Phong tục thờ cúng Táo Quân ở Trung Hoa

phong tuc cung tao quan 6

Cúng Táo Quân là một trong những tập tục đẹp trong tín ngưỡng văn hóa phương Đông. Người Trung Quốc cũng cúng Táo quân như người Việt Nam, song họ vẫn có nét khác biệt về nguồn gốc, lễ vật cúng và vị thần đại diện…

Đối với người Trung Quốc từ xưa đến nay, Thần Bếp (hay: Táo Vương, Táo Quân, Ông Táo, Táo Vương Gia hay Thuận Diện Công, Tư Mệnh Công, Ngũ Quan Thần) là vị thần có vị trí cao nhất trong có trong số các vị thần. Ở thời nhà Hán, chỉ có những kẻ có địa vị cao mới có tư cách cúng tế Thần Bếp, trong khi bách tính thường dân chỉ có thể thờ cúng tổ tiên của mình.

phong tuc cung tao quan 4

Trong quyển “Dậu Dương Tạp Trở” thời nhà Đường có ghi chép: Táo Quân tên là Ngôi, dáng vẻ như mỹ nữ; vợ của Táo Quân là Khanh Kỵ; có 6 người con gái, tất cả đều được gọi là Sát Hiệp. Đây là một trong những ghi chép sớm nhất về Táo Quân ở Trung Quốc.

Trong bản ghi chép này còn có nhắc đến một nhiệm vụ của Táo Quân là cứ mỗi cuối tháng sẽ trở về trời bẩm báo lại mọi hành vi của bách tính. Qua đó, Ngọc Hoàng sẽ ban thưởng hoặc luận tội từng gia đình. Sau đó, Người Trung Quốc sẽ đón ông Táo về nhà vào ngày 4 tháng Giêng.

phong tuc cung tao quan 1

Vì vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình Trung Hoa sẽ tiến hành nghi lễ tiễn ông Táo lên trời. Lúc này, người dân sẽ mời các tăng sư đến đọc kinh từ tối, chuẩn bị mâm vật phẩm để tiễn Táo Quân về trời.

Mâm cơm cúng Táo thường có các vật phẩm vừa ngọt vừa dính miệng, phổ biến nhất là bánh Niangao (loại bánh làm từ bột gạo nếp và đường nâu), để Táo quân ăn rồi chỉ nói toàn những lời ngọt, điều tốt, cũng là để miệng Táo Quân bị dính lại, khó nói ra điều xấu. Một số nguồn nói rằng, người dân còn có tục bôi mật vào miệng tượng Táo Quân với ý nghĩa tương tự.

phong tuc cung tao quan 3

Khi nghi lễ khấn bái đã xong xuôi, gia chủ sẽ mang bức hình Táo Quân đốt cùng giấy tiền vàng bạc, đồng thời dán một con ngựa giấy lên vách bếp và bôi rượu lên các cánh cửa bếp.

Theo niềm tin của người Trung Hoa, Táo Mã là con ngựa mà Táo Quân cưỡi, sẽ là “phương tiện giao thông” của Táo Quân di chuyển về trời. Tuy vậy, ở vùng Giang Nam, kiệu mới là phương tiện di chuyển chính của Táo Quân, người Thượng Hải cúng Táo Quân rất ít khi dùng Táo Mã mà chủ yếu là dùng Táo Kiệu. Hình dáng của Táo Kiệu cũng rất đa dạng.

phong tuc cung tao quan 5

Trong các lễ vật cúng tiễn Táo, cũng không thể thiếu nước và chút cỏ khô, coi đây là thức ăn cho ngựa của Táo Quân. Nếu nhà nào không có cỏ khô thì có thể dùng bánh pháo đốt thay thế, hoặc cho chút rượu vào để lửa cháy bùng lên với ngụ ý giúp ông Táo sớm “thăng thiên” chầu trời. Tuy nhiên, phong tục này đến nay không còn thịnh hành như trước.

Còn mục đích của việc bôi rượu lên cửa bếp là để Táo Quân rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh, khó có thể tâu bẩm lại toàn bộ lỗi sai của gia chủ.

Khi bức tranh Táo quân bằng giấy của năm cũ đã đốt cùng vàng mã, gia chủ sẽ để bức tranh mới lên. Nhà nào không dùng tranh thì sẽ dùng mô hình Táo quân bằng giấy, hoặc lau chùi bức tượng để vào vị trí cũ.

phong tuc cung tao quan 2

Ngày nay, phong tục tiễn Táo Quân về trời của người Trung Hoa đang ngày một vắng bóng. Nhiều gia đình chỉ cúng kẹo tượng trưng, dán giấy mới vào nhà và dọn dẹp nhà cửa. Mọi nghi thức cúng bái cũng được làm giản tiện hơn trước cho phù hợp với cuộc sống hối hả của từng nhà và sự phát triển của xã hội.

Chắc chắn sau khi đọc qua bài viết này, du khách sẽ cảm thấy phong tục thờ cúng Táo Quân ở Trung Quốc cũng có nhiều nét giống với nước ta. Du khách hãy đến du lịch Trung Quốc để khám phá nhiều điều thú vị hơn trong nền văn hóa đặc sắc này nhé!