Trung Quốc là một quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi khi nhắc tới đất nước này, người ta có thể dễ dàng nhắc tới những biểu tượng đặc trưng, chẳng hạn như Quốc kỳ – “Ngũ Tinh Hồng Kỳ”.
Lịch sử Quốc kỳ Trung Hoa
Cũng như Quốc ca, lịch sử Quốc kỳ của Trung Quốc cũng không dài. Cho mãi đến cuối thời Mãn Thanh mới bắt đầu công bố lá Quốc kỳ chính thức và mang ý nghĩa thực tế lúc bấy giờ. Tài liệu ghi lại rằng, lá Quốc kỳ đầu tiên được chính thức xác định của Trung Quốc cũng có liên quan đến vị trọng thần triều đình nhà Thanh Lý Hồng Chương.
Sau cuộc chiến tranh Nha Phiến năm 1840, các nước Phương Tây xâm lược Trung Quốc, trong các hoạt động ngoại giao đàm phán, ký điều ước, thông thương, cử quan chức ngoại giao,… với các nước phương Tây, Lý Hồng Chương thấy phía các nước đó đều treo quốc kỳ trang nghiêm của nước họ, vậy mà phía Trung Quốc lại không có quốc kỳ để treo, ông ta cảm thấy mất đi vẻ “Uy nghi của triều đình”. Thế là ông ta liền tâu lên Từ Hy Thái hậu. Bà Từ Hy liền lệnh cho Lý Hồng Chương bố trí cho người thiết kế đồ án Quốc kỳ. Sau đó Lý Hồng Chương dâng lên phương án các đồ án của Quốc kỳ gồm: cờ Bát quái, cờ Hoàng long, cờ Kỳ lân và cờ Hổ báo để Từ Hy Thái hậu lựa chọn. Năm 1862, Từ Hy Thái hậu quyết định sử dụng cờ mang đồ án Hoàng Long làm Quốc kỳ của triều đình nhà Thanh. Hình con rồng màu vàng chính là tượng trưng cho Hoàng đế nhà Thanh, lấy hình con rồng vàng làm Quốc kỳ mang ý nghĩa là “Trẫm chính là quốc gia”.
Ngày 10/01/1912, triều đình nhà Thanh bị lật đổ, cờ Hoàng Long cũng đã bị Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đổi thành cờ Thanh Thiên Bạch Nhật (do Lục Hạo Đông thiết kế vào năm 1895). Cờ Thanh Thiên Bạch Nhật có một mặt trời với 12 tia sáng trên nền màu xanh lam. 12 tia sáng ấy đại diện cho 12 tháng và 12 canh giờ, mỗi canh giờ tương ứng với 2 giờ hiện đại và tượng trưng cho tinh thần phát triển. Về sau, Tôn Trung Sơn còn thêm nền đỏ trên lá cờ để nhắc nhớ đời sau về sự hi sinh của các chiến sĩ cách mạng. Và sau đó, lá cờ nền đỏ với hình chữ nhật xanh lam có hình mặt trời màu trắng ở góc trái trên cùng được chọn làm quốc kỳ Trung Hoa Dân Quốc (từ ngày 17/12/1928).
Trong thời kỳ Xô Viết năm 1931, lá cờ là một đế màu đỏ với một quả địa cầu ở trung tâm. Quả địa cầu có một cái liềm và một cái búa đen nằm bên trong. Trên đỉnh địa cầu có một ngôi sao vàng và vòng nguyệt quế xuất hiện ở hai bên trái và phải.
Quốc kỳ Trung Quốc sau đó đã được thay đổi vào năm 1934 để bao gồm lưỡi liềm và búa xuất hiện ở bên trái của lá cờ màu đỏ. Ở phía bên phải của lá cờ có một biểu tượng nói rằng “Cộng sản Trung Quốc”. Quốc kỳ Đài Loan từng được Quốc dân Đảng Quốc dân đảng (KMT) treo ở Trung Quốc. Sau năm 1949, lá cờ của Đảng Cộng sản dưới thời Mao Trạch Đông đã trở thành lá cờ tồn tại lâu hơn tất cả.
