Khang Hy Đế đăng cơ năm 7 tuổi và nhiếp chính ở tuổi 13. Ông trị vì 62 năm – thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Khang Hy có rất nhiều phi tần, nhưng chỉ có 4 Hoàng hậu. Trong số 4 vị Hoàng hậu của Khang Hy, người đặc biệt nhất có lẽ là Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu. Bà làm Quý phi 5 năm, lên Hoàng Quý phi 8 năm, cuối cùng được phong Hoàng hậu nhưng chỉ tại vị 8 tiếng đồng hồ.
Cuộc đời của Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu tuy ngắn ngủi nhưng tình cảm của Khang Hy dành cho bà không hề ít ỏi. Sau khi Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu qua đời, Khang Hy Đế không lập Hậu nữa trong khi ông chỉ mới 35 tuổi, ngay cả Hoàng Quý phi cũng không.
Thân thế
Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu (? – 24/8/1689) là người của dòng họ Đông Giai thị thuộc Hán Quân Tương Hoàng kỳ, sau cải về Mãn Châu Bát kỳ.
Từ thời Dân Quốc đến hiện đại, vẫn còn có nhiều hiểu lầm cho rằng Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu cùng tộc nhân “Đông Giai thị” là người Hán, sau được ban đài kỳ mới trở thành quý tộc Mãn Châu như sách sử ghi chép. Thực tế thì dòng họ “Đông Giai thị” vốn là người Mãn, nhưng khi sơ kì nhập quan lại bị phân thành thuộc “Hán Quân Tương Hoàng kỳ”. Về sau do dòng họ của bà được nhập Mãn Châu bổn kỳ, tức “Mãn Châu Tương Hoàng kỳ”. Điều này phần nhiều do chế độ Bát Kỳ vốn không phân dân tộc tính, tuy rằng đa số người Mãn sẽ vào Mãn Châu Bát kỳ, nhưng cũng không ít vốn là Mãn mà lại phân vào Hán Quân, điển hình Đông Giai thị, thì còn có Thạch thị – Đích Phúc tấn của Phế Thái tử Dận Nhưng.
Tằng tổ phụ của bà là Đông Dưỡng Chân, xuất thân Hán Quân Tương Hoàng kỳ, có tổ tiên là người Nữ Chân tên Đạt Nhĩ Hán thế cư ở đất Đông Giai, nên lấy đó làm họ. Về sau, Đạt Nhĩ Hán đến cậy nhờ nhà Minh nên đổi qua họ “Đông thị” của người Hán, cùng em trai ở Lữ Thuận phát triển nghề buôn. Khi Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích tấn công Lữ Thuận, Đông Dưỡng Chân cùng em trai là Đông Dưỡng Tính quy phụ, được xếp vào Hán Quân Tương Hoàng kỳ. Do hi sinh trong cuộc chiến với nhà Minh, nên Đồng Dưỡng Chân được liệt công lớn, con cháu cũng được thiện đãi. Tổ phụ của Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu là Quốc cữu Thái tử Thái bảo, tặng Thiếu bảo Đông Đồ Lại, qua đời vào năm Thuận Trị thứ 15, được tặng thụy hiệu “Cần Tương”. Ông có hậu duệ, là Hiếu Khang Chương Hoàng hậu, Đông Quốc Cương và Đông Quốc Duy. Phụ thân Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu là Đông Quốc Duy, với thân phận là em trai của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu, đảm đương chức vụ Nội đại thần, cưới chính thê là người bộ tộc Hách Xá Lý, sinh ra Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu. Bà có một em trai là Long Khoa Đa, một em gái tức Khác Huệ Hoàng Quý phi của Khang Hy Đế.
Trong gia tộc, người chú Đông Quốc Cương của bà là người thừa kế lớn nhất, ngay thời đầu Khang Hi đã đảm nhiệm Nội đại thần, tham dự triều chính. Xuất thân gia tộc cao quý, lại là cháu gái của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu – sinh mẫu của Khang Hy Đế, nên có thể suy đoán quan hệ thân thiết giữa Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu và Khang Hy Đế tương đối phát triển từ sớm.
Vị phi tần không thích bon chen
Với tư cách là cháu gái của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu – sinh mẫu của Khang Hy Đế, Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu được chọn vào cung từ rất sớm. Năm Khang Hy thứ 15, tức năm 1676, Đông Giai thị (Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu) tiến cung với thân phận cách cách. Thế nhưng, Khang Hy không hề ngó ngàng đến cô em họ này. Mặc dù không cho bà danh phận nhưng đãi ngộ không hề thua kém cấp bậc phi tần.
