Tết Trùng Cửu – ngày lễ truyền thống và trọng đại của người Trung Hoa

tet trung cuu 6

Trung Quốc là một quốc gia có ngàn năm lịch sử qua các triều đại cùng nền văn hóa lâu đời. Vậy nên khi đặt chân đến vùng đất này, du khách sẽ thấy bất ngờ trước sự độc đáo với những lễ hội đặc sắc, trong đó không thể không nhắc đến Tết Trùng Cửu – một trong những ngày lễ truyền thống và trọng đại của người Trung Hoa.

Tết Trùng Cửu (cũng gọi là Tết Trùng Dương) theo phong tục của người Trung Quốc là vào ngày 9 tháng 9 theo Âm lịch hàng năm. Con số 9 được coi là số dương, sự lặp lại hai lần số 9 nên gọi Trùng Cửu, Trùng Dương là vì vậy.

Vào năm 221 trước Công nguyên, sau khi thống nhất đất nước Trung Hoa, nhà Tần đã tổ chức hoạt động cúng tế chúc mừng mùa màng bội thu vào tháng 9 âm lịch hằng năm trên khắp cả nước. Ngày 9 tháng 9 được xem là ngày rất tốt lành và Tết Trùng Cửu ra đời từ đó, mang ý nghĩa chúc mừng mùa màng bội thu. Tuy vậy, lịch sử đã đem đến cho Tết Trùng Cửu thêm nhiều ý nghĩa khác.

Tích kể rằng, vào đời Hậu Hán (25-250), có một người rất thần thông quảng đại, tên là Phí Trường Phòng. Ông ta không những có thể cầu mưa, gọi gió, mà còn có thể đuổi thần, bắt ma. Có một người thanh niên tên là Hoàng Cảnh biết được tin này, rất tôn kính ông, xin ông nhận làm trò. Do người thanh niên này có quyết tâm rất lớn, ông Phí Trường Phòng đành phải nhận làm học trò, dạy anh thần phép. Một hôm thầy nói với trò rằng: “Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hạt thù du, uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời căn dặn của thầy. Đến sáng sớm hôm đó, người học trò này đã đưa cả gia đình của mình lên một dốc cao ở gần đó. Tối đến khi về đến nhà hết sức kinh ngạc nhìn thấy, trâu bò, cừu, chó, gà đều chết hết, nhưng cả gia đình đã tránh được nạn. Vì tích này, nên về sau hằng năm, đến ngày 9 tháng 9, người ta bỏ nhà tạm lên núi, lánh nạn… Lâu đời thành tục gọi là Tết Trùng Cửu. Sau dần thay đổi tính chất, Tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ. 

tet trung cuu 4

Sách “Phong Thổ Ký” lại chép: Cuối đời nhà Hạ, vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy, mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn… Tục ấy thành lệ.

Còn có sách viết, đến đời Hán Văn Đế, vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Sau đến đời nhà Đường (618-907), ngày mồng 9 tháng 9 thành ngày lễ tết gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.

Ở Trung Quốc có một bài thơ cổ được lưu hành rộng khắp đã miêu tả tập tục của ngày tết Trùng cửu. Bài thơ này là tác phẩm nổi tiếng của Vương Duy – nhà thơ lớn đời nhà Đường với tựa đề: “Mồng 9 tháng 8 nhớ anh em Sơn Đông”. Lúc đó, ông Vương Duy mới có mười mấy tuổi nơi đất khách Bắc Kinh, sao khỏi có đôi lúc nhớ nhà, nhất là mỗi dịp tết đến, thấy người khác gia đình đoàn tụ, khiến ông càng nhớ đến người thân.

tet trung cuu 5

Tết Trùng Cửu còn có một cách nói khác là “Từ thanh”, chính là “tạm biệt thảm cỏ xanh”. Sau ngày Trùng Cửu là mùa đông, cây cối không có sức sống, không thích hợp để đi chơi ở vùng ngoại ô. Vì thế, tết Trùng Cửu là cơ hội đi chơi sau cùng của mọi người khi thời tiết sang đông. Hằng năm, vào Tết Trùng Cửu, người ta rủ nhau lên núi cao hay tháp cao, chỗ cao, tùy điều kiện sẵn có từng nơi để thưởng ngoạn phong cảnh, nhớ lại thời cổ đại đã từng phải “lên cao lánh nạn”. Ở thành phố Thái An của tỉnh Sơn Đông, nằm ở chân núi Thái Sơn thì tổ chức cuộc thi leo núi, thu hút nhiều người đến tham gia. 

tet trung cuu 3

Trong ngày Tết Trùng Cửu, hoạt động ngắm nhìn hoa cúc là một trong những phong tục quan trọng. Hoa cúc được xem là loài hoa tượng trưng cho sự cao thượng, đại diện cho tình bạn và nét nho nhã của danh sĩ. Cúc được xem là một trong bốn loài hoa quân tử: Mai – Lan – Cúc – Trúc.

