Dưới sự thống trị của chế độ phong kiến Trung Hoa cổ đại, bên cạnh hoàng đế tồn tại có một nhóm người đặc biệt. Họ là nhóm người tiêu biểu nhất của chế độ phong kiến. Những người ấy là hoạn quan, cũng tức là thái giám.
Nguồn gốc của Hoạn quan ở Trung Quốc
Trong lịch sử Trung Quốc, hoạn quan đã có từ thời Tây Chu, đương thời gọi là tử nhân, hoặc hạng nhân, yêm doãn, nội tiểu thần. Được tuyển dụng để làm một số công việc cung đình: truyền lệnh của nhà vua đến các quan, canh gác hậu cung, quét dọn phòng ốc, liên lạc giữa nhà vua với các cung phi… Vào thời Tây Chu các nước Tề, Sở, Tần, đều có hoạn quan, và gọi bằng các tên như hình thần, ty cung. Thời Chiến Quốc nước Triệu có Hoạn giả lệnh coi về hoạn quan. Nước Tần có hoạn quan đảm nhận chức Xa phủ lệnh. Sau khi Tần thống nhất Trung nguyên, hoạn quan có người làm đến Thừa tướng, gọi là Trung thừa lệnh. Thời Tây Hán, các hoạn quan được gọi là thường thị có những hoạn quan đảm nhận các chức Hoàng môn lệnh, Dịch đình lệnh. Đến nhà Đường đổi là trung quan.
Tại các triều nhà Tùy, nhà Đường, nhà Tống đặt ra cơ cấu Nội thị tỉnh do hoạn quan đảm nhiệm, trông coi các việc nội bộ ở trong cung đình. Hoạn quan ở hai triều Đường, Tống có người trực tiếp thống lãnh quân đội. Đến đời nhà Minh, đặt ra Thập nhị giám, Tứ ty, Bát cục gọi là Nhị thập tứ nha môn, trông coi về việc phục dịch trong cung đình, mỗi cơ cấu có thái giám trông coi. Đến đời nhà Thanh có Tổng quản thái giám, người đứng đầu thái giám, trực thuộc Nội vụ phủ.
Chữ Hán, có hơn ba mươi từ ngữ dùng để chỉ hoạn quan, nên thường giải thích hoạn quan là thái giám. Nhưng kỳ thực, khái niệm về hai từ ngữ này có chỗ khác biệt. Mới đầu hoạn quan không nhất thiết phải là người bị thiến. Trong lịch sử Trung Quốc cổ xưa đã có hoạn quan. “Hoạn quan” chỉ là danh xưng chỉ chung những quan viên phục dịch, hầu hạ hoàng đế và gia tộc trong hoàng cung. Cho đến đầu đời nhà Đông Hán, khi Lưu Tú quang phục lại Hán thất, mới ban lệnh hoạn quan tất yếu phải là người đàn ông bị thiến. Trước đó, thời Hán Võ Đế, năm 99 trước Công nguyên, khi Lý Lăng thua trận đầu hàng Hung Nô, Tư Mã Thiên vì bênh vực Lý Lăng mà bị thiến và tuy là người bị thiến nhưng Tư Mã Thiên không phải là hoạn quan.
Từ ngữ “thái giám” xuất hiện sớm nhất vào đời Đường Cao Tông Lý Trị năm Long Sóc nhị niên, tức năm 662, khi đem thay đổi danh xưng “Điện trung tỉnh”, cơ cấu chuyên lo việc xa giá, y phục trong hoàng cung thành “Trung ngự phủ”, và cải “Giám thành trung ngự” thành “thái giám” và “thiếu giám”.
Đến đầu đời nhà Minh thiết lập “Nhị thập tứ nha môn”, mỗi nha môn đặt ra một thái giám giữ ấn tín phục dịch hoàng đế cùng gia thuộc, và người được giữ chức thái giám tất yếu phải là hoạn quan. Từ đấy “thái giám” thành danh xưng chuyên chỉ hoạn quan. Đến giữa thời kỳ nhà Minh, quyền thế của thái giám được mở rộng thêm ra. Thái giám có quyền làm sứ giả, trông coi quân đội, coi xét quan lại, dân tình nên trở thành lộng quyền.