Năm Khang Hy thứ 16 (1677), Khang Hy Đế quyết định lập Phi Nữu Hỗ Lộc thị làm Hoàng hậu, tức Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu. Cùng năm, ngày 14/5 (âm lịch), Khang Hy Đế thừa Chiêu Thánh Thái Hoàng Thái hậu ý chỉ mà ân phong hậu cung. Lúc này, Đông Giai thị được sách phong Quý phi.
Một năm sau, Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu qua đời. Mười mấy năm sau đó, Khang Hy không hề lập Hoàng hậu. Đông Giai thị lúc bấy giờ đang là Quý phi có quyền lực cao nhất trong hậu cung, quản lý lục cung.
Năm Khang Hy thứ 20 (1681), sau khi bình định Loạn Tam Phiên, Khang Hy Đế quyết định khao thưởng Công thần, ân phong Hậu phi. Ngày 25/10 (âm lịch) cùng năm, Khang Hy Đế ra chỉ dụ tấn phong Quý phi Đông Giai thị làm Hoàng Quý phi.
Ngày 19/6/1683, bà hạ sinh Hoàng bát nữ. Tuy nhiên, 1 tháng sau Hoàng bát nữ chết non. Vào lúc Hoàng bát nữ sinh ra rồi mất, Khang Hy Đế đang ở bên ngoài, bèn ra chỉ dụ thiêu đi. Hoàng Quý phi Đông Giai thị rất thương con gái, khi để tang dường như đau buồn quá độ, từ đó sinh bệnh trong người. Và cũng kể từ đó về sau, bà không còn sinh cho Khang Hy Đế người con nào nữa.
Mặc dù không có con cái, nhưng Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu vẫn có địa vị cực cao trong hậu cung. Nắm trong tay quyền lực gần như mẫu nghi thiên hạ, nhưng bà rất cô đơn. Thế là bà nuôi dưỡng Tứ A Ca Dận Chân (tức Ung Chính Đế sau này) như con ruột của mình.
Hoàng hậu tại vị ngắn nhất lịch sử Trung Hoa
Đầu tháng 7 năm Khang Hi thứ 28, Đông Giai thị lâm bệnh nặng, nguyên nhân đến từ việc nỗi đau mất con và cô đơn trống vắng. Hoàng Thái hậu biết chuyện thì vô cùng quan tâm vì Đông Giai thị đã nhiều năm dìu dắt Hoàng tử mà không tâm tư ý đồ riêng.
Hoàng Thái hậu nhận ra không khí trong hậu cung ảm đạm kể từ khi Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu qua đời. Thế là bà đã hạ ý chỉ cho Hoàng đế Khang Hy rằng: “Hoàng Quý phi Đông Giai thị hiếu kính lễ nghĩa, hiền thục nết na, tận tâm dạy dỗ các a ca, không màng danh lợi. Nay Hoàng Quý phi bệnh nặng triền thân, sinh tử vô thường, lập tức phong Hậu”.
Căn cứ vào “Khang Hy khởi cư chú” ghi chép, Khang Hy tuân theo ý chỉ của Hoàng Thái hậu, ngày 9/7/1689 ra chỉ dụ chính thức sách lập Hoàng quý phi Đông Giai thị thành Hoàng hậu.
Ngày 10/7/1689, Hoàng cung cử hành nghi thức phong Hậu, công bố toàn quốc. Thế nhưng, trong ngày trọng đại đứng lên vị trí mẫu nghi thiên hạ mà phi tần nào cũng khát khao này, Đông Giai thị đã băng thệ tại Thừa Càn cung vì bệnh chuyển nặng đột ngột. Tang lễ của bà được tổ chức theo nghi thức của một Hoàng hậu. Thậm chí sự tôn trọng mà Khang Hy dành cho Đông Giai thị còn nhiều hơn cả hai vị Hoàng hậu trước. Mặc dù bà không có con cái, nhưng bà đã thay Khang Hy dạy dỗ nhiều vị Hoàng tử, trong đó có Ung Chính. Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu còn là “người vợ” duy nhất khiến Khang Hy hoài niệm trong lòng nhiều nhất. Mặc dù bà chỉ sống vỏn vẹn 27 năm, trở thành Hoàng hậu trong 8 tiếng, nhưng đã trở thành một phần nổi bật trong lịch sử đầy màu sắc của nhà Thanh.
