Nữu Hỗ Lộc thị – vị Phi tần có tốc độ thăng cấp nhanh nhất trong lịch sử nhà Thanh

tu an thai hau 5

Trong lịch sử nhà Thanh có một vị phi tần sở hữu tốc độ thăng cấp nhanh đến mức chóng mặt – có thể nói là nhanh nhất trong lịch sử 300 năm của triều đại này. Người ấy chính là Hiếu Trinh Hiển Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị, sau này là Từ An Hoàng Thái hậu.

Nữu Hỗ Lộc thị vốn là kế thất nhưng là Hoàng hậu đầu tiên và duy nhất của Thanh Văn Tông Hàm Phong Hoàng đế và là Hoàng Thái hậu dưới thời Thanh Mục Tông Đồng Trị Hoàng đế, đồng nhiếp chính với Từ Hi Thái hậu. Sau khi Đồng Trị Đế qua đời, bà tiếp tục vai trò nhiếp chính dưới thời Thanh Đức Tông Quang Tự Hoàng đế cho đến khi mất.

Dòng dõi hiển hách, gia cảnh vinh diệu

Nữu Hỗ Lộc thị sinh ngày 20/7 (âm lịch) năm Đạo Quang thứ 17, thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ. Dòng dõi của bà chính là Hoằng Nghị công phủ Nữu Hỗ Lộc thị, hậu duệ của Ngạch Diệc Đô.

Hoằng Nghị công Nữu Hỗ Lộc gia có 16 phòng hệ, thì dòng dõi của bà xuất thân từ phòng thứ 3 trong Hoằng Nghị công phủ. Thủy tổ của dòng dõi này là Xa Nhĩ Cách, đầu đời Thanh làm Thượng thư bộ Hộ, phong Kỵ đô úy kiêm Nhất vân Kỵ úy tước vị, xét ra trong 16 phòng ở Hoằng Nghị công thì tương đối cao. Xa Nhĩ Cách sinh bảy con trai, trong đó con trai cả và con trai thứ 4 thế tập tước vị, Từ An Hoàng thái hậu là hậu duệ người con trai thứ sáu của Xa Nhĩ Cách, tên gọi Ba Khách. Tằng tổ 4 đời là Vĩnh Thọ, con trai Ba Khách, cùng hậu duệ Tuân Trụ, chức quan cũng đã chỉ là “Bút thiếp” mà thôi. Như vậy nhìn qua, đến khoảng thời gian này (khoảng đời Khang Hi và Ung Chính) thì dòng dõi của bà có hơi suy do không làm quan to, tuy nhiên lại vẫn có mối hôn nhân rất tốt.

phi tan khong duoc phep nuoi duong con ruot 3

Cao tổ phụ Tuân Trụ, thú hôn cháu gái Đại học sĩ Doãn Thái, là chất nữ của Đại học sĩ Doãn Kế Thiện, có ba con trai, trừ con thứ 2 chết non, còn con cả Sách Bặc Thản làm đến Tổng binh, con trai út Phó Sâm Tắc làm đến Thượng thư bộ Hộ, có thể thấy gia đình của bà lại hưng vinh trở lại. Chưa hết, lúc này hai con gái của Sách Bặc Thản tham dự Bát Kỳ tuyển tú, được chỉ định thành hôn với Tông thất quý thích, con gái cả chỉ hôn cho Trang vương phủ Phụ quốc Tướng quân Vĩnh Phiên, là cháu của Trang Khác Thân vương Doãn Lộc; con gái thứ chỉ hôn cho Túc Thận Thân vương Kính Mẫn làm Kế Phúc tấn. Sự việc này khiến gia tộc của bà tham gia vào hàng ngũ “Nhất đẳng thế gia”.

Tổ phụ của bà là Phúc Khắc Kinh A, xuất sĩ làm đến chức “Ban sự Đại thần”, cưới 2 vợ cả đều là nữ quyến thuộc Ái Tân Giác La nhánh Hồng đái tử, sinh 1 trai 2 gái, con trai độc nhất chính là cha của Nữu Hỗ Lộc thị, tên là Mục Dương A. Hai con gái, lớn gả cho con trai của Tiến sĩ xuất thân Thượng thư Văn Đức của gia tộc Qua Nhĩ Giai thị, còn con gái thứ gả cho Trịnh Thân vương Đoan Hoa làm Đích Phúc tấn, là ngoại tổ phụ và ngoại tổ mẫu của Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu.

