cụ quan trọng trong nhạc cung đình và nhạc lễ Trung Hoa từ thời cổ đại. Biên chuông được phát triển nhất trong thời đại Tây Chu. Trung Hoa là quốc gia đầu tiên sản xuất và sử dụng loại hình nhạc cụ này.

Trên đây là một số trong những nhạc cụ được sử dụng ở thời Trung Quốc cổ đại và một số nhạc cụ vẫn còn đang được sử dụng cho đến ngày nay. Các nhạc cụ này đã góp phần làm sống lại nhiều truyền thống và văn hóa của Trung Hoa. Nếu du khách là người yêu thích âm nhạc và có hứng thú khám phá các loại nhạc cụ độc đáo, hãy book Tour Trung Quốc của chúng tôi nhé!