Đến đời nhà Thanh, xét thấy sự chuyên hoành và tệ hại của thái giám mới đặt ra chức “Tổng quản Thái giám” làm thủ lĩnh, lệ thuộc vào “Nội vụ phủ” và giới hạn tước vị đến “tứ phẩm” để nhằm làm giảm quyền lực của thái giám.
Hệ thống thái giám chính thức cáo chung vào ngày 5/11/1924, thời điểm hoàng đế Phổ Nghi bị đuổi ra khỏi Tử Cấm Thành. Tính ra ông vua cuối cùng của Trung Quốc được sống trong nhà mình thêm 12 năm tính từ lúc cuộc cách mạng Tân Hợi lật đổ nhà Mãn Thanh năm 1912.
Nhìn chung, có 4 cách đàn ông Trung Quốc thời xưa trở thành thái giám. Một là bị gia đình ép buộc, bán cho triều đình lúc còn nhỏ; hai là nghèo đói không còn lựa chọn; ba là tự nguyện với hy vọng có cuộc sống sung sướng hơn; và bốn là các phạm nhân, thay vì chịu án tử thì đổi lại thành “thiến”.
Quá trình “tịnh thân” đầy đau đớn
Thời cổ đại, có hai nơi chuyên phẫu thuật tịnh thân cho nam giới là “Nội vụ phủ” trong cung và “Cơ sở chuyên tịnh thân” bên ngoài. Dưới triều Thanh, “Thận Hình Ti” là tên gọi để chỉ bộ phận trong cung chuyên thực hiện quá trình này.
Tịnh sư là tên gọi của những người hành nghề tịnh thân. Đây là nghề hái ra tiền bởi quá trình thực hiện vô cùng đau đớn và tỉ lệ tử vong rất cao, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Trước khi bắt đầu, người tịnh thân và tịnh sư sẽ phải ký một bản cam kết trước sự có mặt của người làm chứng. Bản cam kết sẽ ghi rõ người tịnh thân hoàn toàn tự nguyện, bất chấp mọi rủi ro hay tử vong sau tịnh thân. Người tịnh thân cũng phải nộp một khoản phí nhất định. Đa số những người này đều xuất thân nhà nghèo nên phải xin trả dần từng năm sau khi nhập cung.
Quá trình hoạn cũng thật công phu và tỉ mỉ. Quá trình tịnh thân đòi hỏi phải chọn lựa thời tiết bởi nền y học cổ đại còn khá kém, chưa tìm ra loại thuốc sát trùng hiệu quả. Chính vì vậy, người ta thường tiến hành quá trình này vào cuối xuân đầu hạ, khi mà khí hậu ôn hòa và gần như không có ruồi muỗi.
Trước đó, người tịnh thân sẽ được nhốt vào một căn phòng kín gió, không được ăn uống gì để tránh đại tiểu tiện gây nhiễm trùng.
Giai đoạn đầu tiên của quá trình này được gọi là “yêm cát”, sử dụng “yêm đao” có lưỡi cong làm bằng vàng và đồng để tránh nhiễm trùng. Quá trình này sẽ gồm 3 người thực hiện: tịnh thân sư và 2 trợ lý. Người tịnh thân sẽ bị bịt kín mắt, trói chặt chân tay, đồng thời được giữ chặt bởi 2 người hỗ trợ tịnh sư, nhằm tránh trường hợp khổ chủ vì quá đau mà giãy giụa, khiến máu chảy không cầm được và mất mạng.
Vào đời nhà Thanh, người tịnh thân còn bị dùng gậy trúc đánh vào phần thân dưới cho mất cảm giác, đồng thời nhét trứng luộc bóc vỏ hoặc giẻ vào miệng để tránh việc đau quá mà cắn phải lưỡi.
Tiếp đến, bộ phận sinh dục của người tịnh thân sẽ được rửa và ngâm trong canh ớt. Tiếp sau đó, tịnh sư sẽ cầm tất tật mọi thứ: dương vật, bìu… gọn lỏn trong tay trái, và rồi tất cả sẽ biến mất chỉ sau một nhát dao “phực” thật ngọt. Cuối cùng, đao phủ sẽ dùng nút đúc bằng sáp trắng, ấn vào nơi trước kia là niềm tự hào của các nam nhân rồi băng bó lại.