Mục Dương A xuất sĩ làm đến Đạo viên, về sau được Đồng Trị Đế gia phong tước hiệu “Tam đẳng Thừa Ân công”. Ông cưới 2 vợ cả, trong số đó có một người là Ái Tân Giác La thị thuộc dòng Hồng đái tử, thứ chính thất là cháu gái Khắc Cần Lương Quận vương Khánh Hằng. Mẹ ruột của Nữu Hỗ Lộc thị vốn là Khương thị, thiếp thất của Mục Dương A, sau cải đổi thành Khương Giai thị. Theo cứ liệu, Nữu Hỗ Lộc thị ít nhất có một vị huynh trưởng cùng hai vị tỷ muội. Huynh trưởng về sau thế tập Thừa Ân công tước vị Quảng Khoa, còn hai chị gái; một người không biết là con vợ cả hay thứ xuất như bà, gả cho Trang Hậu Thân vương Dịch Nhân làm Đích Phúc tấn; một gả cho Trang vương phủ Phụng ân Tướng quân Miên Lâm.

Như vậy, chúng ta có thể thấy được Nữu Hỗ Lộc thị có gia thế địa vị quả thực không tồi. Xét cho cùng, dòng dõi của bà cũng là danh môn thế gia xuất thân, lại có Tông thất quý thích quan hệ thông gia thân phận, cũng chính là nguyên nhân quan trọng khiến bà được trù bị chọn làm Hoàng hậu.

Vị phi tần có tốc độ thăng cấp nhanh nhất trong lịch sử nhà Thanh

Vào ngày 27/4 năm Hàm Phong thứ 2 (1852), Nữu Hỗ Lộc thị nhập cung khi mới gần 16 tuổi. Thông qua Bát kỳ tuyển tú, bà trúng tuyển và được phong làm Trinh Tần.

Lúc ấy, trong đợt tuyển tú còn có thêm 3 người nữa, là Lan Quý nhân Diệp Hách Na Lạp thị, Lệ Quý nhân Tha Tha Lạp thị cùng Anh Quý nhân Y Nhĩ Căn Giác La thị. Trong 4 người, chỉ có bà là được phong Tần, những người khác chỉ là Quý nhân. Theo lệ tuyển tú nhập cung, rất hiếm khi tú nữ có thể phong thẳng lên Tần, đa số phải qua Quý nhân, hơn nữa đợt này tuyển tú nhập cung chia làm hai đợt, Trinh tần và Anh Quý nhân cùng nhập cung ngày 27 tháng 4, còn hai vị kia Lan Quý nhân và Lệ Quý nhân đến ngày 9 tháng 5 mới vào. Nhìn từ chi tiết này, chúng ta liền có thể nhìn ra Nữu Hỗ Lộc thị từ khi tham gia tuyển tú đến khi đạt được thân phận liền không giống người thường.

tu an thai hau 7

Chỉ 1 tháng sau đó, vào ngày 25/5, bà được tấn phong thành Trinh Quý phi. Sang ngày 8/6, Trinh Qúy Phi được sách lập làm Hoàng hậu.

Có thể thấy, Nữu Hỗ Lộc thị khi vừa nhập cung đã trở thành chủ vị của cả một cung, sau 1 tháng nhảy vượt hai cấp trở thành Quý phi, và chưa đầy nửa năm đã trở thành chủ lục cung. Đây quả là tốc độ thăng chức mà bất kì phi tần nào trong Tử Cấm Thành cũng ao ước được như vậy.

Phải biết rằng khi ấy Nữu Hỗ Lộc thị chỉ mới là một thiếu nữ 16 tuổi và vẫn chưa có con cái nhưng đã có thể tự mình đi đến vị trí Hoàng hậu. Bởi trên thực tế, ngoài việc xuất thân danh môn thế gia, chính tính cách của Nữu Hỗ Lộc thị cũng là một trong những nguyên do giúp bà trở thành ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị Hoàng hậu.

Theo lịch sử ghi chép, Nữu Hỗ Lộc thị hiền hậu, trung thực, lương thiện. Điều này khiến cho Hàm Phong đế vốn lớn hơn bà 6 tuổi cực kì hài lòng và yêu thích. Sau khi trở thành Hoàng hậu, tính cách Nữu Hỗ Lộc thị cũng không có quá nhiều sự thay đổi. Bà đối xử với mọi người rất khoan dung, không ỷ quyền thế để làm khó dễ người khác.

