Lễ hội đèn lồng là một phong tục không thể thiếu khi kết thúc mùa Tết Nguyên Đán của Trung Quốc. Đèn lồng đỏ được treo ở mọi nẻo đường mọi khu phố như dấu hiệu tạm biệt những ngày đầu xuân năm mới. Khi phố lên đèn, những chiếc đèn đỏ lung linh treo cao như tương lai tươi sáng.
Ngày 15/1 âm lịch hay còn gọi là ngày rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người Châu Á. Có nơi thậm chí còn quan niệm: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Ở Trung Quốc, ngày này người ta tổ chức Lễ hội đèn lồng để chính thức kết thúc những ngày Tết nguyên Đán.
Lễ hội đèn lồng ở Trung Quốc đã có từ rất lâu đời. Theo sử sách thì lễ hội này bắt nguồn khoảng từ năm 206 trước Công nguyên đến năm thứ 25 sau Công nguyên. Thời ấy, đạo Phật tại Trung Quốc rất phát triển. Vào ngày trăng tròn của tháng âm lịch đầu tiên trong năm mới, các nhà sư thường thắp đèn lồng để cầu nguyện Phật. Một vị vua sùng đạo Phật thấy vậy cũng đã ra lệnh thắp sáng đèn lồng trong cung điện và các đền thờ để tỏ lòng tôn kính Phật. Về sau, truyền thống trên đã phát triển thành một lễ hội lớn trong dân chúng.
Lễ hội đèn lồng cũng gắn liền với nhiều truyền thuyết. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân Thiên đình đúng ngày 15 tháng 1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới. Rất may cho loài người là có một số vị thần trên Thiên đình không đồng ý với quyết định có phần hơi nặng tay của Ngọc Hoàng. Họ đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên Thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hoả. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong.
Một truyền thuyết khác: Vào thời Hán Vũ Đế, có một cô gái trẻ tên là Yuanxiao sống trong cung bị cấm về thăm cha mẹ vào ngày 15 tháng 1 đã có ý định lao xuống giếng để tự vẫn. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô gái, một vị quan cận thần có tên là Dongfang Shuo đã nghĩ ra một kế để giúp cô. Ông tâu với Hán Vũ Đế rằng, ngày 16 tháng 1, Thiên dình sẽ sai Hỏa thần xuống thiêu rụi Kinh thành. Để tránh tai họa đó, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường vào ngày 15. Theo lệnh của Hán Vũ Đế, ngày đó mọi nhà đều treo đèn lồng, nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ đã trốn về nhà thăm cha mẹ mà không hề ai biết.
Đối với mỗi người dân Trung Quốc, lễ hội này có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Không chỉ tiếp nối truyền thống và lịch sử của dân tộc, Lễ hội đèn lồng còn là nơi mọi người cầu mong một năm mới suôn sẻ. Trong quá khứ, Lễ hội đèn lồng còn là dịp cầu duyên của những người trẻ tuổi đang tìm kiếm tình yêu. Người Trung Quốc quan niệm rằng ánh sáng từ những chiếc đèn lồng đỏ sẽ xua tan đi giá lạnh của mùa đông và chào đón mùa xuân ấm áp. Đèn lồng thắp sáng như xua đi bóng tối và thắp lên một tương lai tươi sáng và tốt đẹp phía trước.
Vào ngày này, những chiếc đèn lồng sẽ được treo kín các con đường, từ những khu phố về ngõ nhỏ trên khắp đất nước Trung Quốc. Nơi tổ chức trưng bày đèn lồng hoành tráng nhất là đền Khổng Tử ở Nam Kinh (thành phố Hạ Môn), vườn đào Thượng Hải và công viên Việt Tú ở Quảng Châu. Ghé thăm Trung Quốc vào dịp này du khách sẽ được thưởng thức những nét đẹp văn hoá Trung Hoa đặc sắc và độc đáo riêng có nơi đây.
