Trong thời kỳ phong kiến Trung Hoa, người đàn ông được hưởng nhiều đặc quyền ngoài xã hội và trong gia đình, còn phụ nữ thì thường lép vế và bị coi thường. Vậy nên, việc sợ vợ bị xem là chuyện khôi hài. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, trong lịch sử, từng chứng kiến một vài hoàng đế rất sợ vợ, thậm chí sợ sệt một cách mù quáng.
Quyền uy như vua nhưng vẫn sợ vợ là hiện tượng không hề hiếm trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Dưới đây là 4 ví dụ điển hình:
Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung – sợ vợ hơn sợ cọp
Tấn Huệ Đế (259 – 307), tên thật là Tư Mã Trung, là vua thứ hai của nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc. Ông không có năng lực cai trị và thời gian ông ở ngôi đã xảy ra Loạn Bát vương làm nhà Tây Tấn suy yếu trầm trọng rồi diệt vong. Không những vậy, Tấn Huệ Đế còn nổi danh là sợ vợ hơn sợ cọp.
Tư Mã Trung có trí tuệ kém cỏi, không có năng lực như người bình thường, các sử gia thường gọi là người ngây ngốc. Hồi còn là Thái tử bị gả cho người vợ xấu ma chê quỷ hờn là Giả Nam Phong, dáng người thấp lùn, ngũ quan lệch lạc, da đen, răng vẩu, chân to, lưng gù. Chưa hết, dưới hình hài xấu xí đó là một tâm địa hung hãn, độc ác vô song. Thế nhưng Tư Mã Trung chẳng những không chê bai gì mà còn nghe lời Giả Nam Phong răm rắp, cho dù vị Thái tử này vốn đã có những tỳ thiếp xinh đẹp, dịu dàng. Kể cả khi ông ta đã lên ngôi Vua cũng vậy.
Do không có con trai, Giả Nam Phong luôn tìm cách hãm hại những phi tần khác khi họ có mang. Có lần, lấy cớ hầu hạ kém, bà ta phóng thẳng ngọn kích vào một cung nữ được cho là sắp sinh con trai, làm cung nữ đó bị trụy thai. Trước tất cả những vụ việc ấy, không bao giờ Tấn Huệ đế dám có ý kiến. Ông ta còn bị Giả Nam Phong ngăn cản chuyện ái ân với các phi tần, nhưng vẫn phải làm ngơ việc bà ta thường xuyên đưa đàn ông bên ngoài vào cung để hành lạc.
Tấn Huệ Đế chỉ là bù nhìn, để vợ thao túng cả triều đình, giết hại quan thần. Khi Giả Nam Phong đưa ra bằng chứng giả là Thái tử phản nghịch, Tấn Huệ Đế cũng ngoan ngoãn truất ngôi và giết chết Thái tử. Khi Giả Nam Phong vu cáo Hoàng Thái hậu (mẹ kế và là dì của Huệ Đế) làm phản, ông ta cũng ngồi “giương mắt ếch” nhìn vợ giết cả gia đình Thái hậu, cũng là những họ hàng ruột thịt bên ngoại của mình.
Tùy Văn Đế Dương Kiên bị vợ quản rất nghiêm
Trong lịch sử, những vị vua anh minh không thiếu, nhưng những vị Hoàng đế tài giỏi sáng lập nên một triều đại cường thịnh cũng không nhiều. Tùy Văn Đế (21/7/541 – 13/8/604), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tùy, chính là một trong số đó. Kết thúc bao nhiêu năm giao tranh hỗn loạn, thu gọn giang sơn về một mối, trong thời gian ngắn đưa Trung Hoa dưới thời nhà Tùy thành một quốc gia phồn thịnh, một vị Hoàng đế lợi hại và tài cán như thế, ấy vậy mà lại vô cùng sợ vợ và bị vợ quản rất nghiêm. Vợ của ông vua này là Văn Hiến Hoàng hậu hay thường gọi Độc Cô Hoàng hậu, là vị Hoàng hậu duy nhất dưới thời Tùy Văn Đế.