Lưỡng cung thính chính

Ngày 17/7 (tức ngày 22/8 dương lịch) năm 1861, Hàm Phong Hoàng đế băng hà. Theo di chiếu, Hoàng tử Tái Thuần kế vị, tức Thanh Mục Tông Đồng Trị Hoàng đế. Lúc đó, Cố mệnh Bát đại thần (gồm: Di Thân vương Tái Viên, Trịnh Thân vương Đoan Hoa, Đại học sĩ Túc Thuận, Ngạch phụ Cảnh Thọ, Binh bộ Thượng thư Mục Ấm, Lại bộ Tả Thị lang Khuông Nguyên, Lễ bộ Hữu Thị lang Đỗ Hàn, Thái bộc Thiếu Khanh tự Tiêu Hữu Doanh) cùng nhau xử lý công việc triều chính, vì Đồng Trị Đế mới lên ngôi còn quá nhỏ tuổi. Sang ngày 18/7 (âm lịch), Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị danh chính ngôn thuận trở thành Hoàng Thái hậu, còn Ý Quý phi Diệp Hách Na Lạp thị do là sinh mẫu của Tân Hoàng đế nên cũng được gia tôn Hoàng Thái hậu. Để phân biệt, triều đình tôn Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị làm “Mẫu hậu Hoàng Thái hậu”, còn sinh mẫu Ý Quý phi Diệp Hách Na Lạp thị làm “Thánh mẫu Hoàng Thái hậu”. 

Do Mẫu hậu Hoàng Thái hậu (tức Từ An Thái hậu) ở phía Đông Noãn các nên bà còn được gọi là Đông Thái hậu, còn Thánh mẫu Hoàng Thái hậu (tức là Từ Hi Thái hậu) ở phía Tây Noãn các nên được gọi là Tây Thái hậu.

Lúc bấy giờ, vai trò của Từ An Thái hậu cũng như Từ Hi Thái hậu lúc này chỉ là đóng con dấu của mình lên các sắc chỉ mà thôi, bởi vì tất cả nội dung và tấu biểu của triều đình đều do Nghị Chính vương cùng Quân cơ xứ soạn thảo cũng như chính thức ban bố. Tuy nhiên, người trực tiếp quản lý con dấu là Từ An Thái hậu, còn vai trò của Từ Hi Thái hậu căn bản là quản lý nội vụ.

tu an thai hau 6

Cứ theo Thanh cung di văn: “Đông Cung trội ở Đức, mà thực sự nắm quản việc đại sự; Tây Cung trội ở Tài, mà việc phê duyệt tấu chương, chi tiệu lợi hại chỉ quản được”. Như vậy có thể thấy, Từ An Thái hậu tuy là người bên ngoài không tham quyền thế, nhưng lại là người nắm những đại quyền. Công việc do Từ Hi Thái hậu xử lý đa phần là những việc lặt vặt, chi tiêu sinh hoạt trong cung, ở những việc trọng đại thì phải thông qua quyết định của Từ An Thái hậu. Ngoài ra, vì Từ An Thái hậu ở vị trí chính cung, bây giờ ở phía Đông Noãn các của Dưỡng Tâm điện, thực lực quá rõ ràng, những việc Từ An Thái hậu thấy không cần nhúng tay vào thì đều để cho Từ Hi Thái hậu nhận lãnh, giải quyết ổn thỏa. Bởi cái đánh giá Từ Hi Thái hậu “tài cán” rốt cục là vì bà xử lý ổn thỏa, còn Từ An Thái hậu quản xuyến trên dưới nghiêm ngặt, dẫu Từ Hi Thái hậu cũng không tự tiện làm trái, ấy chính là “Đức” vậy. Điều đó cho ta thấy vai trò của Từ An Thái hậu vô cùng to lớn trong triều.

Sau chính biến để thoát khỏi sự chèn ép của Cố mệnh Bát đại thần, Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu cùng trở thành “Lưỡng cung thính chính”, giữ vững thực quyền. 

Cái chết bí ẩn

Năm Quang Tự thứ 7 (1881), ngày 10/3 (tức ngày 8/4 dương lịch), Từ An Hoàng Thái hậu cảm thấy không khỏe nên không đến Dưỡng Tâm điện nghe chính, đêm đó đột nhiên qua đời tại Chung Túy cung trong sự kinh ngạc của triều thần, hưởng thọ 44 tuổi.

tu an thai hau 4

Liên quan đến cái chết của bà, nhiều người cho rằng có bàn tay của Từ Hi Thái hậu can thiệp vào để độc chiếm quyền lực. Có lời đồn cho rằng chính Từ Hi Thái hậu đã thủ tiêu bà vì bà có di chiếu bí mật của Hàm Phong Đế để lại trước khi băng hà. Đây cũng chính là lời đồn đoán được lưu truyền phổ biến nhất về cái chết của bà.

Lời đồn nói rằng, ngay trước khi lâm chung, Hàm Phong Đế đã cảm thấy Từ Hi về sau ắt tạo loạn, nên bí mật lập chiếu dụ, dặn dò Từ An nếu Từ Hi cậy tử làm xằng làm bậy thì lấy đạo dụ này ra, căn cứ theo tổ tông gia pháp mà trị tội.

