Sinh thời, Sách Ngạch Đồ từng là trọng thần của triều đình nhà Thanh nhưng sau cùng, trải qua nhiều biến cố, nhân vật này “vượt mặt” Ngao Bái để trở thành tội đồ thiên cổ của triều đại nhà Thanh.
Sách Ngạch Đồ (1636 – 1703), hiệu “Ngu Am”, là Đại học sĩ thời Khang Hy Đế triều Thanh, xuất thân từ bộ tộc Hešeri (Hách Xá Lý thị), thuộc Mãn Châu Chính Hoàng kỳ.
Sách Ngạch Đồ là con trai thứ ba của Sách Ni – một khai quốc công thần của triều Thanh, được thế tập tước “Nhất đẳng Công” (tước “công” đứng đầu trong ngũ đẳng là công, hầu, bá, tử, nam).
“Nhất đẳng công” của triều đình
Không chỉ xuất thân trong gia tộc là đại công thần khai quốc, bản thân Sách Ngạch Đồ từng lập được 4 công trạng to lớn cho Thanh triều: diệt trừ Ngao Bái; bình định loạn Tam phiên; ký kết thành công điều ước Ni Bố Sở; dàn xếp vụ việc của Chuẩn Cát Nhĩ. Trong đó, công trạng được lưu truyền nhiều nhất của Sách Ngạch Đồ chính là tiêu diệt Ngao Bái.
Năm Thuận Trị thứ 15, Thuận Trị Đế băng hà, Tam a ca Ái Tân Giác La Huyền Diệp lên ngôi, lấy hiệu Khang Hy.
Khi còn tại vị, Hoàng đế Thuận Trị giữ gìn đại cục quốc gia ổn định, còn đặc biệt tuyển ra 4 vị phụ chính đại thần, gồm có: Sách Ni, Át Tất Long, Tô Khắc Táp Cáp và Ngao Bái.
Vào thời điểm kế vị, tân đế (Khang Hy) mới vừa tròn 8 tuổi, chưa đủ khả năng để tự mình chấp chính. Quân chủ tuổi nhỏ, Ngao Bái dần dần chuyên quyền lộng hành, không đem Hoàng đế để vào mắt.
Sách Ni là một trong “tứ trụ” đại thần, vốn có thể cùng Ngao Bái tranh đoạt quyền lực. Hiểu rõ điều này, Hiếu Trang đã ra tay trước để chiếm lợi thế, lập Hách Xá Lý thị (gọi Sách Ni là ông nội), cũng là cháu gái Sách Ngạch Đồ làm Hoàng hậu của Khang Hy Đế. Chiêu bài này đã biến Hoàng tộc Ái Tân Giác La trở thành thông gia với nhà họ Sách, loại bỏ nguy cơ Sách Ni tranh quyền, lại lôi kéo được một lực lượng vững chắc trong kế hoạch trừ khử Ngao Bái.
Tháng 6 năm Khang Hy thứ 6, Sách Ni qua đời vì bạo bệnh, Khang Hy bắt đầu tự mình chấp chính ở tuổi 14. Nhưng chưa đầy 10 ngày sau, Ngao Bái đã ra tay giết chết phụ chính Tô Khắc Táp Cáp, tự phong cho mình tước “nhất đẳng công”.
Tháng 5 năm Khang Hy thứ 8, Khang Hy “lấy lý do thích đành cờ, triệu Sách Ngạch Đồ vào cung bàn kế”. Sau đó, vua truyền Ngao Bái yết kiến rồi bất ngờ ra lệnh cho đội thị vệ bất ngờ bắt giữ. Không lâu sau khi bị bắt giữ, Ngao Bái lâm bệnh chết trong ngục.
Từ đây, Khang Hy chính thức nắm quyền điều hành triều chính, khi đó ông 16 tuổi. Cũng từ đó, Sách Ngạch Đồ trở thành đại thần công lao cái thế của Thanh triều.