Trong vòng 3 ngày, người tịnh thân sẽ không được ăn uống gì để tránh nhiễm trùng. Hết khoảng thời gian này sẽ tháo băng, và nếu thái giám đi tiểu bình thường được tức là đã “hoạn” thành công. Còn không, tức là đường sinh thực khí đã bị thu hẹp hay bịt kín, và người này chỉ còn nước chờ chết.
Do cơ quan sinh dục vẫn có khả năng phát triển hoặc mọc dài ra, thái giám sau khi nhập cung sẽ được kiểm tra cơ thể mỗi năm một lần. Quá trình này được gọi là kiểm tịnh. Không ít thái giám có mùi khai trên người do tịnh thân chưa chuẩn, khiến nước tiểu rỉ ra.
Sau ca mổ, ba món “bảo bối” – tức hai tinh hoàn và dương vật của tân thái giám, sẽ được trữ trong một cái bình niêm phong đặt trên kệ cao. Điều này có hai lý do quan trọng.
Thứ nhất, mỗi khi thái giám được thăng chức, anh ta phải vượt qua bài kiểm tra nghiêm ngặt, và điều này bất khả thi nếu thiếu “bảo bối”. Bài kiểm tra là cơ hội để mấy tay thầy lang kiếm chác, vì lắm khi bệnh nhân quên mất việc thu hồi “bảo bối” sau ca mổ. “Bảo bối” thậm chí có thể mượn, mua hoặc thuê bằng tiền.
Thứ hai, khi thái giám chết, anh ta mong được chôn chung với “bảo bối”. Nếu bị thất lạc, anh ta sẽ tìm mọi cách để có được cái khác. Thái giám muốn chết một cách “vẹn toàn”, vì chỉ có vậy anh ta mới đầu thai trở lại làm đàn ông ở kiếp sau.
Người Hoa cổ tin rằng Diêm Vương sẽ biến kẻ nào mất “của quý” thành con la cái. Đó là tại sao thái giám sợ mất “bảo bối” đến vậy.
Theo nghiên cứu về thái giám Trung Hoa công bố năm 1877 của học giả phương Tây G. Carter Stent, việc mất đi bộ phận sinh dục ảnh hưởng đến tính cách và khiến thái giám trông già hơn tuổi. Họ dễ bị xúc động mạnh, bao gồm nóng giận mất kiểm soát. Họ cũng sẽ không lộ yết hầu, giọng nói lảnh lót, cử chỉ động tác như đàn bà. Và họ không còn kiểm soát được bàng quang nên thường hay “đái dầm”. Người Hoa có câu “hôi như thái giám” cũng do đây mà ra.
Hoạn quan: Kẻ làm sụp đổ cả một vương triều, người tìm ra một trong tứ đại phát minh Trung Hoa
Hoạn quan vốn chỉ là quan trong nội đình, không có quyền can dự chính sự, nhưng là người hầu cận thường ngày gần nhất của hoàng đế, được hoàng đế tin dùng, nên có khả năng lộng quyền, nắm được đại quyền chính trị, thậm chí có thể phế lập hoàng đế. Dưới các triều Đông Hán, Đường, Minh đều từng xảy ra những việc hoạn quan chuyên quyền làm bậy.
Dù bị tước đi khả năng tự lập cho mình một vương triều tập quyền (không có con nối dõi), nhưng một số hoạn quan trở nên tha hóa, biến thành những con người tham lam, tàn nhẫn và gian hiểm. Trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc, hoạn quan thường là những vai phản diện. Rất nhiều gian thần hoạn quan có thể tìm thấy trong lịch sử Trung Quốc.
Sự sụp đổ của triều Tần (221-206 TCN) dưới tay hoạn quan Triệu Cao là một ví dụ. Theo như sử sách chép lại, Triệu Cao xuất thân trong một gia đình quý tộc tông thất nhà Triệu (một trong số 7 nước thời Chiến Quốc). Vì cha mẹ của Triệu Cao phạm pháp, ông cùng với huynh đệ của mình mắc tội liên đới và bị xử cung hình. Triệu Cao vốn giỏi về hình luật và pháp lệnh nên được Tần Thủy Hoàng thu nạp về dưới trướng rồi phong cho chức “Trung xa phủ lệnh”. Dần dần, Triệu Cao trở thành một trong những cận thần thân tín của hoàng đế. Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, Triệu Cao và Thừa tướng Lý Tư đã tiến hành một cuộc chính biến, bức hại thái tử Phù Tô cùng hai tướng quân thân cận của Phù Tô là Mông Điềm và Mông Nghị. Sau đó, Triệu Cao đưa con thứ của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi lên ngôi làm một hoàng đế bù nhìn, tức Tần Nhị Thế.
