Hòa Thân được biết tới là một đại tham quan khét tiếng trong lịch sử Thanh triều, và có mối quan hệ “đặc biệt” với vua Càn Long. Đối với Càn Long, Hòa Thân quan trọng đến mức ngày nào không được gặp là không chịu được. Sự sủng ái thậm chí còn hơn cả Hán Ai Đế đối với Đổng Hiền xưa.
Hòa Thân (1750-1799) tự Trí Trai, hiệu Gia Nhạc Đường, là người tộc Nữu Hỗ Lộc thuộc Chính Hồng kỳ Mãn Châu. Xuất thân là một công tử Mãn Châu, Gia thế nhà Hòa Thân tuy không hiển hách song cũng là gia tộc quân công. Ông tổ 5 đời Ni Nha Cáp Nạp Ba Đồ Lỗ đã lập chiến công khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên và được phong Tam đẳng Khinh xa đô úy.
Năm lên 3 tuổi, mẹ ruột của ông qua đời sau khi sinh hạ em trai Hòa Lâm. 6 năm sau, Hòa Thân lại phải chịu cảnh mồ côi cha. Thuở nhỏ, do quan hệ bất hòa với mẹ kế nên phải chịu nhiều vất vả. May mắn khi đó ông được một người hầu lâu năm trong gia đình nuôi dưỡng.
Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học cùng xuất thân Bát kỳ khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế.
Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến. Khi mới gia nhập triều đình, năm 22 tuổi, Hòa Thân giữ chức vị Tam đẳng Thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như lập được nhiều công trạng cho triều đình. Có lần, Càn Long thuận miệng dẫn một câu trong Luận Ngữ để biểu đạt ý trách cứ với quần thần. Khi đó, một thị vệ tuấn tú đã tiếp lời ông. Không chỉ hiểu ý Càn Long, thị vệ kia còn đưa ra một câu trả lời khiến Hoàng đế vô cùng hài lòng. Đó không ai khác chính là Hòa Thân.
Lần khác, Càn Long ngồi ở Viên Minh Viên xem chú giải của Chu Hi về “Mạnh Tử”, nhưng vì chữ quá nhỏ nên Hoàng đế cảm thấy khó nhìn. Ngay lúc ấy, Hòa Thân đã nhanh chí học thuộc toàn bộ chú giải và đọc lại cho Hoàng đế nghe. Nhờ vậy, Hoàng đế khen ngợi ông có tài học, ban chỉ phong cho chức tước.
Nhờ sự khôn khéo và hiểu biết của mình, Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng. Bởi vậy, tới năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), Hòa Thân được giữ chức Đại thần Quản khố, chuyên lo việc quản lý tiền bạc. Từ đây, ông bắt đầu rèn luyện quản lý tài chính. Năng khiếu về chuyện tiền bạc của Hòa Thân từng nhiều lần khiến Hoàng đế trầm trồ khen ngợi.
Tháng Giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng 3 năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội Vụ.
Khi cảm nhận được sự vững chắc của địa vị cũng là lúc Hòa Thân thấu hiểu chân lý “gần vua như gần cọp”. Ông lo lắng nếu một ngày bị bãi quan sẽ không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào tích cóp bổng lộc ít ỏi của triều đình. Cũng từ đây, ông ta dấn thân vào con đường tham ô. Cái “nghiệp” làm tham quan này cũng gắn chặt với ông cho tới tận lúc qua đời.
Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), Đại học sỹ kiêm Tổng đốc Vân Quý là Lý Thị Nghiêu bị tố giác tham nhũng. Càn Long liền hạ lệnh cho Thị lang Bộ Hình là Khách Ninh và Hòa Thân điều tra vụ việc. Vụ án nhiều ngày không tiến triển, chỉ đến khi Hòa Thân dùng hình bức cung quản gia Triệu Nhất Hằng, việc tham ô của Lý Thị Nghiêu mới lộ ra chân tướng. Sự việc bê bối của họ Lý gác lại, Hòa Thân cũng lén lút “bỏ túi” được phân nửa tài sản của tên tham quan này. Sau đó, Càn Long lại càng trọng dụng ông ta. Hòa Thân lúc này lại thêm say mê tiền tài, quyền lực.
