Lễ hội đua ngựa có tên gọi “Dangjiren” đã được tổ chức suốt hàng trăm năm nay, bắt nguồn từ sự tôn vinh sơn thần và mùa hè Tây Tạng. Lễ hội Dangjiren là dịp tốt để du khách ngắm những tay du mục trên lưng ngựa, thảo nguyên xanh bao la đến tận chân trời và thưởng thức thịt và sữa chua bò lông vàng Yak.
Cứ tới đầu tháng 8, khi hoa dại nở rộ và những đồng cỏ lên xanh bát ngát, người Khampas – một dân tộc du mục ở cao nguyên Tây Tạng lại đổ về Damxung – một quận nằm ở độ cao trung bình 4.300m ở phía bắc thành phố Lhasa để tham dự một lễ hội vui, chủ yếu là đua ngựa. Ai nấy đều mặc những trang phục cổ truyền rất sặc sỡ, trong đó có những cái áo tay dài tha thướt như đôi cánh tiên, rồi nhảy múa, ca hát, thậm chí đua ngựa lãng mạn như thể thần tiên hạ phàm vậy. Và họ dựng ven đường, dọc theo thung lũng vô số lều trại, đưa Damxung trở thành một biển lều sinh động, tráng lệ.
Do đời sống du mục phụ thuộc nhiều vào ngựa, giúp săn bắn, đi lại và thồ hàng nhanh chóng nên hằng năm, người Khampas luôn dành khoảng 7 hôm giữa mùa mưa nhằm chọn ra những chú ngựa khỏe nhất, những người cưỡi giỏi nhất và tổ chức thành các cuộc thi. Họ thi đua ngựa, cưỡi ngựa bắn cung, cưỡi ngựa quăng dây, cưỡi dưới bụng ngựa, nhặt lụa Hada (một dải lụa có ý nghĩa quan trọng trong Phật giáo về sự an lạc, hạnh phúc…) dưới đất và các trò khác như nhào lộn, tung hứng, trồng cây chuối lúc ngựa phi, kéo co, cử tạ, trình diễn thời trang, nhảy múa.
Trong suốt lễ hội, họ còn rao bán nhu yếu phẩm như áo Chuba, giầy Sueba, mũ Bazhu, tạp dề Bangdian, vòng cổ các loại bằng vàng bạc, ngọc ngà, san hô, mã não quý giá, những thứ chỉ Tây Tạng mới có. Khi đến hội của người Khampas, dù không mua gì, du khách cũng được đón tiếp rất nồng hậu, mời vào trong lều Bra-nag uống trà bơ, rượu sữa ngựa, ăn thịt bò Yak bên những bếp lửa ấm cúng. Có hàng ngàn túp lều rực rỡ quanh hội chợ và bên trên đều in vẽ, thêu, đính đầy biểu tượng Phật giáo và là chốn nghỉ ngơi an lành của du khách qua đêm.
Từ sáng tinh mơ của mỗi ngày hội, mọi người đã xếp hàng chật đường, dọc các trường thi để xem đua ngựa và chưa cần đua, chỉ cần nhìn đoàn người ngựa nối đuôi nhau diễu hành đã thấy thú vị. Mỗi chú ngựa đua đều được trang điểm rất đỏm, thường là cổ đeo vòng lục lạc (chuông), đuôi sẽ buộc nơ (tua rua), còn lưng đóng yên lộng lẫy bảy màu. Chủ của nó cũng rất bảnh, ngoài áo quần nhiều màu thì trên người còn lủng lẳng đủ thứ vòng xuyến. Nói chung trang sức của cả nam lẫn nữ Tây Tạng dù chỉ là một cái hạt trong vòng cổ cũng to bằng cỡ chén hạt mít. Từng người dắt theo một chú ngựa, tuy khác màu song cùng là nòi Tibetan pony hoặc Riwoche. Tùy nội dung, ai đó sẽ đua tốc độ trong vài trăm mét tới hàng cây số hoặc thi bắn nỏ, bắn súng, cúi rạp người xuống đất, kéo lê thê để lấy lụa Hada. Mỗi đợt thi đều rất gay cấn, kịch tính vì người chơi luôn ở trạng thái đua chen sát nút và những tư thế, động tác của họ như bay lên hay cùng ngả người đón vật gì đều làm khán giả hồi hộp, phấn khích vì vẻ đẹp khó tả.
Tuy nói là đua ngựa song nó là một trò chơi tạp kỹ, cầu kỳ, nhiều pha mạo hiểm, ngoạn mục và cần có sức mạnh, sự khéo léo, dũng cảm của một chiến binh và nghệ sĩ xiếc. Xem đua ngựa đã thích mắt, song tại đây còn thấy nhiều màn biểu diễn ấn tượng nữa gồm ca, vũ, kịch dựa trên Phật thoại. Và du khách sẽ được xem opera của Tây Tạng, các điệu múa mặt nạ, múa Xianzi, múa Guo Zhuang… nhuốm màu huyền bí do lễ hội này được đại tu viện lâu đời nhất ở Litang cho mở vào năm 1580 để hoằng dương Phật Pháp và tưởng nhớ vị Dalai Lama thứ ba.
Có lẽ vì những hoạt động thú vị và hấp dẫn như thế mà lễ hội đua ngựa Dangjiren được rất nhiều du khách thích thú và hưởng ứng. Hàng năm có rất nhiều người đến Tây Tạng tham gia lễ hội. Du khách hãy đặt cho minh một tour Trung Quốc để có được sự trải nghiệm tuyệt vời với lễ hội hấp dẫn này nhé!