Sử sách ghi chép có một lần Hoàng hậu ghen tuông Tùy Văn Đế say mê thê thiếp mà làm lớn chuyện. Ông vừa giận, vừa sợ vợ mà rời kinh thành, một mình một ngựa chạy mãi đến tận đêm khuya. Các vị đại thần trong triều biết được, đuổi theo, thay nhau an ủi mãi. Tùy Văn Đế lúc ấy giàn giụa nước mắt, ngửa mặt lên trời than: “Thân làm thiên tử, mà chẳng được tự do!”, nhưng cuối cùng, cũng đành gạt đi những lệ còn dang dở, phi ngựa hồi cung.
Vậy việc Tùy Văn Đế để vợ lấn át như thế có phải là một chuyện đáng chê cười không? Thật ra cũng không hẳn như vậy. Độc Cô Hoàng hậu vốn là con gái của Độc Cô Tín, một vị danh tướng có công khai quốc của nhà Tùy, nổi tiếng là người phụ nữ thông minh, tài sắc. Khi lấy Dương Kiên đã cùng chồng “ba chìm bảy nổi” trong chiến trận và là người giúp ông rất đắc lực với nhiều kế sách trị nước. Bởi vậy bà được Tùy Văn Đế rất kính trọng.
Bà cũng là người có lòng nhân ái, thương yêu dân chúng, không cẩu thả với việc nội cung và triều chính. Vì không muốn chồng như nhiều vị Hoàng đế khác trong lịch sử, ham mê nữ sắc mà bỏ bê triều chính, giang sơn, nên bà đã thiết lập chế độ “nhất phu nhất thê”, tức là một vợ một chồng, đảm bảo thủy chung. Bà cũng đề nghị Tùy Văn Đế không qua lại với các tì thiếp, những mỹ nữ trong cung vì thế cũng không có cơ hội được gặp mặt Vua, vào tới cung rồi thì chỉ lủi thủi với những bức tường thăm thẳm.Cũng vì việc này mà trong lịch sử Trung Quốc có nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, bà là một nhân vật ghen tuông độc đoán. Tuy nhiên, chính sự kiên quyết của bà mới khiến cho Tùy Văn Đế tập trung lo chuyện triều chính, làm cho quốc gia phát triển thịnh vượng. Lịch sử đã chứng minh, đến năm 602, sau khi Độc Cô Hoàng hậu qua đời vì bệnh tật, Tùy Văn Đế ngày đêm lao vào tửu sắc, lập thê phong thiếp liên hồi, không mấy đoái hoài tới việc triều chính. Tới khi thân thể suy kiệt, Hoàng đế mới nghĩ tới người vợ đã khuất núi của mình, mà than thở rằng: “Nếu Hoàng hậu còn sống thì ta không đến nông nỗi này!”
Đường Trung Tông Lý Hiển sợ vợ một cách mù quáng, làm trò cười cho hậu thế
Đường Trung Tông (26/11/656 – 3/7/710) là vị Hoàng đế thứ 4 và thứ 6 của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc, từng 2 lần không liên tục giữ ngôi vị Hoàng đế nhà Đường; lần đầu từ 3/1/684 đến 26/2/684 và lần thứ hai từ ngày 23/2/705 đến 3/7/710. Ông cũng được sử sách Trung Quốc ghi lại là một ông vua bất tài nhưng sợ vợ tới mù quáng, nên đã làm sụp đổ Đại Chu do Võ Tắc Thiên gây dựng và làm trò cười cho hậu thế.
Khi mới lên ngôi, Lý Hiển từng nói sẽ phong cho Nhạc phụ của mình làm Tể tướng, thậm chí có thể nhường ngôi cho Nhạc phụ là Vi Huyền Trinh. Quần thần văn võ bá quan phản đối và tấu lên Thái hậu Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên nổi giận liền phế truất và đưa tới Hồ Bắc làm Lô Lăng Vương, nhưng thực ra là lưu đày Lý Hiển biệt sứ.
Trong 15 năm bị lưu đày tại đây, Lý Hiển sống những ngày nơm nớp sợ hãi vì sợ bà mẹ Võ Tắc Thiên nổi giận có thể giết bất kỳ lúc nào. Võ Tắc Thiên không hề nương tay đối với gia đình, họ hàng thân thích có hành vi phản nghịch và đã từng giết Thái tử và nhiều người khác trong họ vì phạm tội.