Chỉ 3 năm sau, một cuộc bạo loạn lớn nổ ra. Triệu Cao nhiều lần giấu nhẹm tin bại trận, không cho Tần Nhị Thế Hồ Hợi biết rõ binh tình. Sau này, khi Lưu Bang và Hạng Vũ hai mặt tiến đánh vào Quan Trung, vì sợ tội, Triệu Cao đã bức Tần Nhị Thế phải tự sát.
Nhị Thế chết rồi, Triệu Cao lại lập Tử Anh lên làm hoàng đế mới. Tử Anh biết rõ mình chỉ là con rối trong tay Triệu Cao và sẽ sớm bị phế bỏ một khi không còn giá trị lợi dụng. Tử Anh lập mưu giết chết Triệu Cao. Nhưng các cuộc nổi dậy đã không còn có thể dập tắt được nữa. Tử Anh đầu hàng Lưu Bang, người mở cơ nghiệp cho triều Hán sau này. Chỉ 3 năm sau ngày Tần Thủy Hoàng băng hà, dưới tay Triệu Cao, cơ nghiệp nhà Tần đã mau chóng sụp đổ.
Dù trong lịch sử, hoạn quan nổi tiếng quỷ quyệt tuy nhiên không phải tất cả đều xấu xa, một số thậm chí còn đóng góp rất lớn cho văn hóa Trung nguyên. Giấy, một trong bốn phát minh vĩ đại của con người do thái giám Thái Luân dưới thời Đông Hán làm ra. Ngoài ra, Trịnh Hòa, một vị thái giám phục vụ dưới thời vua Minh Thành Tổ, đã chỉ huy các đoàn tàu thương lái di chuyển đến các khu vực như Đông Nam Á, Ấn Độ, Ả Rập, Ba Tư và Đông Phi, sớm kết nối thương mại Trung Quốc với các khu vực này.
Các thái giám còn đóng góp cho âm nhạc. Các thái giám thời nhà Minh còn được công nhận là những người Trung Quốc đầu tiên chơi nhạc cổ điển phương Tây. Hoàng đế Càn Long thời nhà Thanh còn lập một dàn nhạc thính phòng bao gồm các hoạ sĩ mặc âu phục và đội tóc giả.
Nhan nhản chuyện thái giám “làm bậy”
Theo lẽ thường, sau khi bị thiến, khả năng sinh dục của những người này bị cắt đứt, buộc họ phải dứt bỏ những hành vi gắn với dục vọng. Vậy nhưng, lịch sử Trung Hoa vẫn ghi nhận không ít trường hợp các thái giám “không an phận” mà làm nên những chuyện đồi bại, biến thái.
Vào những năm Gia Tĩnh, Minh triều từng xảy ra vụ việc hoạn quan Lưu Quang Vinh có hành vi tư thông với nhiều cung nữ. Sau khi sự tình bại lộ, thái giám họ Lưu này bị Hoàng đế thẳng tay bãi quan.
Khi Minh Hi Tông còn tại vị, ba kẻ hoạn quan là Ngụy Trung Hiền, Triệu Tiến Kinh, Từ Ứng Nguyên từng thông đồng với nhau gây nên nhiều hành vi đồi bại trong cung đình. Thậm chí, Ngụy Trung Hiền cùng một thái giám khác là Ngụy Triệu Đồng còn tư thông với nhũ mẫu của Hoàng đế, gây ra tai tiếng khuấy đảo chốn cung đình lúc bấy giờ. Chưa dừng lại ở đó, những kẻ hoạn quan không an phận này còn gây ra chuyện tày trời khiến bàn dân thiên hạ “giận sôi máu”. Đó chính là hành vi cưỡng hiếp phụ nữ.
Theo các tài liệu lịch sử ghi chép, vào cuối những năm Hồng Vũ, vị quan tên là Thạch Doãn nhận nhiệm vụ tuần tra tại Hà Nam. Có lần, Thạch Doãn cải trang thành thường dân đi vi hành. Tới một ngôi nhà, ông nghe thấy tiếng khóc bi ai vọng ra. Sau khi điều tra, Thạch Doãn mới biết rằng con gái nhà ấy bị một hoạn quan cưỡng gian, vì nhục nhã nên đã tự sát. Biết rõ chân tướng vụ việc, vị quan họ Thạch ấy dâng tấu lên nhà vua. Đọc được tấu chương này, Hoàng đế Chu Nguyên Chương vô cùng tức giận, đã hạ lệnh phán tội chết cho tên hoạn quan kia.