Ngoài ngắm hoa cúc, uống rượu hoa cúc cũng là hoạt động không thể thiếu trong Tết Trùng Cửu. Tương truyền thời Tấn có ẩn sĩ Đào Uyên Minh rượu vào là thơ ra, lại rất yêu hoa cúc, văn nhân mặc khách bắt chước ông ta lấy ngày Trùng Dương làm ngày ngâm vịnh. Đào Uyên Minh sống vào buổi giao thời Tấn – Tống, chính sự hủ bại, nên ông ta từ quan về quê Giang Tây ở ẩn trồng cúc, làm thơ, nhưng có tật là rượu vào hơi xỉn thì thơ mới ra. Lần đó nhằm ngày Trùng Dương, ông dạo ngắm hoa mà vì nhà nghèo không có rượu nên không tài nào xỉn được, ông vặt tạm hoa cúc nhai làm mồi mà vẫn không xỉn vì không có rượu vào. Đang lúc buồn thì bỗng có người đến gặp đem cho một bình rượu, đó là sai nhân do thứ sử Giang Châu là Vương Hoằng cử đến đem rượu nói là tặng Đào Uyên Minh. Đào Uyên Minh mừng rỡ mở bình uống cho đến say xỉn. Về sau người ta cho thêm hoa cúc, là loại thảo mộc vẫn làm đồ uống trị liệu, vào trong rượu nếp Trùng Dương.

Người ta còn có phong tục cài lá châu du. Phong tục này rất phổ biến thời Đường, hoặc giắt vào người hoặc bỏ vào túi vải đeo theo người để trừ tà, nhất là phụ nữ và trẻ em. Trái cây châu du là một vị thuốc, chất lượng tốt nhất là vùng đất Ngô tức vùng Giang, Triết ngày nay nên còn gọi là Ngô châu du, lại cũng còn gọi là cây dầu Việt , là loại cây nhỏ, cao hơn một trượng, lá như cái lông vũ, mùa hè nở hoa trắng, quả đặc có cơm béo ngậy màu vàng, quả sau thu thì chín màu tím đỏ, sách “ Bản thảo cương mục” nói cơm quả vị đắng cay mà thơm, tính ôn nhiệt, có thể trị hàn khu độc, người xưa quan niệm giắt lá nó vào người để trừ tà. Phong tục này học giả Chu Sở đầu thời Tấn viết trong “Phong thổ ký” là một phong tục của người Giang Nam.

tet trung cuu 1

Vào dịp Tết Trùng Cửu, người Trung Hoa sẽ làm ra một loại bánh mang tên “bánh Trùng Cửu”. Loại bánh này bắt nguồn từ những nơi không có núi. Trong tiếng Hán, bánh điểm tâm (糕点) có cách đọc gần giống với “cao điểm” – trong đó, “cao” nghĩa là bánh. Chữ “cao” này phát âm trùng với chữ “cao” trong từ “đăng cao”, có nghĩa là lên cao. Vì vậy, mọi người cho rằng, ăn bánh Trùng Cửu còn có thể thay thế cho việc lên núi cao. Bánh được làm bằng bột gạo xay nước ngào đường đỏ hấp chín đổ thành 9 tầng như bảo tháp, tượng trưng cho đỉnh cao và số 9, bên trên còn nặn hình hai con dê nhỏ tượng trưng trùng dương, lại cắm trên đó một ngọn đèn nến tượng trưng đăng cao là trèo lên cao, và cắm một ngọn cờ giấy nhỏ màu đỏ tượng trưng cho cài lá châu du. Đó là cách làm thời cận đại ở vùng Phúc Kiến.

tet trung cuu 2

Ngày nay, người dân Trung Hoa đã gửi gắm một ý nghĩa mới cho ngày Tết Trùng Cửu. Năm 1989, Trung Quốc xem Tết Trùng Cửu là “Tết của người già”. Như vậy, ngày 9 tháng 9 vừa bao gồm ý nghĩa vốn có của ngày Tết Trùng Cửu truyền thống vừa biểu đạt lòng tôn kính người già của mọi người, chúc các cụ mạnh khỏe, sống lâu. Bởi vậy mà sau khi hoa màu được thu hoạch hết vào mùa thu thì con cháu trong nhà có nhiều món ngon để dâng tặng cho cha mẹ, ông bà. Nhân ngày này cũng có thể tặng tiền cho đấng sinh thành để hưởng thụ tuổi già. Bên cạnh đó, người ta có thể đến thăm mộ tổ tiên để dọn dẹp và cúng dường.

Bên cạnh ngày Tết Trùng Cửu, ở Trung Quốc còn có rất nhiều lễ hội truyền thống đắc sắc khác. Tìm hiểu về những lễ hội này sẽ giúp du khách khám phá được những nét đặc trưng tiêu biểu trong văn hóa Trung Hoa. Vậy hãy nhanh tay đặt ngay cho mình một Tour Trung Quốc nhé!