Cứ đến chiều tối, người người sẽ đổ xuống đường phố để thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy của hàng nghìn chiếc đèn lồng đa dạng về chủng loại, chẳng hạn như: đèn lồng cung đình, đèn lồng vải, đèn lồng vải và nhiều loại khác. Có nhiều loại hình ảnh được trang trí trên lồng đèn như: Họa tiết hình tượng, tranh phong cảnh, hoa và chim, hoa văn rồng phượng, cá và côn trùng. Ngoài ra, còn có lồng đèn kéo quân có khả năng làm cho hình ảnh chuyển động. Thiết kế truyền thống nhất, được nhìn thấy nhiều nhất là lồng đèn có hình dáng quả bí ngô, đính tua rua ở dưới. Có đôi khi là đèn lồng dạng hình trụ, mà các cung nữ ngày xưa hay dùng khi di chuyển. Các vật liệu được sử dụng để làm đèn lồng rất đa dạng. Thông thường, khung đèn được làm từ vật liệu tre, mây, gỗ, sợi thép. Bọc xung quang là vải hoặc giấy. Tùy từng loại chất liệu mà được trang trí họa tiết.
Xuyên suốt lễ hội, những tiết mục bắn pháo hoa, biểu diễn múa lân và kịch nghệ sẽ diễn ra liên tục giúp không khí lễ hội càng thêm nhộn nhịp và từng bừng, những nụ cười vui vẻ và hạnh phúc luôn nở trên môi mỗi người. Không chỉ vậy các hoạt động như treo điều ước, giải câu đố đậm nét văn hoá truyền thống cũng diễn ra thu hút người dân và du khách đến trải nghiệm.
Một trong những điểm nhấn chính của lễ hội này là hoạt động thả đèn hoa đăng. Người tham dự sẽ viết những điều ước của mình cho năm mới và đồng loạt thả chúng lên trời cao. Người dân tin rằng, bằng cách này, những chiếc đèn giấy sẽ giúp họ gửi gắm được điều ước của mình đến với Thượng Đế. Những chiếc đèn được thả lên trời cũng như mong muốn và ước mơ của người dân nơi đây bay cao bay xa và luôn toả sáng. Nhìn ngắm cả bầu trời đêm được thắp sáng bởi hàng trăm đốm sáng nhỏ sẽ là một trải nghiệm khó quên cho bất cứ ai từng chứng kiến.
Ngoài loại đèn lồng truyền thống, những nghệ sĩ tham gia thiết kế lễ hội còn tạo nên những mẫu đèn lồng sáng tạo với nhiều hình thù và chất liệu khác nhau. Đèn được trưng bày tại lễ hội không đơn giản chỉ là những món đồ trang trí được treo lên mà còn có thể thả trôi dưới nước, thả lơ lửng trên trời, tạo thành các tác phẩm nghệ thuật thú vị, vừa phá cách, vừa giàu bản sắc Trung Hoa.
Ngoài nhìn ngắm những chiếc đèn lồng truyền thống treo khắp đường phố, những chiếc đèn hoa đăng lung linh trên bầu trời đêm và cả những chiếc đèn bồng bềnh theo dòng nước trôi, Lễ hội đèn lồng còn là dịp để mọi người thưởng thức bánh trôi nước. Loại bánh này được làm từ bột gạo nếp dẻo, có lớp nhân bên trong là mè đen, đường, đậu phộng hoặc các loại đậu đỏ, đen, xanh,… Bánh trôi nước có thể được luộc, hấp và chiên tùy theo vùng miền, nhưng phổ biến nhất vẫn là loại bánh được luộc lên và dùng chung với rượu gạo. Người dân cho rằng, hình dáng tròn trịa của bánh trôi là biểu tượng của sự trọn vẹn. Hình ảnh những chiếc bánh trôi bên trong chiếc chén nhỏ còn được cho là giống với cảnh các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau – biểu tượng của sự đoàn viên.
Lễ hội đèn lồng mang thật nhiều nét đẹp văn hoá dân tộc mang lại những niềm vui và hi vọng cho mọi người. Du lịch Trung Quốc để hoà mình vào Lễ hội đèn lồng nhộn nhịp và tự tay thả chiếc đèn hoa đăng mang mơ ước của bản thân lên trên trời cao chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị mà du khách khó lòng quên được.