Vào năm Cảnh Thái nguyên niên (1450), Đại đồng Hữu Tham tướng Hứa Quý dâng tấu lên nhà vua, tố cáo Thái giám phụ trách việc giám quân là Vi Lực Chuyển cậy thế cưỡng gian thê tử của một vị quan quân. Vì người thiếu phụ này phản kháng, Vi Lực Chuyển đã “giận cá chém thớt”, kiếm cớ trách phạt và đẩy vị quan quân kia vào chỗ chết. Lúc ấy, Minh Đại Tông Chu Kỳ Ngọc tra hỏi Tuần án Ngự sử thì quả nhiên thấy có chuyện như vậy. Thậm chí, hoạn quan họ Vi này còn không từ thủ đoạn với cả người thân trong nhà. Sinh thời, Lực Chuyển có nhận một người con trai nuôi. Nhưng vì vừa mắt với thê tử của con mình, Vi Lực Chuyển đã làm chuyện đồi bại, thậm chí còn thẳng tay hại chết con nuôi để chiếm đoạt con dâu sau khi sự việc bị bại lộ. Năm Thuận Thiên nguyên niên, Công bộ Hữu Thị Lang Hoắc Tuyên Hiệu lại dâng tấu hạch tội Vi Lực Chuyển. Tấu chương vạch rõ: Hoạn quan họ Vi này mỗi khi tổ chức yến tiệc đều tìm kỹ nữ đến bồi rượu, vui thú, sau đó còn nhiều lần ép các quan quân phải gả con gái cho mình. Minh Anh Tông nghe xong liền vô cùng tức giận, lập tức sai người bắt Vi Lực Chuyển trừng trị theo pháp luật.
Những sự việc trên hẳn sẽ khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, thái giám là những kẻ đã mất đi khả năng quan hệ nam nữ, sao có thể phạm tội cưỡng gian?
Đi sâu vào quá trình “tịnh thân” của các thái giám, ta có thể thấy rõ, vào thời cổ đại, trong cung có hai cách để thiến các nam tử. Cách thứ nhất là cắt bỏ toàn bộ dương vật. Cách thứ hai là cắt bỏ hoặc bóp nát tinh hoàn. Trong số đó, việc loại bỏ tinh hoàn được sử dụng phổ biến hơn cả. Khi cơ quan này bị “vô hiệu hóa”, đàn ông sẽ mất đi khả năng phát dục, dương vật cũng không thể cương, năng lực tình dục cũng vì vậy mà “tiêu biến”.
Vậy nhưng, các thái giám vẫn sử dụng “ngọc hành” (dương vật) đã trở nên vô dụng để “đùa bỡn” phụ nữ. Tuy nhiên, việc sở hữu cơ quan sinh dục bị khiếm khuyết khiến quan hệ nam nữ của các hoạn quan không thể diễn ra theo phương pháp thông thường.
Sự thỏa mãn về mặt sinh lý của họ cũng chỉ có thể dừng lại ở mức độ đụng chạm thân thể hoặc dùng các dụng cụ khác để “vũ nhục” đối phương. Chưa dừng lại ở đó, có một số thái giám còn sở hữu khả năng “hồi xuân”. Vì nhiều lý do khác nhau, một vài hoạn quan được nhân nhượng bằng cách thiến “hông triệt để”, hoặc sử dụng thủ thuật khiến dương vật tạm thời teo lại để che mắt người ngoài. Đối với các trường hợp hi hữu này, chức năng của dương vật rất có khả năng khôi phục trở lại, nhu cầu về mặt sinh lý cũng theo đó mà phát sinh.
Theo một số nguồn sử liệu Trung Hoa, những sự việc như vậy quả thực đã từng được ghi nhận. Cuốn “Tảo lâm tạp trở” thời nhà Minh khẳng định thái giám Ngụy Trung Hiền sở hữu khả năng khiến “ngọc hành sống lại”. Đến thời nhà Thanh, hoạn quan Tiểu Đức Trương được miêu tả là người “có hứng thú đặc biệt với phụ nữ”, thậm chí còn cưới tới mấy người vợ.