Sau khi Hàm Phong Đế băng hà, Từ An Thái hậu từng gọi Từ Hi Thái hậu đến và đưa ra mật dụ, lấy cảnh báo tỉnh, khiến Từ Hi nơm nớp lo sợ. Vì thế, suốt thời Đồng Trị, Từ Hi Thái hậu an phận thủ thường, đối với Từ An Thái hậu muôn phần cung kính, không hề làm trái. Do thấy Từ Hi Thái hậu như vậy phụng dưỡng mình, Từ An Thái hậu dần tháo bỏ cảnh giác. Một ngày, Từ An Thái hậu bị bệnh, uống thuốc khác không khỏi, nhưng đến khi ăn thứ của Từ Hi Thái hậu thì kỳ diệu khỏi hẳn. Phấn chấn, Từ An đi dạo Di Hòa Viên, thấy cánh tay Từ Hi Thái hậu băng bó mới tra hỏi. Từ Hi thuật lại việc mình cắt cổ tay làm mồi nhử thuốc cho Từ An uống, trần tình rất là thống khổ cảm động. Từ An là người nhân từ, nghe thế rất cảm động, mới hồi cung, trước mặt Từ Hi Thái hậu mà đốt mật dụ năm nào. Sau đó, Từ Hi Thái hậu không còn kiêng dè gì, câu kết Thái y hại chết Từ An Thái hậu, dần giành quyền độc bá triều chính.

Nhưng cũng có thuyết cho rằng Từ An Thái hậu đột ngột qua đời là do bà bị xuất huyết não hoặc đột quỵ theo như cách gọi của y học ngày nay mà thôi. Kỳ thực, Từ An Thái hậu thực sự đã từng ngã bệnh nhiều lần trước đó. Trong cuốn hồi ký của Ông Đồng Hòa, thầy dạy của Quang Tự Đế một thời gian, Từ An đã từng gặp một số triệu chứng đột quỵ hay xuất huyết não.

Dựa vào trí nhớ của mình, Ông Đồng Hòa từng ghi rõ mạch chứng của Từ An Thái hậu như sau: “Thần phương: Thiên ma, đảm tinh; (mạch) án vân loại phong giản thậm trọng. Ngọ khắc nhất (mạch) án vô dược, vân thần thức bất thanh, nha khẩn. Vị khắc lưỡng phương tuy khả quán, cứu bất thỏa vân vân, tắc dĩ hữu di niệu tình hình, đàm ủng khí bế như cựu. Dậu khắc, nhất phương vân lục mạch tương thoát, dược bất năng hạ. Tuất khắc (vãn bát thời tiền hậu) tiên thệ”. Căn cứ vào bệnh tình phát triển, các chuyên gia trung y ở Trung Quốc phán đoán hơn phân nửa là do xuất huyết não đột phát, làm Từ An Thái hậu đột nhiên qua đời.

Như vậy, bệnh của Từ An Thái hậu đã có biểu hiện từ rất sớm chứ không phải đột nhiên. Khoảng tháng 3 năm Đồng Trị thứ 2 (1863), lúc chỉ mới 26 tuổi, Từ An Thái hậu từng bất ngờ ngất xỉu và bị á khẩu trong khoảng một tháng sau khi tỉnh lại, đó là một biểu hiện lâm sàng. Sự việc tiếp diễn lần thứ hai vào tháng 1 năm Đồng Trị thứ 8 (1870). Bên cạnh đó, Thuật Am bí lục từng ghi bà hai má ửng đỏ, này chính là “Gan dương thượng kháng”, khả năng đã huyết áp rất cao, trực tiếp dụ phát não trúng phong, thậm chí não xuất huyết.

Sau khi bà mất, vào ngày 13/5/1863, chư Vương, Bối lặc, Văn võ đại thần, dâng sách bảo thượng thụy hiệu là “Hiếu Trinh Từ An Dụ Khánh Hòa Kính Nghi Thiên Tộ Thánh Hiển Hoàng hậu”. 

thanh dong lang

Ngày 17/9 (âm lịch), giờ Mão, tiến hành an táng Hiếu Trinh Hiển Hoàng hậu vào Phổ Tường Dục Định Đông lăng của Thanh Đông lăng. Ngày 22 tháng ấy, làm đại lễ phụ thờ thần vị của Hiếu Trinh Hiển Hoàng hậu vào Thái Miếu, Phụng Tiên điện.

Năm Tuyên Thống nguyên niên (1909), tháng 4, tôn thêm 2 chữ “Thành Tĩnh”, toàn xưng “Hiếu Trinh Từ An Dụ Khánh Hòa Kính Thành Tĩnh Nghi Thiên Tộ Thánh Hiển Hoàng hậu”.

Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất kỳ khách du lịch nước ngoài nào. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc nhé!