Thời gian này, người an ủi và cũng là chỗ dựa tinh thần duy nhất của Lý Hiển là Vi thị. Lý Hiển thề thốt với Vi thị nếu như được phục vị trở lại làm Hoàng đế sẽ ban thưởng tất cả những gì Vi thị muốn. Quả nhiên, sau này Lý Hiển được phục vị lên ngôi Hoàng đế, ông đã giữ lời hứa, lập tức phong Vi thị làm Hoàng hậu, thậm chí còn đồng ý cho nàng tham chính. Lý Hiển đã nghe theo Vi thị trong mọi việc triều chính. Chính sự nhu nhược của Đường Trung Tông khiến Vi Hoàng hậu bắt đầu nuôi tham vọng gây dựng giang sơn như Võ Tắc Thiên.
Nay Võ Tắc Thiên đã chết, địch thủ đã không còn, Vi Hoàng hậu bắt đầu phóng túng bản thân, thậm chí còn dan díu của Võ Tam Tư (cháu của Võ Tắc Thiên). Thế nhưng, Lý Hiển là người nhu nhược, không dám đối mặt với vợ, chỉ im lặng trước mọi lời đồn, thậm chí còn trừng phạt những ai dâng tấu tố cáo những hành vi ngang tàng của Hoàng hậu. Có lần nhìn thấy Vi Hoàng hậu và Võ Tam Tư ngồi đánh bạc vui vẻ trong hậu cung của mình, thế nhưng Lý Hiển vẫn cười vui vẻ dường như không hề có chuyện gì.
Sau khi trừ bỏ được Thái tử Lý Trùng Tuấn, Vi hậu nhăm nhe phế bỏ Lý Hiển để leo lên đế vị. Nhưng dù nhu nhược tới mấy, Đường Trung Tông cũng không thể chịu đựng được mãi cuộc sống phóng đãng và thái độ lộng quyền của Hoàng hậu.
Năm 710, có quan đại thần là Yến Khâm Dung dâng sớ nói: “Hoàng hậu dâm loạn lại can dự đến việc triều đình, nay cấu kết với bè đảng, có ý định làm phản”. Đường Trung Tông nghe xong liền im lặng. Ngay sau đó, Yến Khâm Dung bị vây cánh của Hoàng hậu giết chết ngay trên đường về. Lý Hiển biết tin, cả ngày buồn bã không vui.
Nhận thấy Hoàng đế bắt đầu thay đổi theo chiều hướng bất lợi, Vi Hoàng hậu quyết định “thanh trừng” chính người chồng đồng cam cộng khổ cùng mình năm xưa. Bấy giờ, An Lạc Công chúa cũng muốn phụ hoàng nhanh chóng qua đời, giúp Vi hậu lâm triều xưng Đế để mình có cơ hội làm Hoàng thái nữ.
Không lâu sau đó, vợ và con gái của Đường Trung Tông bí mật liên kết, bí mật bỏ độc vào bánh của Hoàng đế. Lý Hiển ăn xong trúng độc mà ra đi trong tức tưởi. Tiên đế vừa băng hà, Vi Hoàng hậu giả chiếu chỉ, lập người con nhỏ tuổi lên ngôi để dễ bề thao túng và từng bước thực hiện tham vọng của mình. Nhưng ước vọng chưa thành, người vợ và con gái tàn độc của Trung Tông đã bị Lý Long Cơ dấy binh nổi dậy và tiêu diệt trong cuộc “Đường Long chi biến”.
Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm sợ vợ tới mù quáng khiến một thời làm Vương triều nhà Minh lao đao
Minh Hiến Tông (9/12/1446 – 19/9/1487), tên thật là Chu Kiến Thâm, là vị Hoàng đế thứ 9 của nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa. Ông cai trị từ năm 1464 đến năm 1487, tổng cộng 23 năm với niên hiệu là Thành Hoá, nên còn gọi là Thành Hoá Đế.
Thời đại của ông được gọi là “Thành Hóa tân phong”, một thời kỳ thịnh trị phát triển kinh tế, văn hóa, chế độ pháp luật khoan thứ, giảm miễn tô thuế. Những thành tựu này khiến thời đại của ông được so sánh ngang với “Nhân Tuyên chi trị” của đời ông cụ mình. Tuy nhiên, ông Vua này cũng được người đời ghi tên vào danh sách các ông Vua nổi tiếng sợ vợ.