Hiện nay, Quốc kỳ chính thức của Trung Quốc là một lá cờ màu đỏ với 5 ngôi sao vàng, trong đó một ngôi sao lớn hơn được bao quanh bởi 4 ngôi sao nhỏ.
Đôi khi Quốc kỳ này được gọi là “Ngũ Tinh Hồng Kỳ”. Người thiết kế lá cờ đỏ năm sao là Zeng Liansong. Trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hội nghị Trù bị của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Mới đã yêu cầu toàn quốc dự thảo quốc kỳ. Trong số vài ngàn bản dự thảo đã lựa chọn ra được đồ án Quốc kỳ là lá cờ đỏ năm sao do Zeng Liansong thiết kế. Ngày 27/9/1949, Hội nghị Toàn thể lần Thứ Nhất của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Toàn quốc đã thông qua quyết nghị: Quốc kỳ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là lá cờ năm sao nền đỏ. Lá cờ này chính thức được kéo lên lần đầu tiên tại Quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh trong buổi lễ tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Hình dạng Quốc kỳ Trung Hoa
Không quá đơn giản như các Quốc kỳ chỉ bao gồm những sọc màu như Quốc kỳ Đức hay quốc kỳ Ba Lan, nhưng cũng không quá cầu kỳ như Quốc kỳ Hàn Quốc và Quốc kỳ Mỹ, Quốc kỳ của Trung Quốc được thiệt kế một các phức tạp vừa phải.
Quốc kỳ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là lá cờ đỏ có năm ngôi sao. Lá cờ đỏ năm ngôi sao nom trang nghiêm mà giản dị. Nền cờ màu đỏ, hình chữ nhật, tỷ lệ giữa chiều dài và chiều cao là 3:2, năm ngôi sao năm cánh màu vàng được đặt ở góc trên bên trái, trong đó có một ngôi sao to hơn, bốn ngôi sao nhỏ hơn được trải thành vòng cung ở bên phải ngôi sao lớn, ngôi sao nào cũng có một góc chiếu thẳng vào trung tâm điểm của ngôi sao lớn.
Nền màu đỏ tượng trưng cho máu của các chiến sĩ cách mạng đã hi sinh tính mạng vì độc lập của dân tộc. Màu đỏ cũng là màu đại diện cho chủ nghĩa cộng sản, cho cách mạng.
Ngôi sao có màu vàng tượng trưng cho chiến thắng, cho ánh sáng. Tuy nhiên, việc không công bố chính thức ý nghĩa của 5 ngôi sao nên điều này vẫn là điều bí ẩn và khiến mọi người hoài nghi, đồn đoán các giả thuyết.
– 5 ngôi sao tượng trưng cho sự đoàn kết của nhân dân cách mạng đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Trong đó, 4 ngôi sao nhỏ tượng trưng cho lực lượng của cách mạng bao gồm: giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị và tư sản dân tộc đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa là ngôi sao lớn.
– Ngôi sao lớn tượng trưng cho Trung Quốc, 4 ngôi sao nhỏ tượng trưng cho Đông di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch.
– 5 ngôi sao tượng trưng cho 5 dân tộc lớn ở Trung Quốc, ngôi sao lớn là Hán, 4 ngôi sao nhỏ là Hồi, Mông, Tạng, Mãn.
– 5 ngôi sao lớn tượng trưng cho đại lục, 4 ngôi sao nhỏ tượng trưng cho 4 khu tự trị.
Toàn bộ lá cờ thể hiện sự vững lòng vượt qua mọi kẻ thù của nhân dân Trung quốc, đương nhiên là dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản.
Quốc kỳ Trung Quốc tượng trưng cho uy quyền và sự tôn nghiêm, thể hiện truyền thống và ý tưởng của quốc gia qua màu sắc và hình dáng đặc trưng riêng. Thông qua sự tìm hiểu về Quốc Kỳ của đất nước xinh đẹp này, du khách hãy đăng ký tham gia tour Trung Quốc để có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về nền văn hóa này nhé!