Ngay cả khi có khả năng “hồi xuân”, nhưng hầu hết các thái giám đều mang tâm lý méo mó, biến thái do nhu cầu sinh lý bị đè nén, lại thêm ánh mắt kỳ thị từ phía dư luận. Cũng bởi vậy mà những hành vi vũ nhục, cưỡng gian của những kẻ không an phận này đều hết sức đáng sợ, tàn nhẫn.
Hoạn quan lấy vợ là chuyện không hiếm
Căn cứ theo ghi chép của nhà sử học, Đông Hán, Đường và Minh là ba thời kỳ chịu ảnh hưởng lớn nhất của hoạn quan. Trong số đó, căn theo ghi chép trong sách sử, ngay từ thời Hán Thành Đế, việc hoạn quan lấy vợ đã rất phổ biến.
Đến thời Hán Hoàn Đế, những hoạn quan như Đan Siêu, Đường Hoành, Từ Hoàng được phong làm Ngũ hầu, họ cũng công khai lấy vợ. Từ đó có thể thấy, vào thời nhà Hán, việc hoạn quan lấy vợ đã vô cùng phổ biến.
Vào thời nhà Đường, hoạn quan càng gây hại, không những sống xa hoa lãng phí, còn chọn dùng người thân của mình vào việc công.
Ở giai đoạn sau ở nhà Đường, bởi hoàng đế quá mức ngu dốt, bỏ bê triều chính, khiến hoạn quan nắm được quyền thế, vậy nên hoạn quan không những ngang nhiên lấy vợ, còn cố tình nâng đỡ nhà vợ.
Vào thời Đường Huyền Tông, hiện tượng này khá rõ ràng. Khi ấy, hoạn quan Cao Lực Sĩ rất được hoàng đế sủng ái. Sau khi lấy con gái một quan nhỏ phụ trách văn thư tên là Lã Huyền Ngộ, Cao Lực Sĩ bắt đầu cất nhắc cha vợ mình một cách trắng trợn, đề bạt ông ta làm Thiếu khanh. Khi mẹ vợ của Cao Lực Sĩ qua đời, lễ tang cũng muôn phần long trọng. Các quan lớn trong triều ào ào đích thân tới chia buồn, cảnh tượng hết sức rầm rộ, từ đó có thể thấy được địa vị của hoạn quan vào thời nhà Đường cao tới mức nào.
Mãi cho tới thời nhà Tống, hiện tượng hoạn quan lấy vợ mới giảm thiểu rõ ràng, bởi vì vào thời nhà Tống, hoàng đế đã rút ra bài học kinh nghiệm từ việc hoạn quan gây hại trong giai đoạn cuối nhà Đường, cho nên đã tăng cường quản lý đối với hoạn quan, mặc dù vẫn có một số hoạn quan lấy vợ, thế nhưng số lượng rất ít, gần như không có ghi chép trong sử sách.
Thế nhưng, thời nhà Minh, tình trạng hoạn quan lộng quyền diễn ra vô cùng nghiêm trọng, vì thế hoạn quan lấy vợ đã là chuyện thường tình. Vào giai đoạn đầu của nhà Minh, Minh Thái Tổ có quy định rõ ràng rằng hoạn quan không được lấy vợ, nếu như có người vi phạm, sẽ phải chịu hình phạt lột da. Tới thời Minh Thành Tổ, bởi vua hết sức sủng ái hoạn quan, cho nên những quy định này cũng dần bị coi nhẹ. Căn cứ theo ghi chép, giai đoạn này đã có rất nhiều hoạn quan lấy vợ, có trường hợp Hoàng đế ban thưởng cho hoạn quan, cũng có trường hợp là do cung nữ và hoạn quan cùng sống trong hoàng cung lâu ngày nên nảy sinh tình cảm, đa số những cung nữ này sau khi được xuất cung cũng đều gả cho những thái giám ấy.
Ở Trung Quốc có cụm từ “đối thực” dùng để chỉ chuyện vợ chồng giữa cung nữ và thám giám (ban đầu dùng để mô tả hành vi đồng tính luyến ái nữ giữa các cung nữ).