Theo quy định của triều đình nhà Thanh, các quan lại không được tham gia vào việc kinh doanh và thu lợi nhuận từ những dịch vụ như cầm đồ, buôn bán… Tuy nhiên, điều này đã không làm khó được kẻ ham tiền và ưa lũng đoạn như Hòa Thân. Trong khi đương chức, Hòa Thân đã tự mình mở hàng loạt những ngành nghề kinh doanh hái ra tiền như cửa hàng lương thực, cửa hàng buôn bán vũ khí, nhà hàng, quán rượu, ngân hàng… Trong chốn thương trường, Hòa Thân luôn tỏ ra là một người ngang ngược, trắng trợn chụp giật, dựa vào thân thế cùng với quyền lực của mình, Hòa Thân đã thâu tóm hầu hết những cửa hàng buôn bán cùng nhiều mặt hàng tại kinh thành và nhiều tỉnh lớn khác tại Trung Quốc vào thời điểm đó. Tất cả chuỗi cửa hàng của Hòa Thân tại kinh thành đều có những kẻ có máu mặt cầm đầu và sẵn sàng trừ khử những đối thủ không chịu về dưới trướng của đại thần họ Hòa.
Vào năm 1788, trong 3.000 vạn lạng bạc tiền thu thuế, Càn Long đã để Hòa Thân tự do chi phí cho mọi hoạt động của triều đình. Trong lần này, với tài biến hóa sổ sách, Hòa Thân đã đút túi không dưới vài vạn lạng. Sử sách Trung Quốc còn ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng các tỉnh cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại “bị hút” về phủ Hòa Thân.
Vậy thì với một người túc trí đa mưu như Càn Long cộng với việc đối xử với các quan lại dưới quyền rất nghiêm khắc, thì hà cớ gì lại để cho Hòa Thân “một tay che trời” như vậy? Điều này có thể nằm ở những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, Hòa Thân thực chất chính là một chiếc túi tiền không đáy để nhà vua mặc sức bòn rút. Càn Long khi về già càng thích hưởng lạc, xa hoa. Mỗi lần vi hành của Hoàng đế đều tiêu tốn một số lượng tiền khổng lồ. Trong khi đó, quốc khố vốn chỉ đủ tiêu, vì vậy, một vị quan tham với túi tiền lớn như Hòa Thân nghiễm nhiên trở thành “két sắt” của Càn Long.
Thứ hai, Hòa Thân được xem là một bề tôi sở hữu thiên phú lấy lòng Hoàng đế. Chỉ cần nhìn qua một cử chỉ hay ánh mắt của Càn Long, tham quan này đã biết phải làm gì, nên nói gì. Nhờ tài nịnh bợ hơn người, Hòa Thân luôn thấu hiểu thánh ý và đem lại sự hài lòng cho Càn Long.
Thứ ba, Hòa Thân thực sự là một nhân tài. Mặc dù bị coi là một đại tham quan, nhưng ông ta luôn duy trì những nguyên tắc, phàm là những chỗ không nên tham ô thì cương quyết không lấy dù chỉ một đồng.
Thứ tư, Càn Long muốn để cho Hòa Thân lấp đầy túi tham, đạt đến đỉnh cao quyền lực. Sau đó, để cho Gia Khánh trừng trị ông ta, như một “món quà” cho người kế vị. Tuy nhiên, không có căn cứ lịch sử nào xác thực cho điều này, và Càn Long không có lý do để làm vậy. Bởi lẽ, tiền mà Hòa Thân tham ô được cũng chính là từ ngân khố của Càn Long. Hòa Thân cũng đã tiêu xài, sống xa xỉ không hề ít, Càn Long không khác gì tự đào hố chôn mình. Mặt khác, nếu cứ để mặc cho Hòa Thân thâu tóm quyền lực, hoàng đế non trẻ Gia Khánh rất có thể bị lật đổ. Chưa kể, có rất nhiều chi tiết thể hiện vào những năm cuối đời, Càn Long vẫn thể hiện sự tín nhiệm tuyệt đối với Hòa Thân.
Ngoài ra, theo như lời đồn đại, giữa Càn Long và Hòa Thân có tình cảm đồng tính. Nhưng tài liệu được ghi lại nhiều nhất là việc Hoà Thân chính là truyền kiếp của phi tử đã chết vì Càn Long hoá thành.