Sau khi Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu qua đời, Khang Hy vô cùng đau khổ. Ông đã tạm ngưng thượng triều 5 ngày, mặc tang phục liên tục 10 ngày. Trong lễ tang, Khang Hy Đế đờ đẫn mà ở bên cạnh Tử cung (cách gọi của quan tài dành cho Hoàng tộc nhà Thanh) nhiều ngày, đau lòng không thôi.
Ngày 22/9, Hoàng cung tổ chức lễ phong ích hiệu Đông Giai thị là “Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu”. Tử cung được đặt tại chính điện của Thừa Càn cung. Ngày 30/7, quan tài được đưa đến phòng mộ ngoài Triều Dương môn. Ngày 11/10, quan tài được đưa lên lăng mộ hoàng thất. Khang Hy Đế đích thân tiễn đưa.
Làm Hoàng hậu chỉ vỏn vẹn 8 tiếng, nhưng thật ra, Đông Giai thị đã cai quản lục cung 8 năm liền. Trong mắt hạ nhân và thậm chí Khang Hi cũng đều xem bà là chủ nhân của hậu cung. Nguyên nhân khiến Khang Hy mãi không phong Hậu cho bà là vì hai vị Hoàng hậu trước qua đời rất sớm. Điều này đã để lại vết thương lòng cho ông. Song tình cảm của Hoàng đế dành cho Đông Giai thị còn lớn hơn cả. Sau khi Đông Giai thị mất, Khang Hy đã làm rất nhiều bài thơ trác vong (thể loại thơ của người Hán được viết bởi người chồng dành tặng vợ đã khuất). Bài thơ “Vãn Đại Hành Hoàng hậu thi tứ thủ tịnh tự – 挽大行皇后诗四首并序” là một trong số đó.
“Đại Hành Hoàng hậu tú chung hoa phiệt, đức bị khổn nghi, tố ý thân vu vị dương, định gia tường vu quỳ nhuế. Cung vi dực tán, khắc hiếu khắc từ. Khoảnh giả chính vị địch du, phủ thừa sách mệnh, cự anh đốc tật, mạc vãn huy âm. Thời chúc tân thu, hầu đương lan thử, kinh toàn tiêu chi nguyệt trụy, thương bích lạc chi tinh thẩm. Vật tại nhân vong, đổ di khuê nhi tuyết thế; đình hư trú vĩnh, kinh thùy mạc dĩ sảng hoài. Bi tòng trung lai, bất năng tự dĩ, ác quản ngôn tình, liêu trừ thống điệu.
Đệ nhất thủ
Nguyệt yểm tiêu cung thán biệt ly, thương hoài thủy giác dạ trùng bi.
Lệ thiêm vũ điểm thiên hành hạ, tình cát thu quang bách lự tùy.
Nhạn đoạn hành dương thanh dĩ tuyệt, ngư trầm thương hải tín nan kỳ.
Phồn ưu mạc giải trung tràng mộng, trù trướng tiêu hồn ức tích thời.
Đệ nhị thủ
Giao di lệ sái tịch dương hồng, đồ bả sầu mi hướng kính trung.
Lộ lãnh dao giai tăng tịch mịch, yên hàn bích thụ hận tây đông.
Cựu thi vịnh tẫn nan hồi thủ, tân nguyệt thăng lai uổng chiếu không.
Loan ảnh thiên nhai vô tín tức, đoạn huyền thanh tại vị ương cung.
Đệ tam thủ
Âm dung bi tiệm viễn, thế lệ vi thùy lưu.
Nữ đức quang thiên tự, khôn trinh ứng cửu châu.
Lương phong tiêu dạ chúc, nhân ảnh tán quỳnh lâu.
Thán thử hồ sinh khổ, tần kinh vô hạn sầu.
Đệ tứ thủ
Tích lịch động thu thanh, trung tâm úc bất bình.
Ly sầu phùng diệp lạc, biệt hận oán cung minh.
Tịch tịch dao trai các, trầm trầm bích hải hoành.
Ngọc cầm ai hưởng xuyết, tiêu điện thống tàn canh.”
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng chúng tôi nhé!