Tới thời nhà Thanh, vào giai đoạn đầu, bởi quy định vô cùng nghiêm khắc, thế nên chuyện hoạn quan lấy vợ rất hiếm thấy, nhưng tới giai đoạn giữa và sau đã xuất hiện rất nhiều hoạn quan lấy vợ nuôi con.
Theo lời kể của một thái giám tên Tôn Diệu Đình, ông nói rằng ở trong hoàng cung (thời nhà Thanh), gần như mỗi một thái giám đều sẽ có nhân tình, ai không có nhân tình sẽ bị chê cười.
Từ đó có thể thấy, vào giai đoạn cuối của nhà Thanh, chuyện thái giám lấy vợ cũng hết sức phổ biến.
Cả đời tận tuỵ hầu hạ chủ nhân, lúc nghỉ hưu chật vật tìm chốn dung thân
Thời phong kiến ở Trung Quốc, việc trở thành thái giám được coi là điều xấu hổ, có lỗi với tổ tiên, và gia đình thường không muốn chấp nhận họ. Bởi vậy khi qua đời, họ cũng không được chôn cất trong phần mộ của tổ tiên.
Đối với những thái giám có tên tuổi như Lý Liên Anh (thái giám triều đại nhà Thanh thế kỷ XIX, là người thân cận và tâm phúc của Từ Hi Thái hậu) sẽ không phải đau đầu vì việc dưỡng già. Bởi họ có nhiều cơ hội kiếm được tiền, xây vương phủ tráng lệ như một cung điện cho riêng mình ở Bắc Kinh, sống một cuộc sống xa hoa, ăn chơi sa đọa.
Nhưng những nhân vật như vậy không có nhiều, phần lớn thái giám sẽ gặp khó khăn trong việc dưỡng lão khi về già. Sau khi “nghỉ hưu” thường thì họ sẽ chọn ở chùa, bởi chỉ có ở nơi đó họ mới được chấp nhận.
Các thái giám sau khi rời cung cũng thành lập một tổ chức tương trợ, gọi là “Hiệp hội dưỡng lão”, có thể coi là một nhóm dành cho các thái giám cao tuổi. Họ thiết lập mối quan hệ thân thiết với nhà chùa bằng cách quyên góp tiền bạc, để có cơ hội có chốn dung thân sau khi nghỉ hưu. Ngoài ra, Hiệp hội dưỡng lão còn đầu tư mua đất, xây dựng đình chùa làm nơi trú ngụ cho các thái giám, gọi là “miếu thái giám”. Theo thống kê, vào cuối triều đại nhà Thanh, có 26 ngôi miếu thái giám trong và ngoài thành phố Bắc Kinh.
Các hoạn quan thời nhà Thanh khi còn trẻ đã phải chuẩn bị cho việc dưỡng lão. Đầu tiên, họ cần tích lũy tài sản, sau đó đi quyên góp cho Hiệp hội dưỡng lão thì mới có đủ tư cách tham gia hiệp hội này, và khi về già có thể yên tâm rời khỏi chốn cung đình. Chẳng hạn như Thôi Ngọc Quý, đại thái giám thân cận của Từ Hi Thái hậu đã hiến 680 mẫu đất. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1908, ông sống trong đền và mất tại đó.
Ngoài ra, những thái giám nghèo không tiết kiệm được tiền bạc thì chỉ có thể sống lang thang, ăn xin sống tạm bợ qua ngày cho đến khi chết vì đói.
Bên cạnh đó, thái giám nên đến chùa khi còn trẻ để bái kiến các nhà sư, đạo sĩ làm thầy, quyên góp tiền tu sửa chùa, để sau khi rời cung có thể chuyển về đó. Tiêu biểu nhất trong việc trên là thái giám Lưu Đa Sinh (thái giám thân cận của Hàm Phong Đế). Thái giám Lưu Đa Sinh về sau quyên góp để sửa chữa và xây dựng 20 ngôi đền cho thái giám, đồng thời còn mua hơn 2.600 mẫu đất.
Thời phong kiến, thái giám là những người tuy phục vụ trong cung mấy chục năm nhưng về già lại không được coi trọng. Do đó, thời trẻ họ phải tích lũy tài sản, mua nhà tậu đất, thăm nom sư thầy để có chốn nương thân khi nghỉ hưu.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành “liều thuốc” kích thích bất kỳ khách du lịch nước ngoài nào. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc nhé!