Theo giai thoại, vì vô tình vung lược đập trúng mặt Càn Long (lúc này đang là Thái tử) khiến Càn Long bị một vết đỏ ở mặt nên phi tử của Ung Chính (cha Càn Long) đã bị thái hậu ban cho cái chết. Sau cái chết đó, Càn Long vô cùng đau khổ. Vị vua này đã quyết định dùng ngón tay của mình chấm một vết lên cổ vị phi tử này và hẹn kiếp sau sẽ lại cùng nhau gặp gỡ.
Sau khi trở thành vị vua anh minh của nhà Thanh, Càn Long lại vô tình bắt gặp Hoà Thân có mang theo một vết bớt đỏ hình ngón tay trên cổ và cho rằng đây chính là vị phi tử đầu thai.
Theo rất nhiều tài liệu đã ghi chép, Hoà Thân sở hữu dung mạo rất đẹp, trắng trẻo, môi đỏ, khuôn mặt sắc nét rất quyến rũ. Sử sách cũng ghi lại “Hòa Thân có dung mạo trắng trẻo, da trắng môi đỏ, cử chỉ trang nhã xinh đẹp chẳng khác gì nữ nhân”. Khi gặp Càn Long, Hòa Thân đang ở độ tuổi 20, Sử Trung Quốc là: diễm lệ hơn cả phi tần của Càn Long.
Ngoài sở hữu vẻ ngoài đầy kiều diễm giống với người phi tần quá cố của mình, Hoà Thân còn tinh thông vạn việc khiến Càn Long càng ngày sủng hạnh. Theo nhiều ghi chép, hằng ngày vị vua này cứ quấn quít lấy Hoà Thân bất kể có bao cung tần mỹ nữ vây quanh, thậm chí nếu một ngày Càn Long không thể gặp được Hoà Thân thì sẽ không chịu được nên vị đại thần này phải luôn ở bên cạnh ngày đêm hầu hạ và chăm nom. Trước sự sủng hạnh của Càn Long, Hoà Thân không hề tỏ ra chán ghét mà ngược lại còn rất thích thú, thậm chí Hoà Thân còn dành cho Càn Long một tình cảm rất đặc biệt và xem như “người yêu” của mình.
Để chứng minh cho “tình yêu” của mình, Càn Long thậm chí đã gả đệ nhất công chúa mà ông nhất mực yêu thương cho con trai Hòa Thân và phong hiệu “Phong Thân Ân Đức”. Một số tài liệu còn ghi rằng Càn Long từng có ý định nhường ngôi cho Hòa Thân và việc này đã khiến vị vua Gia Khánh sau này vô cùng tức giận.
Do nhiều biến cố đã xảy ra mà sau này Hoà Thân đã bị xử chết tại pháp trường, trước giây phút sinh tử của cuộc đời thì Hoà Thân chỉ nghĩ đến “người yêu” Càn Long của mình. Hoà Thân đã sáng tác một bài thơ ngay tại lúc ấy với nội dung: nếu có kiếp sau ông cùng xin được làm thần tử hầu hạ cho Càn Long.
Lịch sử vẫn luôn tồn tại nhiều uẩn khúc mà người đời không thể biết hết được, cũng chẳng ai có thể khẳng định những ghi chép trên là đúng hay sai. Nhưng những nghi án ấy cũng không phải là vô căn cứ vì không phải tự nhiên mà Càn Long lại dành cho Hoà Thân một sự ưu ái quá đỗi đặc biệt như vậy. Và còn một điều mà ít ai nghĩ tới chính là việc Hòa Thân lại sở hữu dung mạo mỹ miều như những nữ nhân để khiến Càn Long mê mẩn cả đời.
Mối quan hệ “đặc biệt” giữa Hoà Thân và Vua Càn Long cũng như những giai thoại về “đại tham quan” khét tiếng này có lẽ không thể nào kể hết được. Trong hành trình du lịch Trung Quốc, du khách hãy một lần tự mình đến với Cung Vương Phủ của ông, để biết thêm nhiều chi tiết thú vị cũng như vô số những điều bí ẩn xoay quanh cuộc sống lúc sinh thời của vị quan tai tiếng nhất triều đại nhà Thanh này nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi thú vị và vui vẻ!