Chu Kiến Thâm được lập Thái tử lúc còn nhỏ, nhưng luôn bị người chú và quan thần nhiều lần phế truất. Bởi vậy, Chu Kiến Thâm sợ hãi, không dám tiếp xúc với mọi người, cam tâm sống cuộc sống rất buồn tẻ vì luôn lo sợ bị ám hại. Thời điểm đó chỉ có cung nữ Vạn Trinh Nhi, lớn hơn Chu Kiến Thâm 17 tuổi luôn ở bên cạnh chăm sóc an ủi. Khi Chu Kiến Thâm mới chào đời, cung nữ Vạn Trinh Nhi đã được cử tới chăm sóc, bởi vậy sau này trong lúc gặp cảnh hàn vi, Vạn Trinh Nhi là người an ủi và trở thành chỗ dựa tinh thần của Chu Kiến Thâm.
Đối với người đàn bà này, Chu Kiến Thâm không chỉ có ham muốn tình dục mà còn nể sợ, bảo gì cũng nghe. Sau khi ông lên ngôi, Vạn Trân Nhi đã bước vào tuổi trung niên và vẫn chưa có danh phận gì, nhưng bà ta đã lộng quyền, hống hách, coi khinh cả Hoàng hậu và các Quý phi.
Có lần, vì ngạo mạn, vô lễ, Vạn thị bị Ngô Hoàng hậu vớ lấy cái gậy thái giám gõ cho mấy cái vào đầu. Bà ta liền về kể lể với Minh Hiến Tông, thêm mắm thêm muối, rồi khóc lóc, làm mình làm mẩy cho đến khi nhà vua hạ lệnh phế truất Hoàng hậu.
Sử sách ghi chép viết: Vạn Trinh Nhi giữ một vai trò phức tạp với Chu Kiến Thâm như vừa là chị, là mẹ, là bạn, là nô tì, cũng là người tình. Sau khi Chu Kiến Thâm lên ngôi, do tuổi tác của Vạn Trinh Nhi quá cao nên không thể lập vị Hoàng Hậu mà được phong làm Hoàng Quý Phi. Hoàng hậu đã nổi cơn ghen định hãm hại, nhưng do được Vua sủng ái, nên rốt cuộc Hoàng Hậu bị phế truất.
Khi Vạn Trinh Nhi 37 tuổi đã sinh hạ cho Chu Kiến Thâm một Hoàng tử, nhưng chỉ sau một năm đã chết. Sau đó, Vạn Trinh Nhi không còn khả năng sinh con. Vì vậy, bà đã hãm hại tất cả tì thiếp, cung nữ nào có thai với Vua cũng như những đưa trẻ sinh ra. Minh Hiến Tông biết hết nhưng chẳng dám trách mắng gì, chỉ nhẹ nhàng khuyên giải dù biết bà ta chẳng nghe. Thế là nhà Vua đành làm ngơ để bà vợ lẽ già cả diệt sạch máu mủ của mình. Cung nữ họ Kỷ đã sinh hạ cho vua một Hoàng tử, liền bị Vạn Trinh Nhi hãm hại, còn đứa con may nhờ các quan trong Triều và Hoàng Thái Hậu bảo vệ nghiêm ngặt, nên mới sống sót và sau này đã trở thành Minh Hiếu Tông.
Đến năm Vạn Trân Nhi là một bà già 58 tuổi, béo phục phịch, Minh Hiến Tông vẫn vừa yêu vừa sợ vợ. Và khi Vạn Trân Nhi đứt hơi chết trong lúc hành hạ một cung nữ, nhà vua đau khổ như đứt từng khúc ruột, gào khóc rồi sinh bệnh. Cũng vì thương tiếc Vạn phi mà vài tháng sau, nhà vua qua đời ở tuổi 40.
Như vậy, Minh Hiến Tông sợ vợ tới mù quáng khiến một thời làm Vương triều nhà Minh lao đao tưởng chứng như sụp đổ. Hậu quả là ông đã để lại cho hậu thế những điều chê cười.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất kỳ khách du lịch nước ngoài nào. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc nhé!