“Hành khúc nghĩa dũng quân” – Quốc ca của đất nước Trung Quốc

quoc ca trung quoc 3

“Hành khúc nghĩa dũng quân” (義勇軍進行曲) là Quốc ca của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được nhà thơ và soạn giả ca kịch Điền Hán viết lời và Niếp Nhĩ phổ nhạc vào khoảng giữa giai đoạn Chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945). Bài này thuộc thể loại hành khúc.

Điền Hán viết “Hành khúc nghĩa dũng quân” vào năm 1934 cho một vở kịch ông soạn cũng vào năm đó. Theo dân gian thì ông viết lời bài này trên một mẩu giấy thuốc lá sau khi bị bắt tại Thượng Hải và bị đưa vào nhà lao Quốc Dân Đảng năm 1935. Bài hát này sau khi được sửa lại đôi chút đã trở thành bài hát chủ đề trong bộ phim Phong vân nhi nữ do Công ty Điện ảnh Điện Thông Thượng Hải dàn dựng vào năm 1935. Bộ phim này thuật lại câu chuyện một nhà thơ tên là Tân Bạch Hoa đại diện cho tầng lớp trí thức của nước Trung Hoa cũ, đã gác lại ngòi bút sáng tác của mình, cầm súng xung phong ra mặt trận chống Nhật, xông pha trước quân thù. “Hành khúc nghĩa dũng quân” xuất hiện ở phần đầu và phần cuối của bộ phim này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho đông đảo khán giả hồi đó. Không bao lâu nó liền trở thành chiến ca nổi tiếng của Trung Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Bài hát này cũng được Pathé thuộc tập đoàn EMI phát hành trong một đĩa hát vào năm 1935.

quoc ca trung quoc 1

Bài này lần đầu tiên được dùng làm Quốc ca là trong một hội thảo quốc tế tổ chức tại Praha, Tiệp Khắc tháng 2/1949. Vào thời gian đó Bắc Kinh vừa lọt vào tầm kiểm soát của những người cộng sản Trung Quốc. Lúc đó nổ ra một tranh luận xung quanh câu: “Đất nước Trung Hoa đã gặp lúc hiểm nguy”. Nhà sử học Quách Mạt Nhược liền đổi câu trên thành: “Dân tộc Trung Quốc đã đến hồi giải phóng”.

Người đầu tiên nêu đề nghị lấy bài “Hành khúc nghĩa dũng quân” làm Quốc ca của nước Trung Hoa mới là Từ Bi Hồng, một họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc. Tháng 6/1949, hội nghị trù bị thành lập nước Trung hoa mới của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (gọi tắt là Chính Hiệp) Trung Quốc thảo luận việc quyết định quốc ca, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến của mình, một số đại biểu bày tỏ nên kết nạp đề nghị của họa sĩ Từ Bi Hồng lấy bài “Hành khúc nghĩa dũng quân” làm Quốc ca, nhưng hội nghị chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Ngày 2/9/1949, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai,… đã đến nghe ý kiến của các đại biểu, ngày 25/9/1949, tại Trung Nam Hải, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai lại tổ chức buổi tọa đàm hiệp thương về vấn đề quyết định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, cách tính năm và thủ đô của nước Trung Hoa mới, mời nhân sĩ các đảng phái và nhân sĩ giới văn hóa tham gia. Tổ 6 của hội nghị trù bị Chính Hiệp quyết định đề án lấy “Hành khúc nghĩa dũng quân” làm Quốc ca và chính thức trình lên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc xét duyệt.

quoc ca trung quoc 4

Ngày 27/9/1949, toàn thể đại biểu của hội nghị Chính Hiệp nhất trí thông qua, trước khi xét định Quốc ca của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, lấy bài “Hành khúc nghĩa dũng quân” làm Quốc ca. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến không đồng ý đối với câu thứ ba. Khi đó Chu Ân Lai đưa ra đánh giá cuối cùng: “Trước mắt chúng ta vẫn còn kẻ thù đế quốc. Chúng ta càng tiến, kẻ thù sẽ càng tìm cách tấn công và phá hoại chúng ta. Liệu có thể nói là chúng ta sẽ không còn nguy hiểm không?”. Quan điểm này được Mao Trạch Đông tán thành và vào ngày 27/9/1949, bài này trở thành Quốc ca tạm thời, chỉ vài ngày trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 5 vào năm 1978, lại thông qua việc chính thức lấy bài “Hành khúc nghĩa dũng quân” làm Quốc ca.

dien han niep nhi

Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Điền Hán bị bắt giam, và cũng vì thế mà bài “Hành khúc nghĩa dũng quân” cũng bị cấm hát. Thế là trong giai đoạn đó, bài “Đông phương hồng” được chọn làm Quốc ca không chính thức.

“Hành khúc nghĩa dũng quân” được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc khôi phục lại vào năm 1978, nhưng với lời khác hẳn; tuy vậy, lời ca mới không được thông dụng lắm và thậm chí gây nhầm lẫn. Vào ngày 4/12/1982, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc thống nhất chọn lại bản gốc năm 1935 của Điền Hán làm Quốc ca chính thức. Điểm nổi bật trong lời hiện nay là không đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Quốc lẫn Mao Trạch Đông và việc quay lại lời ca cũ đánh dấu sự đi xuống của Hoa Quốc Phong và tệ sùng bái cá nhân đối với Mao cũng như uy thế đi lên của Đặng Tiểu Bình.

quoc ca trung quoc 2

Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc công nhận bài này là Quốc ca chính thức của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trong bản sửa đổi năm 2004 của Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Phần Quốc ca được đề cập ngay sau phần nói về Quốc kỳ.

Vậy là du khách đã biết được thêm về Quốc ca của Trung Quốc. Hãy đăng ký tham gia tour du lịch Trung Quốc để có cơ hội khám phá nhiều hơn về những nét đặc trưng trong văn hóa của đất nước xinh đẹp này nhé!