“Đệ nhất tội nhân Đại Thanh”
Cuốn “Khang Hy khởi cư trú” đánh giá: “Sách Ngạch Đồ sinh ra trong quý thịnh, tính ngạo mạn, tùy tiện”; “là thúc của Hoàng hậu, làm việc chuyên quyền, hành công hối lộ, có nhiều người oán”.
Tuy chưa đi vào vết xe đổ của Ngao Bái, nhưng nhiều biểu hiện của Sách Ngạch Đồ đã không ít lần khiến Khang Hy Đế không hài lòng.
Năm thứ 18 (1679), tháng 7, Tả đô Ngự sử Ngụy Tượng Xu thượng tấu Sách Ngạch Đồ tội cậy quyền tham lam, Khang Hy Đế nghiêm trọng cảnh cáo Sách Ngạch Đồ, bắt ông phải sửa chữa sai lầm lúc trước.
Kỳ thực, Khang Hy Đế từng nhiều lần trách phạt Sách Ngạch Đồ, song sau lại trọng dụng, căn bản có ý dùng ông để chế ngự Nạp Lan Minh Châu – một quyền thần khác trong triều. Lúc bấy giờ, Sách Ngạch Đồ và Nạp Lan Minh Châu có vị thế ngang bằng nhau, chèn ép lẫn nhau, bách tính Bắc Kinh vì thế chế ra ca dao: “Trời muốn bình, giết Lão Minh; trời muốn an, giết Sách Tam”. Khang Hy Đế từng nhiều lần trách phạt Sách Ngạch Đồ song sau lại trọng dụng, rõ ràng có ý dùng ông để chế ngự Minh Châu, cũng như có suy xét đến vấn đề phế lập Thái tử. Vậy nhưng sau cùng, Sách Ngạch Đồ lại trở thành kẻ bị Hoàng đế trừ khử trước tiên.
Sau này, cuộc tranh quyền đoạt vị giữa những người con của Khang Hy Đế ngày càng trở nên căng thẳng. Lúc đầu, các vị a ca chia làm hai phe là “Thái tử đảng” và “Hoàng tử đảng”. Phe của Thái tử do Sách Ngạch Đồ cầm đầu.
Năm Khang Hy thứ 41 (1702), Khang Hy nam tuần đến Đức Châu, Thái tử bất ngờ nhiễm bệnh, Sách Ngạch Đồ được triệu tới Đức Châu với lý do “thăm bệnh”. Kỳ thực, lần triệu tập này không phải có mục đích thăm hỏi Thái tử, mà thực chất Khang Hy muốn thăm dò Sách Ngạch Đồ. Khi ấy, Khang Hy cũng có nhiều bất mãn nảy sinh với Thái tử Dận Nhưng. Kể từ đó, Sách Ngạch Đồ cũng chịu liên lụy, trở thành kẻ “không vừa mắt” Hoàng đế.
Do Sách Ngạch Đồ trợ giúp Thái tử tranh vị, cho nên Khang Hy Đế đối với những việc mà Sách Ngạch Đồ tham dự vào các đại sự quân – chính trọng yếu, ngoài cuộc đàm phán với Nga ở Ni Bố Sở ra, toàn bộ đều không tán thành. Sau này, vị Hoàng đế ấy còn khẳng định: “Sách Ngạch Đồ quả thật là đệ nhất tội nhân của bản triều”.
Năm 1703, Khang Hy kết tội Sách Ngạch Đồ “nghị luận quốc sự, ngông cuồng kết phe phái”, lệnh cho Tông nhân phủ bắt lại thẩm vấn, không lâu sau vong mạng trong ngục.
Đồng đảng của Sách Ngạch Đồ nhiều người bị giết, bị giam, bị lưu đày. Con cháu Sách gia toàn bộ đều bị cách chức. Hai người con là Cách Nhĩ Phân và A Nhĩ Cát Thiện đều bị xử tử.
Như vậy, từ một người đại thần thuộc hàng “nhất đẳng công”, Sách Ngạch Đồ trở thành kẻ tội nhân thiên cổ.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng chúng tôi nhé!